Tính đến ngày 9/10, giải Nobel cuối cùng của năm 2023 - Nobel Kinh tế - đã được trao cho nữ Giáo sư Kinh tế học Claudia Goldin và chính thức khép lại Tuần lễ Nobel năm nay. Dưới đây là danh sách tổng hợp các gương mặt đoạt giải năm nay và sơ lược về cống hiến của họ.
Ngày 9/10 đánh dấu sự khép lại của Tuần lễ Nobel 2023 với 11 cá nhân xuất sắc (laureate) được vinh danh trong 6 lĩnh vực vì những đóng góp to lớn cho khoa học và sự phát triển chung của xã hội.
Điểm đáng chú ý của mùa giải Nobel năm nay là số lượng phụ nữ đoạt giải đạt mức kỷ lục - với 3 phụ nữ được trao giải, trong đó có 2 phụ nữ nhận giải độc lập cho công trình/sự nghiệp cá nhân. Năm 2023 đã nâng tổng số phụ nữ chiến thắng tại giải Nobel lên 64 người, tính từ năm 1901.
Một điểm đáng lưu ý khác mà giới chuyên môn và người theo dõi đánh giá là Nobel 2023 đã đề cao được tiếng nói của những nhóm thiểu số, cũng như tập trung vào chủ đề bình đẳng giới và sự tiến bộ của quyền phụ nữ.
Nobel Y học: Katalin Kariko & Drew Weissman - Tạo ra vaccine mRNA chống virus COVID 19 trong vaccine Pfizer và Moderna
Giáo sư, tiến sĩ Hóa-Sinh Katalin Kariko và bác sĩ Drew Weissman đã thực hiện nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania về khả năng điều chỉnh mRNA.
Trải qua nhiều năm nghiên cứu, hai nhà khoa học đã ngăn được phản ứng miễn dịch của tế bào chủ khi đưa mRNA đã biến đổi vào cơ thể, từ đó tạo ra đột phá trong công nghệ điều chế vaccine với độ tin cậy cao.
Ngoài việc mở đường cho thành công của vaccine Pfizer và Moderna, việc ứng dụng công nghệ mRNA còn hứa hẹn mở ra hướng điều trị mới cho một số chứng bệnh khác như cúm, HIV-1, bệnh dại và virus Zika, cùng một số loại ung thư như ung thư máu, u ác tính, ung thư não, ung thư tuyến tiền liệt.
Nobel Vật lý: Pierre Agostini, Ferenc Krausz & Anne L’Huillier - Tạo ra bước sóng atto giây, ứng dụng cho nghiên cứu quang học ở cấp độ phân tử
Bộ ba nhà khoa học, vật lý học đã thắng giải Nobel năm nay nhờ công trình tạo ra bước sóng atto giây (1×10⁻¹⁸ giây).
Công trình đột phá này đã phát hiện ra khả năng ghi chép hình ảnh của phân tử, nguyên tử. Từ đó hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong việc phát hiện và điều trị nhiều chứng bệnh kể cả ung thư, dựa trên những biến đổi quang học của tế bào.
Nobel Hóa học: Moungi Bawendi, Louis Brus & Alexei Ekimov - Khám phá và tổng hợp được chấm lượng tử
Chấm lượng tử là những hạt có kích thước rất nhỏ đến độ tính chất của chúng chỉ được xác định bởi các hiện tượng lượng tử.
Bộ ba nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này có thể mở đường cho sự phát triển của các thiết bị điện tử dẻo, cảm biến điện tử cực nhỏ, pin mặt trời mỏng hơn, cũng như tạo tiền đề sâu rộng cho công nghệ truyền thông mã hóa cấp độ lượng tử.
Nobel Văn chương: Jon Fosse - Cất tiếng nói cho những điều không thể nói
Trong vài năm trở lại đây, Giải Nobel Văn chương đang hướng đến việc đi tìm những giọng văn nói lên được vấn đề của những nhóm dân thiểu số, nhằm đem những câu chuyện ấy đến rộng rãi hơn cho toàn cầu. Thế nên, giải thưởng năm nay tiếp tục là một lựa chọn an toàn của hội đồng trao giải khi trao cho Jon Fosse, cây đại thụ của văn chương Na Uy, với nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Nynorsk - một ngôn ngữ thiểu số ở Na Uy.
Tính đến nay, nhà văn Jon Fosse đã viết được tổng cộng 40 vở kịch cùng nhiều truyện ngắn và tiết thuyết, cũng như tham luận và thi ca. Mặc dù ông nổi tiếng với trường thiên tiểu thuyết dài 800 trang Septologien (được chia thành ba quyển), nhưng văn đàn Na Uy biết đến ông nhiều hơn ở mảng sân khấu kịch và thi ca.
Jon Fosse được Viện hàn lâm Thụy Điển lựa chọn nhờ "những tác phẩm kịch và văn xuôi cất tiếng nói cho những điều không thể nói".
Nobel Hòa bình: Narges Mohammad - Hoạt động nhân quyền dành cho phụ nữ Iran
Nhà hoạt động nhân quyền người Iran, Narges Mohammadi đã vượt qua 351 đề cử khác và thắng giải Nobel Hòa bình, nhờ sự đấu tranh không ngừng nghỉ nhằm giúp phụ nữ Iran thoát khỏi "xiềng xích" bị áp đặt bởi truyền thống và nhà cầm quyền Iran.
Xuyên suốt hai thập kỷ qua, Narges Mohammadi đã không ít lần chịu nhiều bản án vì đã đứng lên đấu tranh cho quyền tự do và bình đẳng của phụ nữ Iran.
"Phụ nữ, đời sống và tự do" đã trở thành khẩu hiệu cho phong trào đang lan rộng ở Iran do chính bà khởi xướng.
Nobel Kinh tế: Claudia Goldin - Nghiên cứu vai trò của nữ giới trong phân bố lao động
Giải Nobel Kinh tế đã trao cho Giáo sư kinh tế Claudia Goldin của Đại học Harvard vào hôm 9/10. Bà thắng giải năm nay nhờ công trình nghiên cứu sâu rộng về tác động của phụ nữ đến hoạt động kinh tế, về vai trò của nữ giới trong lao động, và về sự chênh lệch giới trong lao động đã tác động ra sao đến cách nền kinh tế vận hành.
Giáo sư Claudia Goldin là nữ học giả thứ ba sau Elinor Ostrom (2009) và Esther Duflo (2019) thắng giải Nobel danh giá cho hạng mục Kinh tế.
Comments