Những thực phẩm được dung nạp trong năm đầu đời là chìa khóa cho sự phát triển nền tảng và lâu dài của trẻ. Trong sáu tháng đầu, sữa mẹ có thể đáp ứng trọn vẹn các nhu cầu về dinh dưỡng của bé, nhưng kể từ thời điểm đó trở đi, trẻ đòi hỏi một lượng dưỡng chất lớn hơn và cần chuyển dần sang chế độ ăn dặm.
Cha mẹ đã hiểu đúng về "ăn dặm"?
Ăn dặm là giai đoạn bé tập làm quen với thức ăn thô, là bước chuyển từ giai đoạn bú mẹ hoặc uống sữa công thức sang nguồn dinh dưỡng từ động, thực vật.
Khi bé được khoảng sáu tháng tuổi, lượng sắt dự trữ trong cơ thể giảm đi và trẻ cần được ăn nhiều hơn để đảm bảo hàm lượng dưỡng chất cung cấp cho các hoạt động tiêu tốn năng lượng, chẳng hạn như lật (trở mình), trườn, bò... Ngoài ra, các hoạt động ăn dặm giúp bé học được các kỹ năng như điều phối chuyển động của lưỡi, nhai, nuốt và phát triển cơ hàm.
Thực chất, trong giai đoạn này, ăn dặm và sữa mẹ phải là hai nguồn thực phẩm hỗ trợ cho nhau.
Khi nào nên cho bé ăn dặm?
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đều chỉ ra rằng thời điểm cho trẻ ăn dặm theo tiêu chuẩn là sáu tháng tuổi (1) (2). Tuy nhiên, các bé khác nhau có mức độ và tốc độ phát triển không giống nhau. Vì thế, không có mốc thời gian nào là tiêu chuẩn tuyệt đối cho việc ăn dặm.
Bố mẹ có thể nhận biết “thời điểm vàng” để trẻ trải nghiệm thức ăn thô thông qua các dấu hiệu như sau:
1. Dấu hiệu bố mẹ nên cho bé ăn dặm
Bé đã có thể ngồi tương đối vững.
Bé kiểm soát được cử động của đầu và cổ.
Bé mở miệng khi bố mẹ bón thức ăn.
Bé có thể nuốt.
Bé thường xuyên đưa các vật thể vào miệng để gặm.
Bé cố gắng nắm lấy những vật nhỏ trong tầm tay.
Bé có thể đưa thức ăn từ lưỡi vào vòm họng.
2. Dấu hiệu bố mẹ chưa nên cho bé ăn dặm
Bé không thể ngồi, không thể kiểm soát cử động cơ thể cơ bản.
Bé quay đầu sang hướng khác khi bố mẹ bón thức ăn.
Bé dùng tay bịt miệng khi ngửi thấy mùi đồ ăn.
Bé khóc khi đến giờ ăn.
Bé vung tay đẩy các dụng cụ ăn.
Bé phun thức ăn ra khỏi miệng.
"Lợi bất cập hại" khi trẻ ăn dặm sai thời điểm
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ bị áp lực bởi cân nặng và tốc độ phát triển của con, dẫn đến việc hiểu sai thời điểm phù hợp nên vội cho trẻ ăn dặm khi chỉ mới ba - bốn tháng tuổi. Lúc này, hệ thống tiêu hóa của bé chưa toàn diện vì chưa có men tiêu hóa, dịch tiêu hóa còn ít, không hấp thụ được thức ăn. Hoạt động của hàm, lưỡi, hầu, họng chưa thuần thục, dẫn đến việc trẻ dễ bị nghẹn, ngạt đường thở.
Tuy nhiên, nếu ăn dặm quá trễ so với thời điểm cần thiết sẽ khiến trẻ phát triển chậm, suy dinh dưỡng, còi cọc, xanh xao... Các hoạt động tiêu hóa của cơ thể cũng sẽ diễn ra không tự nhiên, cũng như trẻ không biết cách tiếp nhận thức ăn thô.
Từ những lý do trên, bố mẹ nên lưu ý để nắm bắt nhu cầu phát triển của con, cho bé ăn trong khoảng thời điểm độ tuổi hợp lý. Tựu trung, ăn dặm có những nguyên tắc cơ bản như sau:
Ăn dặm đúng độ tuổi.
Ăn dặm từ ít đến nhiều.
Ăn dặm từ loãng đến đặc.
Không kéo dài thời gian mỗi bữa ăn.
Những thực phẩm được các chuyên gia khuyến nghị
1. Trong một hai tuần đầu bắt đầu ăn dặm
Hơn hết, bố mẹ nên nhớ rằng không có thực đơn nào là công thức cố định để bắt đầu hành trình ăn dặm. Thông thường, trẻ được khuyến khích để thử các hỗn hợp bằng rau củ, đặc biệt là các loại rau xanh có vị đắng nhẹ. Các chuyên gia cho rằng phương pháp này giúp trẻ hình thành các xúc cảm ở lưỡi, hình thành phản xạ nhai và nuốt thay vì làm quen với các thực phẩm có vị ngọt như sữa mẹ (3).
Nếu cách thức này hữu hiệu với em bé nhà bạn, LeLa Journal khuyến khích bố mẹ nên cho trẻ thử mỗi ngày một loại rau quả khác nhau dưới dạng dung dịch loãng trong tuần lễ đầu tiên. Bí xanh, cải bó xôi, súp lơ xanh, súp lơ trắng… là những lựa chọn hữu ích.
2. Các tuần sau đó
Chìa khóa của những buổi ăn giàu chất dinh dưỡng nằm ở ba chuẩn mực sau:
Cung cấp đa dạng các thành phần dưỡng chất: Điều này đồng nghĩa với việc bố mẹ cần chọn thực phẩm từ các nhóm dưỡng chất khác nhau, chẳng hạn như trái cây, rau, sữa, tinh bột (ngũ cốc, khoai tây, gạo, các loại hạt) và thực phẩm giàu chất sắt, protein (thịt, cá, dầu, trứng, đậu…). Các nhóm chất này có thể được kết hợp luân phiên.
Thay đổi kết cấu món ăn: Trong cột mốc từ sáu đến mười tháng tuổi, sự thay đổi khẩu vị và cách tiếp nhận của trẻ kéo theo việc thay đổi hình thức thực đơn. Bố mẹ có thể chế biến thức ăn đặc hơn, ví như chuyển từ dạng bột loãng sang nghiền nhỏ hoặc vo viên.
Hỗ trợ con phát triển toàn diện: Học ăn là bài học vỡ lòng của con. Bố mẹ phải dành cho con sự cảm thông, kiên nhẫn để hỗ trợ các hoạt động tự phát của bé. Một số em bé bài xích với việc ăn dặm trong những ngày đầu nên phụ huynh cứ yên tâm rằng đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Những lưu ý mà phụ huynh thường bỏ qua trong giai đoạn này
Bố mẹ cần hiểu rằng trọng tâm của việc ăn dặm không phải nằm ở khối lượng thức ăn mà bé tiếp nhận. Thực chất, giai đoạn này nhằm mục đích để trẻ trải nghiệm và làm quen với hương vị của các chất dinh dưỡng đầu đời ngoài sữa mẹ.
Các chuyên gia y tế không có bất kỳ khuyến nghị nào về việc cho trẻ ăn bao nhiêu. Bởi lẽ, trẻ rất giỏi lắng nghe các tín hiệu bên trong về cảm giác đói và no. Điều này có nghĩa là trẻ sẽ ăn tùy thích theo nhu cầu. Cơn thèm ăn của trẻ thay đổi theo mỗi ngày, mỗi bữa ăn. Đó là chưa xét đến việc khi mọc răng, sốt, mệt mỏi hay được kích thích quá mức, trẻ sẽ thay đổi thói quen. Việc tin tưởng vào trẻ giúp con có bữa ăn khoa học, đồng thời gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thấu hiểu trẻ nhiều hơn.
Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ đã bắt đầu có thể uống nước. Bố mẹ có thể cho trẻ uống vài giọt nước đun sôi để nguội nếu khẩu phần ăn của con có nhiều chất đạm (protein) (4).
Bố mẹ cần đảm bảo rằng ngoài những chất cơ bản, con còn được dung nạp một hàm lượng kẽm và sắt đủ để phát triển khỏe mạnh. Trong hai năm đầu đời, 75% chất dinh dưỡng sẽ được chuyển hóa để nuôi não (5). Vì vậy, omega 3 và i-ốt là hai thành phần không thể thiếu.
Không phải thực phẩm nào cũng phù hợp với bộ máy tiêu hóa còn non nớt của trẻ sơ sinh. Phụ huynh cần hết sức cân nhắc khi sử dụng mật ong. Trẻ rất dễ tiếp xúc bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum hoặc các vi khuẩn có liên quan trong mật ong cũng như trong các thực phẩm đóng hộp không đảm bảo an toàn khi bảo quản. Chúng xâm chiếm ruột già của trẻ và tạo ra độc tố thần kinh Botulinum nguy hiểm (6).
Các thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, gia vị nhiều muối cũng phải được hạn chế tuyệt đối vì thận của bé chưa có khả năng xử lý lượng muối dư thừa (7). Các bác sĩ cũng không khuyến khích các chất tạo ngọt vì dễ gây sâu răng và tạo thói quen ăn uống không lành mạnh. Phô mai, thịt sống, hạt cứng, sữa bò nguyên chất cũng nên được loại khỏi thực đơn.
Đáng quan tâm nhất trong quá trình tập ăn của con là nguy cơ mắc nghẹn. Do kích thước đường thở hẹp kết hợp với việc chưa có kinh nghiệm nhai thức ăn, bố mẹ cần giám sát khẩu phần ăn cũng như quá trình tiêu hóa của con.
Một số phương pháp ăn dặm phổ biến
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp phổ biến và lâu đời ở Việt Nam. Bố mẹ sẽ nấu các món ăn dặm dinh dưỡng từ bột hoặc cháo rây để tập ăn cho bé, kết hợp với chất đạm và rau củ được xay nhuyễn trong chén cháo.
2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Khác với ăn dặm truyền thống, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ chế biến và phân loại từng loại thức ăn khác nhau, xếp vào các tô, chén hoặc khay riêng rẽ. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng chú trọng giúp bé ăn thô sớm, vì vậy các bé lên một tuổi đã có thể ăn được cơm.
3. Phương pháp ăn dặm BLW (Baby Lead Weaning: Cho bé tự lực)
Đây là phương pháp ăn dặm phổ biến ở các nước châu Âu và Mỹ và du nhập về Việt Nam những năm gần đây. Đặc trưng của phương pháp này là ngay từ khi mới bắt đầu ăn dặm, bé đã được cho ăn thô như người lớn. Bố mẹ không cần phải nấu cháo hay nghiền nhuyễn thức ăn mà chỉ cần nấu chín các loại rau củ và cắt thành các thanh dài cỡ ngón tay để bé tiện cầm nắm.
4. Phương pháp ăn dặm 3in1: Cho bé tự quyết
Đây là một phương pháp ăn dặm mới do đầu bếp người Việt sáng tạo. Với phương pháp ăn dặm 3in1 bố mẹ có thể linh động kết hợp các phương pháp kể trên lại với nhau để có thể tạo điều kiện cho bé được học và rèn những kỹ năng tốt. Sau này, khi bé được kết hợp nhiều kiểu ăn và cách ăn khác nhau, trẻ sẽ tự định hình được khả năng, tính cách, khả năng ăn uống sao cho phù hợp với chính mình.
Kommentit