Nhắc đến Singapore ngày nay, thế giới phải ngả mũ thán phục sự phát triển thần kỳ của một quốc gia có diện tích chỉ vỏn vẹn gần 730 km² với dân số chưa đến 6 triệu người. Đảo Sentosa, Marina Bay Sands, sân bay Changi... là những khu hiện đại bậc nhất. Bên cạnh đó, hằng năm có vô số những start-up ra đời tại đảo quốc bé nhỏ này. Đây chính là một số trong rất nhiều thành quả kinh tế - xã hội – giáo dục mà Singapore đã đạt được nhờ vào di sản mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu – "người cha" lập nên chính quyền trong những năm đầu tiên lãnh đạo quốc gia.
Từ hai cuốn hồi ký Câu chuyện Singapore và Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất của vị Cố Thủ tướng, người viết và LeLa Journal tổng hợp 5 quan điểm quản lý tổ chức, bắt đầu bằng chữ cái "S" trong tiếng Anh là "survival", "strategy", "sagacity-seeking", "structure" và "steward-selection". Đây cũng là một bài học lịch sử với giá trị thời đại, phù hợp để áp dụng trong việc điều hành doanh nghiệp hiện nay.
Đôi nét về Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) sinh năm 1923 tại Singapore trong một gia đình nhập cư từ Trung Quốc. Thời ông còn đi học, đảo quốc Singapore vẫn thuộc sự cai trị của thực dân Anh, do đó, ông nghiễm nhiên là một công dân Anh và sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Cố Thủ tướng từng du học tại Trường Kinh tế London, sau đó được nhận vào Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) năm 1947 và tốt nghiệp bằng danh dự hạng nhất ngành luật sau đó hai năm. Năm 1950, Lý Quang Diệu trở về Singapore và tham gia chính trường, sau đó trở thành Thủ tướng đầu tiên của đảo quốc Sư Tử vào năm 35 tuổi sau khi Anh trao quyền tự trị cho Singapore.
Một thời gian sau, nhiều vụ bạo động xảy ra do căng thẳng sắc tộc gia tăng giữa người Hoa chiếm đa số tại Singapore và người Malaysia xoay quanh việc dân tộc nào sẽ đại diện cho Liên bang Malaysia. Vào năm 1965, Lý Quang Diệu chấp nhận đề nghị của Malaysia để Singapore tách khỏi Liên bang trong tình trạng "tự sinh – tự diệt". Đây cũng chính là bước ngoặt để đưa vận mệnh quốc gia sang một trang mới rực rỡ như chúng ta vẫn biết ngày hôm nay.
Người dân ở đất nước này yêu mến gọi ông là "người cha lập quốc" (the founding father). Con trai cả của ông – Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) hiện cũng là Thủ tướng của đảo quốc Sư tử, đóng vai trò thuyền trưởng chèo lái con thuyền phát triển của đất nước này trên một hải trình mới (1), (2).
Vậy di sản, bài học mà Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu để lại là gì? Sau đây là tóm lược bí quyết quản trị tổ chức bằng 5S – Bài học từ Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong việc điều hành.
1. Survival – Sống còn
Singapore sau khi tách khỏi Malaysia rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi đối mặt với bối cảnh chính trị nghiệt ngã. Đất nước không có đủ tài nguyên cho cuộc sống tối thiểu của người dân, đồng thời thiếu đi sự hậu thuẫn của các quốc gia khác (3). Bởi vậy, Lý Quang Diệu cho rằng việc đất nước này có thể vươn lên vượt bậc không chỉ là khát vọng mà còn là lựa chọn mang tính sống còn. Trong hồi ký của mình, ông nhận định rằng chính phủ cần nhận thức được 3 điều sau nếu muốn Singapore thoát khỏi khủng hoảng và phát triển (4), (5):
Thứ nhất, cá nhân ông Lý Quang Diệu cho rằng đất nước này không thể dựa theo lối đi thông thường nếu muốn tồn tại và phát triển, thay vào đó, toàn dân phải thể hiện cố gắng phi thường để trở thành một dân tộc gắn kết chặt chẽ, mạnh mẽ và có sức bật (resilience) trước mọi biến động chính trị - kinh tế - xã hội.
Thứ hai, Cố Thủ tướng cho rằng tài sản dân tộc lớn nhất của Singapore là lòng tin của nhân dân. Do đó, mọi quyết sách của chính phủ cần ưu tiên đảm bảo quyền lợi của người dân trước mọi giá trị kinh tế - chính trị khác.
Thứ ba, Lý Quang Diệu rất coi trọng yếu tố "nhân tài" trong bộ máy chính quyền cũng như lực lượng lao động. Ông coi con người, với các phẩm chất chăm chỉ, tiết kiệm và khao khát chinh phục kiến thức là "tài sản có giá trị đặc biệt của đất nước".
Ba quan điểm về sự sống còn mà Lý Quang Diệu đặt ra cho Singapore vẫn mang tính thời sự trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, đồng thời có liên hệ mật thiết đến khả năng tự phục hồi của tổ chức. Các mô hình tổ chức đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Chẳng hạn, những trở ngại khi thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững (sustainable development), chuyển đổi số (digital transformation), áp dụng khoa học – kỹ thuật thay thế con người (AI, tự động hóa)... Điều này đòi hỏi chúng ta phải có hướng đi mang tính đổi mới để tồn tại và phát triển (8).
Chúng ta có thể quan sát bài học về việc nâng cao khả năng tự phục hồi để duy trì tồn tại của Lý Quang Diệu trong hoạt động doanh nghiệp xuyên suốt đại dịch COVID-19. Ngành dệt may Việt Nam đã nhìn thấy "trong nguy có cơ" khi chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang vải thay cho lượng đơn hàng may mặc thông dụng giảm sút do đứt gãy chuỗi cung ứng (supply chain disruption) (9). Các doanh nghiệp sản xuất và nhà bán lẻ trên thế giới đã thích nghi với thị trường bán hàng trực tuyến do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội, nhờ đó, doanh thu vẫn giữ ở mức ổn định so với trước đại dịch (10).
2. Strategy – Chiến lược
Lý Quang Diệu chủ trương rằng Singapore cần có chiến lược gắn kết sâu rộng với các quốc gia phát triển ngay từ giai đoạn khởi đầu và đặt nền móng ở mức cao, từ hạ tầng cơ sở đến nền tảng pháp lý. Chính việc hoạch địch chiến lược rõ ràng từ đầu đã góp phần giúp Singapore trở thành "ốc đảo thế giới thứ nhất giữa lòng thế giới thứ ba" (11), (12).
Theo quan điểm của vị Cố Thủ tướng, lãnh đạo tổ chức cần nắm bắt các xu thế thời đại, khai thác sức mạnh cộng hưởng, coi trọng sự phát triển bền vững. Đây cũng chính là tầm nhìn về tính toàn cầu hóa (globalization) mà ông đã áp dụng thành công trong quan hệ ngoại giao giữa Singapore và Đông Nam Á, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia phương Tây khác để tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực của thế giới trong công cuộc kiến quốc (13), (14).
Từ quan điểm về việc xây dựng chiến lược quảng giao của Lý Quang Diệu, các tổ chức có thể ý thức về tầm quan trọng của hoạt động kết nối doanh nghiệp (business networking) và bối cảnh toàn cầu hóa để đồng hành và phát triển theo hướng đồng thắng (win-win).
Chúng ta có thể thấy bài học này trong nhiều trường hợp doanh nghiệp tại Việt Nam: Tập đoàn Vingroup – Ngân hàng Techcombank (15), công ty dược phẩm TRAPHACO (Việt Nam) – liên doanh Westland – Pure Nutrition (New Zealand) (16)...
3. Sagacity-seeking – Tìm kiếm ý tưởng thông tuệ
Xuất thân là một luật sư trẻ, Lý Quang Diệu không có kinh nghiệm quản lý tổ chức đáng kể nào, vậy nhưng vị Cố Thủ tướng luôn giữ trong mình ý thức học hỏi mạnh mẽ và nỗ lực tìm kiếm các ý tưởng thông tuệ. Chính điều này đã giúp ông đưa ra những quyết định chiến lược đặc sắc.
Khi còn đương nhiệm, Lý Quang Diệu thường xuyên tham khảo ý kiến của cố vấn kinh tế người Hà Lan – Ông Albert Winsemius do UNDP cử tới (17). Ông luôn chú trọng lắng nghe lời khuyên của Winsemius trong các vấn đề kinh tế như thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển trung tâm tài chính, cũng như hỏi ý của vị chuyên gia này về những vấn đề nền tảng như giáo dục – xã hội. Winsemius cho rằng Singapore nên tôn trọng quá khứ, do đó ông đã khuyên Lý Quang Diệu không hạ đổ bức tượng các nhà thực dân như Stamford Raffles (18).
Tuy là người luôn khao khát tìm đến đỉnh cao tri thức, vị Cố Thủ tướng luôn tỏ ra khiêm tốn và mực thước trong mọi hành động, ngoài ra, ông cũng thường răn đe các lãnh đạo chính phủ để họ không phô trương công lao của mình trước tập thể và người dân.
Đối với sự lớn mạnh của doanh nghiệp mà nói, việc tìm kiếm ý tưởng thông tuệ theo quan điểm của Lý Quang Diệu có thể được hiểu là việc luôn coi trọng sự đổi mới (innovation) và sự cải tổ (transformation). Đồng thời, nhà lãnh đạo phải không ngừng học hỏi, xin tư vấn kinh nghiệm của người đi trước.
Đây là lý do mà nhiều "ông lớn" của nền kinh tế luôn có một ban cố vấn (advisory board) theo sát mọi đường đi nước bước của doanh nghiệp để kịp thời đưa ra lời khuyên cho người đứng đầu.
Chẳng hạn, sự thành công của Jeff Bezos và Tập đoàn Amazon hiện nay có sự đóng góp rất lớn của Andy Jassy – CEO đương nhiệm và cũng từng là cố vấn "ngầm" (shadow advisor) cho Bezos khi ông còn điều hành công ty (19). Một cố vấn khác cũng rất nổi tiếng trong làng công nghệ là giáo sư Terry Winograd của Đại học Stanford – người đã đồng hành với nhà đồng sáng lập Larry Page trong quá trình phát triển Google (20).
4. Structure – Cấu trúc
Người dân Singapore vốn không có lòng tin với chính quyền tiền nhiệm thời Lý Quang Diệu. Vì lẽ đó, vào thuở ban đầu, Cố Thủ tướng nhận thức rằng ông và Chính phủ tại nhiệm cần biến điểm hạn chế này thành quyết tâm trong việc xây dựng bộ máy công quyền hiệu quả và minh bạch (21). Điều này giúp đất nước giữ vững ổn định chính trị cũng như đem lại niềm tự hào và lòng tin của người dân.
Trong hồi ký của mình, ông cho hay mình rất coi trọng thiết kế của bộ máy công quyền vì điều này không chỉ tăng động lực thôi thúc hành động của từng cá nhân mà còn nâng cao sức mạnh tổng lực của toàn hệ thống.
Đối chiếu quan điểm tổ chức bộ máy chính quyền của Lý Quang Diệu và việc điều hành doanh nghiệp hiện nay, có thể thấy các nhà lãnh đạo đều hướng đến việc tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu suất làm việc, đồng thời đào tạo ra những cá nhân có năng lực và đạo đức nghề nghiệp (work ethics) để góp phần tạo nên một tổ chức hoạt động minh bạch, đem lại giá trị bền vững.
5. Steward selection – Chọn người giao trọng trách
Lựa chọn người để giao trọng trách là một trong những bài học đặc sắc nhất trong quản lý tổ chức theo tư tưởng của Lý Quang Diệu. Vị Cố Thủ tướng và cộng sự của mình đã lựa chọn nhân sự trong chính phủ một cách cẩn trọng với những đòi hỏi khắt khe về sự chân chính, lòng hiến dâng, ý chí lập công và phẩm giá cao quý.
Những nhân sự được ông tin tưởng đều có chung một tinh thần: có lòng với dân và coi trọng di sản để lại cho đất nước hơn là cố công tích lũy tài sản cho con cháu mình (22). Những nhân vật được Lý Quang Diệu tin tưởng giao phó trọng trách sau này đã trở thành những trụ cột ra quyết định sáng suốt trên con đường phát triển của Singapore, bao gồm Phó Thủ tướng Đỗ Tiến Tài (Toh Chin Chye), Bộ trưởng Bộ giáo dục Ong Pang Boon... (23).
Tư tưởng "trọng dụng người tài" trong quản lý tổ chức tuy đã cũ, song để tuyển dụng được nhân sự vừa có đức – vừa có tài và yên tâm giao cho họ thực hiện một nhiệm vụ cụ thể là điều không hề dễ dàng trong thời đại nhiều thăng trầm của thị trường lao động hiện nay. Khi đội ngũ nhân viên ngày một trẻ hóa, những người trẻ năng động, bản lĩnh và có cá tính riêng, chủ doanh nghiệp sẽ cần cân nhắc thận trọng hơn trong việc chọn ai, trọng ai để luôn đảm bảo sẽ có một lớp nhân sự kế cận tiếp quản hoạt động kinh doanh (24).
Nhìn vào một Singapore hiện đại và sôi động như hiện nay, chúng ta có thể thêm phần tin tưởng rằng kinh nghiệm xây dựng đất nước của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trải qua hơn 60 năm vẫn là bài học quý giá và mang tính thời sự cho các tổ chức, doanh nghiệp hiện đại tham khảo trên con đường phát triển.
Comments