top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Thực dưỡng Ohsawa: Không chỉ là ăn uống

Không chỉ dừng lại ở chuyện ăn uống, đằng sau thực dưỡng còn là một hệ thống các tư tưởng về lối sống, quy luật vận hành của thiên nhiên và vũ trụ, được triết gia George Ohsawa dựa trên để tạo ra một phương pháp giúp mọi người đạt được một cuộc sống cân bằng, viên mãn.


Thực dưỡng do triết gia Nhật Bản George Ohsawa phát triển và truyền bá rộng rãi toàn cầu vào những năm 1920. Ohsawa có một tuổi thơ khó khăn, ông chứng kiến mẹ cùng anh trai qua đời vì bệnh lao và tiếp xúc với căn bệnh khi còn là thiếu niên. Sau đó Ohsawa đã tìm cách chữa trị cho mình và bắt đầu sự nghiệp truyền lại những bài học mà ông đã nghiệm ra trên hành trình đó.


Ảnh: Macrobiotics International

Ohsawa sống trong một giai đoạn quan trọng, khi mà những tư tưởng và phương pháp từ các quốc gia Đông Á dần lan tỏa sang châu Âu. Ông chu du nhiều nơi, viết lách và giảng dạy cho nhiều người trên khắp thế giới. Những vấn đề ông phát biểu thường là phản đối Thế chiến thứ hai, nguyên lý âm dương và lời khuyên về lối sống. Với những hiểu biết sâu rộng của mình, ông đã đúc kết được các nguyên tắc phổ quát cơ bản mà triết lý thực dưỡng dựa trên cơ sở đó để hình thành.


Trong bài báo “Triết lý của thực dưỡng là gì” đăng trên tờ Macrobiotics Today, tác giả Julia Ferré đã viết: Triết học là động lực thúc đẩy thực dưỡng, cho ta ý nghĩa về cách sống và nguồn cảm hứng để thay đổi quan điểm, thói quen, chỉ ra đâu là điều nên làm và đâu là thứ cần tránh (1).

Thoạt nhìn có vẻ thực dưỡng chỉ nói về ăn uống, nhưng nó còn bàn nhiều hơn thế, cũng giống như bộ môn yoga không đơn thuần chỉ là tập thể dục. Cả yoga và thực dưỡng đều giúp ích cho con người, đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên, và cả hai đều xuất phát từ một triết lý - một cách nhận định về cuộc sống.


LeLa Journal chuyển ngữ một số nguyên tắc thực dưỡng mà nhà triết học Ohsawa cho là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc và cân bằng, để từ đó bạn đọc có thể tham khảo và chắt lọc những quan điểm giá trị nhất cho mình.


7 định luật của trật tự vũ trụ (2)


  1. Có khởi đầu thì có kết thúc.

  2. Có mặt trước thì có mặt sau

  3. Không có gì giống nhau cả.

  4. Mặt trước càng lớn thì mặt sau càng rộng.

  5. Mọi sự tương phản đều bổ túc cho nhau.

  6. Âm và dương là phân loại của mọi sự phân cực, chúng vừa tương phản vừa bổ túc cho nhau.

  7. Âm và dương là hai cánh tay của thái cực.


7 giai đoạn của trí phán đoán


Ảnh: Debby Hudson

Trí tuệ là món quà đặc biệt giúp con người tạo dựng và phát triển cuộc sống cá nhân và toàn xã hội, tuy nhiên cấp độ phát triển trí tuệ lại tùy thuộc vào khả năng của từng người. Trí phán đoán là một năng lực của trí tuệ giúp chúng ta ghi nhớ, nhận biết, đánh giá và hành động.


Tùy vào cấp độ đạt được mà mỗi người sẽ có mức độ hạnh phúc và thành công khác nhau. Trí phán đoán sẽ phát triển theo từng giai đoạn của đời người, có người chỉ dừng lại ở mức thấp nhưng cũng có người đạt được đến mức độ cao nhất.

Giai đoạn

Tri thức

Tình yêu

Lối sống

Cách ăn uống

7

Tối thượng siêu việt, vô hạn

Tự nhận thức, khai sáng, giác ngộ

Tình yêu bao la

Hạnh phúc, ung dung tự tại

Ăn uống tùy duyên với sự hài lòng

6

Ý thức hệ

Triết học, tôn giáo, biện chứng

Tình yêu lý tưởng

Thiên về tinh thần, tư tưởng

Ăn uống theo giới luật

5

Xã hội

Luân lý, kinh tế

Yêu nhân loại xã hội

Có tổ chức, cơ cấu

Ăn uống theo tập quán, cuộc sống xã hội

4

Lý trí

Khoa học, nghệ thuật

Tình yêu khoa học

Dựa vào kiến thức và tài nghệ

Ăn uống theo lý thuyết dinh dưỡng

3

Tình cảm

Văn chương, ca kịch

Tình yêu cảm tính

Tùy theo cảm xúc

Ăn uống điệu nghệ, sành ăn

2

Cảm giác

Kỹ thuật, múa vũ, thể thao

Tình yêu cảm giác

Tìm khoái lạc thân thể

Ưa ăn uống khoái khẩu (tham ăn)

1

Máy móc

Bản năng, phản xạ vô thức

Tình dục bản năng

Làm việc kiếm sống

Đói ăn khát uống


7 tiêu chuẩn sức khỏe tốt

  1. Không mệt mỏi: Mệt mỏi là nền tảng của mọi căn bệnh. Bạn có thể chữa nó mà không dùng thuốc, với điều kiện bạn hiểu và thực hành phương pháp thực dưỡng để trẻ hóa và sống trường thọ.

  2. Ăn ngon: Ăn món ăn đơn giản với thái độ tận hưởng, hài lòng và có sự biết ơn sâu sắc với Đấng Tạo Hóa, với người tạo ra gọi là ăn ngon.

  3. Ngủ ngon và sâu: Nếu bạn không thể chìm vào giấc ngủ trong 3 hoặc 4 phút sau khi lên giường, dù là thời điểm nào hoặc hoàn cảnh nào, điều đó có nghĩa tâm trí của bạn chưa tự do khỏi một nỗi sợ nào đó.

  4. Bộ nhớ tốt: Bộ nhớ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta, là nền tảng của nhân cách con người. Không có bộ nhớ tốt, chúng ta sẽ không là gì ngoài những cỗ máy.

  5. Sự vui vẻ, dí dỏm: Một người sống khỏe là người tự do khỏi tức giận, sợ hãi hay đau khổ, người có thể vui vẻ và hài lòng dù ở tình huống nào. Càng gặp nhiều khó khăn và càng có nhiều kẻ thù, người đó càng trở nên hạnh phúc, dũng cảm và nhiệt tình hơn.

  6. Rõ ràng trong suy nghĩ và hành động: Luôn trong tâm thế sẵn sàng, đón nhận là biểu hiện của tự do. Những người mở lòng, hành động nhanh nhạy, chính xác, luôn sẵn sàng đáp ứng các thử thách là người có sức khỏe tốt và có khả năng xây dựng trật tự ở bất cứ việc gì.

  7. Công bằng: Điều này thể hiện qua xu hướng sống, hành động dựa theo trật tự tự nhiên của vũ trụ và khuynh hướng nhận biết âm dương trong mọi hiện tượng của con người.


Ảnh: Kelly Sikkema

7 Nguyên tắc về tư duy

  1. Khả năng thích ứng: Cần nhấn mạnh rõ, mục đích của lối sống thực dưỡng không phải là tuân thủ nghiêm ngặt một bộ quy tắc nào. Sự duy trì một cuộc sống cân bằng và khỏe mạnh đòi hỏi ở mỗi người khả năng thích ứng và nhận thức về những biến đổi không ngừng của nhiều yếu tố.

  2. Tự nhiên: Tìm kiếm sự thoải mái và tiện nghi chỉ mang lại cho loài người điểm yếu và bệnh tật. Lối sống thực dưỡng chính là từ bỏ nền văn minh nhân tạo và trở về với tự nhiên.

  3. Không kẻ thù: Vì chúng ta là những người thừa kế của vũ trụ vô hạn, chúng ta không bao giờ cần giết thứ gì, thậm chí không cần phải “tự vệ”. Không một thứ gì có thể là kẻ thù của ta trong vũ trụ vô hạn này. Nếu có, kẻ thù chỉ có trong suy nghĩ, huyễn hoặc, nỗi sợ hãi của ta. Trí năng của chúng ta tự tạo ra kẻ thù.

  4. Tâm thức nguyên thủy: Triết lý cơ bản của các dân tộc nguyên thủy không có nền văn minh rất đơn giản: Chấp nhận mọi thứ một cách biết ơn và không phản kháng dù chỉ rất ít. Không có hiểu biết này, không một ai có thể đạt được nhận thức về chân ngã của mình.

  5. Không có sự độc quyền: Độc quyền vừa là căn bệnh khó chữa nhất trên đời vừa là nguồn gốc của mọi bất hạnh. Chúng ta nên trở thành người không thể nào không ưa thích được bất kỳ một ai.

  6. Lòng biết ơn: Chấp nhận tất cả với sự hài lòng và biết ơn không giới hạn, dù những điều đó có xấu hổ, đau lòng hay gây ra bất tiện đến mức nào. Duy trì bản thân ở trạng thái này cả ngày, làm sao để những lời bạn nói ra đều thể hiện lòng biết ơn vô hạn.

  7. Tính hợp nhất: Ý nghĩa của sự hợp nhất là trải nghiệm thực tế được tất cả là một, tất cả mọi thứ trên thế giới đều không thể chia cắt dù con người dường như tách biệt với nhau. Đây là ý nghĩa về sự thống nhất, tương giao của toàn bộ sự vật trên thế giới.


Ảnh: Eric Masur
Thông qua con đường thực dưỡng, tiên sinh Ohsawa mong muốn mọi người được khỏe mạnh, thoát khỏi cảnh khổ đau vì bệnh tật từ tâm và thân, đồng thời phát triển trí tuệ để nhận ra trật tự vũ trụ, trật tự tự nhiên xung quanh mình. Từ đó chúng ta sẽ tự do, đưa ra những quyết định sáng suốt và sống một cuộc sống viên mãn tại tâm.

Với ông, thực dưỡng là một lối sống có thể thay đổi cuộc đời mỗi người, giúp bạn cảm thấy tốt hơn và khơi dậy những nhận thức mới trong bạn. Một số người sử dụng thực dưỡng để chữa khỏi bệnh tật, một số người thực hành với mục đích tâm linh, hoặc thúc đẩy hòa bình. Dù là với mục tiêu nào, bạn cũng sẽ tìm thấy ở thực dưỡng những lợi ích, giá trị quý báu nhất định, bởi nó được xây dựng trên những nền tảng, quy luật rất căn bản của cuộc sống, và từ trí tuệ thông thái của một nhà triết học hết lòng vì lối sống bền vững của cá nhân và nhân loại.

Comments


bottom of page