Nhiều phụ huynh thường than vãn rằng "Vì sao con tôi không chịu/không muốn/không thích học, đọc sách hoặc làm việc nọ việc kia như những đứa trẻ khác? Tôi phải làm gì?". Một vài cha mẹ chọn cách cực đoan là ép buộc con cái vào khuôn khổ vì muốn tốt cho con, mà quên mất rằng cưỡng cầu chưa bao giờ là cách giải quyết. Thay vào đó, người lớn cần biết cách tạo động lực cho trẻ nhỏ.
Ép buộc sẽ tạo nên sự phản kháng, còn động lực có thể giúp cổ vũ, khuyến khích trẻ nhỏ. Có hai loại động lực: từ bên ngoài (Extrinsic motivation) và từ bên trong (Intrinsic Motivation) để thúc đẩy một người (từ trẻ nhỏ đến người lớn) muốn làm một việc gì đó, bất kể là việc to hay việc nhỏ.
Động lực từ bên ngoài (Extrinsic motivation)
Động lực bên ngoài là khi một người được thúc đẩy để thực hiện một hành vi hoặc tham gia vào một hoạt động với mục đích:
Để có được phần thưởng
Để tránh bị trừng phạt.
Khi trẻ chịu tác động từ động lực này, con thường sẽ làm điều gì đó hoặc học thứ gì đó để đổi lại:
Nhận được phần thưởng như kẹo, bánh, đồ chơi, thời gian được sử dụng điện thoại/máy tính bảng, tham gia môn thể thao để đạt huy chương....
Né tránh cảm giác xấu hổ hoặc tổn thương vì bị chê cười hoặc la mắng vì bị điểm kém, bị thua thiệt, bị mất mặt... Ví dụ như dọn phòng để tránh bị phạt, học với mục đích lấy điểm thật cao.
Động lực từ phía bên ngoài thường có thể có tác dụng ngay tức khắc, nhưng cũng chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn hạn, và nếu lạm dụng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng động lực từ bên trong, cũng như làm xáo trộn các cảm giác tốt đẹp và nhận định tích cực về bản thân (self-esteem) mà con cần có. Động lực dạng này không nên được sử dụng trong trường hợp hành động/việc làm đó tự thân đã mang lại cảm giác tốt đẹp cho nội tâm của chúng ta (như giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, nghe lời cha mẹ, yêu thương động vật...). Và đôi khi, động lực bên ngoài cũng có thể vô tình khiến một việc lẽ ra nên vui vẻ và thú vị lại trở nên căng thẳng và vất vả, dễ gây mệt mỏi.
Tuy nhiên, động lực bên ngoài không hẳn là điều hoàn toàn xấu. Nó có tác dụng trong việc khuyến khích trẻ làm điều gì đó trong những bước đầu tiên, đặc biệc với những việc mà trẻ tỏ vẻ không thích thú hay hào hứng ngay từ đầu. Nhưng sau đó, nếu cha mẹ biết cách bồi đắp thêm bằng việc kết hợp phát triển niềm hứng thú này trở thành động lực bên trong thì sẽ có kết quả lâu dài hơn.
Nếu buộc phải sử dụng động lực bên ngoài, hãy ưu tiên các “phần thưởng” là những hoạt động vui vẻ gắn kết gia đình hơn là các món đồ chơi không lành mạnh hoặc quá đắt tiền. Ngoài ra, động lực từ bên ngoài cũng có ý nghĩa giúp phụ huynh đánh giá xem con mình có thể đạt đến một vài tiêu chuẩn nhất định nào đó (điểm số, học vấn) để cân nhắc giúp trẻ nỗ lực cố gắng hơn không.
Động lực từ bên trong (Intrinsic motivation)
Ngược lại với động lực từ bên ngoài (Extrinsic motivation), chính là những động cơ thúc đẩy từ bên trong (Intrinsic motivation) khiến một người muốn tự nguyện làm một việc gì đó, thường là trong tâm trạng đầy phấn khởi mà không cần đòi hỏi bất cứ một “phần thưởng” hay điều kiện gì để hoàn thành.
Ví dụ: tham gia môn thể thao nào đó vì con hứng thú, dọn dẹp vì con thích cảm giác sạch sẽ, giải một ô chữ hay bộ xếp hình puzzle vì con thấy thử thách đó rất vui, học một môn mà con cảm thấy thú vị...
Để giúp cho trẻ hình thành và phát triển được động lực từ bên trong để có thể làm các hoạt động như chơi một môn nào đó, đọc sách, học một chủ đề, hoàn thiện một nhiệm vụ… cha mẹ cần nhớ 3 yếu tố quan trọng sau đây:
1. Sự tự chủ (Autonomy): Hãy luôn bắt đầu bằng thứ con yêu thích hoặc cho con phương án và lựa chọn. Sau đó người lớn có thể dần phát triển niềm yêu thích đó rộng ra sau khi khơi gợi được hứng thú nơi trẻ. Khuyến khích con tư duy tự lập, khuyến khích sự tò mò, khám phá và óc sáng tạo, thay vì đóng khung suy nghĩ và can thiệp quá sâu vào quá trình suy nghĩ của con. Hãy hỏi con thật nhiều những câu hỏi "W-H questions" (bao gồm: How - Who - What - When - Where - Why: Như thế nào? Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Tại sao?).
2. Sự thành thạo (Mastery): Con thường sẽ chỉ hứng thú khi cảm thấy mình làm được và làm tốt, vì vậy hãy luôn bắt đầu bằng những việc thật dễ. Đừng thử thách con quá nhiều trong những lần đầu tiên. Nếu nhiệm vụ khó, hãy chia nhỏ nhiệm vụ ra thành nhiều bước từ dễ nhất và khó dần lên. Khích lệ con ngay khi con làm được một việc nhỏ nhất. Nếu có vẻ khó khăn, hãy cho trẻ gợi ý cụ thể hoặc hợp tác cùng trẻ thực hiện, chứ đừng làm thay.
Ví dụ: Một em bé 3-4 tuổi bày bừa đồ chơi khắp phòng, đến khi được yêu cầu dọn dẹp ngăn nắp thì tất nhiên bé thật sự bị choáng ngợp vì không biết bắt đầu từ đâu. Các bậc cha mẹ nên thử chia nhỏ nhiệm vụ ấy, chẳng hạn như bảo “Con tìm hết cho mẹ những thứ có màu vàng để đặt vào chỗ cũ nhé”.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cho trẻ tập trở thành “teacher” - người hướng dẫn cho các em nhỏ, cho bạn bè, hoặc cho một người lớn khác về điều trẻ đang làm, nhằm nuôi dưỡng cảm giác làm chủ và thành thạo của trẻ với một nhiệm vụ nào đó.
3. Mục đích rõ ràng (Purpose): Khi con cần làm điều gì đó, cha mẹ nhớ giúp con hiểu được tường tận mục tiêu, mục đích và lý do con cần làm việc đó. Những chỉ dẫn, lý giải này càng cụ thể, càng dễ hiểu và liên quan đến con thì càng tốt. Đừng nói những mục tiêu chung chung và xa vời như “Nó tốt cho tương lai của con” hoặc “Kỹ năng này mai mốt con sẽ cần”… vì những câu này chẳng giúp ích gì cho suy nghĩ của một đứa trẻ.
Mục đích và mục tiêu cần phải đặt được yếu tố S.M.A.R.T, tức là: Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Có thể đạt được theo từng bước), Realistic (Thực tiễn, liên quan đến sở thích và sự quan tâm của con) và Timely ( Đúng thời điểm và đúng với giai đoạn độ tuổi của con).
Sẽ rất khó để con muốn làm việc đó lâu dài và hứng khởi nếu cha mẹ chỉ mong muốn con làm điều gì đó mà đứa trẻ không cảm nhận được rằng bản thân hội tụ đủ 3 yếu tố tự chủ, thành thạo và mục đích rõ ràng như vừa kể trên.
Lưu ý: Đừng sử dụng động lực từ bên ngoài theo kiểu "hối lộ" hay "mua chuộc". Hãy biết kết hợp khéo léo cả động lực bên ngoài lẫn bên trong với những nhiệm vụ khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ. Vì hơn hết, lời khen ngợi từ cha mẹ nếu nói theo cách này thì có thể tạo thành động lực bên ngoài, nhưng nói theo cách khác sẽ trở thành động lực thúc đẩy từ bên trong.
Thạc sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn, với chuyên môn Tâm lý Trẻ em - Cha mẹ, là nhà thực hành tham vấn tâm lý, cung cấp các chương trình Đào tạo Cha mẹ Nuôi dạy con, Quản lý hành vi và giao tiếp, Cải thiện Năng lực cảm xúc và chất lượng tình cảm - gắn kết gia đình
Tốt nghiệp 3.97 GPA Thạc sĩ Tâm lý Trẻ em & Thanh thiếu niên tại trường The Chicago School of Professional Psychology. Chứng chỉ sau Cao học về Giáo dục và Đào tạo Cha mẹ tại trường Adelphi University New York. Giảng viên đào tạo các chương trình quốc tế làm cha mẹ và nuôi dạy con hiệu quả theo các nghiên cứu, dẫn chứng khoa học. Parent Educator & Parent Counsellor: Tư vấn phụ huynh, hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ nuôi dạy con tích cực. Nhà cung cấp các chương trình tư vấn - đào tạo cho các tổ chức và nhãn hàng. Diễn giả cho các hội thảo với chủ đề nuôi dạy trẻ theo kỷ luật tích cực. Nhà sáng lập dự án Happy Parenting. |
コメント