top of page
Tìm kiếm

Nghiên cứu mới về cà phê: Muốn khỏe có nên uống vài tách mỗi ngày?

Từ trước đến nay, phần lớn chuyên gia y tế thường khuyên các bệnh nhân tim mạch tránh việc tiêu thụ cà phê. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã khám phá ra rằng uống khoảng 2-3 tách cà phê mỗi ngày (dù là cà phê hòa tan, cà phê rang xay hoặc cà phê đã khử caffeine) đều có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm tỷ lệ tử vong sớm.



Những ý kiến trái chiều về công dụng của cà phê


Có hơn 75% chuyên gia đã từng khuyến khích bệnh nhân tim mạch tránh uống cà phê (1). Thế nhưng quan sát mới đây lại thách thức quan niệm cũ kỹ này bằng cách chứng minh sự an toàn và có lợi của việc tiêu thụ caffeine đối với chứng rối loạn nhịp tim và các bệnh tim mạch khác (2). Chính vì có nhiều mâu thuẫn về tác dụng của caffeine đối với sức khỏe con người, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Baker Heart and Diabetes ở Úc đã tiến hành quan sát và kết luận rằng:


Tiêu thụ cà phê hòa tan, cà phê rang xay và cà phê không chứa caffein, đặc biệt là 2-3 tách mỗi ngày, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong, cụ thể là các bệnh tim mạch vành, suy tim sung huyết và đột quỵ. Tuy nhiên, chỉ cà phê có chứa caffeine (rang xay và hòa tan) mới làm giảm nguy cơ của hội chứng nhịp tim không đều (còn gọi là rối loạn nhịp tim). Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng cà phê đã khử caffeine không làm giảm nguy cơ này.


Chế độ ăn uống lành mạnh không thể thiếu cà phê?


Nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu từ Ngân hàng Biobank của Vương quốc Anh. Đối tượng bao gồm 450.000 người trưởng thành (tuổi từ 40-69) thích tiêu thụ cà phê và không có vấn đề về tim mạch khi bắt đầu tham gia khảo sát. Các nhà khoa học đã theo dõi tình trạng sức khỏe của họ trong vòng 12,5 năm, sau đó xem xét hồ sơ y tế và tử vong để tìm các báo cáo về rối loạn nhịp tim, bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong.


Sau khi đã cân chỉnh dựa vào tuổi tác, giới tính, thói quen uống rượu, uống trà, các chứng bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ và tình trạng hút thuốc... người ta nhận thấy tất cả các loại cà phê đều có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.


Những người uống 2-3 tách mỗi ngày sẽ có tỷ lệ tử vong giảm nhiều hơn so với những người không uống cà phê. Tỷ lệ giảm tử vong tương ứng lần lượt là: khoảng 27% đối với cà phê rang xay, 14% đối với cà phê không chứa caffeine và 11% đối với cà phê hòa tan (3).


Tác giả nghiên cứu và là người đứng đầu Viện nghiên cứu Baker Heart and Diabetes, Giáo sư Peter Kistler nêu quan điểm như sau: “Cà phê nên được xem là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Không cần ngừng uống khi có các triệu chứng của bệnh tim (như rối loạn nhịp tim), trừ khi chúng ta nhận thấy có mối liên quan nào đó giữa việc uống cà phê và các triệu chứng ấy. Nghiên cứu không cho rằng nếu bạn bị bệnh tim, bạn nên bắt đầu uống cà phê. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, nếu đã là một người thường xuyên uống cà phê, bạn có thể yên tâm vì nó không chỉ an toàn mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của bạn”.


Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng khẳng định một lượng cà phê đen vừa phải (từ 3-5 tách mỗi ngày) được chứng minh là giảm nguy cơ mắc bệnh tim cũng như bệnh Alzheimer, Parkinson, tiểu đường loại 2, bệnh gan và ung thư tuyến tiền liệt (4), (5), (6), (7).


Mặt hạn chế của nghiên cứu


Trong báo cáo của mình, các nhà nghiên cứu cũng xác định rõ một số hạn chế cần lưu ý. Việc tiêu thụ cà phê của những người tham gia đều là tự báo cáo, điều này có thể dẫn đến nhầm lẫn. Những người tham gia chỉ được chọn một loại cà phê trong bảng câu hỏi, nhưng cũng có khả năng họ uống nhiều hơn một loại hằng ngày. Dù nghiên cứu khẳng định mức tiêu thụ cà phê không thay đổi trong quá trình, nhưng một số người cũng có thể uống nhiều hơn theo thời gian.


Hệ thống được sử dụng để theo dõi sức khỏe của người tham gia (ICD) thường dễ bị lỗi đo lường. Vậy nên một số chứng rối loạn nhịp tim (như ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất) có thể không được báo cáo. Cuối cùng, vì hầu hết nhóm người từ dữ liệu Ngân hàng Biobank ở Anh đều là người da trắng, nên các kết luận này không được áp dụng hoàn toàn cho các nhóm dân tộc khác.


Những lợi ích đa dạng khác từ cà phê



Dù có những hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung, đánh giá về cà phê từ các nghiên cứu từ trước vẫn khá khả quan cho sức khỏe con người. Ngoài những lợi ích đã nêu, tiêu thụ cà phê còn giúp chúng ta:

  • Cải thiện tâm trạng và chức năng não: nâng cao sự tỉnh táo, giảm nguy cơ trầm cảm và tự tử (8), (9), (10).

  • Tăng cường trao đổi chất và đốt cháy chất béo (11), (12).

  • Nâng cao hiệu suất khi tập thể dục, cải thiện các cơn co thắt cơ và củng cố khả năng chịu đựng mệt mỏi (13), (14)

  • Giảm nguy cơ tổn thương gan (xơ gan), làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ tử vong sớm (15), (16).

  • Giảm nguy cơ ung thư gan, đại trực tràng và ung thư da (17), (18), (19), (20), (21), (22).

  • Phòng chống bệnh gút (23), (24).

  • Tăng số lượng và hoạt động của các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột (25).


Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) đều cho rằng, tiêu thụ mức 400 mg caffein mỗi ngày là an toàn cho người bình thường (tầm 2-4 tách cà phê) và 200 mg đối với phụ nữ mang thai (26), (27).

Lưu ý, mỗi tách cà phê thông thường chứa khoảng trên dưới 100 mg. Đã có báo cáo về việc quá liều gây tử vong khi uống một lượng 500 mg caffeine cùng một lúc. Do đó, tốt nhất chúng ta nên giới hạn mức caffeine tiêu thụ mỗi lần không quá 200 mg (28), (29).

Comments


bottom of page