top of page
Tìm kiếm

Những hiểu lầm về homeschooling (học tại nhà) và unschooling (học không giáo trình)

Nhiều năm trở lại đây, các phương pháp giáo dục truyền thống tại trường học không còn là sự lựa chọn tối ưu của các bậc phụ huynh vì không đáp ứng được những nhu cầu mang tính cá nhân của trẻ lẫn cha mẹ. Khuynh hướng từ chối trường học dần trở nên phổ biến, mà trong đó unschooling và homeschooling là hai khuynh hướng nổi bật. Tuy có điểm chung là bỏ qua vai trò của trường học trong quá trình phát triển của người học, nhưng hai trường phái này vẫn có những khác biệt nhất định dễ dẫn đến hiểu lầm, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong quá trình ứng dụng và thực hành.


Phương pháp học tập tại nhà không có giáo trình được gọi là unschooling. Nghĩa là trẻ (hoặc người tiếp nhận kiến thức) sẽ không học theo bất kỳ chương trình giảng dạy của bất kỳ trường lớp nào, mà được tự do lựa chọn những gì muốn học. Đây là một thuật ngữ được đề cập lần đầu tiên vào năm 1977 bởi nhà giáo dục và tác giả người Mỹ John Holt trong tạp chí Growing Without Schooling. Unschooling sẽ phụ thuộc vào đứa trẻ nhiều hơn, nhằm đi sâu vào mối quan tâm thật sự của chúng. Từ đó, người học sẽ tự chọn cho mình thời gian, địa điểm và cách thức học tập phù hợp mà không cần phải tuân theo bất cứ một khung hình hay tiêu chuẩn nào. (1), (2)

Phương pháp còn lại - homeschooling - tuy không lựa chọn trường học làm môi trường giáo dục chính, nhưng phương pháp này vẫn bao gồm giáo trình có hệ thống cho trẻ học tại nhà cùng bố mẹ hoặc các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Nếu như unschooling khước từ tầm quan trọng của bài giảng hoặc các kiến thức giáo dục có hệ thống thì homeschooling vẫn dành ưu tiên cho việc đó. Từ đó mà homeschooling sẽ có những tiêu chuẩn và thước đo nhất định cho người học. Cha mẹ đóng vai trò là giáo viên trong lớp học khi con cái đi học tại nhà. Họ lập kế hoạch bài học, giao bài tập về nhà và chấm điểm theo các tiêu chuẩn của từng tiểu bang, quốc gia hay khu vực.


Tất cả những người áp dụng unschooling đều có thể áp dụng homeschooling. Nhưng không phải người nào áp dụng homeschooling cũng là người theo unschooling. Có thể thấy, hai phương pháp giáo dục này đã có sự phân định rõ ràng trong cách tiếp cận. Homeschooling vẫn còn giữ yếu tố bài vở, trường lớp tuy diễn ra tại nhà, còn unschooling thì gần như chú trọng vào bản năng, tính cách phát triển tự nhiên của trẻ.


Sự khác biệt về bằng cấp và phương pháp đánh giá


Homeschooling đã được công nhận ở nhiều quốc gia, cũng như được hỗ trợ để có hệ thống bằng cấp riêng biệt. Các chứng chỉ từ chương trình học độc lập hỗ trợ cho người theo homeschooling cũng được công nhận tại các hệ thống các trường trung học, đại học, cao đẳng ở các quốc gia khác nhau. Song song đó, nhiều nhận định cho rằng, phương pháp unschooling thường không cung cấp bằng cấp, khiến người học gặp khó khăn khi muốn theo đuổi các chuyên ngành nhất định. Tuy nhiên, các nước phương Tây, nổi bật là Canada, Mỹ vẫn tạo điều kiện để trẻ unschooling được nhận bằng cấp ở một số lĩnh vực nhất định nếu trẻ có khả năng hoàn thành bài kiểm tra hoặc đủ tiêu chí cơ bản để theo đuổi các khóa học lấy bằng cấp cao hơn. Chưa kể, trẻ theo unschooling hoàn toàn không bị phân biệt và giới hạn nếu tự do theo học các khóa học mở rộng trực tuyến hay các lớp học kỹ năng chuyên biệt từ các học viện uy tín. (3)


Với homeschooling, các đánh giá còn được chia trên các thang điểm hoặc tiêu chí riêng biệt. Trong khi đó, phương pháp đánh giá của unschooling được thu thập qua sự quan sát, có thể là từ bố mẹ hoặc bất cứ ai tương tác với trẻ. Điều này mất nhiều công sức và thời gian nên thường không được áp dụng tại các môi trường giáo dục chú trọng vào kết quả và số lượng hơn là quá trình phát triển của mỗi cá nhân. (4)



Phát huy môi trường tự do cho trẻ


Có thể nói, các phương pháp giáo dục hiện đại đều đặt mối quan tâm hàng đầu là sự phát triển của trẻ em. Chính vì thế, cả homeschooling và unschooling đều tìm được tiếng nói chung khi muốn trẻ có một môi trường rộng mở hơn để phát huy được hết những khả năng của bản thân chứ không phụ thuộc vào hệ thống trường học.


Nhưng trong quá trình ứng dụng và thực hành, dễ dàng nhận thấy homeschooling vẫn còn giữ một vài khuôn khổ nhất định, ví dụ như chương trình học vẫn cần phải theo lộ trình riêng biệt, có những tiêu chuẩn nhất định cho người học phát triển. Với unschooling, người học được toàn quyền quyết định mọi thứ mong muốn, và phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Unschooling tin vào khả năng tự định hướng một cách tự nhiên của người học mà không bị tác động quá nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Đây cũng chính là yếu tố gây khó khăn cho nhiều phụ huynh bước đầu khi tiếp cận unschooling bởi đã quen thuộc với tính kiểm soát được hình thành ở môi trường giáo dục truyền thống hay trong đời sống.


Unschooling ưu tiên việc học tập do trẻ tự định hướng bằng cách không học các môn học định sẵn trong sách giáo khoa (toán, văn, lý, hóa, sử…) vì cho rằng giáo trình định sẵn gây cản trở cho việc học hỏi tự nhiên và sự tò mò thiên bẩm của một đứa trẻ. Trong khi homeschooling vẫn bao gồm chương trình học các môn tự nhiên & xã hội, với những lộ trình và các phương pháp nhất định như thông qua các khóa học trực tuyến hoặc với gia sư, giáo viên có chuyên môn nhất định.


Trẻ unschooling có thể chọn học ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào trong ngày mà trẻ muốn dựa trên mối quan tâm cá nhân. Ví dụ, nếu một đứa trẻ thể hiện sự tò mò về quá trình nóng chảy của các vật dụng, chúng có thể bắt đầu tìm hiểu về cách thức hoạt động của động cơ (khoa học) hay tìm hiểu về những thí nghiệm tương tự trước đó (lịch sử, tiểu sử). Quá trình này cũng sử dụng những chất liệu cơ bản mà homeschooling hoặc cả phương pháp giáo dục truyền thống cũng ứng dụng như chữ viết, hình ảnh, khoá học, con số. Tuy nhiên, nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn và sở thích của trẻ một cách tự do. Chính vì thế, một đứa trẻ theo hình thức unschooling ở một thời điểm nhất định có thể không biết đến phương trình toán căn bậc hai nhưng có thể chia sẻ hàng loạt kiến thức chuyên môn về thiên văn học nếu đó là điều chúng hứng thú.



Vai trò đồng hành của cha mẹ

Tại môi trường giáo dục truyền thống, sự phát triển của trẻ được giám sát bởi thầy cô, ban quản lý nhà trường, cơ sở đào tạo... nhưng với phương pháp giáo dục tại nhà, việc đồng hành cùng với trẻ giờ đây là trách nhiệm của cha mẹ hoặc người đồng hành trực tiếp.


Đã có nhiều tranh cãi rằng unschooling đặt đứa trẻ lên hàng đầu mà không có sự hướng dẫn của cha mẹ nghĩa là cho phép trẻ làm tất cả những gì mà chúng muốn mà không xét đến hệ quả. Nhưng sự thật là với unschooling, ngoài cha mẹ, người đồng hành với trẻ có thể rất đa dạng dựa trên mối quan tâm của trẻ. Unschooling không yêu cầu cha mẹ phải trở thành bất cứ ai. Cha mẹ không nhất thiết phải vào vai một giáo viên chuyên nghiệp có thể giảng giải cho con về mọi kiến thức trên một nền tảng nhất định. Thay vào đó, vì môi trường học là linh hoạt và sáng tạo, nên cha mẹ cũng có thể chính là người sống và học cùng con, cùng đặt câu hỏi nếu có thắc mắc và tiếp thu nhiều kiến thức mới lạ với con. Trong khi đó, homeschooling đòi hỏi sự đồng hành của cha mẹ nhưng với một tiêu chuẩn rõ nét hơn. Các chương trình học của homeschooling vẫn mang tính hệ thống. Nhiều trường hợp, cha mẹ không chuyên và không có kỹ năng nhất định vẫn còn phụ thuộc vào các giáo viên chuyên môn bên ngoài và không dễ dàng biến đổi linh hoạt các nội dung cần thiết.


Yếu tố người đồng hành là rất quan trọng trong cả hai phương pháp giáo dục dù là homeschooling hay unschooling. Bởi lẽ, sự đồng hành và phát triển của trẻ luôn cần có sự quan tâm và theo sát của cha mẹ, không chỉ trong việc truyền đạt kiến thức chuyên môn hay giải đáp thắc mắc, mà còn tạo ảnh hưởng trong việc thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc về mặt tâm lý, cảm xúc trong quá trình khám phá thế giới của trẻ.


Việc lựa chọn homeschooling hay unschooling còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như tài chính, môi trường, khả năng của phụ huynh... Tuy nhiên, yếu tố quan trọng mà bất cứ một phương pháp giáo dục nào cũng cần chú trọng chính là việc đề cao mối quan tâm và niềm tin vào quá trình tự định hướng, nhu cầu cảm xúc cũng như quá trình trưởng thành trong nhận thức của trẻ.

Comments


bottom of page