Để thành công, đã có ai nói với bạn rằng chúng ta nên thư thả nghỉ ngơi hay sống chậm lại? Và để đạt được thành quả tốt, đôi khi ta cần "tạo điều kiện" cho những thất bại trên hành trình? Khá nhiều nhà tư tưởng lớn áp dụng quy tắc này khi theo đuổi đam mê, thậm chí, một nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra con số chính xác về tỷ lệ thất bại cần có để đạt hiệu suất tối ưu.
Khái niệm "vừa đủ" và sự cần thiết của thất bại
Ý tưởng này được tác giả Adam Alter giới thiệu trong quyển Anatomy of a Breakthrough: How to Get Unstuck When It matters Most. Ông nghiên cứu trường hợp của nhà phát minh vĩ đại Albert Einstein cùng nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart và rút ra kết luận rằng: "Nếu bạn thực sự muốn thành công, giải pháp nghịch lý mà những người thành công đề xuất chính là chậm lại" (1).
Vài năm trước, một nhóm các nhà thần kinh học và tâm lý học đã tìm cách xác định rõ tỷ lệ thành công và thất bại mà một người cần có trong những trải nghiệm cuộc sống. Từ đây, họ quan sát thấy chúng ta học hỏi nhanh nhất khi nằm trong "vùng Goldilocks".
Vậy vùng Goldilocks là gì?
Quy luật này đề cập đến khái niệm "vừa đủ", ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, Trái đất là một minh chứng điển hình của điều kiện Goldilocks - hành tinh duy nhất có nhiệt độ không quá nóng, không quá lạnh để nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Nếu gần Mặt trời hơn một chút như sao Kim (nơi có nhiệt độ bề mặt là 464 độ C), mọi thứ sẽ bị "nghiền nát và luộc sống" vì quá nóng (2). Còn nếu xa Mặt trời hơn một chút như sao Hỏa, chúng ta sẽ chìm trong thế giới lạnh lẽo, hoang vu đến khắc nghiệt. Vì vậy, Trái đất đang nằm ở vùng Goldilocks - nơi duy nhất trong vũ trụ có khoảng cách vừa đủ với Mặt trời để sự sống phát triển.
Tương tự, thành công hoàn hảo hay thất bại nặng nề đều không mang tính bền vững và khiến chúng ta mất đi động lực vì những lý do khác nhau. Thành công quá dễ sẽ dẫn đến cảm giác nhàm chán và tẻ nhạt, còn thất bại quá nhiều lần sẽ khiến ta mệt mỏi và mất tinh thần. Vùng Goldilocks trong trường hợp này là một thứ gì đó không quá dễ, không quá khó, với tỷ lệ thất bại là 15% và thành công là 85%.
"Khi học điều mới, giả sử như ngôn ngữ hoặc nhạc cụ, chúng ta nên tìm kiếm những thử thách ngoài khả năng của mình, không khó đến mức khiến ta nản lòng, nhưng cũng không dễ đến mức khiến ta chán nản" - các tác giả nhận định trong nghiên cứu - "và đó là chính là giao điểm tuyệt vời nơi việc học tiến triển nhanh nhất" (3).
Để tính được tỷ lệ 15% này, các nhà khoa học đã dạy máy tính làm những nhiệm vụ đơn giản, như chỉ ra sự khác biệt giữa các mẫu hình, sơ đồ khác nhau, hoặc đọc và sắp xếp các chữ số viết tay. Họ nhận thấy máy móc học nhanh nhất khi chúng thực hiện sai khoảng 15% và đúng 85%. Áp dụng trong việc dạy học, tác giả chính của nghiên cứu Robert Wilson cho rằng, điều này đặc biệt đúng với trẻ em. Với tư cách là cha mẹ và các nhà giáo dục, chúng ta cần đảm bảo mình không quá coi trọng sự hoàn hảo, cũng như không thúc ép trẻ phải làm những việc quá khó khăn khi chúng chưa sẵn sàng (4).
Lười biếng có phải là một cách "đi chậm lại để tiến xa hơn"?
Cả Einstein và Mozart đều có tư tưởng giống nhau khi cho phép mình sống chậm lại giữa các giai đoạn bùng nổ năng suất, thứ tạo điều kiện cho những khoảng thất bại trong công việc sáng tạo.
Albert Einstein nổi tiếng là người biết cách làm việc với năng suất cao, nhưng cũng biết khi nào thì nên nghỉ ngơi. Ông thường được mô tả là khá "nhẹ nhàng với chính mình" trong những lúc căng thẳng cấp bách. "Nếu công việc của tôi không suôn sẻ", ông nói, "tôi sẽ nằm xuống giữa ngày làm việc rồi nhìn lên trần nhà, trong khi đó lắng nghe và hình dung những gì đang diễn ra trong trí tưởng tượng của mình" (5).
Theo quan điểm của Adam Alter, có thể đây là điều cốt lõi khiến Einstein trở nên vĩ đại. Thay vì cố gắng chống lại "lực cản", ông để nó cuốn trôi mình như cơn sóng, sử dụng chướng ngại như một cơ hội để lùi lại và quan sát những ý tưởng trong tâm trí. Thay vì chiến đấu với khó khăn, ông cho phép nó đánh bại mình, và khi làm như vậy, Einstein đã học được cách bình thản đối diện thất bại (learn to fail well).
Vị giáo sư uyên bác này luôn cần những khoảng lặng yên tĩnh một mình, đó là khi ông thoát khỏi thế giới và kỳ vọng của mọi người. "Không điện thoại, không trách nhiệm, yên tĩnh tuyệt đối… Tôi nằm trên bờ biển như một con cá sấu, để mặc mình bị nướng dưới ánh nắng Mặt trời, không cần xem tin tức trên báo, và cũng không phải quan tâm đến cái gọi là thế giới" - Einstein chia sẻ (6).
Đối với Wolfgang Amadeus Mozart, ông hiểu rõ những sáng tác của mình thường đến khi ông bình tĩnh nhất: "Khi tôi hoàn toàn là chính mình, hoàn toàn đơn độc và vui vẻ, chẳng hạn như lúc đi trên xe ngựa, đi dạo sau một bữa ăn ngon hoặc khi tôi trằn trọc không ngủ được trong đêm - đó là những lúc ý tưởng của tôi tuôn chảy dồi dào nhất" (7).
Mozart có thể đã trải qua những lần năng suất đạt đỉnh, nhưng điều đó rất khó duy trì. Ông không tạo một chuỗi đột phá lớn, như việc sáng tác 600 bản giao hưởng và hòa tấu, bằng cách vật lộn với sự sáng tạo mỗi khi năng suất bùng nổ. Mozart biết cách nhanh nhất để giúp bộ não "mơ màng" trở nên năng suất hơn không phải bằng vũ lực ép buộc, mà là hướng đến sự yên bình, thư giãn và chấp nhận thất bại như một phần của quá trình.
Einstein và Mozart sở hữu một số đặc điểm của nhóm tính cách loại B, những người không mấy yêu thích sự hối hả mà thường rút lui vào bên trong, chấp nhận sự tĩnh lặng dù có khi nhàm chán và cho phép ý tưởng tự xuất hiện đúng lúc.
Cách tiếp cận "từ tốn" để chinh phục thành công này tạo cơ hội cho thất bại vì nó đồng nghĩa với việc chấp nhận không phải lúc nào chúng ta cũng có hiệu suất cao nhất, tạo nhiều giá trị nhất và đạt tiến bộ nhất - tương tự như việc cần đến 15% tỷ lệ thất bại khi theo đuổi một thứ gì đó.
Vì vậy, nếu bạn đang chuẩn bị học ngôn ngữ mới, viết kịch bản phim, tập nấu nướng, tập thiền hay thử sức với một môn thể thao mới, bạn có thể ước lượng quá trình của mình với công thức này. Thất bại một lần (hoặc nhiều hơn khi bắt đầu) trong mỗi 5, 6 lần thử sức là điều bình thường và cần thiết để đạt thành tích tốt.
Hãy xem xét những ví dụ về sự "lười biếng" hay việc "chậm lại để đi xa hơn" của hai thiên tài Einstein và Mozart kể trên, có lẽ chính nhờ việc thoải mái với khó khăn cùng thái độ sẵn sàng chịu đựng sai sót mà họ đã gặt hái được nhiều thành công và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến vậy. Trên thực tế, đôi khi những công việc thoạt nhìn trông có vẻ nhàn nhã, không mang lại kết quả nhất thời của những người sống khép mình, thong thả, lại có thể là những thứ chứa đựng sự sáng tạo vượt trội.
Comments