top of page
Tìm kiếm

"Nổi loạn" để trưởng thành: Khi não bộ tuổi teen "kêu oan"

Lứa tuổi thanh thiếu niên trải dài trong giai đoạn 13 – 19 tuổi, hay còn gọi là tuổi "ô mai mơ" hoặc tuổi "teen". Vào những năm này, các gia đình thường xảy ra xung đột giữa phụ huynh và con cái khiến bậc làm cha làm mẹ phải đau đầu. Thế nhưng, khi nhìn nhận từ góc độ khoa học về sự phát triển của não bộ ở tuổi này, chúng ta có thể dễ thông cảm cho nhận thức và hành vi của các bạn đương tuổi "nổi loạn".



Những biểu hiện "nổi loạn" dễ thấy của tuổi teen


Nhiều phụ huynh than ngắn thở dài rằng khi con cái họ bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ và con mất dần kết nối. Những bất đồng về quan điểm liên tục xảy ra khiến cha mẹ trở thành những người khó tính và bảo thủ, còn các teen thì bị "dán nhãn" thành những đứa con ương ngạnh, khó bảo và cứng đầu.


Ngay cả trong những sản phẩm giải trí, chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" như thế này, chẳng hạn như bộ phim Hollywood Everything Everyone All at Once (với 7 giải Oscar 2023), series phim Thái Lan The Hormones (2012 – 2013) và bộ phim hoạt hình Turning Red (2022).


Có thể thấy hiện tượng tuổi teen nổi loạn xảy ra khá phổ biến và mang tính phổ quát chứ không chỉ bị giới hạn trong một nền văn hóa hay khu vực nào.


Đối với hiện tượng này, nhà tâm lý học Hoa Kỳ là Tiến sĩ Carl E. Pickhardt đã phân chia biểu hiện nổi loạn của tuổi vị thành niên (adolescence rebellion) thành bốn giai đoạn, dựa trên quan điểm của Frank J. Sulloway về sự nổi loạn (1), (2). Cụ thể, như sau:


1. Nổi loạn ở giai đoạn đầu (9-13 tuổi): Đây là thời điểm phụ huynh bắt đầu nhận thấy con cái làm trái ý mình, không tuân theo nguyên tắc chung đã đề ra, không làm theo lời cha mẹ khuyên nhủ/dạy bảo hoặc làm qua loa "cho có".


Tiến sĩ Pickhardt cho rằng phụ huynh không nên "kết tội" con cái chống đối lại mình, vì những hành vi này chỉ cho thấy trẻ chống đối lại hành động mà chúng không còn thấy phù hợp với mình nữa. Ở giai đoạn khởi đầu này, trẻ muốn đưa ra tuyên bố khẳng định mình không còn là "trẻ con" nữa và cần một bản dạng/căn tính (identity) mới.


Nhiều phụ huynh cho biết rằng con cái họ dần phản ứng với những tên gọi ở nhà. Có thể bắt đầu từ việc không muốn được gọi như vậy ngoài xã hội, hoặc hành vi phản ứng phát triển tới mức không muốn sử dụng tên đó nữa. Điều này còn tùy vào mỗi trẻ, mỗi gia đình và thậm chí là mỗi cái tên.

2. Nổi loạn ở giai đoạn giữa (13 – 15 tuổi): Khi bước vào lứa tuổi này, trẻ có xu hướng kiếm tìm sự khác biệt giữa "trẻ con" và "người lớn" bằng cách đòi quyền tự quyết (self-determination).


Trẻ tự đặt mình vào những thử thách mà chúng coi là người lớn "nghiễm nhiên sẽ làm" như đi chơi về khuya, kết thân với những người bạn khác lạ ngoài xã hội, thử những hoạt động mang lại cảm giác mới. Chúng bắt đầu trải nghiệm tiến trình ra quyết định và đón nhận hậu quả với tần suất dày đặc hơn, bất chấp lời giáo huấn và khuyên can từ gia đình.


Thậm chí, có thể nói là càng khuyên thì con trẻ lại... càng làm.

3. Nổi loạn ở giai đoạn cuối (15 – 18 tuổi): Cơn cuồng phong thật sự bắt đầu ở lứa tuổi này. Các cô cậu tuổi teen có những biểu hiện rõ rệt nhất để chứng minh chúng đã... thành công rũ bỏ hình tượng "đứa con nhỏ" và đòi hỏi cha mẹ công nhận mình đã trưởng thành.


Không khó để thấy những cô cậu vào độ tuổi này bắt đầu thể hiện "bản lĩnh" người lớn bằng cách tập tành hút thuốc, tậu cho mình một (vài) hình xăm, công khai thể hiện tình cảm nam nữ... Còn trong mối quan hệ gia đình, những trận cãi cọ do bất đồng quan điểm giữa phụ huynh và con cái diễn ra thường xuyên và gay gắt hơn. Các bạn teen dùng mọi lý lẽ để khẳng định mình đúng, trong khi bậc làm cha làm mẹ luôn khăng khăng muốn con làm theo ý mình, nhất là khi giai đoạn này là mốc chuyển giao của nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời như vào bậc trung học phổ thông và thi đại học.

4. Nổi loạn để... thử độc lập (18 – 23 tuổi): Khác với các giai đoạn trước đó, sau khi đã được phụ huynh chấp thuận căn tính mới, cũng như giải phóng chính mình khỏi những quy chuẩn gò bò trước đây, các bạn ở độ tuổi này bước vào thời kỳ… nổi loạn chống lại chính mình.


Nói một cách cụ thể hơn, các bạn phải đấu tranh nội tâm để bắt mình làm theo những gì đáng nhẽ ra phải làm cho con đường mình đã giành được độc lập hay… buông xuôi theo dòng đời. Chẳng hạn, các bạn vào học bậc cao hơn để chuẩn bị cho cả cuộc đời sau này, và các bạn lại tự hỏi "Rồi sao nữa?"

Đây cũng là độ tuổi các bạn trở thành sinh viên đại học và chập chững bước vào ngưỡng cửa sự nghiệp. Không khó để nhận ra chính chúng ta, trong những lần "giằng xé" giữa lựa chọn bật dậy xách xe đi học hay... tắt báo thức ngủ tiếp, mở máy ra làm việc hay đi quán cà phê với bạn bè... Không sai khi nói rằng chính thử thách nổi loạn cuối cùng này mới khó để chiến thắng, vì chúng ta không thể dễ dàng vượt qua chính mình.



Não bộ kêu oan: "Nổi loạn" để trưởng thành


Trên thực tế, sự phát triển thể chất gắn liền với hoạt động của các hormone trong cơ thể đã gây nên những ảnh hưởng nhất định đối với não bộ của tuổi teen. Sự phát triển của cơ quan sinh sản trong độ tuổi này liên quan đến sự gia tăng tiết hormone steroid tuyến sinh dục, trong khi não bộ con người là nơi tập trung mật độ cao các thụ thể steroid, vậy nên các hormone giới tính được cho là có tác động trực tiếp đến mạng lưới thần kinh ở độ tuổi dậy thì.


Nói cách khác, các nhà thần kinh học cho rằng làn sóng tái cấu trúc não thứ hai xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên, điều này dẫn đến việc tổ chức lại hoạt động não bộ để duy trì vĩnh viễn sau khi con người đã bước qua tuổi dậy thì (3).

Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng não bộ của con người khi bước vào độ tuổi thiếu niên hoạt động khác với người lớn hay trẻ nhỏ. Khi suy nghĩ, não bộ người lớn tập trung hoạt động tại thùy ngạch/vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) – phần hoạt động thiên về lý trí và đặc biệt là chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định. Phần này của não phản ứng với các tình huống thông qua sự đánh giá đúng mức và sự nhận thức về kết quả lâu dài. Ngược lại, lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn con người xử lý thông tin bằng hạch hạnh nhân (amygdala) – phần hoạt động thiên về cảm xúc.


Thùy ngạch (prefrontal cortex) - chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định - chỉ phát triển toàn bộ và hoàn thiện chức năng khi chúng ta vào khoảng... 25 tuổi (4), (5). Tất nhiên, đây không phải một "dấu mốc vàng" đúng với tất cả mọi người, nhưng cũng góp phần tạo nên một khung thời gian phát triển đáng để chúng ta tham khảo (6).


Bên cạnh đó, trong não bộ tuổi teen vẫn đang diễn ra sự phát triển của những kết nối giữa phần não bộ điều khiển cảm xúc và phần trung tâm ra quyết định, tuy không phải lúc nào hai khu vực này cũng cùng pha với nhau. Đó là lý do giải thích lý do tại sao các bạn teen thường biểu hiện cảm xúc thái quá (7).


Khi chúng ta bước vào lứa tuổi 22-25 trở đi, những sự kết nối giữa hai khu vực này gần như đã hoàn thiện, cảm xúc đồng pha với lý trí khiến các hành vi của con người có sự cân đối về cả biểu cảm và suy nghĩ. Chính từ giai đoạn này trở đi, chúng ta mới gần "chạm tới" sự trưởng thành trọn vẹn về cả thể chất và tinh thần (8).



Đồng hành với teen trong giai đoạn chuyển giao tâm tính: Cha mẹ có thể làm gì?


Để tránh mất đi sợi dây kết nối với con cái khi bước vào tuổi "ẩm ương", cha mẹ cần bình tĩnh – bình tâm trong việc xử trí với các biểu hiện của con. LeLa Journal gợi ý 4 điều cần lưu ý để các phụ huynh đồng hành với teen khi "cơn bão nổi loạn" ập đến.


1. Đối thoại thay vì… đối đầu: Do cảm xúc bên trong luôn lấn át những điều mà bản thân muốn thể hiện, con cái có thể sẽ có những lời nói và hành động vượt chuẩn mực lễ giáo khi phản ứng với cha mẹ. Khi thấu hiểu tâm sinh lý của con, phụ huynh nên để các con có khoảng thời gian kiểm soát lại cảm xúc và quay lại đối thoại vào một thời điểm khác khi hai bên đều đã bình tĩnh.


2. Tránh phủ nhận ý kiến của teen: Mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau về mỗi sự vật sự việc. Do đó, để tránh sự quá khích trong việc bảo vệ ý kiến riêng, phụ huynh nên tiếp nhận lời của các bạn trẻ với một thái độ cầu thị, sau đó phân tích lợi – hại, đúng – sai một cách nhẹ nhàng. Cần tránh suy nghĩ "sống lâu lên lão làng", "trứng đòi khôn hơn vịt"... để áp đặt và chất vấn con về ý kiến của các bạn.


3. Tìm ra sở thích chung giữa cha mẹ và con cái để cùng nhau tận hưởng thời gian chất lượng: Những người bạn cần có một vài điểm tương đồng để duy trì tình bạn lâu dài, điều này cũng có thể được áp dụng trong tương tác giữa phụ huynh và các bạn tuổi teen. Cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian bên con trong các hoạt động mà cả hai cùng yêu thích như thể thao, nấu ăn, đọc sách, xem phim, mua sắm... sẽ gắn kết cha mẹ và con cái, khiến các bạn trẻ dễ mở lòng tâm sự và chia sẻ với chúng ta hơn.


4. Khích lệ con làm điều mình muốn: Mỗi bạn teen sẽ có những khát vọng và mơ ước của riêng mình, mà cha mẹ cần tôn trọng điều đó và hỗ trợ con thực hiện bằng tình cảm và nguồn lực trong phạm vi có thể. Đồng thời, cha mẹ cũng phân tích những rủi ro sẽ xảy ra để teen có cái nhìn trọn vẹn hơn chứ không bị cảm xúc lấn át khi "lao vào" thực hiện.


Chẳng hạn, khi con tuổi teen mới chia sẻ về việc ưa thích tốc độ, cha mẹ cần tránh việc ngay lập tức phản đối, mà hãy cố gắng ngồi xuống để phân tích cặn kẽ. Nếu vấp phải sự phản đối kịch liệt của cha mẹ, các bạn trẻ vẫn có thể "lén lút" đua xe mà bỏ qua các quy tắc an toàn. Ngược lại, nếu được cha mẹ hỗ trợ và phân tích kỹ, các bạn có thể cùng cha mẹ bàn bạc và thậm chí là cùng nhau chia sẻ niềm vui khi tìm hiểu thông tin về các dòng xe phân khối lớn.


Comments


bottom of page