Người Do Thái được công nhận là dân tộc thông minh nhất trên thế giới dù dân số của họ chỉ vỏn vẹn 17 triệu người, chiếm chưa đến 0,2% dân số toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy dân tộc này là chủ nhân của 30% số giải Nobel từng được trao và 30% số sinh viên trúng tuyển và nhận học bổng tại các trường đại học thuộc top Ivy League (nhóm 8 trường Đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ). Một điều làm nên thành công của họ chính là phương pháp đọc-học Havruta mà LeLa Journal sẽ phân tích kỹ hơn trong bài này, để cha mẹ có thể tham khảo và thực hành ngay cùng con nhé.
Nét ưu việt trong phong cách hỏi-đáp của người Do Thái
Khác với hình thức học "vẹt" để ghi nhớ một cách máy móc, phương pháp giáo dục của người Do Thái chú trọng việc đào sâu tư duy, khuyến khích trẻ thảo luận và nghiên cứu, khiến cho trí tò mò của trẻ được bồi đắp từ khi còn nhỏ và không ngừng mở rộng.
Nói cách khác, người lớn hỗ trợ xây dựng tư duy cho trẻ thông qua việc thường xuyên luyện tập "hỏi – đáp" với trẻ và ủng hộ trẻ trao đổi với nhau, bất kể đang ở nhà hay ở trường, nhờ đó mà trẻ nhận ra những quy luật và tìm cho mình cách xử trí khôn ngoan trong cuộc sống.
Đây chính là một phần trong phương pháp nuôi dưỡng trí tuệ Do Thái của các nhà thông thái và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới, trong đó là những cái tên tiêu biểu như thiên tài khoa học Albert Einstein, hai nhà sáng lập nổi tiếng là Mark Zuckerberg và Steve Jobs, đạo diễn Steven Spielberg... (1).
Nhắc tới cách giáo dục của người Do Thái, chúng ta không thể không nhắc tới phương pháp đọc Havruta.
Phương pháp havruta: Nhận diện đúng câu hỏi, bạn đã tìm được 50% câu trả lời
Cái tên Havruta có nguồn gốc từ từ "haber" trong tiếng Do Thái, nghĩa là "bạn bè", "bằng hữu". Đây là phương pháp vấn đáp được người Do Thái áp dụng một cách linh hoạt trong cuộc sống hằng ngày cũng như khi tiếp thu kiến thức chuyên môn.
Ban đầu, Havruta chỉ phương pháp dùng để đọc kinh Torah của người Do Thái bằng cách đặt câu hỏi và thảo luận với các học giả Rabbi.
Dần dần, phương pháp này phát triển nhờ vào việc hỏi – đáp xoay quanh kinh Talmud, một cuốn kinh chứa đựng nội dung cao minh đóng vai trò khơi nguồn tri thức và hình thành tư duy phản biện của người Do Thái (2).
Trong havruta, chúng ta cần lưu ý tới ba yếu tố (3), gồm có:
Cấu trúc (structure) là các những điều được thiết kế dành cho việc học, chẳng hạn như khóa học được thiết kế hoặc cấu trúc của một cuốn sách...
Thái độ, lập trường (stance) của người học/đọc—chính là lập trường, quan điểm của chúng ta khi đọc và học...
Luyện tập/thực hành (practice), bao gồm sáu hoạt động là lắng nghe (listening), đọc kỹ và đặc biệt là đọc thành lời (articulating), hoài nghi và thắc mắc (wondering), chuyên tâm (focusing), hỗ trợ (supporting) và cuối cùng là thách thức (challenging).
Từ những yếu tố trên, havruta có thể giúp người đọc/học cùng nhau giải thích các văn bản và có thể trau dồi các kỹ năng trí tuệ cũng như quan hệ bằng hữu trong tiến trình này (3).
Có thể nói, havruta là một phương pháp đọc-học nhóm để chúng ta cùng học cùng tiến.
Phương pháp đọc sách của người Do Thái tại Israel khác với văn hóa của đại đa số các nước Á Đông và Phương Tây. Ở quốc gia này, việc học không diễn ra ở thư viện yên tĩnh mà là trong những cuộc thảo luận rôm rả tại các Chủng viện Do Thái có tên Yeshiva – những thư viện đậm chất riêng của người Do Thái. Đây là chính là một phần cấu trúc quan trọng của việc tiếp thu kiến thức.
Tại đây, người học thường ngồi theo cặp đối diện nhau (cũng có khi theo nhóm lớn hơn) (3). Trong tiến trình đọc-hiểu, họ sẽ quay sang hỏi ý kiến đối phương và sẵn sàng phản biện (chính là sự thách thức như đã nêu ở trên).
Thư viện Yeshiva không có lấy một giây phút yên tĩnh, bởi học viên đến đây luôn mang đầy những cuốn sách chất cao như núi để đọc và thảo luận với đối phương, thông qua câu hỏi "Suy nghĩ của bạn là gì?" (4).
Theo nhà giáo dục người Hàn là Soon-Doc Ryu – tác giả cuốn sách "Phương pháp đọc sáng tạo của người Do Thái" và là một người có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này, hình thức đọc sáng tạo Havruta đem lại một số hiệu quả sau đây đối với sự phát triển tư duy của trẻ:
Trẻ được dạy rằng không chỉ xoay quanh việc "suy nghĩ về cái gì?" mà còn là "tư duy ra sao?". Điều này có liên quan tới siêu nhận thức (metacognition) mà LeLa Journal sẽ nhắc tới kỹ hơn trong một bài khác. Thông qua các câu hỏi và những cuộc thảo luận, trẻ được nâng cao năng lực tư duy và thấu hiểu cặn kẽ vấn đề.
Việc đưa ra câu hỏi và trả lời những vấn đề của một cuốn sách sinh ra sự tò mò và sự tò mò này lại thúc đẩy trẻ đọc thêm những cuốn sách khác. Từ đó, trẻ ngày càng hứng thú hơn với việc đọc sách, và không chỉ dừng lại ở đó, còn là thói quen cùng đối phương trò chuyện về sách và kiến thức. Điều này có nghĩa là trẻ được nuôi dưỡng khả năng liên kết một cách tự nhiên việc đọc sách với năng lực thảo luận.
Việc tương tác qua lại về cùng một vấn đề giúp trẻ phát triển năng lực thể hiện bản thân và nâng cao khả năng đồng cảm với đối phương.
Trẻ được rèn luyện thói quen lắng nghe đối phương nói ra ý kiến của mình để soi chiếu dưới lăng kính của bản thân. Kỹ năng lắng nghe giúp hai bên hiểu nhau và hiểu những góc khác nhau của vấn đề. Trẻ học cách tôn trọng và công nhận những điều khác biệt giữa mình và người khác thông qua tiến trình kiếm tìm lời giải phù hợp cho câu hỏi chứ không phải cố công để ra một đáp án chính xác duy nhất.
6 bước thực hành đọc sách theo phương pháp Havruta cùng trẻ
Điều kiện tiên quyết để hình thành thói quen đọc sách ở trẻ em là cần tạo cho trẻ một môi trường làm quen với sách từ nhỏ, mà trong đó, cha mẹ cũng phải duy trì được thói quen đọc sách và sẵn sàng trao đổi. Khi quan sát điểm này ở phụ huynh, trẻ em sẽ có xu hướng học theo một cách vô thức và xây dựng nếp đọc của riêng mình (5). Đối với phương pháp đọc sách sáng tạo Havruta, phụ huynh có thể thực hiện 6 bước dưới đây, theo như sự gợi ý của tác giả Soon-Doc Ryu.
Bước 1: Cần xác định đối tượng thực hiện phương pháp này và chọn chủ đề sách để đọc
Do phương pháp Havruta cần sự thảo luận giữa hai người trở lên, phụ huynh có thể cân nhắc mời con tham gia đọc và thảo luận theo cặp như bố - con, mẹ - con hoặc nhóm ba người gồm bố - mẹ - con...
Đối với chủ đề sách, phụ huynh nên để con lựa chọn những sách phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của con với mức độ tăng tiến. Nếu mới thực hành, chúng ta nên chọn những cuốn sách ngắn, nội dung đơn giản trước (6).
Chẳng hạn, hai mẹ con cùng thống nhất chọn cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài vì nội dung dễ hiểu, có nhiều bài học đạo đức và thuộc dòng văn học Việt Nam.
Bước 2: Hai người hoặc một nhóm cùng nhau đọc cuốn sách với chủ đề đã chọn
Phụ huynh và trẻ cùng giao hẹn thời gian đọc cuốn sách đã chọn và cam kết thực hiện. Tùy theo mức độ dài – ngắn của sách và việc sinh hoạt của gia đình mà thời gian đọc sẽ dao động theo. Chẳng hạn, thời gian để hai mẹ con cùng đọc xong cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký là năm ngày.
Bước 3: Ghi lại 10 từ khóa trong cuốn sách và tóm tắt nội dung chính trong khoảng 100 – 200 từ. Cần đảm bảo tất cả người đọc đều đã hiểu kỹ nội dung cuốn sách
Đây là bước giúp người đọc nắm bắt những ý then chốt và thông điệp mà cuốn sách truyền tải.
Bước 4: Thu gọn 10 từ khóa còn lại 3 từ mang lại cảm giác đây là những từ quan trọng nhất và cũng chính là chủ đề thảo luận (3 chủ đề)
Đây là bước chuẩn bị chủ đề thảo luận của những người đọc cùng nhóm với nhau.
Bước 5: Mọi người cùng nhau đặt các câu hỏi liên quan đến 3 chủ đề thảo luận trên và tiến hành thảo luận
Đối với mỗi chủ đề, phụ huynh và con có thể thay phiên nhau hỏi và trả lời theo quan điểm của mình. Khi mới thực hành thảo luận theo phương pháp Havruta, cha mẹ nên chủ động đưa ra câu hỏi để khơi gợi cho trẻ, đồng thời giúp trẻ hình dung ra cách đặt câu hỏi, sau đó sẽ để trẻ tự đưa ra câu hỏi của riêng mình.
Điều cốt lõi để giúp việc thảo luận đạt hiệu quả là tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt trong suy nghĩ của đối phương và lắng nghe kiến giải mà họ đưa ra (7).
Bước 6: Viết một bài văn ngắn trong khoảng 150 - 200 từ để chia sẻ quan điểm của cá nhân sau khi thảo luận
Sau mỗi cuộc thảo luận giữa bố mẹ và con về những chủ đề xoay quanh nội dung của cuốn sách, trong đầu trẻ sẽ được khai phá thêm nhiều ý tưởng và quan điểm mới theo cách phát triển của sơ đồ tư duy (mindmap). Lúc này, phụ huynh có thể để con có thời gian ngồi lại để viết ra một bài văn ngắn ghi lại những ý kiến của con (8).
Có thể nhiều người trong chúng ta sẽ thấy việc viết bài như vậy giống như "biến" giờ tập đọc thành giờ tập làm văn để kiểm tra. Tuy nhiên, mục tiêu của việc này chỉ là để trẻ ghi chép lại ý kiến của mình, vậy nên thay vì tạo áp lực về việc viết bài, chúng ta có thể dặn dò một cách nhẹ nhàng để trẻ ghi vào sổ nhật ký, sổ ghi chép... giống như một nhà khoa học đang ghi chép lại từng bước trong hành trình khám phá của bản thân.
Phương pháp đọc sách Havruta đã chứng minh hiệu quả giáo dục qua nhiều thế hệ người Do Thái trên khắp thế giới. Đây chính là một cách để cha mẹ và con cái có thể trở thành bạn đồng hành của nhau trên con đường tri thức.
Comments