top of page
Tìm kiếm

Những kiểu tính cách khác nhau trong mùa lễ: Bạn thuộc nhóm nào?

Những ngày cuối năm, mùa của các dịp lễ lớn đang đến gần, chúng ta tự khắc cảm thấy tâm trạng bồn chồn, nôn nao với rất nhiều thái cực khác nhau. Có người rất háo hức trông chờ mùa sum họp gia đình, có người lại thấy lo lắng về những điều cần phải chuẩn bị. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu và phát hiện ra có 3 kiểu người với những nét tính cách, xu hướng hành động khác biệt trong dịp lễ. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, mình thuộc nhóm tính cách nào trong mùa lễ hội?


Traditionalist, Celebrationist và Connectionist



Một số người cho rằng mức độ căng thẳng của họ tăng đến hơn 5 lần thay vì giảm đi trong những ngày lễ Tết. Tiến sĩ, nhà tâm lý học Natalie Dattlio cho biết, cách bạn cảm nhận và phản ứng với các sự kiện lễ hội có thể nói lên “tính cách lễ hội” (holiday personality) của bạn. Và việc biết được mình thuộc vào nhóm tính cách nào, xem trọng điều gì trong ngày lễ sẽ giúp chúng ta thoải mái tận hưởng và chủ động hơn trong các quyết định nên ăn mừng như thế nào, với ai.


Tính cách ngày lễ được đánh giá qua các câu hỏi sau:

  • Khi nghĩ về các kỳ nghỉ lễ, từ đầu tiên trong tâm trí bạn là gì? Thú vị, vui vẻ, thích thú hay là lo sợ?

  • Cảm nhận của bạn về những dịp này là gì? (Điều bạn thực sự nhận thấy, không phải những điều bạn nghĩ mình nên cảm thấy).

  • Bạn có mong chờ nó không?

  • Bạn có thấy áp lực và nhiều nghĩa vụ phải thực hiện hơn?

  • Bạn có yêu thích lễ hội và mong nó không bao giờ kết thúc?


Câu trả lời cho những ý trên gợi mở cho chúng ta 3 kiểu người cơ bản trong các dịp lễ, đó chính là:

  • Traditionalist (người theo chủ nghĩa truyền thống):

Traditionalist thường chú trọng các giá trị như gia đình, sự quen thuộc cũng như các yếu tố có thể dự đoán trước. Họ thích những phong tục bắt nguồn từ truyền thống bởi chúng giúp ngày lễ của họ trở nên ý nghĩa và có mục đích hơn. Traditionalist thường làm một việc nào đó chủ yếu vì từ trước đến nay mọi người luôn làm như vậy.


  • Celebrationist (người theo chủ nghĩa ăn mừng):

Những người thuộc nhóm Celebrationist đánh giá cao tính tự phát, niềm vui, yêu thích việc tặng quà và làm hài lòng mọi người. Celebrationist là người chủ động trong việc tổ chức ăn mừng, thích tạo bất ngờ cho người khác. Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ có thể cảm thấy áp lực vì đặt quá nhiều kỳ vọng, hao tâm tổn trí chuẩn bị quá nhiều với mong muốn người thân có một ngày lễ hoàn hảo.


  • Connectionist (người theo chủ nghĩa kết nối):

Coi trọng sự gắn kết, hòa đồng và có tính cách hướng ngoại là những đặc điểm thường thấy ở nhóm người Connectionist. Họ luôn mong được gặp gỡ gia đình và bạn bè, nhưng đôi lúc họ cũng cảm thấy mình có “nghĩa vụ” phải làm vậy và đồng ý gặp những người họ không thực sự thích chỉ vì "lễ hội là dịp tụ họp sum vầy mà".



Làm gì để có một mùa lễ hội cuối năm thật sự dành cho mình?


Theo Tiến sĩ Dattlio, các kiểu tính cách này hình thành từ những giá trị và niềm tin của chúng ta về truyền thống lễ hội, về sự gắn kết giữa người với người. Những niềm tin bạn đang có, cho dù có nhận thức được hay không, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, cách tiếp cận và lựa chọn của bạn. Đồng thời, tùy kiểu tích cách chúng ta sẽ có mức độ hạnh phúc và hài lòng trong dịp lễ khác nhau.

Tuy nhiên, những niềm tin và giá trị này có thể thay đổi theo thời gian và chúng ta có quyền lựa chọn nên hành động như thế nào. Dưới đây là một số điều cần lưu ý để bạn điều chỉnh niềm tin của mình và tận hưởng một mùa lễ thú vị, nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn:

  • Xác định điều gì là quan trọng nhất

Cách ăn mừng, truyền thống nào cần thiết nhất cho bạn và người thân? Đôi khi chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi quá nhiều hoạt động lễ hội được mặc định sẵn bởi lề thói xã hội mà quên mất điều gì là phù hợp với mình và gia đình. Chẳng hạn, nếu bạn thường bị quá tải bởi vô số các việc như nấu nướng, mua sắm, thăm họ hàng, gửi quà và tham dự các lễ hội khác nhau, hãy xem xét lại ưu tiên của mình và chọn một vài thứ bạn thực sự thấy có hứng thú, sau đó dành thời gian, năng lượng và cảm xúc cho những gì bạn thực sự muốn làm.


Một số người rất thích việc tặng quà, số khác cảm thấy ý nghĩa khi dành thời gian cho các mối quan hệ, có người muốn tìm lại niềm tin, sự bình an qua các truyền thống tâm linh ngày lễ. Biết mình thuộc kiểu người nào và yêu thích hoạt động gì, sau đó tập trung lên kế hoạch sẽ giúp chúng ta có cảm giác trông chờ hơn cho ngày lễ.



  • Chọn lịch trình phù hợp

Không nên tham gia một sự kiện nào đó mà bạn luôn cảm thấy gượng ép và thiếu sự nhiệt tình, hoặc không phải thời điểm phù hợp. Ví dụ, những người có tính cách hướng ngoại, đề cao tính xã hội, cởi mở và kết nối thường cảm thấy đây là những dịp “tràn ngập niềm vui” và tham gia nhiều hơn. Trong khi những người hướng nội có thể thấy khó khăn và cần thời gian nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng để theo kịp với nhịp độ ngày lễ. Hãy cân nhắc về kiểu tính cách của bạn để sắp xếp lịch trình phù hợp hơn.


Cùng với đó, chúng ta nên nhận biết được mức năng lượng của mình trong suốt dịp lễ, chẳng hạn biết khi nào bạn bắt đầu cảm thấy mỏi mệt và cần sự yên tĩnh, hoặc giới hạn một khung giờ vừa đủ để việc tiếp đón khách diễn ra suôn sẻ nhưng cũng không khiến bạn quá tải.


Đối với những người thường cảm thấy cô đơn trong dịp lễ, chúng ta có thể cân nhắc mời một nhóm bạn thân đến nhà để không khí thêm ấm cúng.

Nếu hầu hết những người quen biết đều đã về quê hoặc phải dành thời gian ở cùng gia đình, bạn hãy thử ghi danh làm một công việc tình nguyện để giúp đỡ những người kém may mắn trong dịp lễ Tết. Đây được xem là trải nghiệm cực kỳ thú vị và ý nghĩa vì họ có cơ hội gắn kết với một cộng đồng và tạo thêm niềm vui cho nhiều người.



  • Chú trọng sự chân thành, đầm ấm và gần gũi

Một ngày lễ vui vẻ có thể bắt đầu từ những điều đơn giản như: gia đình quây quần bên bàn ăn, thưởng thức các món ăn truyền thống, cảm ơn nhau vì một năm đã qua hoặc gửi tặng nhau những món quà ý nghĩa...


Những niềm vui này dù nhỏ nhưng cũng đủ để chúng ta duy trì tâm trạng tích cực và cảm thấy ấm lòng khi nhìn lại. Thay vì chú trọng đến các quy củ rập khuôn hoặc cách ăn mừng cầu kỳ, chúng ta nên đơn giản hóa chúng và tập trung vào việc gắn kết, trao đi yêu thương và thể hiện lòng biết ơn đối với người thân, bạn bè - vốn là một trong những mục đích chính của các mùa lễ hội.



Comments


bottom of page