Không chỉ những công việc mang tính sáng tạo đột phá mới cần đến khoảng nghỉ để nuôi dưỡng ý tưởng, ngay cả những công việc dạng "lặp đi lặp lại" như làm văn phòng 8 tiếng mỗi ngày cũng cần tới biện pháp nghỉ ngơi ngắt quãng. Đôi khi, làm việc hiệu quả không phải là dành nhiều thời gian, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nhiều thứ hơn, mà lại chính là tạm dừng công việc một lúc.
Con người sinh ra không phải để làm việc trong nhiều giờ
Nghỉ giải lao thường nhật là một việc cần thiết, nhưng rất ít trong số chúng ta làm thường xuyên, hoặc biết cách nghỉ sao cho hiệu quả. Giống như cục pin cần được sạc lại, nguồn lực thể chất và tâm trí là cũng có giới hạn. Nếu phải giải quyết khối lượng công việc ngày càng tăng trong khi không còn nhiều năng lượng, chúng ta dễ bị căng thẳng, cảm thấy mơ hồ và khó suy nghĩ rành mạch, từ đó dẫn đến tình trạng kiệt quệ (burnout) trong công việc.
Theo phân tích của hai Trợ lý Giáo sư Zhanna Lyubykh và Duygu Biricik Gulseren trên Havard Business Review: "Trong những trường hợp cực đoan, làm việc không ngừng nghỉ dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực. Khi đó, một công nhân cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bất chấp trạng thái cạn kiệt năng lượng, không thể hoàn thành tốt và mắc lỗi, dẫn đến tình trạng việc chồng việc và còn ít năng lượng giải quyết các nhiệm vụ tương tự. Theo nghĩa này, càng làm nhiều chúng ta càng trở nên kém năng suất và mệt mỏi, ví dụ như đọc một dòng chữ đến lần thứ năm mà vẫn không hiểu" (1).
Trong khi đó, những lao động đạt hiệu suất cao thường làm việc trong thời gian tương đối ngắn. Nghiên cứu của một công ty theo dõi năng suất cho thấy, các nhân viên hiệu quả nhất chỉ làm việc trong 52 phút, sau đó nghỉ ngơi trong 17 phút (2).
Điều này nghĩa là, phân định rõ thời giờ làm việc/nghỉ ngơi và không để chúng chồng lên nhau. Trong 52 phút làm việc, bạn chuyên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, còn với 17 phút nghỉ ngơi, bạn loại bỏ hoàn toàn công việc khỏi tâm trí và thư giãn. Thời gian nghỉ và làm của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều quan trọng.
Làm việc thời gian dài ảnh hưởng đến mức độ cam kết, tinh thần gắn bó của bạn với công việc hoặc công ty. Vì lặp đi lặp lại những đầu việc sẽ dẫn đến sự nhàm chán về mặt nhận thức (cognitive boredom), lâu dài cản trở khả năng phát triển trong công việc hiện tại (3). Bộ não chúng ta cũng không thể tập trung suốt tám tiếng đồng hồ, và cách tốt nhất để làm mới sự chú ý là để tâm trí được "lánh" đi nơi khác, sau đó quay lại cống hiến cho công việc.
Tận dụng tối đa giờ nghỉ: Micro-break, thiên nhiên và động vật
Trợ lý Giáo sư Zhanna Lyubykh và Duygu Biricik Gulseren cùng một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã phân tích hơn 80 nghiên cứu khoa học và kết luận, tạm dừng giữa ngày vừa cải thiện được sức khỏe, vừa giúp bạn hoàn thành nhiều việc hơn (4). Họ cũng rút ra một số lưu ý về cách nghỉ giải lao để nhân viên phục hồi năng lượng và duy trì hiệu suất (1).
Theo Lyubykh và Gulseren, thời gian nghỉ dài không nhất thiết đã hiệu quả. Ngừng làm việc trong vài phút nhưng thường xuyên (hay còn gọi là micro-break) là đủ để chúng ta tránh bị mệt mỏi. Ví dụ về micro-break là nghỉ ngơi để ăn vặt, vươn vai, uống cà phê, đi dạo, nói chuyện với đồng nghiệp hoặc nhìn ra cửa sổ. Điều kỳ lạ mà họ quan sát được là, micro-break sẽ hiệu quả hơn vào buổi sáng, trong khi buổi chiều chúng ta thường cần những khoảng nghỉ dài hơn. Có thể vì càng về cuối ngày, bạn càng cảm thấy giảm hiệu suất và cần thêm thời gian nạp lại năng lượng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tập thể dục là công cụ phục hồi đặc biệt hữu ích cho các công việc trí óc. Tuy nhiên trên thực tế, đây không phải hoạt động ưa thích của nhân viên văn phòng. Thay vào đó, họ thường lấp đầy khoảng nghỉ của mình bằng việc lướt mạng xã hội (khoảng 97% người tham gia đều thực hiện). Nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng cạn kiệt về mặt cảm xúc (emotional exhaustion), khiến họ giảm đi sức sáng tạo và mức độ cam kết với công việc (5). Vì vậy, để tâm trí lang thang bằng cách lướt mạng xã hội không phải là cách để nâng cao hiệu suất.
Nghỉ ngơi ở đâu cũng ảnh hưởng đến mức năng lượng phục hồi của bạn. Duỗi người tại chỗ hoặc ra ngoài đi bộ đều là hoạt động giải lao, nhưng nghiên cứu cho thấy nghỉ ngơi ngoài trời và tận hưởng không gian xanh sẽ tốt hơn nhiều so với chỉ ngồi trong phòng. Nếu xung quanh văn phòng bạn thường có động vật lui tới, điều này sẽ giúp bạn thư giãn hiệu quả hơn. Một nghiên cứu phát hiện, tương tác với chó có khả năng làm giảm lượng hormone cortisol gây căng thẳng trong cơ thể (6).
Nếu bạn là một nhà quản lý, trở thành tấm gương khuyến khích nghỉ giải lao thường xuyên sẽ tạo điều kiện để nhân viên bắt chước và chú tâm hơn đến việc dành thời gian sạc lại năng lượng. Nhân viên cần hiểu rõ lợi ích của khoảng nghỉ trong ngày đối với hiệu suất công việc. Lyubykh và Gulseren gợi ý rằng các nhà lãnh đạo nên kết hợp thông tin này vào chương trình đào tạo sức khỏe của công ty, hoặc treo những tấm biển về lợi ích và cách nghỉ ngơi hiệu quả để nâng cao nhận thức của mọi người.
Bên cạnh đó, tự làm một ví dụ - chẳng hạn một người sếp thường xuyên đi dạo trong khuôn viên cây xanh gần văn phòng và không giải quyết công việc trong lúc nghỉ - sẽ giúp nhân viên hiểu tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi và tránh được cảm giác tội lỗi khi không làm việc.
Ý tưởng ở đây là, khi ở trong trạng thái mệt mỏi, chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn để tiếp tục hoàn thành tốt công việc. Điều này chỉ làm bạn tốn nhiều công sức và mang lại hiệu quả kém. Những khoảng nghỉ giải lao ngắn, dù 5 hay 10 phút, sẽ giúp ngăn tình trạng suy giảm nhận thức, mất năng lượng kịp thời, để từ đó làm việc thông minh hơn và có năng suất cao hơn.
Comments