Bạn có bao giờ bạn rơi vào tình huống dành cả đêm để an ủi người bạn thân vừa cãi nhau “long trời lở đất” với người yêu, thậm chí đã quyết liệt đường ai nấy đi. Nhưng chẳng lâu sau, bạn lại thấy hai người tay trong tay như chưa từng có cuộc chia ly. Đây cũng là tâm lý thường thấy trong một "mối quan hệ vòng lặp" mang tên "hiệu ứng boomerang".
Hiệu ứng boomerang trong tình yêu là gì?
Một mối quan hệ “vòng lặp” thường sẽ có dấu hiệu sau (1):
Một người luôn quan tâm đối phương. Đặt tình yêu lên trên tất cả, hết lòng với người thương.
Người còn lại thường ưu tiên những vấn đề khác của cuộc sống cá nhân hơn là sự cam kết của cả hai trong mối quan hệ.
Cả hai sẽ thiếu sự cân bằng trong tình yêu, khi thì quá nhiệt tình, khi lại rất thờ ơ.
Một người cho quá nhiều, người còn lại chỉ thụ hưởng.
Bên cạnh đó, mối quan hệ này thường có sự xuất hiện của các hành vi gây hấn thụ động [passive-agressive ehavior]. Người không (có ý định) cam kết thường kiểm soát và dựa vào việc được yêu thương nên cứ lấn tới, họ thường gây gổ một cách gián tiếp với người yêu, lợi dụng sự bất an của đối phương mà gây ra hành vi “thao túng tâm lý” (gaslight).
Những lý do phổ biến của vòng lặp "chia tay - quay lại"
1. Tính cách không hợp: Lý do chia tay phổ biến nhất từ xưa đến nay có lẽ 80% đều là "không hợp". Không thiếu những trường hợp chỉ vì muốn “ghi điểm” trong mắt đối phương mà nhiều người cố tỏ ra bản thân là một phiên bản khác trong giai đoạn tìm hiểu, hẹn hò. Lâu dần, những mâu thuẫn dễ dàng phát sinh chỉ vì đối phương thay đổi, không còn nhẹ nhàng, dịu dàng, chiều ý người kia như trước. Đến khi vỡ mộng, chúng ta mới vỡ lẽ nhận ra đó mới chính là con người thật của "người yêu trong mộng".
2. Có nhiều sự khác biệt (như tôn giáo, khoảng cách địa lý, trình độ văn hóa, hoàn cảnh gia đình): Sống bên cạnh nhau, chỉ tình yêu thôi là chưa đủ. Con người luôn gắn liền với xã hội, nếu cả hai có nhiều sự khác biệt về gia đình hoặc về cách suy nghĩ ứng xử thì cũng khó thể hòa hợp. Không tìm được cách đối thoại hợp lý và lành mạnh trong tình yêu cũng là nguyên nhân gây ra đỗ vỡ nhiều nhất.
3. Thách thức khó khăn trong cuộc sống: Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ chỉ vì căng thẳng và mệt mỏi bởi áp lực công việc, mất cân bằng giữa đời sống công sở và cá nhân nên quyết định "chọn thất tình, thay vì thất nghiệp". Đến khi những khó khăn qua đi, họ có vẻ vững vàng hơn cho mối quan hệ đó và mong muốn trở lại (2).
4. Không biết mình muốn gì: Đây cũng là một vấn đề phổ biến nhất của việc yêu đi yêu lại. Chính bản thân họ cũng không biết có còn yêu hay không, có còn muốn đồng hành không, nhưng sự mất mát tình cảm khiến họ không chịu được. Bỏ thì thương – vương thì tội chính là dành cho trường hợp này.
5. Một trong hai người có mong muốn hoặc luôn tơ tưởng về việc hẹn hò với một hình mẫu hoặc một người nào đó khác: Và sau khi chia tay họ nhận ra rằng có lẽ mong muốn tìm được người khác có lẽ không hề vui vẻ cho lắm, thế là họ lại quay về bên nhau.
Không giống với những mối quan hệ khác khi mà người ta chia tay, tất cả sẽ chấm dứt và cả hai đều sống tiếp và sống tốt cuộc đời của riêng mình. Ở mối quan hệ boomerang, nó dường như không có kết thúc. Dù ai là người đề nghị chia tay thì cả hai vẫn tin rằng chẳng mấy chốc mối quan hệ sẽ vẫn được tiếp tục.
Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Social Psychological and Personality Science (Tâm lý xã hội và khoa học nhân cách), các nhà nghiên cứu từ Đại học Utah và đại học Toronto đã đặt câu hỏi cho những người tham gia rằng: Tại sao họ lại muốn ở lại hoặc rời bỏ một mối quan hệ?
Một trong những câu trả lời phổ biến nhất được những người ở lại trả lời rằng: “Họ hi vọng người kia sẽ thay đổi”, họ nghĩ đến những gì đã đầu tư và bỏ sức vun vén cho mối quan hệ, và sợ hãi những điều không biết trước được khi cuộc sống thiếu vắng người kia. Thậm chí, có đến 66% người tham gia trả lời rằng họ muốn ở lại vì đã phát triển khá nhiều tình cảm thân mật và cả mức độ phụ thuộc vào đối phương trong thời gian yêu nhau.
Trái lại, người muốn rời đi trả lời rằng họ muốn chia tay vì sự xa cách về mặt tình cảm, họ không có lòng tin, hoặc cảm thấy cả hai không phải là người phù hợp dành cho nhau (ví dụ như thường xuyên mâu thuẫn hoặc tranh cãi, bất đồng quan điểm). Và có đến hơn 1/3 người tham gia (38%) rời đi vì vấn đề lòng chung thuỷ. Bất chấp sự hỗn loại trong cảm xúc và những mặt tiêu cực mà họ cảm nhận được từ mối quan hệ, hơn phân nửa số người tham gia có xu hướng rời bỏ tình yêu đều nói rằng họ vẫn có cảm xúc lẫn lộn và bối rối về quyết định chia tay của mình.
Nếu mối quan hệ giữa bạn và người đó không khiến bạn hạnh phúc ngay từ lần đầu tiên chia tay, ắt hẳn cần phải có điều gì đó thay đổi mới có thể khiến mối quan hệ tiến triển ở lần quay lại sau đó. Nếu hai người vẫn trở lại với nhau dù mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết, thì vấn đề đã khiến cả hai mâu thuẫn sẽ tiếp tục xuất hiện và hậu quả sẽ luôn lặp lại. Nếu bạn tin vào câu “tình cũ không rủ cũng tới” thì hãy chắc chắn rằng cả hai bạn đều có mong muốn được cùng phát triển bản thân, cùng thấu hiểu và thay đổi vì đối phương để khắc phục nguyên nhân dẫn đến lần chia tay đầu tiên (3).
Làm thế nào nếu rơi vào mối quan hệ boomerang?
Thấu hiểu tường tận mong muốn của bản thân: "Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng". Bạn phải hiểu rõ bản thân mong mỏi điều gì ở một mối quan hệ, tiêu chí chọn người yêu hoặc bạn đời là gì? Đâu là giới hạn của mối quan hệ, cả hai có thật sự đang nhìn về một hướng, bạn đã thật sự yêu đậm sâu hay chỉ là cảm xúc quen thuộc… Khi đã hiểu được mong mỏi của bản thân, bạn sẽ không còn phải tự vấn: Liệu có sai lầm hay không khi chia tay với anh ấy/cô ấy?
Nói rõ ràng với nhau về những vấn đề đã xảy ra: Chỉ vì sợ hãi nên người ta có xu hướng né tránh tất thảy các vấn đề nếu đó là điều tiêu cực. Cố phớt lờ không phải lúc nào cũng tốt. Nếu bạn bất an trong mối quan hệ chỉ vì anh ấy có nhiều mối quan hệ xung quanh, bạn cần phải bộc bạch và chia sẻ để anh ấy hiểu được mong muốn của mình. Và nếu đối phương cũng trân quý bạn, thì họ sẽ tự biết cách giữ khoảng cách với người khác phái khi không cần thiết. Nếu chỉ vì sợ sẽ lại chia tay mà không dám nói thật điều mình lo sợ, thì đó không phải là tình yêu, mà là sự cam chịu, nhún nhường và cầu xin thương hại.
Chia sẻ về những gì bạn học được từ khi chia tay: Mỗi người là một cá thể riêng biệt, có cách nhìn khác nhau về cuộc sống. Trên phương diện tình cảm cũng thế, không ai là giống ai, nên để tránh việc quay lại rồi chia tay, bạn cần phải bộc bạch hết những gì bản thân nhận thấy kể từ khi cả hai không đi chung đường nữa, và cũng dành thời gian tìm hiểu về mong muốn của đối phương như thế nào. Từ đó, dễ xác định được đích đến của cả hai có thật sự phù hợp không, hay lại là cảm xúc nhất thời (4).
Không nên mong đợi quá nhiều ở "nửa kia": Nhiều người cảm thấy cuộc sống quá tăm tối, quá trống rỗng, nhiều người cảm thấy cần tìm kiếm một “mảnh ghép” phù hợp. Họ hy vọng một người yêu, một mối quan hệ sẽ mang đến hạnh phúc, niềm vui và nghĩ rằng tình yêu sẽ thay họ lấp đầy khoảng trống thênh thang cô độc trong tâm hồn. Thế nhưng, không ai có đủ thì giờ để sống thay cuộc đời của bạn, quan tâm, chăm sóc cho bạn như chính bản thân họ. Nên việc chờ mong nhiều khiến cho bạn dễ rơi vào tình huống thất vọng.
Có rất nhiều lý do để quay lại với người yêu cũ. Nhưng không phải lúc nào yêu lại từ đầu cũng hiệu quả. Đa phần những lần chia tay sau này cũng lặp lại những mâu thuẫn cũ. Thế nên, trước khi quyết định việc đi hay ở, bạn cũng cần phải hiểu rõ được chính bản thân mình. Cảm giác cô đơn ai rồi cũng trải qua và chọn lựa luôn là một phần của cuộc đời. Cho nhau cơ hội hay cho nhau lối đi riêng đều có những điểm tốt và chưa tốt. Quan trọng là bạn chấp nhận được những điều đó hay không. Nếu quay lại, hãy dành thời gian tìm hiểu và cải thiện các vấn đề đã xảy ra của cả hai. Nếu kết thúc, hãy quyết đoán. Bởi vì cuộc tình nào cũng chỉ nên khóc một lần thôi.
Bài viết rất sâu sắc, người viết chắc hẳn là có một đời sống tình cảm phong phú lắm <3