top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Ở nhà với trẻ thì chơi trò gì? Phần 2: Các trò chơi khơi nguồn sáng tạo

phần 1 của loạt bài "Ở nhà với trẻ thì chơi trò gì?", LeLa Journal đã cùng quý độc giả tìm hiểu về các trò chơi vận động phù hợp với những trẻ nhỏ hoạt bát. Còn nếu con em nhà bạn thích nghịch ngợm với màu sắc và âm thanh thì trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu các hoạt động giải trí tại nhà mang thiên hướng về nghệ thuật để cha mẹ cùng thực hiện với trẻ.


Trước tiên, hãy cùng điểm qua một chút về ích lợi của những hoạt động giải trí mà cha mẹ tham gia cùng con cái.



Tầm quan trọng của việc chơi cùng trẻ


Thời gian vui chơi cùng con cái là một trong những cơ hội hiếm hoi để gắn kết và sáng tạo với trẻ, đồng thời giúp các bậc phụ huynh sống chậm lại sau những giờ làm việc vất vả. Bạn có thể cùng với trẻ hướng tới một mục tiêu chung mà tất cả mọi người có thể tự hào khi nhìn lại thành quả sau một khoảng thời gian và công sức bỏ ra.

Đối với trẻ em, ngoài việc được chơi đùa cùng những người thân yêu thì những hoạt động này còn giúp ích rất nhiều trong quá trình phát triển trong những năm đầu đời như: (1)

  • Xây dựng các kỹ năng vận động tinh.

  • Phát triển nhận thức thị giác.

  • Giúp trình bày, thể hiện ý tưởng và khái niệm.

  • Củng cố khả năng chú ý.

  • Làm quen với việc giải quyết vấn đề.

Bổ ích là vậy nhưng chẳng tự dưng mà trẻ thực hiện điều đó, chúng cần có người hướng dẫn, động viên và cùng tham gia. Đặc biệt là thông qua các trò chơi khơi nguồn trí tưởng tượng, điều này sẽ giúp cho việc “sáng tạo nghệ thuật” trở nên dễ dàng và thú vị hơn nhiều.


Một số trò chơi tại nhà mang tính nghệ thuật


Vì sở thích của mỗi đứa trẻ là khác nhau, phụ huynh có thể chơi thử cùng bé trong các hoạt động dưới đây và tìm ra một vài điều mà trẻ đặc biệt hứng thú. Bên cạnh đó, khi hiểu biết được về sở thích và sở trường của trẻ, cha mẹ sẽ chủ động đóng góp và định hướng nhiều hơn trong các hoạt động giáo dục sau này cho con em mình.


1. Các trò chơi liên quan đến vẽ



Vẽ luôn đứng đầu bảng trong các hoạt động nghệ thuật cho trẻ. Đây là một cách hoàn hảo để trẻ thoải mái thể hiện sự sáng tạo của mình với màu sắc. Có rất nhiều trò chơi liên quan đến vẽ như:

  • Vẽ - cắt - ghép: Đây là một trò khá thú vị, phối hợp nhiều kỹ năng với nhau. Đầu tiên là cùng với trẻ vẽ các bức hình mà chúng ưa thích lên một miếng bìa cứng, sau đó chụp hình sản phẩm lại, tiếp đến cắt những bức hình ra thành các mảnh ghép và trộn lẫn với nhau. Nhiệm vụ của những đứa trẻ là phải sắp xếp chúng trở lại giống như bức hình ban đầu.

  • Vẽ sau lưng: Đặt tờ giấy lên sau lưng của trẻ rồi bắt đầu vẽ. Yêu cầu đứa trẻ phía trước vẽ lại những cảm nhận ở sau lưng của mình. Điều này sẽ làm chúng vận động tất cả các giác quan và phải tập trung để thực hiện. Và kết quả thu được sẽ là những bức vẽ nghuệch ngoạc buồn cười. Lưu ý rằng đây là một trò chơi khó nên chỉ áp dụng cho các bé từ 4-5 tuổi trở lên và cha mẹ chỉ cần vẽ các hình thù đơn giản là được .

  • Vẽ nối/vẽ ghép: Chia thành hai nhóm, mỗi nhóm sẽ nhận trách nhiệm vẽ một nửa thân con vật, có thể chọn bất kỳ con vật nào mà bọn trẻ muốn vẽ. Sau khi vẽ xong thì cả hai nhóm bắt đầu ghép hai bức ảnh lại để nhận ra sự "tróe ngoe" hài hước của thành phẩm, đảm bảo lũ trẻ sẽ cười ồ lên vì khoái chí.

  • Vẽ cảm xúc: Mô tả lại các biểu cảm trên khuôn mặt bằng các bức vẽ đơn giản và ngộ ngĩnh. Hãy cố gắng vẽ nét to trên khổ giấy lớn để tạo ra kích thước của bức tranh đúng với kích thước khuôn mặt, sau đó cầm bức tranh che lên khuôn mặt rồi chụp hình lại. Việc diễn tả cảm xúc bằng hình vẽ như thế này rất tốt cho việc dạy trẻ tương tác xã hội. Trong lúc vẽ hãy giải thích thêm về các biểu cảm trên gương mặt, trẻ sẽ cảm thấy rất hứng thú khi nghe cha mẹ trình bày.

  • Vẽ chuyền tay: Lần lượt mỗi người vẽ một thứ bất kỳ lên bức tranh trong một khoảng thời gian 30 giây. Sau đó chuyền bức tranh này đến người khác để vẽ. Sau khoảng 20 lần chuyền như vậy thì chúng ta sẽ có một bức tranh cuối cùng rối tung nhặng xị nhưng cũng rất thú vị. Nhớ dạy bé đừng quên cổ vũ đồng đội của mình trong lúc vẽ.


2. Các trò chơi tạo hình với đất sét



Ngoài các lợi ích đã kể trên thì việc chơi với đất sét, đất nặn còn giúp trẻ cải thiện và tăng cường hệ miễn dịch. Việc này có được là nhờ trẻ thường xuyên tiếp xúc với các chất liệu khác nhau, tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo độ an toàn từ đất nặn. Trẻ em từ 3 tuổi trở lên đã có thể bắt đầu chơi với đất sét. Một vài ý tưởng dành cho các phụ huynh để chơi nặn đất sét với trẻ như sau:

  • Nặn các hình thù đơn giản: Ban đầu khi trẻ mới làm quen với đất nặn thì hãy dạy trẻ tập nặn những hình thù đơn giản để làm quen với cách sử dụng bàn tay nhào nặn. Nếu học được phương pháp đúng thì trẻ sẽ phát triển kỹ năng này rất nhanh.

  • Tạo hình con đường từ nhà đến trường hoặc một điều gì đó tương tự, tuy nhiên không cần phải quá chính xác hay tỉ mỉ. Điều quan trọng là hãy giúp trẻ nhớ các mốc trên đường đi, ví dụ như đi qua bao nhiều ngã ba ngã tư, có những cửa hàng hoặc căn nhà nào đáng lưu ý thì hẵng nặn lại. Mô hình con đường này có thể nặn trong nhiều ngày. Mỗi ngày như vậy, trẻ sẽ chăm chú và quan sát kỹ nên nếu chúng thực sự thích.

  • Nặn bánh sinh nhật: Đây có thể là một mẹo hay cho các bậc phụ huynh, nhằm tạo điều kiện cho con em mình thỏa sức sáng tạo ra chiếc bánh sinh nhật theo ý muốn. Để rồi bất thình lình đến ngày sinh nhật, cha mẹ hãy đặt cho bé một chiếc bánh y hệt nguyên mẫu. Đây hẳn sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ.


3. Các hoạt động liên quan đến thiên nhiên


Ảnh: Hisu Lee

Nếu như chỉ giới hạn các trò chơi quanh quẩn trong nhà, phòng khách, phòng ngủ.... thì cũng khó có thể thực hiện các hoạt động liên quan đến thiên nhiên. Tuy nhiên, cha mẹ có thể mở rộng phạm vi ra ngoài không gian mở như sân vườn sau nhà, khoảng đất trống trong khu xóm... thì vẫn có những trò khá thú vị như:

  • Tô đá: Tương tự như tô tượng, chỉ khác ở đây những viên đá nhặt xung quanh nhà sẽ là thứ mà trẻ tô vẽ tùy theo trí tưởng tượng. Các viên đá với đủ hình dạng khác nhau có thể kích thích sự sáng tạo của trẻ. Hãy gợi ý cho bé liên tưởng hình dạng viên đá với các đồ vật hoặc con vật sẽ giúp bé ghi nhớ, học hỏi thêm nhiều kiến thức về cuộc sống xung quanh.

  • Ép cây cỏ hoa lá: Đây là một trò chơi "hoài cổ" chắc hẳn mang nhiều kỷ niệm của các bậc làm cha làm mẹ. Khi mà những trang lưu bút của tuổi học trò giờ đây được tái hiện cùng với trẻ thơ. Hãy cùng bé đi tìm những cách hoa để mang về, xử lý và ép khô. Nếu như đứa trẻ thích thú với trò chơi này thì cả gia đình sẽ có một bộ sưu tập đồ "hand-made" độc nhất vô nhị và mang đậm dấu ấn nghệ thuật của tất cả thành viên trong nhà.

  • Trồng cây nhỏ trong nhà: Điều này hoàn toàn có thể, nhất là đối với những bậc phụ huynh yêu môi trường và quan tâm đến việc tái chế. Hãy sử dụng các chai nhựa, lon bia hoặc nước ngọt làm chậu. Sử dụng các loại cây hoặc hạt giống dễ nảy mầm và cùng trẻ trồng chúng. Quan sát sự thay đổi của cây cối theo từng ngày sẽ là trải nghiệm thú vị đối với trẻ em.


4. Hoạt động đặc biệt dịp cuối năm: Trang trí nhà cửa



Năm hết Tết đến, nếu như các bậc cha mẹ đang đau đầu với việc vừa phải dọn dẹp nhà cửa, vừa phải trông nom bọn trẻ hiếu động đang trong thời gian nghỉ lễ thì đây có thể là giải pháp "vẹn cả đôi đường". Ngoài ra, việc trang trí, dọn dẹp còn giúp phụ huynh có dịp nhìn lại các sở thích liên quan đến sáng tạo và thiên hướng nghệ thuật trong năm qua, cũng như dạy bé những trải nghiệm bổ ích về lối sống gọn gàng trước thềm năm mới. Hãy mang ra các “tác phẩm nghệ thuật” đã cùng bé tạo nên trước đây làm vật liệu trang trí cho căn nhà. Đối với những bậc phụ huynh muốn thực hiện lối sống tối giản thì hoàn toàn có thể giới hạn “không gian sáng tạo” của bé ở một vị trí nhất định, nhỏ gọn trong căn nhà hoặc trong phòng ngủ của riêng bé.


Trên đây chỉ là một vài trò chơi khơi nguồn sáng tạo và định hướng nghệ thuật cho trẻ trong vô vàn những trò chơi mà cha mẹ có thể cùng thực hiện với con trẻ. Điều quan trọng là chúng ta nhận ra được những giá trị tuyệt vời mà những hoạt động này mang lại, không chỉ đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mà còn cho cả chính trải nghiệm trong hành trình làm cha mẹ của chúng ta.

Comments


bottom of page