top of page
Tìm kiếm

"Sharenting": Rủi ro khi khoe con thời đại số

"Sharenting" - việc cha mẹ chia sẻ hình ảnh con cái lên mạng xã hội - một hành động tưởng chừng "vui vẻ", lại tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng trực tiếp lên đứa trẻ.


Động lực đằng sau hoạt động "sharenting" của cha mẹ



"Sharenting", ghép giữa "share" - chia sẻ và "parenting" - chăm sóc con, chỉ việc các bậc cha mẹ chia sẻ về con cái mình trên mạng xã hội. Nội dung chia sẻ có thể là hình ảnh, video ghi lại những khoảnh khắc hằng ngày của con, cũng như cả những sự kiện "trọng đại" như lễ thôi nôi, khi con đủ tuổi đến trường...


Một số bậc cha mẹ còn lập tài khoản riêng trên nhiều nền tảng như Facebook, Instagram hay Youtube, lấy tên con làm tên tài khoản để đăng tải nội dung.


Thực tế, hành động lưu trữ hình ảnh của trẻ không hề mới. Việc cha mẹ chụp hình, quay video ghi lại những mốc phát triển của con đã xuất hiện từ nhiều năm trước và chỉ thực sự trở thành "sharenting" khi họ bắt đầu chia sẻ hình ảnh lên môi trường công cộng, cụ thể là mạng xã hội.

Theo thời gian, định nghĩa về sharenting còn có thể mở rộng thành việc chia sẻ thông tin về trẻ trên các thiết bị điện tử hay các ứng dụng khác chứ không riêng mạng xã hội. Theo Leah Plunkett, tác giả cuốn sách Sharenthood và là Giám đốc điều hành Trường Luật Harvard trực tuyến, Đại học Harvard (1), (2), chính việc chia sẻ dữ liệu của con mình với bên thứ ba cũng là một hình thức sharenting.


Đối với nhiều phụ huynh, đây là cách họ trao đổi và học hỏi phương pháp nuôi dạy con từ các bậc cha mẹ khác. Một nghiên cứu khoa học thực hiện năm 2018 cũng cho thấy động lực khiến nhiều cha mẹ chia sẻ về con trên mạng xã hội là vì họ có thể kết nối và củng cố các mối quan hệ xã hội, đặc biệt với với những người có cùng mối quan tâm hoặc hoàn cảnh chung (3). Sharenting cũng gián tiếp giúp xây dựng quan hệ xã hội cho trẻ, nhờ việc được tương tác với bạn bè của cha mẹ mình từ khi còn bé (4).


Thậm chí, sâu xa hơn, các nghiên cứu khoa học còn gợi ý rằng áp lực xã hội cũng có thể có liên quan đến sharenting. Cụ thể, áp lực này đến từ bổn phận chăm sóc con của các bậc cha mẹ, rằng con cái họ phải phát triển tốt, từ đó cho thấy họ là những bậc cha mẹ tốt, thậm chí tốt hơn người khác (3). Đây cũng có thể là biểu hiện của áp lực đồng trang lứa - "peer pressure". Khi đó, sharenting chính là cách để họ chứng minh với xã hội rằng: Tôi là người cha, người mẹ tốt vì tôi đã làm tròn bổn phận chăm sóc con của mình.


Mặt trái khi chia sẻ những khoảnh khắc của trẻ



Không thể phủ nhận rằng sharenting cũng có thể có những mặt trái không mong muốn. Một trong các vấn đề gây ra nhiều lo ngại là quyền riêng tư hay dữ liệu cá nhân của trẻ. Khi hình ảnh của trẻ được đưa lên mạng xã hội, vô tình chúng đã tạo ra "dấu chân số" - dấu ấn của đứa trẻ trên môi trường trực tuyến. Những bức ảnh có mặt, tên, tuổi, nơi ở góp phần tạo nên chân dung chi tiết về đứa trẻ và chân dung này có thể bị lợi dụng cho những mục đích không lành mạnh.


Chẳng hạn, qua thông tin về trường học, tên tuổi hay nơi ở, kẻ xấu có thể truy ra vị trí của trẻ, từ đó dễ lên kế hoạch, thực hiện hành vi bắt cóc và tống tiền phụ huynh.


Chính các trang mạng xã hội cũng là một nền tảng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với khả năng lan truyền thông tin rộng rãi, không gì có thể đảm bảo rằng thông tin chúng ta chia sẻ sẽ chỉ "nằm" trong vòng tròn người thân, bạn bè. Thậm chí, một thông tin, bức ảnh đăng tải "nhầm", dù được gỡ xuống chỉ vài phút sau đó, vẫn có thể bị lan truyền hoặc được tải xuống, từ đó không thuộc quyền kiểm soát của chúng ta.


Trong quá khứ, chúng ta đã có vụ bê bối dữ liệu của Facebook (5), khi nền tảng này bị tố cáo là bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn thông tin cá nhân. Đây cũng là nền tảng nơi mà trào lưu ghép ảnh do AI tạo ra trở nên phổ biến, vô tình khiến thông tin về gương mặt của người dùng dễ bị đánh cắp (6).


Song song với sự phát triển của công nghệ deepfake - giả mạo gương mặt - giọng nói và hình ảnh trẻ có thể được tái tạo hoặc chỉnh sửa một cách tinh vi, khó phát hiện. Một video của công ty viễn thông Deutsche Telekom (Đức) đã minh họa cách deepfake hoạt động: Từ dữ liệu về một cô bé tên Ella (9 tuổi), deepfake đã tạo ra phiên bản trưởng thành hơn của cô bé. Ella "lớn" có thể cử động, trò chuyện hay biểu cảm y hệt người thật, điều này đã khiến bố mẹ cô bé bị sốc (7).


Đáng nói, dữ liệu để tạo nên Ella "lớn" chính là những hình ảnh và video mà bố mẹ cô đã đăng lên mạng xã hội.

Đoạn video trên đã thu hút hơn hai triệu lượt xem trên Youtube sau ba tháng đăng tải. Bên dưới video, nhiều bình luận bày tỏ nỗi lo khi đăng tải hình ảnh trẻ lên mạng xã hội, bởi kẻ gian có thể lợi dụng công nghệ deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc hủy hoại danh dự những đứa trẻ.


Không những vậy, những thông tin được cha mẹ chia sẻ đôi khi lại gây khó xử cho con cái. Theo một khảo sát của Đại học Michigan (Hoa Kỳ), có đến 56% các bậc phụ huynh đăng tải những thông tin "đáng xấu hổ" và 27% thậm chí còn chia sẻ hình ảnh không phù hợp của con lên mạng xã hội (8).


Điều này có thể tác động xấu đến tâm lý của trẻ, bởi không phải ai cũng thoải mái với hình ảnh quá khứ của bản thân. Trẻ có thể cảm thấy không được cha mẹ mình tôn trọng, thậm chí trong nhiều trường hợp còn... cắt đứt quan hệ với cha mẹ.

Sharenting: Vui thôi, đừng vui quá!



Chúng ta không thể phủ nhận niềm vui hay những lợi ích nhất định mà "sharenting" mang lại. Thế nhưng, để hạn chế những hậu quả có thể xảy ra, có một số nguyên tắc mà các bậc cha mẹ cần lưu ý.


Theo tác giả Leah Plunkett, một nguyên tắc quan trọng là vạch rõ ranh giới giữa thông tin có thể chia sẻ và thông tin cần giữ bảo mật. Trước khi chia sẻ bất cứ hình ảnh nào, cha mẹ nên tự hỏi liệu thông tin đó có khiến con mình thoải mái khi nhìn lại hay không. Các rủi ro tiềm ẩn cũng cần được cân nhắc và trẻ có quyền được yêu cầu cha mẹ gỡ những bức ảnh của mình nếu chúng cảm thấy không thoải mái.


Leah cũng gợi ý chia sẻ về con cái theo một cách "công nghệ thấp", chẳng hạn tại những buổi gặp mặt hay tụ tập với bạn bè, thay vì đăng lên mạng xã hội. Cha mẹ cần suy xét lại khi sử dụng các thiết bị công nghệ cao đòi hỏi thông tin cá nhân của con cái, như là ứng dụng kiểm tra giờ thay tã cho trẻ.


"Thay vì bỏ điện thoại đi [...], tôi nghĩ vấn đề là chúng ta cần chậm lại một chút và tự hỏi rằng mình có thực sự cần đến một ứng dụng chỉ để thay tã cho con không", Leah cho biết (1).

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần kiểm soát tài khoản mạng xã hội và thậm chí là email của mình. Rất có thể, tài khoản email của chúng ta đã từng bị rò rỉ thông tin trong một vụ tấn công dữ liệu nào đó (9). Để tránh rủi ro này, các mật khẩu cần được quản lý tại một nơi riêng tư và hạn chế đặt cùng một mật khẩu cho tất cả các tài khoản.


Chúng ta cũng cần kiểm soát những bên thứ ba có được dữ liệu cá nhân từ tài khoản Facebook hay Instagram. Chẳng hạn, các nhà phát triển trò chơi điện tử, ứng dụng đố vui, chỉnh ảnh trên mạng xã hội... Khi sử dụng các ứng dụng này, chúng ta buộc phải đồng ý với các điều khoản, mà rất có thể sẽ bao gồm điều khoản được truy cập vào dữ liệu cá nhân của chúng ta. Vì vậy, cha mẹ cần đọc kỹ các điều khoản trước khi chọn "Đồng ý" [chia sẻ thông tin], để tránh bị xâm phạm quyền riêng tư trên mạng xã hội.



1 Comment


Guest
Nov 03, 2023

Bài viết hay quá, rất đúng với thực trạng hiện nay.

Có khi tôi lên facebook mà 10 bài đăng thì 9 bài là hình các con rồi, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là bố mẹ khoe những khoảnh khắc của con.

Việc này không xấu, nhưng thực sự tiềm ẩn nhiều rủi ro, cho nên tôi không bao giờ chia sẻ hình ảnh của con lên mạng. Nhờ thế hai vợ chồng nuôi dạy và gắn kết con ko áp lực chút nào.

Hãy làm như bạn nhà báo viết, gặp riêng nhau và cho trẻ tương tác với những người cần thiết.

Like
bottom of page