top of page
Tìm kiếm

Sợ thất bại nên ngại thay đổi: Thực tế chứng minh điều ngược lại

Khi đối mặt với một quyết định khó khăn, chúng ta nên làm gì? Đây vốn không phải điều dễ dàng với nhiều người vì nó đòi hỏi sự thay đổi, mà thay đổi thì luôn đi kèm với những nỗi sợ thất bại hoặc hối tiếc sau này. Tuy vậy, khả năng đối mặt tốt với thay đổi lại chính là thứ giúp chúng ta chọn lựa được điều phù hợp hơn cho mình.



Nếu đang cảm thấy chưa hài lòng về một khía cạnh nào đó và phân vân không biết làm gì, chẳng hạn như có nên bỏ thuốc không, có nên tìm một ngành học khác, có nên thay đổi công việc hoặc từ bỏ mối quan hệ này, sẽ rất khó để chúng ta đưa ra quyết định ngay lập tức mà không băn khoăn về hậu quả của nó. Thông thường, mọi người cân nhắc vô số ưu điểm, nhược điểm và có xu hướng xuôi theo những gì đang diễn ra ở hiện tại, thay vì chấp nhận rủi ro và bắt đầu một hành trình khác.


Trong kinh tế học hành vi, hiện tượng này gọi là định kiến nguyên trạng (hay status quo bias, xu hướng muốn gắn bó với tình trạng hiện tại, lựa chọn điều quen thuộc). Khi đối diện với một lựa chọn không chắc chắn, phần lớn chúng ta quyết định giữ nguyên tình trạng hiện tại và tập trung vào những tổn thất theo sau sự thay đổi nhiều hơn các lợi ích tiềm năng của nó.


Điều này tương tự việc ra quyết định dựa trên nỗi sợ hãi, khi chúng ta không làm những điều chúng ta biết là quan trọng với chính mình. Ví dụ như:

  • “Từ trước đến giờ tôi luôn muốn trở thành bác sĩ, nhưng lỡ một lúc nào đó tôi không đủ sức khỏe để cứu bệnh nhân thì sao? Tôi sẽ chọn nghề khác”.

  • “Tôi rất muốn viết một cuốn sách, nhưng nếu nó không được công chúng đón nhận thì sao? Có lẽ tôi nên tạm gác lại ý định này”.

  • “Tôi rất có hứng thú với bộ môn leo núi, nhưng nếu tôi gặp nguy hiểm khi luyện tập thì sao? Tôi nên chọn một cách khác để vận động”.



Những suy nghĩ này bắt nguồn từ nỗi sợ về rủi ro thất bại, cảm giác khó chịu và vô định khi đứng trước một bước ngoặt lớn. Chúng khiến ta nghĩ ra nhiều lý do để làm “lá chắn” cho việc không bắt đầu một thứ gì đó: không xây dựng doanh nghiệp, không bắt đầu dự án mới, không nộp đơn xin việc, không bỏ thói quen xấu, không làm những điều mà ta nghĩ là quan trọng và cũng không từ bỏ những gì khiến ta phiền muộn.


Nhà kinh tế học Steven Levitt cho biết, xã hội thường dạy mọi người rằng, những người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng và những người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc, nhưng trên thực tế, dữ liệu từ thí nghiệm của ông nói rằng mọi thứ có thể tốt hơn nếu chúng ta thay đổi.


“Định kiến nguyên trạng là một bản năng mà chúng ta nên đấu tranh chống lại” - đây là kết luận từ nghiên cứu của Steven Levitt, được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế của Đại học Oxford (1).

Ông đã mời 20.000 người tham gia trò tung đồng xu kỹ thuật số ngẫu nhiên trên trang web Freakonomics Experiments và gợi ý họ chọn sự thay đổi nếu đồng xu ra mặt ngửa, chọn giữ nguyên hiện tại nếu ra mặt sấp. Kết quả đáng ngạc nhiên là sau sáu tháng, những người chọn hành động đều cảm thấy mọi thứ tốt hơn, hạnh phúc hơn. Họ tin mình đã đưa ra quyết định đúng đắn và sẽ tiếp tục hành động như vậy trong tương lai.



“Một nguyên tắc nhỏ trong việc ra quyết định là: Bất cứ khi nào bạn không thể quyết định sẽ làm gì, hãy chọn hành động thể hiện sự thay đổi, thay vì tiếp tục giữ nguyên hiện trạng” - Steven Levitt chia sẻ.

Kết quả này gợi ra một cách để chúng ta thoát khỏi những lo lắng, băn khoăn và do dự khi cân nhắc các quyết định quan trọng trong cuộc đời. Những câu hỏi phổ biến nhất thường xoay quanh vấn đề nghỉ việc, chia tay, đi học lại, khởi nghiệp, chuyển nhà, bỏ thuốc, có con, cầu hôn và nghỉ hưu… Nghiên cứu cho biết, đứng trước những câu hỏi này, nếu phải lựa chọn giữa hành động và không hành động, nếu không chắc chắn về việc phải làm, thì tốt nhất bạn vẫn nên chọn sự thay đổi.


Sự thay đổi hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân, có thể là từ bỏ một thứ gì đó khiến chúng ta buồn phiền, không hài lòng hoặc không còn phù hợp, hay quyết định nắm lấy các thử thách mới để đạt được mục tiêu. Điều quan trọng là phải ngừng tin rằng mọi thứ chắc chắn sẽ thất bại. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự sợ hãi, dễ bị tổn thương nhiều lần trong đời và vô tình để những cảm xúc đó chi phối, dẫn đến thiếu quyết đoán và không hành động.


Tuy nhiên, thất bại thực sự là việc không hành động ngay từ đầu cho những gì mình mong muốn.

Levitt nhận định: “Tôi nghĩ rằng mọi người đang quá thận trọng khi thực hiện một thay đổi nào đó”. Bởi lẽ, những quyết định khó khăn thường khiến chúng ta sợ rằng mình sẽ hối tiếc trong tương lai, từ đó cảm thấy khó bắt đầu. Vì vậy, học cách quyết đoán và tin tưởng vào sự lựa chọn của bạn là điều cần thiết để thích nghi tốt hơn với những thay đổi theo sau đó. Dù có chọn gì, một số sự việc không thể kiểm soát vẫn có thể xảy ra, và mỗi chặng đường đều có điều gì đó thú vị để chúng ta lấy làm bài học - đây chính là sự “không chắc chắn” tạo nên các trải nghiệm ý nghĩa và cảm giác hài lòng trên hành trình trưởng thành của mỗi con người.



Comments


bottom of page