top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Non-time: Khi sự trì hoãn giúp bạn sáng tạo hơn

Hầu hết thời gian, chúng ta thường cố gắng hoàn thành công việc đúng thời hạn hoặc nhồi nhét thêm lịch trình vào thời gian biểu mà quên mất, deadline cũng có thể là thứ tạo ra nhiều áp lực, và áp lực sẽ giết đi sự sáng tạo. Khoa học thần kinh cùng những nhà tư tưởng vĩ đại như Steve Jobs và Albert Einstein đều cho rằng, "non-time" - một khung giờ không thể thiếu trong ngày dùng để thư giãn, ngắt kết nối, không làm gì cả - là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng tích cực đến tư duy và tính sáng tạo của chúng ta.


Vài giờ đồng hồ viết... đúng một câu



Steven Kotler, nhà báo từng đoạt giải thưởng và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về hiệu suất con người (human performance) định nghĩa khái niệm "non-time" như sau:


"Non-time là thuật ngữ tôi dùng để chỉ khoảng thời gian trống trải vô tận từ 4 giờ (lúc tôi bắt đầu khung giờ viết vào buổi sáng) cho đến 7 giờ 30 phút (khi cả thế giới từ từ thức dậy)" (1).

Đây là cách Steven Kotler khởi đầu ngày mới, khi chỉ có một mình và chưa cần giải quyết những vấn đề cấp bách trong ngày. Ông dành thời gian cho thứ được xem là "xa xỉ" trong đời sống hiện nay, đó là sự kiên nhẫn. "Mất hai giờ đồng hồ để viết đúng một câu thì cũng có sao" - Kotler chia sẻ.



Theo Kotler, sự sáng tạo rất cần đến kiểu non-time này. Nếu gặp áp lực thời gian (giải quyết những deadline), não chúng ta bị buộc phải tập trung vào chi tiết, kích hoạt bán cầu não trái và từ đó che mất bức tranh toàn cảnh. Tệ hơn nữa, áp lực khiến chúng ta bị stress và không hài lòng khi phải hành động vội vàng. Điều này càng làm tâm trạng trở nên khó chịu và não bộ phải cố tập trung hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ - một quá trình ngăn trở tính sáng tạo.


Những khoảng giờ yên tĩnh, ngắt kết nối và tạm nghỉ khỏi sự tấn công dồn dập của thế giới bên ngoài là thời gian dành để mơ mộng (daydreaming) và tạo một khoảng cách về mặt tâm lý (psychological distancing). Hành động mơ mộng, để tâm trí lang thang kích hoạt mạng chế độ mặc định (DMN, default mode network), giúp tiềm thức tạo ra liên kết giữa những ý tưởng (quá trình này còn gọi là remote association, khả năng kết nối giữa nhiều khái niệm độc lập để cho ra những ý tưởng mới) (2).


"Non-time cũng giúp chúng ta tạo khoảng cách với các vấn đề của chính mình để nhìn nhận tình huống từ nhiều khía cạnh, đồng thời xem xét quan điểm của người khác" - Steven Kotler nhận định (1).

Không thúc ép: Sự trì hoãn mang tính sáng tạo ở người thành công



Steven Kotler có thể là người đặt ra khái niệm non-time, nhưng từ lâu những người cực kỳ thành công như Albert Einstein hay Steve Jobs đã áp dụng ý tưởng này vào cuộc sống hằng ngày của họ dựa theo trực giác. Einstein khẳng định rằng những ý tưởng xuất sắc nhất của ông thường đến khi ông đang phiêu bạt khắp nơi và không làm gì cả, chỉ tận hưởng thời gian rảnh rỗi của mình. Những khoảng lặng yên tĩnh này là lúc Einstein thoát khỏi thế giới và kỳ vọng của mọi người: "Không điện thoại, không trách nhiệm, không cần xem tin tức trên báo và không phải quan tâm đến cái gọi là thế giới" (3).


Steve Jobs cũng là một nhà tư tưởng nổi tiếng với việc trì hoãn để nảy ra những ý tưởng sáng tạo. Giáo sư, nhà tâm lý học tổ chức Adam Grant, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy về cách con người tìm kiếm động lực và ý nghĩa, giải thích rằng xuyên suốt lịch sử, chúng ta thường có hai cách để nói về sự trì hoãn (4). Ngày nay, việc trì hoãn được gắn liền với sự lười biếng và thờ ơ. Nhưng ở thời Ai Cập cổ đại, người ta định nghĩa trì hoãn là "chờ đợi thời điểm thích hợp". Giáo sư Adam Grant tin rằng đây là một đức tính tốt tạo điều kiện cho sự sáng tạo.


Steve Jobs thường xuyên dành thời gian nghỉ ngắn khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó hoặc đi bộ khá lâu mỗi lúc cần sáng tạo. "Thời gian Steve Jobs trì hoãn mọi thứ và dạo quanh các kịch bản trong đầu là lúc thích hợp để những ý tưởng đa dạng bắt đầu xuất hiện, thay vì lao ngay vào những giải pháp phổ biến nhất, rõ ràng nhất và quen thuộc nhất" - Giáo sư Adam Grant cho biết (4).

"Đừng bao giờ để đến ngày mai những gì bạn có thể làm vào ngày kia" - Mark Twain.

Chuyên gia về hiệu suất Steven Kotler, người nghĩ ra ý tưởng non-time, nhấn mạnh rằng các khoảng dừng lại này còn cần đến sự cô độc (solitude). Dĩ nhiên sáng tạo có thể đến từ việc hợp tác giữa các cá nhân, nhưng có những giai đoạn đòi hỏi điều ngược lại. Một nghiên cứu từ Đại học Utah phát hiện chỉ sau bốn ngày dành thời gian một mình trong tự nhiên, những người tham gia đã đạt được điểm cao hơn 50% trong các bài kiểm tra về tính sáng tạo.


Không khó để tạo ra non-time, chỉ cần bắt đầu ngày mới với khoảng 90 đến 120 phút tĩnh lặng không gián đoạn, không có sự thúc ép về mặt giờ giấc và thực hiện một hoạt động hoặc nghĩ về bất cứ điều gì bạn muốn (chẳng hạn như suy ngẫm về cuộc sống hiện tại, một vấn đề chưa có giải pháp hoặc một chủ đề đang có hứng thú tìm hiểu). Đây sẽ là khoảng thời gian chất lượng để tạo khoảng trống cho tâm trí và nuôi dưỡng sự sáng tạo về lâu dài.

Commentaires


bottom of page