Hầu hết trẻ em đều thích phim ảnh nhưng lại không phải phụ huynh nào cũng ủng hộ hoạt động giải trí này. Thật ra, phim ảnh có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc truyền cảm hứng và giúp trẻ tìm được ý nghĩa cuộc sống, đặc biệt là trong hành trình hướng đến Chân-Thiện-Mỹ. Đó chính là nội dung của một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 23/8/2023 (1).
Hãy cùng LeLa Journal khám phá thêm về nghiên cứu thú vị này để các bậc cha mẹ có thêm cách tương tác tốt hơn với trẻ khi xem phim. Đồng thời, với các nhà làm phim, đây là cũng nghiên cứu có giá trị tham khảo để xây dựng những nội dung phim ảnh có chiều sâu và ý nghĩa cho trẻ.
Điều gì trong những bộ phim tác động tích cực đến trẻ?
Có phải là hình ảnh, âm thanh hay những câu thoại dí dỏm về đời sống?
Không, những yếu tố trên mặc dù là đặc trưng của phim ảnh nhưng chỉ là yếu bổ sung cho một thứ quan trọng hơn, đó là câu chuyện.
Về điều này, Tiến sĩ Rebecca de Leeuw và cộng sự đã tập trung nghiên cứu dựa trên những bằng chứng về ý nghĩa của câu chuyện trong sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu này được thực hiện bằng cách phỏng vấn sâu 66 trẻ em trong khoảng 4 - 15 tuổi sau khi xem bộ phim Inside Out (2015) của hãng Pixar - Disney (1).
Khi thực hiện bộ phim này, các nhà làm phim cũng đã được tư vấn kỹ lưỡng từ các nhà tâm lý học để xây dựng một câu chuyện phản ánh đúng kiến thức khoa học xã hội một cách thực tế, chính xác nhất có thể (3).
Lưu ý, bài viết có tiết lộ nội dung bộ phim.
Nhân vật chính của bộ phim là những cảm xúc của một cô bé 11 tuổi đã được nhân hóa, gồm có Niềm vui (Joy), Nỗi buồn (Sadness), Giận dữ (Anger), Sợ hãi (Fear) và Chán ghét (Disgust) (2). Thông qua sự thể hiện và tương tác giữa những cảm xúc, người xem thấy được cách nhân vật cô bé 11 tuổi đối mặt và ra quyết định với những vấn đề phức tạp.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Rebecca de Leeuw chọn bộ phim này để thực hiện thí nghiệm vì mô-típ "cuộc hành trình của nhân vật chính/người anh hùng" (hero’s journey) - một khuôn mẫu tường thuật cơ bản đã được áp dụng trong nhiều câu chuyện nổi tiếng trên khắp thế giới. Cuộc hành trình của nhân vật chính có thể bắt đầu từ những cuộc phiêu lưu, vượt qua thử thách và trở về với sự thay đổi to lớn của bản thân. Những phát hiện của nghiên cứu này chỉ ra rằng các câu chuyện như vậy trong phim có ý nghĩa lớn đối với trẻ em theo bốn cách.
Ý nghĩa của câu chuyện trong phim với sự phát triển của trẻ
1. Những câu chuyện thúc đẩy hiểu biết về mối tương quan xã hội
Các phát hiện chỉ ra rằng trẻ em không chỉ áp dụng các hiểu biết về xã hội khi xem phim mà còn trong việc hình dung nên cốt truyện mạch lạc trong phim. Trẻ em được nhận thấy là có tiềm năng phát triển một cách tối ưu trong việc xây dựng cốt truyện khi câu chuyện mà chúng xem có thách thức và kỹ năng phù hợp.
Trong khi xem phim, cũng có những cho tiết khiến trẻ không hiểu và phải suy nghĩ. Tại thời điểm này, trẻ được thử thách trong phạm vi "vùng phát triển tiềm năng" (zone of potential growth). Đối với trẻ, diễn trình xem phim bị gián đoạn vì chúng phải hỏi chính xác chuyện gì đã xảy ra. Với sự giúp đỡ từ người khác, cụ thể một cuộc hội thoại nhỏ, việc tiếp tục xem phim hoặc xem lại sẽ giúp chúng nắm bắt rõ được chi tiết này (4).
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Rebecca de Leeuw đã chia sẻ một đoạn hội thoại giữa trẻ và người phỏng vấn như sau (1):
Người phỏng vấn: "Ở đây, nhân vật [...] đã thấy thế nào?" Bé trai 1 (10 tuổi): "Buồn". Bé trai 2 (12 tuổi): "Rấttttt buồn". Người phỏng vấn: "Đúng rồi, rất buồn. Và tại sao bạn ấy lại buồn?" Bé trai 1 (10 tuổi): "Bởi vì cái xe đẩy của bạn ấy... bạn ấy đương nhiên là rất gắn bó với nó. Rồi bỗng nhiên nó đi mất rồi".
2. Những câu chuyện giúp trẻ trải nghiệm vẻ đẹp của tình người
Một cách khác mà những bộ phim như Inside Out tạo được ý nghĩa với trẻ là những cơ hội trải nghiệp khía cạnh của đạo đức (vẻ đẹp của tình người), hay còn là lòng nhân đạo. Những đứa trẻ được phỏng vấn có thể chỉ ra những hành động đề cao lòng nhân ái, lòng tốt, tình yêu thương và lòng dũng cảm. Hơn nữa, trẻ em cảm nhận được sự vẻ đẹp của sự hy sinh. Khi hiểu được điều này, trẻ em cho rằng chúng cũng sẽ làm như vậy, kể cả trong một tình huống thực tế tương tự. Điều này khiến một vài đứa khóc và khi được hỏi lý do, bé giải thích:
"Việc [nhân vật A] hy sinh bản thân mình […] đã khiến cháu vô cùng cảm động" (5).
Độ tuổi bình thường để trẻ có thể cảm nhận điều này là khoảng 8 tuổi, một số trường hợp đặc biệt có thể cảm thấy sớm hơn là 6 hoặc 7 tuổi. Cảm giác về cái đẹp không chỉ được trải nghiệm khi quan sát những hành động đẹp đẽ về mặt đạo đức mà còn là khi chứng kiến nhân vật nhận thức được sâu sắc về một điều gì đó (revelation).
3. Câu chuyện giúp trẻ hiểu biết sâu hơn về cuộc sống
Các phát hiện cũng chỉ ra rằng, trong khi xem, trẻ em được khuyến khích đi theo bước chân của nhân vật chính và có được những hiểu biết tương tự như vậy. Theo suốt câu chuyện phim Inside Out, trẻ dần khám phá ra rằng cuộc sống không chỉ có niềm vui và sự "kết hợp" giữa mọi cảm xúc là cần thiết để có một cuộc sống trọn vẹn.
Tương tự như vậy, trẻ em có thể học được nhiều bài học quan trọng từ nhiều bộ phim khác nhau với cùng cấu trúc "hero’s journey" này (6).
4. Những câu chuyện có thể truyền cảm hứng cho trẻ về tính kiên trì
Trẻ em cũng ngưỡng mộ sự kiên trì của nhân vật chính. Một trong những đứa trẻ trong nghiên cứu thậm chí còn bày tỏ một cách tự nhiên rằng nhân vật Niềm vui đã truyền cảm hứng để bé không bao giờ từ bỏ cuộc sống của chính mình.
Trẻ càng hiểu rõ hơn khi xem thì câu chuyện càng trở nên có ý nghĩa đối với chúng và việc thảo luận hoặc xem lại bộ phim nhiều lần đã giúp chúng hiểu rõ hơn điều này. Đây là một trong những lý do khiến trẻ thường xuyên xem đi xem lại bộ phim mà chúng ưa thích.
Nhìn chung, những phát hiện của nghiên cứu chỉ ra rằng những câu chuyện có thể là một cách nhanh chóng để trẻ có được kinh nghiệm sống và trí tuệ. Thế nhưng, không phải bộ phim thiếu nhi nào cũng phù hợp để giúp chúng học hỏi. Và không phải cứ để yên cho chúng xem phim thì tự khắc chúng sẽ học được gì đó.
Quan trọng là cha mẹ cần đồng hành với con trong điều này. Vì xét cho cùng, đây cũng là một khoảng thời gian để "học cùng con".
Cách giúp trẻ học hỏi từ phim ảnh
1. Với cha mẹ hoặc người chăm sóc
Câu hỏi mở chính là chìa khóa giúp các phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ thực hiện điều này:
Để khuyến khích trẻ hiểu cảm xúc và hành vi của các nhân vật, hãy hỏi: "Con nghĩ […] cảm thấy thế nào?" hoặc "Con nghĩ điều gì đã thay đổi suy nghĩ của nhân vật?"
Để khám phá xem điều gì trong câu chuyện đã thách thức các em, hãy hỏi trẻ điều gì khiến các em suy nghĩ: "Có phần nào trong câu chuyện mà con phải suy nghĩ không?" hoặc "Con phải nghĩ đến ai nhiều nhất?"
Khi bộ phim có những cảnh cảm động, hãy hỏi: "Theo bạn, phần nào của bộ phim cảm động/đẹp nhất?" hay cụ thể hơn là: "Con nghĩ gì về việc nhân vật đã làm việc này?" và "Con có làm điều đó không?"
Điều quan trọng là luôn tôn trọng câu trả lời của trẻ và nhớ rằng đôi khi trẻ còn quá nhỏ để hiểu mọi thứ.
Inside Out là một bộ phim tuyệt vời để cùng xem cũng như những bộ phim khác được giới phê bình đánh giá cao. Tiến sĩ Rebecca de Leeuw và cộng sự cho rằng các bậc cha mẹ nên tìm thêm những bộ phim có cấu trúc tương tự hoặc những bộ phim mà trẻ xem đi xem lại nhiều lần. Bằng cách xem những bộ phim như vậy và cùng nhau trò chuyện về chúng, phụ huynh có thể biến thời gian xem phim thành cơ hội để phát triển và mang đến cho trẻ những trải nghiệm phong phú bên ngoài cuộc sống hằng ngày.
Chẳng hạn, các phần phim Toy Story (cũng của hãng Pixar) là những lựa chọn tiêu biểu.
2. Cách xây dựng câu chuyện có ý nghĩa với trẻ (dành cho các nhà làm phim)
Nghiên cứu này đã được các nhà làm phim đánh giá cao vì đặt ra được một thách thức trong việc xây dựng cốt truyện phù hợp với trẻ. Khuôn mẫu "chuyến phiêu lưu của nhân vật chính" có thể bắt gặp khá nhiều nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp. Cụ thể thì các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số khía cạnh đáng lưu ý sau, nếu muốn giúp trẻ hiểu và yêu thích phim hơn.
Phát hiện của nhóm tác giả chỉ ra rằng mỗi khi trẻ em có cái nhìn sâu sắc mới lạ và lồng ghép một yếu tố khác vào cấu trúc câu chuyện, bộ phim có thể trở nên có ý nghĩa hơn đối với chúng. Toàn bộ tiến trình này được minh họa trong hình dưới đây.
Trong vòng tròn bên trái, nó mô tả cách trẻ em gặp thử thách trong việc xây dựng cốt truyện (xem thêm Hình 1). Cùng trao đổi với người khác, tiếp tục xem phim hoặc xem lại một lần nữa có thể giúp trẻ vượt qua thử thách trên. Khi trẻ thực hiện điều này bằng cách tiếp thu góc nhìn sâu sắc và hiểu được lý do tại sao các nhân vật trong phim lại làm những việc như vậy, chúng sẽ được "đẩy" sang vòng tròn bên phải. Khi đó, câu chuyện sẽ trở nên có ý nghĩa đối với các em và chúng có thể trải nghiệm cảm giác về vẻ đẹp và sự trân trọng.
Trẻ em đánh giá cao rằng bộ phim này đã giúp chúng "hiểu được những gì đang diễn ra trong đầu". Một cậu bé 12 tuổi trả lời phỏng vấn rằng chúng cảm thấy rất tuyệt khi (các nhà sản xuất) làm phim hoạt hình như vậy (7).
Sự đánh giá cao của trẻ có thể thúc đẩy chúng xem lại bộ phim, điều này có thể dẫn đến việc tái lập toàn bộ hành trình tiếp nhận một lần nữa, dẫn đến những hiểu biết mới lạ. Mỗi khi có được điều này, trẻ em sẽ hiểu sâu hơn về câu chuyện, điều này có thể dẫn đến những trải nghiệm mạnh mẽ hơn về ý nghĩa và sự trân trọng của trẻ.
Sự tương tác giữa việc xây dựng cốt truyện và chiều sâu ý nghĩa được minh họa trong Hình 3. Những hiểu biết mới lạ có thể thu được ở cấp độ nhân vật, cấp độ phân cảnh và cấp độ câu chuyện, tất cả đều có thể mang lại những hiểu biết có ý nghĩa cho cuộc sống. Một cái nhìn sâu sắc có ý nghĩa ở cấp độ nhân vật cho thấy rằng trẻ em có quan sát được những yếu tố có ý nghĩa đối với chúng dựa trên việc chứng kiến một nhân vật trong phim.
Bằng cách nhận ra cảm xúc của chính các nhân vật, trẻ có thể hiểu được điều gì đang xảy ra trong một phân cảnh.
Ví dụ, với một số cảnh quan trọng trong phim, trẻ sẽ hiểu rõ hơn ở cấp độ sâu khi trẻ hiểu rằng Bing Bong cố tình nhảy ra khỏi tên lửa, hoặc khi trẻ hiểu rằng Nỗi buồn cũng đóng vai trò quan trọng khi có thể an ủi người khác.
Sự hiểu biết này cho thấy rằng trẻ em có thể cảm nhận được diễn biến của phân cảnh này quan trọng như thế nào đối với toàn bộ câu chuyện. Một cái nhìn sâu ở cấp độ này có thể giúp trẻ hiểu rằng hành động của Bing Bong xuất phát từ lợi ích lớn lao hơn chính cả bản thân. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy chúng hiểu rằng trong nhiều trường hợp, không phải bản thân mới là quan trọng nhất - một cột mốc đánh dấu sự phát triển nhận thức của chúng.
Về điều này, mời độc giả tham khảo hai bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề Khắc phục sớm tính ích kỷ ở trẻ và Thành công từ sớm có phải là cột mốc trưởng thành?.
Tất cả trẻ em trong nghiên cứu đã chứng kiến hành động của Bing Bong đều hiểu những gì nhân vật này, điều này dường như ngụ ý rằng để trải nghiệm vẻ đẹp đạo đức, cái nhìn sâu sắc ở cấp độ phân cảnh là yếu tố yêu cầu.
Nói một cách nôm na, nhà làm phim cần xây dựng tình tiết một cách chặt chẽ, đi từ sự hợp lý trong việc xây dựng nhân vật, cho tới phân cảnh và cuối cùng là cả tổng thể câu chuyện. Trong tiến trình này, các nhà nghiên cứu cho rằng nên tập trung vào những yếu tố liên quan đến các cột mốc trong giai đoạn phát triển của trẻ, điều mà được trình bày rõ ràng trong Tâm lý học Phát triển. Rõ ràng với những sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý, các nhà làm phim tại Pixar đã biết truyền tải chính xác những cột mốc và những yếu tố then chốt ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, từ đó xây dựng một bộ phim có chiều sâu.
Comments