top of page
Tìm kiếm

Chào hàng xóm: Hạnh phúc từ phim ảnh ra đến đời thực

Nếu ai đã từng xem qua bộ phim The Truman Show chắc hẳn sẽ nhớ đến hình ảnh chào hàng xóm trong bộ phim, đó là khi nhân vật Truman Burbank (Jim Carrey) gặp hàng xóm của mình và nở một nụ cười tràn đầy năng lượng kèm thêm lời chào thân mật giúp "vui vẻ cả làng". Điều thú vị là một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc chào hàng xóm thường xuyên như vậy có thể là một cách mang lại hạnh phúc cho chúng ta.



"Chào buổi sáng, trong trường hợp tôi không gặp lại bạn thì xin chào buổi chiều, chào buổi tối và chúc ngủ ngon luôn" - trích lời nhân vật Truman Burbank trong bộ phim The Truman Show.

Vẫy chào hàng xóm: Khoa học nói gì?


Mới đây, kết quả khảo sát của Gallup được công bố vào ngày 15/8/2023 đã đưa chỉ ra rằng những người trưởng thành thường xuyên chào hỏi nhiều người trong khu phố của họ có chỉ số hạnh phúc cao hơn những người nói chuyện với ít hoặc không nói chuyện với ai xung quanh, cụ thể như sau:


Chỉ số hạnh phúc của 4.556 người Hoa Kỳ được hỏi tăng đều theo số lượng người hàng xóm họ chào. Từ 51,5 thuộc nhóm những người không chào hàng xóm đến 64,1 đối với những người chào sáu người hàng xóm trở lên. Không có sự gia tăng đáng kể nào về chỉ số hạnh phúc của những người chào quá sáu người (1).

Ở đây, chỉ số hạnh phúc được tính theo thang điểm từ 0 đến 100, với 0 thể hiện mức độ hạnh phúc thấp nhất và 100 tượng trưng cho mức cao nhất. Chỉ số an lạc/hạnh phúc bao gồm các số liệu ảnh hưởng đến phúc lợi tổng thể có liên quan đến năm yếu tố dưới đây (2):

  • Sự nghiệp: Bạn thích những gì bạn làm hằng ngày.

  • Xã hội: Bạn có những tình bạn ý nghĩa trong cuộc sống.

  • Tình trạng tài chính: Bạn quản lý tốt tiền bạc của mình.

  • Sức khỏe thể chất: Bạn có năng lượng để hoàn thành công việc.

  • Phúc lợi cộng đồng: Bạn thích nơi mình sống.



Cũng cần lưu ý rằng đây là một nghiên cứu thú vị nhưng chỉ dựa trên số liệu thống kê mà chưa có giải thích về cơ chế hình thành. Do đó, LeLa Journal cho rằng việc chào hàng xóm có thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta hoặc biết đâu, chính những người hạnh phúc có xu hướng chào hỏi người khác nhiều hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên diễn ra tại Hoa Kỳ, còn ở Việt Nam thì sao, liệu có điều gì liên quan đến việc chào hàng xóm mà bạn chưa biết hay không? Và nên chào sao cho bớt ngượng ngùng, khi vẫn tồn tại một thực tế là... có những hàng xóm mà chúng ta còn chẳng biết là ai chứ đừng nói đến việc chào họ.



Nên chào như thế nào cho đỡ ngượng ngùng?


Tại Việt Nam, có một thực tế khá dễ quan sát trong cuộc sống đó là những người sống ở vùng nông thôn sẽ chào nhau nhiều hơn người thành phố. Có thể do tình làng nghĩa xóm ở đó khăng khít hơn do quan niệm từ xưa "bán anh em xa, mua láng giềng gần", hoặc do cuộc sống thôn quê chậm rãi hơn, hay đơn giản là do họ... hạnh phúc hơn? Điều này cũng chỉ là giả thiết mà thôi.


Nhưng có điều này, dành cho những ai quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp, đó là nghiên cứu trên cũng chỉ ra mối quan hệ giữa sự giàu có với việc chào hàng xóm. Vậy thì tại sao chúng ta lại không chào nhau nhiều hơn nhỉ?

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn ngại ngùng không biết mờ lời "chào cao hơn mâm cỗ" như thế nào để không quá suồng sã, cũng không quá trịnh trọng thì hãy thử những gợi ý từ LeLa Journal nhé:


1. Không cần chào hỏi quá nhiều người: Nghiên cứu trên của Gallup cũng đã chỉ ra, việc chào quá sáu người mỗi ngày cũng không liên quan gì đến chỉ số hạnh phúc, thậm chí còn giảm dần mức độ hân hoan của chúng ta (phải chăng chào hỏi nhiều quá khiến ta mệt nên... bớt vui?). Bởi vậy, chúng ta nên bắt đầu bằng việc chỉ chào hỏi một vài người hàng xóm quen thuộc trước, sau đó mới mở rộng vòng tròn kết nối ra.


2. Chào nhau trong thang máy: Việc vào thang máy mà không nhìn ai có thể khiến chúng ta thoải mái hơn. Tuy nhiên, nếu can đảm hơn một chút để gật đầu và mỉm cười với người đối diện thì lợi ích là không hề nhỏ. Một đánh giá tổng hợp từ nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giao tiếp bằng ánh mắt mang đến nhiều tác động có lợi cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất (3).



3. Chào người lạ: Nếu vẫn còn đang chưa biết được rằng việc mạnh dạn chào hỏi và bắt chuyện với người lạ mang lại nhiều giá trị như thế nào thì đọc ngay bài Tâm sự với người lạ giúp ích như thế nào cho chúng ta của LeLa Journal, đảm bảo các bạn hướng nội rụt rè sẽ có thêm can đảm để thực hiện điều thú vị này.


4. Thay vì chào thành tiếng thì gật đầu cũng được: Như đã nhắc tới ở việc chào nhau trong thang máy, chúng ta đôi khi quá bận rộn để có thể thực sự chào hỏi thành lời, chẳng hạn như khi vừa đi chợ về còn tay xách nách mang. Trong những lúc như vậy, chỉ cần trao đổi bằng ánh mắt, mỉm cười và gật đầu nhẹ với mọi người cũng là một "câu chào" đủ ý rồi.


Nhìn nhau, mỉm cười và gật đầu - "công thức" chào nhau vô cùng dễ thực hiện khi mới thực hành chào hàng xóm.


5. Xin chào buổi sáng: LeLa Journal xin gửi lời chào đến với độc giả đang đọc bài viết này trong sáng sớm hôm nay, vào một khung giờ đăng bài sớm hơn thường nhật. Hy vọng rằng bạn đọc có thể áp dụng ngay kiến thức mới này để chào hoặc làm quen với những người hàng xóm xung quanh mình nhé.


Comments


bottom of page