top of page
Tìm kiếm

Thú cưng mang niềm vui nhưng cũng đem vi khuẩn lên giường

Nếu chó được xem là người bạn trung thành mang lại sự an toàn, ấm áp cho giấc ngủ thì mèo lại khiến bạn giật mình vì thói quen hay thức dậy lúc nửa đêm của chúng. Dù rằng việc cho phép vật nuôi ngủ cùng giường, hoặc cùng phòng với mình là một quyết định cá nhân, nhưng chúng có thể ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giấc ngủ hoặc gây dị ứng cho một số người. Vậy lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không?



Trong một cuộc khảo sát từ Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) vào năm 2022, có đến 46% người Mỹ nói rằng họ ngủ chung giường với thú cưng và gần 50% trong đó số khẳng định họ cảm thấy thoải mái và ngủ sâu hơn khi có chó hoặc mèo bên cạnh (1).


Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của OnePoll đối với 2.000 người Mỹ nuôi thú cưng cho thấy là 7/10 người thích ngủ cùng với thú cưng của họ (2). Thậm chí, có người còn khẳng định rằng ở gần chó hoặc mèo sẽ giúp họ giảm mức độ căng thẳng và lo lắng. Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy việc ngủ chung giường với thú cưng khiến cho mọi người có được cảm giác an toàn và thoải mái. Từ đó, sức khỏe tinh thần cũng được cải thiện đáng kể (3).


Tuy nhiên, khi nói đến những lợi ích sức khỏe (hoặc nhược điểm) của việc ngủ chung giường với thú cưng, các chuyên gia vẫn có có quan điểm khác nhau.


"Lợi thì có lợi, nhưng..."



Tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ của Mỹ (Sleep Foudation) đã liệt kê một vài lợi ích của việc ngủ cùng thú cưng, chẳng hạn như giảm cảm giác cô đơn, tăng nồng độ oxytocin (một loại hormone mang đến cảm giác hạnh phúc) ở người lớn và tăng nồng độ cortisol (hormone chống lại sự căng thẳng) ở trẻ em . Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nói rằng khi nằm cạnh và vuốt ve một chú chó, con người sẽ tăng hệ thống miễn dịch, giảm đi các bệnh về tim mạch, giúp cho tuổi thọ được kéo dài hơn (4), (5), (6), (7), (8), (9).


Tuy nhiên, vật nuôi cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nếu chó, mèo thường nằm duỗi người khi ngủ, chúng có thể đạp vào người và khiến bạn tỉnh giấc giữa đêm. Ngoài ra, lông động vật cũng có thể gây ra các loại bệnh về hô hấp và dị ứng. Cụ thể là khi tiếp xúc với thú cưng lâu ngày, bạn dễ có nguy cơ mắc các bệnh Zoonotic (còn được gọi là Zoonoses) - tên gọi chung của các bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người (bao gồm bệnh dại, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn E.coli, khuẩn Salmonella, Lyme...) (10), (11).


Những điều lưu ý khi muốn ngủ cùng thú cưng



Để đảm bảo một giấc ngủ đầy đủ, khỏe mạnh và đem đến sự tích cực cho cả người chủ lẫn vật nuôi, LeLa Journal gợi ý những mẹo sau:

  1. Sử dụng nệm có kích thước phù hợp có thể giảm bớt sự xáo trộn khi chuyển đổi tư thế ngủ. Hãy đảm bảo rằng nệm của bạn đủ rộng để cả bạn và thú cưng hoặc bất kỳ ai khác ngủ chung giường đều được thoải mái.

  2. Giặt ga trải giường, gối nằm và thảm thường xuyên nếu thú cưng của bạn thường đi ra ngoài. Bạn cũng nên chọn ga giường bằng chất liệu cotton vì chúng dễ giặt và ít bị bám lông. Hoặc bạn có thể cân nhắc việc lau sạch chân và lông của chúng để loại bỏ bụi bẩn, thuốc trừ sâu hoặc các chất gây dị ứng sau mỗi lần chúng đi dạo ngoài trời.

  3. Đừng để chúng liếm hoặc hôn mặt bạn. Nếu có thể, tránh để thú cưng liếm mặt hoặc trên bất kỳ vết thương hở nào của bạn, vì khi đó, vi khuẩn rất dễ lây lan và khiến bạn mắc các bệnh truyền nhiễm.

  4. Dắt thú cưng đi dạo trước khi đi ngủ cho phép chúng có cơ hội đi vệ sinh và đốt cháy năng lượng dư thừa, nhờ đó chúng sẽ di chuyển ít lại và bớt gây gián đoạn giấc ngủ.

  5. Giữ thói quen đi ngủ đúng giờ. Giống như con người, động vật cũng có đồng hồ sinh học riêng. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày (kể cả cuối tuần) có thể giúp bạn và thú cưng duy trì nhịp ngủ tương đối giống nhau và giảm thiểu số lần tỉnh dậy vào ban đêm.

  6. Thường xuyên thăm khám bác sĩ thú y. Đây là cách tốt và nhanh nhất để bảo vệ sức khỏe thú cưng cũng như bản thân chủ nuôi. Hãy chắc chắn rằng người bạn bốn chân của bạn hiện đang tiêm vắc-xin đầy đủ, đồng thời duy trì lịch trình điều trị bọ chét, tẩy giun do bác sĩ thú y đề xuất.


Comments


bottom of page