top of page
Tìm kiếm

Khi thật thà quá đà cũng phá hủy các mối quan hệ: 3 bước "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

Không thành thật thì rõ ràng là có vấn đề, thế nhưng thành thật quá đà cũng tiềm ẩn những rủi ro. Bởi vì không phải cứ nói ra hết những suy nghĩ xuất hiện đầu tiên trong đầu là trung thực, đặc biệt là giữa một cuộc cãi vã khi sự "trung thực tuyệt đối" trong tranh luận đang bị kích động trở thành phiến diện và mang nhiều hiềm khích cá nhân.



Theo Học viện Gottman (được thành lập bởi nhà tâm lý học & nghiên cứu về hôn nhân nổi tiếng - Giáo sư - Tiến sĩ John Gottman), thì thành thật là phẩm chất thiết yếu và cần có để tạo dựng nên sự tin tưởng - nền tảng cần có để bắt đầu và xây dựng một mối quan hệ (1). Song, việc bộc bạch thẳng thừng đến mức gần như trở thành "bạo lực ngôn từ" thông qua những lời phê bình và thái độ kích động "tôi đúng - bạn sai" thì không phải là sự thành thật lành mạnh.


Từ điển Urban định nghĩa sự bộc trực hung bạo (brutal honest) là sự thành thật mà không quan tâm đến cảm xúc của người khác (2).

Việc chủ quan cho rằng mình chỉ đang thẳng thắn, thật thà mà không chú ý đến cảm xúc của người khác diễn ra khá phổ biến không chỉ trong các mối quan hệ cặp đôi mà còn ở môi trường làm việc công sở hay gặp gỡ bạn bè. Và điều này được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có thể gây ra tình trạng bạo hành cảm xúc nghiêm trọng.


Ngôn ngữ cũng là "vũ khí" có tính sát thương


Không giống như "sự thật mất lòng" mang tính góp ý, xây dựng cho người nghe, "sự thật hung bạo" mang tính sát thương xuất phát từ phía người nói. Khi đó, họ nhắm đến việc tạo ra một thế mất cân bằng trong hội thoại, mà ở đó người nghe bị chỉ trích đến lòng tự trọng, còn người nói chỉ nhằm củng cố cái tôi của bản thân.


Theo Sanam Hafeez, Tiến sĩ Tâm lý học kiêm CEO của tổ chức Comprehend the Mind thì những người có chủ đích "thao túng tâm lý" thường lợi dụng lúc đối phương yếu lòng để dùng những hung bạo "ngụy trang" trong "lớp vỏ" lời thật lòng, nhằm đưa ra mục đích áp đặt. Theo Tiến sĩ Hafeez, đây có thể được xem là một dạng hành vi bạo hành cảm xúc vì:


"Những kẻ bạo hành đôi khi có thể dùng sự bộc trực hung bạo để hạ thấp lòng tự trọng của đối phương. Bằng cách này, đối tác của họ sẽ cảm thấy bản thân không được ai khác yêu thương và chấp nhận cả, từ đó rơi vào trạng thái bị phụ thuộc. Vậy nên, hãy cảnh giác nếu đối tác liên tục hạ thấp bạn thông qua những cái gọi là "Anh/Em chỉ đang nói thật thôi..." (3).

Trái ngược với "bộc trực hung bạo" là "trung thực lành mạnh" (hay còn gọi là thành thật với lòng trắc ẩn) - bao gồm đưa ra những lời phê bình mang tính góp ý xây dựng, lựa chọn ngôn từ mang tích cực nhằm nâng đỡ cảm xúc và động viên đối tác thoát khỏi tình huống tiêu cực.


Tiến sĩ Sanam Hafeez cho biết thêm: "Trong một cuộc tranh luận, chúng ta cần quan tâm đến cảm xúc của nhau để đồng cảm và thấu hiểu cho người đối diện, kể cả khi bản thân đang đúng. Điều quan trọng là giữa hai bên phải có sự tôn trọng lẫn nhau".


Thực hành "thành thật với lòng trắc ẩn": Làm sao để sự thật không gây mất lòng?


Lời chân thật nếu thiếu đi sự cảm thông sẽ dễ khiến cái tôi của mỗi người bị tổn thương, và khi đó họ sẽ có xu hướng chống đối, dừng hợp tác cũng như lắng nghe tiếp. Giải pháp cho vấn đề này theo nhiều chuyên gia đó là thực hành "thành thật với lòng trắc ẩn" (truth with compassion). Tiến sĩ Jonice Webb - chuyên gia lâm sàng với hơn 25 năm kinh nghiệm - trong cuốn sách Running On Empty No More: Transform Your Relationships đã chia sẻ phương pháp "thành thật với lòng trắc ẩn" như một cách để có thể nói ra sự thật với lòng vị tha. Bà đưa ra giải pháp gồm ba bước như sau:


1. Làm rõ thông điệp của bản thân trước khi nói bất cứ điều gì: Người Việt Nam gọi điều này là "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", bởi vì "cái lưỡi không xương" nhiều đường lắt léo. Đôi khi những suy nghĩ xuất hiện ngay trong đầu của chúng ta tuôn ra mà chưa kịp cân nhắc và suy xét cẩn trọng, dẫn đến sự tổn thương cho người khác. Điều này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách làm rõ thông điệp của bản thân muốn truyền tải ngay từ đầu để tránh sa đà vào những "sự thật mất lòng" không cần thiết, bởi lẽ chúng ta cần phân biệt được đâu là hành động và đâu là tính cách của đối phương.


2. Nghĩ về hành động và tính cách của người đó. Đôi khi trong một cuộc tranh cãi gay gắt, sự nóng giận xóa mờ lý trí nên chúng ta không phân biệt được đâu là hành động và đâu là tính cách của người đối diện. Thế nên, chúng ta dùng lời lẽ gây tổn thương nhau và không mang tính xây dựng. Điều này cũng đã được Giáo sư - Tiến sĩ John Gottman nhắc đến thông qua khái niệm chỉ trích - một trong những "Tứ kỵ sĩ Khải Huyền" hủy hoại mối quan hệ.


Ví dụ như khi thấy bạn đời của mình quên mất kỷ niệm ngày cưới, nhiều người lập tức kết luận rằng đối phương là người vô tâm, trong khi có thể họ đang gặp quá nhiều áp lực nên tâm trí bộn bề quên bẵng, hoặc còn nhiều lớp lý do khác lẩn khuất. Nếu lập tức đưa ra kết luận áp đặt, điều này sẽ đóng khung suy nghĩ của chúng ta về đối tác và cản trở khả năng thay đổi hành vi của người kia, qua đó cản trở việc phát triển của mối quan hệ. Vì hành động thì có thể thay đổi, nhưng tính cách của một người thì rất khó.


3. Xác định thời gian, địa điểm và ngôn từ phù hợp nhất để truyền đạt thông điệp: Chẳng hạn như khi có một việc nghiêm trọng xảy ra, người vợ nhắn với chồng rằng họ cần nói chuyện và đồng ý sẽ thảo luận về điều này khi cả hai đi làm về. Trong buổi trò chuyện đó, cô chia sẻ rằng bản thân cảm thấy "không ổn" khi gần đây, chồng thường xuyên thân thiết hơn với nhiều đồng nghiệp khác giới. Cô hỏi xem liệu chồng có nghĩ về cô chút nào khi hành xử như vậy hay không?


Tiến sĩ Jonice Webb giải thích: "Nhờ nói ra sự thật của mình theo cách này, cô vợ đã tránh được một rào cản trong việc truyền đạt thông điệp và không châm ngòi cho sự phòng thủ của chồng. Bắt đầu bằng việc giãi bày "em không ổn" là một cách hay để cho đối tác biết rằng chúng ta đang nói về chính mình chứ không phải họ. Đặt câu hỏi cũng là một cách hay để mở đường cho cuộc thảo luận tiếp diễn mà không đưa ra giả định buộc tội (5).

Sự cảm thông trong mối quan hệ đôi khi quan trọng hơn việc nói một cách bộc trực về những điểm chưa hài lòng về nhau, bởi sau cùng, điều gắn kết mối quan hệ là sự sẻ chia và cảm giác được tin tưởng. Khi tôn trọng cảm xúc của người khác, thông điệp của chúng ta có nhiều khả năng sẽ được lắng nghe.

Không chỉ trong chuyện yêu đương, thành thật quá đà còn khiến chúng ta mất cơ hội thăng tiến Một độc giả của tờ The Guardian từng chia sẻ về trường hợp dở khóc dở cười của mình khi quá thật thà trong công việc. Chuyện là anh này luôn thành thật đến độ chia sẻ mọi thông tin dự án, ý tưởng với đồng nghiệp và bị... phỗng tay trên. Ngay sau khi phát hiện ra, anh chàng này một lần nữa bộc trực giải trình với sếp và "vạch trần" hành vi của đồng nghiệp tại cuộc họp. Cứ ngỡ mình sẽ được tán dương vì thái độ thẳng thắn, nhưng ngược lại, anh ta còn bị mất cơ hội thăng tiến vì ban lãnh đạo cho rằng anh thiếu thái độ hợp tác khi làm việc nhóm cũng như tạo ra nhiều mâu thuẫn trong mối quan hệ với đồng nghiệp (6).




Comments


bottom of page