top of page
Tìm kiếm

Muốn lãnh đạo kinh doanh, hãy làm học trò của Plato

Như LeLa Journal đã đề cập trong bài Vì sao những doanh nhân trên thế giới lại đang "đổ xô" đi học Triết?, triết gia và doanh nhân có nhiều điểm chung hơn chúng ta tưởng, bởi các nhà lãnh đạo ngày nay đang đi tìm đáp án "cổ đại" cho những câu hỏi của thời "hiện đại". Trong số đó, những bài học của Plato gợi nhắc chúng ta về sự lạc lối tới từ việc tin lầm vào những giả định - một điều vô cùng nguy hiểm trong kinh doanh.


Không chỉ gói gọn trong những triết lý kinh doanh, các nhà lãnh đạo còn có thể ứng dụng triết học vào hành trình xây dựng bản sắc thương hiệu và lãnh đạo doanh nghiệp.



Công ty hay "cái hang của Plato"?


Từ chuyện triết lý trong kinh doanh, chúng ta có thể tiếp tục áp dụng dụ ngôn cái hang của Plato trong môi trường công việc thời nay. Các công ty được xem như một hình thái khác của cái hang tối tăm, nơi chỉ có một nhóm người sinh sống và làm việc. Những người làm việc trong công ty đôi khi khó thể thấy "ánh sáng" bên ngoài, và do đó, bị kiềm chế khả năng phát triển. Khi đó, họ như đang vận hành trong chế độ "tự động" (autopilot), làm việc như một dây chuyền thiếu sáng tạo trong hệ thống máy móc rập khuôn (1). Vai trò của nhà lãnh đạo sẽ giống như người duy nhất thoát ra khỏi cái hang và thấy được sự thật bên ngoài. Nói cách khác, người lãnh đạo cần thách thức những giả định và hướng tới sự thật thông qua Chân, Thiện và Mỹ.


Dụ ngôn của Plato trong bối cảnh công sở hiện đại vẫn giữ nguyên được giá trị trong việc thúc đẩy chúng ta vượt qua các giả định để đi tìm cái Chân, Thiện, Mỹ trong chiến dịch quảng bá, bản sắc thương hiệu và tinh thần lãnh đạo.


Thách thức "Status quo": Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo


Đứng trước "nguyên trạng" (status quo) đó, các lãnh đạo - người sáng lập ra hoặc nắm giữ tiếng nói của thương hiệu - chính là người "tù nhân đầu tiên được khai sáng". Họ nắm thông tin về thị trường, thấy được chân dung khách hàng, cũng như phương hướng có thể lèo lái con thuyền. Vấn đề lớn nhất là cách họ truyền tải những điều đó đến nhân viên – những "tù nhân" vẫn còn mù mờ và chỉ nhìn thấy những cái bóng trong hang – từ đó, giúp đội ngũ nhân sự hiểu được giá trị và tầm nhìn doanh nghiệp.


Để thách thức các giả định sai lầm nhằm dẫn dắt đội ngũ đi tìm "chân lý", dụ ngôn cái hang của Plato cung cấp cho chúng ta sáu công cụ để phát triển về khả năng lãnh đạo hiệu quả (4):

  1. Thách thức các giả định và bao dung những góc nhìn khác biệt.

  2. Học tập liên tục, nhất là tư duy phản biện.

  3. Cân bằng giữa mục tiêu dài hạn và ngắn hạn.

  4. Dẫn dắt bằng sự thấu cảm và nhân đạo.

  5. Thích nghi và chấp nhận thay đổi và xây dựng văn hóa cởi mở, tư duy phát triển.

  6. Giao tiếp hiệu quả.



Vậy các nhà lãnh đạo thành công đã áp dụng sáu công cụ này như thế nào?

  • Vào đầu những năm 2000, Ford Motor đang đối mặt với nhiều khó khăn tài chính và đứng trước bờ vực sụp đổ. Alan Mulally, CEO của công ty vào năm 2006, đã triển khai một chiến lược mới, "đánh mạnh" vào những giả định đã bám rễ sâu trong toàn bộ tổ chức. Ông khuyến khích những cuộc đối thoại mở và giao tiếp minh bạch giữa toàn bộ các cấp bậc trong công ty, đồng thời nuôi dưỡng văn hóa hợp tác và cách tân. Sự chuyển mình đã giúp Ford vượt qua được khủng hoảng và tăng trưởng lợi nhuận.

  • Netflix là một hình mẫu của việc thay đổi cách thức vận hành để đáp ứng và thích nghi với thay đổi của thời cuộc. Nhìn thấy tiềm năng của công nghệ điện toán đám mây, Netflix đã mạnh dạn đi đầu trong lĩnh vực "video streaming" - hình thức xem phim trực tuyến rất phổ biến hiện nay. Netflix vô hình trung đã thay đổi bộ mặt của ngành dịch vụ cho thuê băng DVD. Người dùng bây giờ không còn phải tốn tiền cho từng chiếc DVD mà chỉ cần bỏ ra một khoản phí hàng tháng là có thể tìm xem tất cả bộ phim họ thích.

  • Howard Schultz, cựu CEO của Starbucks, là một trong những nhà lãnh đạo dẫn dắt bằng sự thấu cảm và nhân đạo. Ông ưu tiên sức khỏe của nhân viên, thể hiện qua việc đưa ra những gói phúc lợi tốt như: bảo hiểm sức khỏe cao cấp, cổ phiếu, các gói hỗ trợ học tập, kể cả đối với nhân viên thời vụ. Phong cách lãnh đạo bằng sự thấu cảm của Schultz đã nuôi dưỡng một văn hóa làm việc trung thành và gắn kết. Chính văn hóa này đã đem lại sự tăng trưởng vượt trội của thương hiệu Starbucks.

  • Jeff Bezos, nhà sáng lập của Amazon, luôn biết cách cân bằng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ông luôn đặt các mục tiêu dài hạn và sự hài lòng của khách hàng lên trên lợi nhuận và chú trọng đầu tư vào công nghệ mới, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ lấy khách hàng làm trọng tâm. Chiến lược này giúp Amazon trở thành công ty giá trị bậc nhất thế giới và là đơn vị tiên phong trong mảng thương mại điện tử.

  • Pixar nổi tiếng là xưởng phim hoạt hình thành công và chịu khó đổi mới, nên họ là ví dụ xuất sắc cho việc tập trung vào kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Họ xây dựng văn hóa họp hành "brainstrust" – nơi nhà làm phim được thoải mái chia sẻ tác phẩm đang thực hiện và nhận những lời góp ý mang tính xây dựng, lời mời hợp tác sáng tạo hoặc chỉ đơn giản là đối thoại mở. Chính văn hóa này đã thúc đẩy sự tò mò trí tuệ và tư duy phản biện, từ đó cho phép họ tạo ra những tác phẩm chất lượng.

  • Dưới sự lãnh đạo của CEO Satya Nadella, Microsoft đã "lột xác" ngoạn mục về văn hóa làm việc và tư duy phát triển. Nadella khuyến khích nhân viên duy trì và phát triển thái độ "học, học nữa" – đề cao giá trị của sự học liên tục và khả năng thích ứng. Thay đổi về não trạng đã làm mới Microsoft, từ đó, nhiều nỗ lực cách tân được đưa ra hơn và cho phép công ty này giữ vị trí đầu bảng.











Triết học Plato như nền móng xây nên bản sắc thương hiệu


Triết học siêu việt của Plato có thể áp dụng vào chiến lược phát triển thương hiệu ngày nay. Dưới những hình hài đơn giản, triết học Plato đã cung cấp được một khung làm việc để hiểu được giá trị của thương hiệu. Cốt lõi của cách tiếp cận này là đi tìm mục đích tồn tại cho thương hiệu và tập trung phát huy giá trị cốt lõi của thương hiệu thông qua ba con đường: Chân, Thiện, Mỹ (2).


Nhưng làm sao để vừa truyền tải được hình ảnh lý tưởng của thương hiệu vừa không mâu thuẫn với định hướng Chân, Thiện, Mỹ của Plato (3)? Bởi lẽ, quảng cáo tập trung vào việc đưa ra hình ảnh được thêu dệt, được dàn dựng để đi vào tâm trí người dùng, còn marketing thì cố tạo ra nhu cầu và mong đợi của người dùng thông qua việc đưa ra những lý tưởng được tô vẽ. Vậy thì, liệu có cách thức tiếp cận nào trung tính hơn và tập trung vào khách hàng hơn không?


Câu trả lời là có. Chân, Thiện, Mỹ vẫn có thể được đảm bảo thông qua những cách tiếp cận dù là vi mô.


1. Chân: Nhất quán và trung thực


Một cách để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu theo quy tắc này chính là bảo đảm được sự trung thực với các giá trị đã đặt ra từ đầu, tạo ra uy tín lâu dài. Việc không ngừng theo đuổi tri thức và đấu tranh cho một mục đích cao quý, mà thương hiệu đã tự đặt ra, là điều nên làm để đạt được thành công lâu dài.


Các thương hiệu chọn đi theo "Chân đạo" thường tập trung góp sức sửa chữa những bất công trên thị trường, đóng góp cho sự tốt đẹp chung của xã hội hoặc cơ bản nhất là cải thiện trải nghiệm cho khách hàng của mình.


Mỹ phẩm thuần chay Cocoon là một ví dụ về việc thương hiệu đi theo sứ mệnh Chân (4). Là thương hiệu mỹ phẩm nội địa được tín đồ làm đẹp trong nước yêu quý, bởi lẽ Cocoon xuất phát từ hồn Việt thân thương. Từ khâu thiết kế cho đến chọn lựa nguyên liệu và các cách phối trộn, Cocoon vẫn trung thành với các giá trị bản địa của Việt Nam. Ngoài ra, thương hiệu này còn chung tay với sự mệnh không thử nghiệm lên động vật và bảo vệ môi trường, cũng như hướng cộng đồng làm đẹp đến với xu hướng mỹ phẩm xanh, sạch và thiện. Có thể nói Cocoon đã xây dựng được những giá trị toàn cầu mà vẫn trung thành với bản sắc Việt.


2. Thiện: Người đồng hành tốt đẹp


Plato tin rằng sức mạnh của Thiện xuất hiện khi các thương hiệu có thể phục vụ khách hàng thông qua việc thể hiện tình yêu, lòng trắc ẩn và cả sự đồng cảm, với mong muốn hướng đến mục đích giúp mọi người có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các thương hiệu theo sứ mệnh này thường cải thiện cuộc sống của một người thông qua các sản phẩm và dịch vụ chu đáo, tận tâm và đầy sự thấu cảm.

  • Starbuck đã trở thành "bạn đồng hành tốt" của người tiêu dùng. Triết lý của họ là khát khao truyền cảm hứng, vun vén và kết nối những tâm hồn sành cà phê lại với nhau, thông qua những tách cà phê thơm lừng có logo nàng tiên cá.

  • Câu chuyện của Ru9 - một thương hiệu nệm nội địa: CEO của thương hiệu là một người khó ngủ và gặp nhiều trải nghiệm không thoải mái khi chọn nệm. Cách thức của Ru9 là cho phép người dùng nằm thử 100 ngày và có thể đổi trả nếu không ưng ý. Với chính sách dùng thử và những cải tiến về chất lượng nệm, Ru9 vẫn trung thành, nhất quán và chân thật trong sứ mệnh là một người chăm sóc giấc ngủ.


3. Mỹ: Hướng đến sự xuất sắc của nhãn hàng


Khi các thương hiệu đi theo con đường duy mỹ, họ có mong muốn đạt tới sự xuất sắc bằng cách không ngừng cải tiến quy trình và sản phẩm. Điều cốt lõi ở đây là làm tốt hơn nữa những gì các doanh nghiệp khác đang làm hoặc thậm chí là chưa làm.


Các CEO thành công theo định hướng duy mỹ coi sản phẩm/dịch vụ của họ là một loại hình nghệ thuật và hoàn thiện chúng như cách người nghệ sĩ hoàn thiện một bài thơ hay một tác phẩm văn học, bằng cách tập trung vào từng chi tiết một cách tỉ mỉ trước khi tung ra thị trường (5).

  • Apple đã tạo ra hệ sinh thái trên cả tuyệt vời. Nhìn lại chặng đường đã qua, ta có thể nói rằng Steve Jobs đã đưa Apple vươn lên sự xuất sắc nhờ định nghĩa lại cuộc chơi công nghệ thông qua tính thẩm mỹ rất riêng. Steve Jobs coi tất cả các sản phẩm của mình là một tác phẩm nghệ thuật. Ông thúc đẩy nhân viên của mình không chỉ tập trung vào hình thức và chi tiết bên ngoài, mà còn cả phần cứng bên trong. Ông khiển trách họ về tính đối xứng của bố cục bo mạch chủ, màu sắc của những con vít hay tập trung cao độ vào các chi tiết nhỏ nhất. Steve Jobs là một bậc thầy không chỉ vì sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết mà còn vì khả năng thuyết trình hoàn hảo của ông. Bên cạnh đó, Apple cũng thành công nhờ tận dụng những gì các nhà sản xuất khác đã làm tốt và định nghĩa lại cuộc chơi.

  • Vào năm 1962, tổng thống John F. Kennedy đã có bài phát biểu nổi tiếng, tuyên bố rằng Mỹ sẽ đưa con người lên Mặt Trăng trong một thập kỷ sau đó. Dẫu kỹ thuật tân tiến lúc đó chưa đạt đến trình độ này, nhưng tuyên bố của Kennedy đã khơi dậy cuộc chạy đua hàng không vũ trụ và lôi kéo các nhà khoa học trên thế giới tham gia vào.


Ánh sáng ngoài hang mang tới bản sắc lãnh đạo



Như vậy, khi đưa những giá trị đạo đức của Plato vào bối cảnh doanh nghiệp hiện đại, chúng ta vẫn thấy rõ được sự phù hợp với thời cuộc. Gần như toàn bộ những thắc mắc của thời kinh tế hiện đại này đã được Plato trả lời thông qua dụ ngôn về chiếc hang cổ đại tăm tối. Trước những biến động ngày càng phức tạp và cả những cạnh tranh trong kinh doanh, các nhà lãnh đạo càng có nhiều lý do để ứng dụng những triết lý của các nhà tư tưởng cổ đại, nhằm kiến tạo và trang bị đầy đủ cho một tổ chức có khả năng thích ứng linh hoạt, dễ dàng vượt qua những thách thức phía trước.


Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể truyền cảm hứng để đội ngũ của họ suy nghĩ chín chắn, đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng cách nuôi dưỡng một nền văn hóa coi trọng các quan điểm đa dạng, không ngừng học hỏi và giao tiếp cởi mở. Đó mới chính là vai trò của người tù nhân đầu tiên được chứng kiến ánh sáng bên ngoài chiếc hang.

Comments


bottom of page