top of page
Tìm kiếm

Lựa chọn môi trường phù hợp cho trẻ học hỏi & lớn khôn

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của phụ huynh chính là cung cấp môi trường học hỏi tích cực cho con cái. Vậy, cha mẹ cần biết gì về môi trường quanh trẻ cũng như những môi trường này sẽ ảnh hưởng và tác động đến sự học hỏi của trẻ như thế nào?


Ảnh: Tirachardz - Freepik

Trẻ em “học hỏi” một cách bị động về mọi thứ, vào mọi lúc, ở mọi nơi


Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chỉ có một từ vựng dùng để chỉ việc “học”, nhưng trong tiếng Anh, có đến hai từ là “Learn” và "Study”. Sự khác biệt của hai từ này là gì? Sau khi thử tìm kiếm một vòng trên Google thì kết quả trên trang nhất có thể được tóm gọn như sau:


  • STUDY: means to read, memorize facts or attend school in order to learn about a subject. Theo đó, "học" trong từ "study" nghĩa là đọc, nhớ dữ liệu, đi đến trường lớp để có thêm hiểu biết về một môn hay một chủ đề nào đó. Từ này cũng mang ý nghĩa là chúng ta lựa chọn tìm hiểu/học hỏi (study) một bộ môn gì đó.

  • LEARN: means to gain knowledge or skill by studying, practicing, being taught or experiencing something. "Học" trong từ "learn" nghĩa là thu nạp thêm kiến thức hoặc kỹ năng mới bằng một trong những cách: học hỏi (study), luyện tập, được chỉ dạy, hoặc từ trải nghiệm thực tế (quan sát, bắt chước) từ một điều gì đó. Từ cách hiểu này, có thể thấy đôi khi chúng ta học (learn) điều gì đó một cách tự động và tự nhiên, không chủ đích.


Khi cha mẹ lưu tâm, chúng ta có thể chủ động tạo ra một môi trường học hỏi tích cực cho con hằng ngày và việc của trẻ là Learn & Experience - trải nghiệm mọi tương tác, giao tiếp, lời nói và cử chỉ của người lớn, để tự đúc kết được cho bản thân những bài học và kinh nghiệm trong quá trình phát triển.


Nếu khi con phạm lỗi, chúng ta đứng từ trên cao chỉ ngón tay xuống và quát mắng, con sẽ học được gì từ thái độ và cách hành xử đó? Cũng cùng là lỗi sai đó của con, nhưng chúng ta hạ thấp người xuống ngang tầm và nhìn vào mắt con, để nói cho con biết rõ ràng điều con cần và nên làm, thì con sẽ tiếp thu và học được ý nghĩa đằng sau thái độ và cách hành xử đó.


Ảnh: Bigstock

Trẻ em như những "miếng bọt biển", việc của cha mẹ là quyết định “nhúng” con vào môi trường nào


Learning là một quá trình kéo dài trọn đời. Những đứa trẻ sẽ học (learn) hàng ngày, hàng giờ, từ mọi điều mọi việc và mọi thứ diễn ra trước mắt con.


Trong bài viết này, có 3 khái niệm môi trường mà cha mẹ cần đảm bảo cho con được “nhúng” vào trong suốt quá trình phát triển để bọn trẻ được học hỏi một cách tích cực nhất. Đó là: Môi trường vật lý (vật chất), môi trường tình cảm (tinh thần & tâm lý) và môi trường trí tuệ


1️. Physical envinronment - Môi trường vật lý/vật chất


Đây là môi trường tác động đến cách trẻ sinh hoạt, học tập và cư xử. Người lớn cần đảm bảo được hai yếu tố cho môi trường này là an toàn và thú vị, dù là khi ở nhà, ở trường hoặc khi trẻ ra ngoài xã hội. Ví dụ như cách bố trí phòng ốc để tạo cảm giác chào đón, hoặc thiết kế không gian giúp dễ dàng di chuyển... Những điều này đều có thể nâng cao khả năng tìm tòi và khám phá cho trẻ. Các hoạt động thú vị và phù hợp với độ tuổi cũng như sở thích sẽ giúp truyền cảm hứng và thách thức tích cực để con bạn muốn tham gia học tập cũng như cố gắng hơn mỗi ngày.


2️. Emotional environment - Môi trường tình cảm/cảm xúc


Môi trường này bao gồm những yếu tố giúp con phát triển cảm giác an tâm trong tâm trí. Điều này bao gồm cảm nhận rằng “Liệu con có còn được yêu thương không ngay cả khi con cư xử chưa đúng hoặc phạm sai lầm?”, hay “Liệu con có thể tin tưởng rằng người lớn này sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ, và thấu hiểu cho mọi cảm xúc đang hỗn loạn của con?”. Trẻ em cần cảm thấy được chấp nhận, được chào đón và có giá trị. Một môi trường cảm xúc lành mạnh là nền tảng để trẻ học tập tốt, vì không ai có thể tiếp thu được điều gì khi tâm tư bị rối bời bởi lo lắng và bất an. Trẻ sẽ trau dồi khả năng học hỏi thông qua việc thử nghiệm các ý tưởng mới lạ. Vì vậy, trẻ cần hiểu rằng ngay cả khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch, mình vẫn an toàn và an tâm vì được hỗ trợ.


3️. Intellectual environment - Môi trường trí tuệ


Nhằm cung cấp cho trẻ cơ hội cũng như khả năng để được thử thách và cố gắng, môi trường trí tuệ sẽ giúp con bạn thử nghiệm các ý tưởng, thể hiện những suy nghĩ vào thực tế. Các bậc cha mẹ nên khuyến khích động lực học tập bằng cách cùng chia sẻ mục tiêu và cung cấp cho con cái một nền tảng vững chắc để trẻ chủ động tiếp nhận, tùy vào tốc độ tiếp thu và khả năng riêng của từng trẻ. Chúng ta cần chủ động tham gia vào các hoạt động đánh giá để xác định xem con mình hiện đang ở đâu và đồng hành cùng nhà trường để có kế hoạch cho con được trải nghiệm và mở rộng năng lực học hỏi.


Thạc sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn, với chuyên môn Tâm lý Trẻ em - Cha mẹ, là nhà thực hành tham vấn tâm lý, cung cấp các chương trình Đào tạo Cha mẹ Nuôi dạy con, Quản lý hành vi và giao tiếp, Cải thiện Năng lực cảm xúc và chất lượng tình cảm - gắn kết gia đình



Tốt nghiệp 3.97 GPA Thạc sĩ Tâm lý Trẻ em & Thanh thiếu niên tại trường The Chicago School of Professional Psychology.

Chứng chỉ sau Cao học về Giáo dục và Đào tạo Cha mẹ tại trường Adelphi University New York.

Giảng viên đào tạo các chương trình quốc tế làm cha mẹ và nuôi dạy con hiệu quả theo các nghiên cứu, dẫn chứng khoa học.

Parent Educator & Parent Counsellor: Tư vấn phụ huynh, hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ nuôi dạy con tích cực.

Nhà cung cấp các chương trình tư vấn - đào tạo cho các tổ chức và nhãn hàng.

Diễn giả cho các hội thảo với chủ đề nuôi dạy trẻ theo kỷ luật tích cực.

Nhà sáng lập dự án Happy Parenting.




Comments


bottom of page