top of page
Tìm kiếm

Muốn phát triển bản thân, phải có tư duy lành mạnh

Hoàn thiện bản thân luôn là một tiến trình kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ để trở thành một phiên bản của chính mình tốt hơn ngày hôm qua. Hành trình tự thân đó không chỉ giúp ta sống tích cực hơn, mà còn là mục đích và ý nghĩa để duy trì lối sống hạnh phúc. Vậy mỗi người nên tiếp cận việc phát triển bản thân với tư duy như thế nào? Làm sao để quá trình này trở nên lành mạnh và dễ thực hiện?


Phát triển bản thân không có nghĩa là chúng ta cảm thấy tự ti cho rằng mình có quá nhiều yếu kém cần phải sửa, mà đó là quá trình tự nhận thức về cảm xúc và suy nghĩ, thấu hiểu vì sao chúng ta hành động, cũng như đưa ra những phương pháp lành mạnh để rèn luyện và nâng cao giá trị sẵn có của mỗi người. Khi bạn hiểu chính mình và có những cách để giúp bản thân tốt lên, mọi khía cạnh trong cuộc sống từ thể chất lẫn tinh thần đều sẽ tiến bộ cùng với những nỗ lực hằng ngày.



LeLa Journal gợi ý một số phương cách nền tảng nhưng không kém phần quan trọng để bạn có thể phát triển bản thân một cách lành mạnh nhất:


Chậm mà chắc


Không có lối tắt nhanh nào (quick fix) cho việc tự cải thiện. Chúng ta không thể tạo nên lối sống bền vững chỉ trong một ngày hoặc bằng một phương pháp “thần tốc” nào đó. Việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn vì thay đổi sẽ diễn ra chậm rãi và không hiện rõ trước mắt nhưng sẽ tích tụ lại dần theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy những thay đổi nhỏ hằng ngày sẽ làm tăng tỷ lệ thành công của bạn lên đáng kể (1). Điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ cần tập trung vào một nhiệm vụ trong một mốc thời gian nhất định, sau khi đã cảm thấy thoải mái với sự thay đổi ấy, hãy chuyển sang theo đuổi mục tiêu tiếp theo.


Chia nhỏ mọi thứ thành từng bước cụ thể và dễ thực hiện là một cách tốt để đi từng bước chậm rãi, chắn chắn, chẳng hạn như:

  • Lên kế hoạch đi tập gym 3 tuần một lần có thể là nhiệm vụ quá lớn để bắt đầu. Bạn nên chia nó ra thành những mục tiêu nhỏ hơn: chọn quần áo tập, chọn ngày giờ đi tập, lên kế hoạch tập luyện, hoạch định thời gian tập 10 phút mỗi lần, tăng tần suất khi đã cảm thấy thoải mái…

  • Đọc 4 quyển sách một tháng sẽ là thử thách khó nếu bạn có lịch trình bận rộn. Thay vào đó, chúng ta nên đặt ra các bước nhỏ hơn như: chọn thể loại sách yêu thích, tìm hiểu về tác giả, đọc mục lục và lướt qua các chương mục chính, đọc 30 phút mỗi ngày, ghi chép lại 3 ý hay nhất…


Chúng ta không thể thành công bằng cách ép buộc bản thân phải thực hiện những nhiệm vụ bất khả thi và nhàm chán. Điều này không giúp mỗi người hình thành thói quen lâu dài mà còn khiến chúng ta cảm thấy nản chí, dễ dàng bỏ cuộc. Vì thế, hãy nghĩ về những yếu tố nhỏ nhất có thể giúp bạn thực hiện dễ dàng, dù chỉ cải thiện được thêm 1% sau mỗi lần "bước chậm mà chắc".



Cam kết rõ ràng


Để khiến việc rèn luyện trở nên vững chắc và dễ hình dung hơn, chúng ta nên thiết lập cam kết rõ ràng với bản thân hoặc với một đối tác đáng tin cậy. Cách lý tưởng để làm rõ cam kết là viết ra giấy một cách cụ thể, điển hình như trong ví dụ dưới đây:

“Tôi đang cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của mình bằng cách tưới cây và tập thể dục 10 phút trước khi bắt đầu ngày mới. Tôi thực hiện điều này là vì mong muốn bản thân có thể sống chậm hơn và có nhiều năng lượng hơn vào buổi sáng. Nhờ đó, tôi cảm thấy khỏe khoắn và có một tâm trí thư giãn trước khi bắt tay vào giải quyết công việc trong ngày".

Chọn cách thức khoa học và cá nhân hóa theo năng lực bản thân


Trước khi bắt đầu hành trình hoàn thiện, chúng ta thường tìm hiểu thông tin về nhiều phương pháp phổ biến khác nhau để chọn ra những thứ phù hợp nhất với mình. Có thể bạn sẽ bị cuốn hút bởi vô số “bậc thầy” trong lĩnh vực này, đặc biệt là khi hình ảnh thành công của những người ảnh hưởng xuất hiện quá nhiều trên mạng xã hội. Hãy dừng lại và cân nhắc về độ uy tín, đáng tin cậy của những thứ bạn lựa chọn áp dụng. Chế độ ăn hay luyện tập này có phù hợp với thể trạng, tinh thần và sức khỏe tổng thể của bạn hay không? Xuất phát điểm của bạn liệu có giống họ?


Tốt hơn hết là chúng ta nên chọn cho mình những cách thức đã được khoa học chứng minh, được thử nghiệm, nghiên cứu trên diện rộng và có những bằng chứng cụ thể về tác động tích cực lên con người. Giả sử như thiền chánh niệm hoặc các kỹ thuật trị liệu nhận thức và hành vi (CBT), đây đều là những phương pháp phổ biến, được chứng minh là có hiệu quả tuyệt vời đối với sức khỏe (2), (3).


Ảnh: Convertkit

Đồng thời, chính vì mỗi chúng ta đều là những cá thể khác biệt, không ai giống nhau hoàn toàn, nên việc cá nhân hóa kế hoạch của bạn là điều rất quan trọng. Một phương pháp dù được cho là đúng và hết sức phổ biến nhưng nếu nó không phù hợp với quy chuẩn bản thân, bạn vẫn sẽ cảm thấy mất thời gian và không hữu ích. Bởi mỗi chúng ta đều có những đặc điểm tính cách, văn hóa và hoàn cảnh riêng, không thể áp dụng một công thức chung nhất cho tất cả mọi người.

  • Nếu là người yêu thích nghệ thuật, bạn có thể thấy thích các phương pháp trị liệu như vẽ, tô màu, thưởng thức tranh…

  • Nếu là người hứng thú với con số, bạn sẽ muốn thực hiện các phương pháp theo dõi hành vi và đo lường kết quả bằng những công thức và con số hữu hình.

Chúng ta chỉ có thể tìm ra điều này thông qua thử nghiệm và tự đánh giá liên tục, sau đó tìm ra những cách hoàn thiện bản thân phù hợp nhất với sở thích và năng lực cá nhân của mình.


Biết cách tự nhận thức


Nếu đã thử một vài bước nhỏ để cải thiện bản thân, hẳn bạn sẽ tự ý thức được suy nghĩ và cảm xúc của mình một phần nào đó. Chúng ta sẽ hạn chế hành động bộc phát và chiều theo cảm xúc nhất thời, gây ra mâu thuẫn cho chính mình cũng như mọi người xung quanh. Khi đầu tư phát triển bản thân, chúng ta ngày càng hiểu rõ mình hơn, dẫn đến việc xử lý, ứng biến hiệu quả khi các ý nghĩ và cảm xúc xuất hiện. Những người không có sự tự nhận thức thường không hiểu họ muốn gì, không quan tâm quá đến việc cải thiện bản thân. Vậy nên họ thường ít có khả năng kiểm soát những phản ứng tiêu cực thường ngày như là căng thẳng hoặc lo âu.


Sự tự nhận thức được nuôi dưỡng qua việc quan sát và hiểu biết về bản thân. Chúng ta có thể đặt cho mình các câu hỏi, viết nhật ký và theo dõi các ý nghĩ, cảm xúc và hành động của mình thường xuyên. Những điều này giúp bạn nhận ra điểm mạnh, điểm yếu và các khó khăn đang gặp phải, sau đó mới có thể rút ra bài học và tạo nên các kế hoạch cải thiện tốt hơn. Điều quan trọng cần nhớ là hãy từ bi và có tình thương yêu đối với bản thân, nhờ vậy chúng ta sẽ vượt qua những suy nghĩ phê phán và sáng tạo nên các ý tưởng tốt hơn.



Hành động với tâm trí lạc quan


Dù cảm thấy bản thân còn nhiều điều cần cải thiện, chúng ta cũng không nên chỉ trích và thúc ép mình quá mức. Vì điều đó chỉ gây thêm sự căng thẳng khó chịu, không những không giúp ích cho quá trình phát triển bản thân mà còn làm tăng khả năng cảm thấy tự ti, giảm lòng tự trọng và khiến chúng ta dễ so sánh chặng đường của mình với những người thành công khác.


Cách tiếp cận lành mạnh hơn đó là duy trì một thái độ lạc quan khi phát triển bản thân, có thể trau dồi qua sự thực tập chánh niệm, tự nói chuyện tích cực hoặc tự nhận thức… Đây đều là các phương pháp của lĩnh vực tâm lý học tích cực (positive psychology), được ra đời để giúp con người có một cuộc sống tâm trạng lẫn thể trạng khỏe mạnh, hạnh phúc hơn. Bắt đầu hoàn thiện bản thân với tư duy tích cực sẽ giúp chúng ta tự tin và có nhiều khả năng vượt qua thất bại trên chặng đường này một cách vững vàng, đồng thời mỗi ngày càng biết ơn với những cải thiện tốt đẹp của chính mình.


Comments


bottom of page