top of page
Tìm kiếm

Tổn thương thời thơ ấu của trẻ: Khi cha mẹ chính là "thủ phạm"

Ông bà xưa có câu "Thương cho roi cho vọt", nhưng đôi lúc roi vọt quá mức lại trở thành phản tác dụng của tình thương và gây nên tổn thương thể chất lẫn tâm lý cho con cái. Các bậc cha mẹ cần hiểu gì về những tổn thương mà trẻ có thể gặp phải trong thời thơ ấu, để không vô tình làm phương hại đến thể chất và tinh thần của con?


Ảnh: Getty Image

Tổn thương thời thơ ấu không chỉ là những tổn thương thể chất


Trên website chính thức của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) có thông tin về một nghiên cứu mang tên CDC-Kaiser về chủ đề sang chấn thời thơ ấu hay những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu (adverse childhood experiences - ACE). Từ năm 1995 đến 1997, nghiên cứu với hai lần thu thập dữ liệu trên hơn 17.000 người đã chỉ ra rằng ACE - những tổn thương thời thơ ấu – là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mỹ.


Vậy những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu cụ thể là những gì? Theo CDC, tất cả các hành vi lạm dụng (thân thể, tình dục, tình cảm), bỏ mặc (tình cảm, ngược đãi, không chăm sóc), môi trường gia đình không an toàn và nhiều nguy cơ (người chăm sóc nghiện ngập, bạo hành, mắc vấn đề tâm thần mà không được hỗ trợ, cha mẹ ly hôn…) hoặc những sự kiện khác có khả năng gây thương tổn nghiêm trọng xảy ra với trẻ dưới 18 tuổi - chính là định nghĩa của những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu.


Trong số đó, các hành vi cụ thể là lạm dụng tình cảm hay lạm dụng cảm xúc, và bỏ bê tình cảm hay bỏ bê cảm xúc thường khó nhận biết và đồng thời để lại nhiều tổn thương nặng nề và sâu sắc mà không được hỗ trợ kịp thời.

  • Lạm dụng tình cảm – cảm xúc: xảy ra khi người chăm sóc hoặc người lớn sống trong nhà la mắng trẻ, xúc phạm và lăng mạ trẻ, hạ thấp nhân phẩm trẻ hoặc đe dọa liên tục khiến trẻ luôn sống trong nỗi lo sợ rằng trẻ có thể bị tổn thương về thể chất bất cứ lúc nào.

  • Bỏ mặc tình cảm: là tình trạng người chăm sóc hoặc người thân trong gia đình chưa bao giờ hoặc hiếm khi cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương, cảm thấy mình là một thành viên quan trọng, hoặc những người trong gia đình không bao giờ hoặc hiếm khi quan tâm đến nhau và gần gũi với nhau.

Nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng những lời nói cộc cằn, mắng nhiếc mang tính “sát thương tâm lý", lạm dụng và bạo hành tinh thần cùng cảm xúc của con, bỏ mặc nhu cầu tình cảm của con, cũng như không nâng đỡ và hỗ trợ cảm xúc cho con khi con cần... thì đó chính là những trải nghiệm gây tổn thương trong chính gia đình mà một đứa trẻ phải chịu đựng.

Những tổn thương tinh thần, hầu hết, đều khó nhận biết và khó xác định mức độ hơn rất nhiều so với các dạng tổn thương khác. Chỉ khi những “di chứng” của những tổn thương đó thể hiện ra thành những hành vi, lời nói, thái độ có thể quan sát được thì mức độ nghiêm trọng cũng đã trở nên đáng kể. Và việc “chữa” cho những tổn thương đó cũng vì thế mà khó khăn hơn.


Cũng theo nghiên cứu CDC-Kaiser (1), các trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu có liên quan trực tiếp và có thể dẫn đến các hệ lụy lâu dài về sau trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ như: tổn thương ở các liên kết thần kinh - não bộ, các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, tự vẫn, sang chấn tâm lý, các vấn đề trong kiểm soát hành vi, lạm dụng chất kích thích và nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khỏe mãn tính nguy hiểm đến tính mạng như bệnh tim, ung thư, tiểu đường…


Cha mẹ cần biết quản lý tốt cảm xúc bản thân


Để nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần và sức bền tâm lý cho con, các bậc phụ huynh cần là một tấm gương tốt và phải biết điều tiết vững vàng tâm lý của chính mình.


Ảnh: Shutterstock

Cần nhớ rằng, không một đứa trẻ nào vừa sinh ra đời đã là một đứa trẻ “hư” - nếu chúng ta định nghĩa "hư" đồng nghĩa với những hành vi phản kháng, rối nhiễu, mắc lỗi lầm… Xét về mặt tính khí - tức là những đặc điểm mà trẻ có từ khi chào đời, cách mà trẻ phản ứng và phản xạ lại với các tác động từ môi trường xung quanh - chúng ta có thể phân loại thành nhóm tính khí dễ (dễ ăn, dễ ngủ, dễ chịu…) hay khó (khó ăn, khó ngủ, chậm thích nghi, nhạy cảm…). Tuy nhiên, trẻ thuộc nhóm tính khí khó không phải là trẻ “hư”, mà là trẻ cần nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ người chăm sóc để có thể phát triển được cảm giác an tâm và an toàn với môi trường quanh trẻ.


Khi trẻ dần lớn lên, trong những năm đầu đời, một em bé ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo bắt đầu có thể thường xuyên nói “không” và có những hành vi chưa phù hợp như cắn, đánh, phản kháng, la hét, bướng bỉnh… Cha mẹ cần hiểu rằng có rất nhiều nguyên nhân ẩn sau những hành vi trong độ tuổi này, ví dụ như:

  • Con thiếu kỹ năng và cần được rèn luyện để thuần thục hơn thì sẽ đỡ cáu giận hơn.

  • Con chưa có đủ nhận thức về một sự việc nào đó, nên điều con cần là sự hướng dẫn và giải thích cụ thể, dễ hiểu từ người lớn.

  • Con có nhiều cảm xúc kìm nén, ức chế qua thời gian mà không ai thấu hiểu, đặc biệt là khi con chưa có đủ ngôn từ để diễn đạt.

  • Cuối cùng là cảm giác con không được tôn trọng, không được ghi nhận và không có giá trị trong gia đình .

Giải thích như vậy để cha mẹ hiểu rằng, sự nóng giận của cha mẹ khi con sai sót, hoặc khi con không tự nguyện tự giác, chắc chắn không phải là cách đúng đắn để tiếp cận và đến gần hơn với con. Vì có lẽ một đứa trẻ cũng đã quá chật vật khi phải tự đương đầu với những khó khăn của chính bản thân trong quá trình lớn lên và rất cần được cảm thông, thấu hiểu.


Chúng ta chỉ muốn tự giác thay đổi, khi chúng ta cảm thấy được đồng cảm, lắng nghe, và trân trọng. Vậy thì trẻ em cũng vậy. Để con có thể tự sửa đổi sai sót và ngoan ngoãn chịu lắng nghe cha mẹ, thì cha mẹ cần làm gương kỹ năng tự quản lý cảm xúc của bản thân, biết cách quản lý cơn nóng giận và biết cách đối thoại trong tôn trọng, bình tĩnh với con. Có như vậy, con trẻ mới có thể quan sát và bắt chước được những kỹ năng đó của các bậc phụ huynh. Từng chút, từng chút một.


Thạc sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn, với chuyên môn Tâm lý Trẻ em - Cha mẹ, là nhà thực hành tham vấn tâm lý, cung cấp các chương trình Đào tạo Cha mẹ Nuôi dạy con, Quản lý hành vi và giao tiếp, Cải thiện Năng lực cảm xúc và chất lượng tình cảm - gắn kết gia đình



Tốt nghiệp 3.97 GPA Thạc sĩ Tâm lý Trẻ em & Thanh thiếu niên tại trường The Chicago School of Professional Psychology.

Chứng chỉ sau Cao học về Giáo dục và Đào tạo Cha mẹ tại trường Adelphi University New York.

Giảng viên đào tạo các chương trình quốc tế làm cha mẹ và nuôi dạy con hiệu quả theo các nghiên cứu, dẫn chứng khoa học.

Parent Educator & Parent Counsellor: Tư vấn phụ huynh, hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ nuôi dạy con tích cực.

Nhà cung cấp các chương trình tư vấn - đào tạo cho các tổ chức và nhãn hàng.

Diễn giả cho các hội thảo với chủ đề nuôi dạy trẻ theo kỷ luật tích cực.

Nhà sáng lập dự án Happy Parenting.


Comments


bottom of page