top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Speed reading: Vì sao đọc nhanh không "nhanh" bằng đọc chậm?

Trong đời sống bận rộn hiện nay, đọc sách khó có thể trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Để đọc được nhiều hơn trong thời gian ngắn, chúng ta tìm cách áp dụng speed reading - phương pháp tăng tốc độ đọc sử dụng thủ thuật, hứa hẹn giúp bạn "ngốn" hết chồng sách đang có. Tuy nhiên, khoa học thần kinh cho rằng điều này không đem lại hiệu quả, và cách duy nhất để đọc nhanh hơn chính là đọc nhiều hơn.


Speed reading, tưởng nhanh mà lại khiến việc đọc... chậm lại?


Trong khi ngày càng nhiều khóa học, ứng dụng hoặc bài báo tuyên bố sẽ giúp bạn tăng tốc độ đọc lên gấp ba hoặc thậm chí 10 lần mà không làm giảm khả năng đọc hiểu, các nhà khoa học lại chưa tìm thấy bằng chứng cho điều này. Ngược lại, hầu hết cho rằng chúng ta không thể đọc với tốc độ quá nhanh. "Đọc là nhiệm vụ tương đối phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều tiến trình khác nhau: Chúng ta thấy một từ, nhớ lại nghĩa của nó và các thông tin khác liên quan đến từ đó, tiếp tục liên hệ từ với phần còn lại của câu và ngữ cảnh rộng hơn, sau đó tìm điểm tiếp theo để hướng ánh mắt đến" - Elizabeth Schotter, nhà khoa học nhận thức tại Đại học South Florida cho biết (1).


Nếu cảm thấy có gì đó không đúng, bạn cần phải quay lại và đọc lại. Một người trưởng thành ở trình độ đại học có thể đọc khoảng 200 đến 400 từ một phút (words per minute), nhưng việc đẩy nhanh tiến trình này mà vẫn giữ được độ chính xác thì gần như là không thể. Trung bình, những người đọc tốt có thể hiểu 300 đến 400 từ mỗi phút đối với văn bản tương đối dễ đọc, còn với sách giáo khoa (với lượng kiến thức nhiều và phức tạp hơn), tốc độ đọc của họ giảm xuống còn 150 đến 200 từ một phút.


Tâm trí cần hoàn thành một loạt hành động theo thứ tự nhất định, đó là lý do vì sao tốc độ đọc của chúng ta có giới hạn. Theo Erik Reichle, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Macquarie, mắt người chỉ thu nhận được 7, 8 chữ một lúc do thị lực hạn chế, và phải mất khoảng 60 mili giây để từ vừa được đọc đó đi đến não (1 mili giây = 0,001 giây), 100 đến 150 mili giây để bạn nhận biết được từ đó và 150 đến 175 mili giây để chuyển sang từ tiếp theo.


"Đọc lại những chữ bạn chưa hiểu hoặc đọc nhầm là bước quan trọng trong tiến trình tiếp thu kiến thức. Việc quay ngược này cần từ 15 đến 20% thời gian chuyển động mắt khi đọc sách" - Giáo sư Reichle nhận định (2). Nghiên cứu của ông và đồng nghiệp cũng phát hiện rằng không ai có thể đọc nhanh hơn 400 từ/phút.


Hai quy tắc chính của speed reading không phù hợp với quan điểm khoa học là tiếp thu nhiều từ với chuyển động mắt ít hơn và tắt đi giọng đọc thầm trong đầu (3). Đầu tiên là do cách hoạt động của mắt - chúng ta không thể nhìn đủ rõ những từ nằm ngoài trường thị giác (visual field, toàn bộ khu vực nhìn thấy được khi mắt dán vào một điểm cố định) để hiểu đầy đủ nghĩa của các từ đó.


Vì vậy, khó có thể nắm được những cụm từ hoặc đoạn văn bản dài trong nháy mắt. Giới hạn của việc đọc là khả năng nhận diện từ ngữ và đọc chữ theo thứ tự. Kỹ thuật đọc Zig-Zag của speed reading (đọc qua 2-3 câu một lúc và di chuyển theo đường chéo xuống) có thể làm chậm tiến trình đọc thay vì tăng tốc.


Di chuyển mắt qua từng chữ không làm lãng phí thời gian mà đang giúp bạn thực sự hiểu nghĩa của văn bản.

Thứ hai, kỹ thuật speed reading thường chỉ chúng ta kìm nén giọng đọc thầm bên trong vì giọng nói này khiến việc đọc chậm lại. Nghiên cứu cho thấy, loại bỏ nó (chẳng hạn bằng cách nghe nhạc khi đọc sách) còn khiến bạn khó hiểu những gì đang đọc hơn. Các nhà khoa học tin rằng âm thanh là yếu tố quan trọng trong việc tiếp thu ngôn ngữ, chuyển các đoạn văn bản sang dạng âm thanh, dù chỉ trong đầu chúng ta, là điều cần thiết để nắm bắt được thông tin.


Mở rộng vốn từ, đọc chậm, đọc nhiều và hiểu sâu


Đọc tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất tốn nhiều công sức của não, như Giáo sư Erik Reichle chia sẻ: "Đó là một trong những công việc phức tạp nhất mà chúng ta không được lập trình sẵn về mặt di truyền. Từ quan điểm tiến hóa, đọc vẫn là việc tương đối mới" (2). Và không có một lối tắt (quick fix) nào để đọc nhanh ngoài việc đọc nhiều hơn, kết hợp với mở rộng vốn từ vựng (3).


Nếu cần ghi nhớ thông tin, giả sử như chuẩn bị cho một kỳ thi, Giáo sư Reichle nghĩ rằng chúng ta nên bỏ qua các phương pháp cũ như học thuộc lòng, lặp đi lặp lại kiến thức (repetition and rote learning). Thay vào đó, hãy tạo ra những mối liên kết có ý nghĩa với những gì bạn đang cố gắng nhớ.


"Đọc-hiểu là một kỹ năng mà bạn cần dành đến hàng chục nghìn giờ để luyện tập" - Giáo sư Reichle cho hay (2).


Các nhà nghiên cứu nhận thấy, thực hành đọc quan trọng không kém những loại thực hành khác, chẳng hạn như chơi thể thao (3). Chúng ta không bơi giỏi ngay lập tức nếu không trải qua nhiều ngày luyện kỹ thuật bơi dưới nước, và không thể trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nếu những gì bạn tập chỉ là nâng tạ để cơ bắp khỏe mạnh. Tương tự, kiểu thực hành giúp ích cho việc đọc là xác định từ vựng và hiểu ý nghĩa tốt hơn, chứ không phải đọc nhanh hơn.


Như đã biết, tốc độ đọc phụ thuộc nhiều vào kỹ năng xử lý ngôn ngữ hơn là cách kiểm soát tầm nhìn. Ngôn ngữ viết lại sử dụng những từ vựng và cú pháp không thường thấy trong lời nói, vì vậy tiếp xúc với ngôn ngữ viết nhiều hơn, hay cụ thể hơn là việc đọc nhiều hơn, sẽ giúp tăng tốc độ đọc. Khi bạn đọc một từ thường xuyên, từ đó càng trở nên phổ biến và bạn sẽ đọc nó nhanh hơn trong tương lai.


Những từ riêng lẻ được lặp lại thường xuyên, kết hợp với từ mới khi đọc nhiều và tiếp xúc với nhiều thể loại sách khác nhau sẽ làm tăng vốn từ vựng, có lợi cho việc đọc hơn là chỉ đọc đi đọc lại cùng một đoạn văn.

Comments


bottom of page