top of page
Tìm kiếm

Trẻ bơi lâu dễ bệnh? Nguyên nhân và giải pháp

Bơi lội không chỉ là hoạt động giải nóng khi nhiệt độ thời tiết tăng cao, là kỹ năng giữ an toàn cho trẻ trong những tình huống nguy kịch, mà còn được xem như một môn thể thao giúp con phát triển cơ thể toàn diện.



Chắc hẳn, cha mẹ nào cũng từng chứng kiến con mình sụt sịt mũi, ho, và thậm chí bị sốt sau khi bơi lội "quá lâu". Vì sao trẻ em có thể mắc những triệu chứng cảm cúm sau khi bơi cả ngày? Lela Journal sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết để không phải ngăn con ngừng cuộc chơi.


Vì con bị cạn kiệt năng lượng


Một trong những nguyên nhân ít được quan tâm là trẻ em bị cạn kiệt năng lượng.


Trong lúc vận động, bất kể bộ môn thể thao nào, cơ thể con người sẽ đi vào tình trạng đốt năng lượng, còn gọi là đốt calorie.


Khi lượng calorie đốt đi từ vận động bằng lượng calorie nạp vào cơ thể từ thực phẩm sẽ tạo trạng thái calorie cân bằng.


Khi ăn quá ít, cơ thể chúng ta rơi vào tình trạng calorie âm. Độ lớn của calorie âm càng cao thì cơ thể càng suy yếu dần theo. Nhưng không phải ăn gì cũng phù hợp.


Trẻ em rơi vào tình trạng suy yếu trong lúc vận động vì không được nạp tinh bột. Bạn có biết tinh bột là dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần khi vận động? Thật vậy, trong lúc tập thể thao, nếu không có tinh bột cơ thể sẽ sử dụng mỡ và cơ bắp (protein) để đốt làm năng lượng. Đốt quá nhiều mỡ và protein dự phòng, cơ thể rơi vào tình trạng suy yếu, hệ miễn dịch đồng thời sẽ yếu theo, từ đó tăng rủi ro cảm cúm. Nghiên cứu thể thao cho thấy, những người tập luyện trên 90 phút liên tục sẽ không bị cúm nếu tiêu thụ từ 30 đến 60 gram tinh bột cho mỗi giờ luyện tập, tương đương với 1-2 trái chuối/giờ (1) (2).


Trong lúc trẻ em bơi lội, hãy nhắc bé ăn chuối, hoặc uống thức uống có đường tự nhiên như nước mía, nước dừa, nước dưa hấu và các loại nước trái cây tự nhiên. Trong lúc vận động, cơ thể chúng ta cần được bổ sung tinh bột. Bạn sẽ thường thấy vận động viên quần vợt ăn chuối hoặc uống nước điện giải có đường mỗi khi được nghỉ giữa hiệp.

Những yếu tố cần chú ý để giúp trẻ ngăn bệnh sau khi bơi


Ngoài việc bổ sung tinh bột trong lúc bơi lội, chúng ta cần chú ý các yếu tố sau để giúp trẻ phòng chống bệnh sau khi bơi.


Con của bạn đã quen với việc bơi lội lâu? Giả sử, hàng ngày bé bơi 20 phút thì việc đột xuất bơi 60 phút là quá dài để cơ thể thích ứng. Hãy tập cho bé bơi dài hơn theo lộ trình cấp tiến từ tốn.


Con của bạn đã ăn trước khi vận động? Để cơ thể không rơi vào tình trạng thiếu năng lượng như nêu trên, trẻ em nên ăn từ 60 đến 90 phút trước khi bơi. Thức ăn nên có tinh bột tự nhiên như cơm trắng, khoai tây, khoai lang, hoặc trái cây nói chung (3).


Con của bạn đã được hướng dẫn kỹ thuật thở trong lúc bơi? Khi không biết thở đúng cách, trẻ em dễ bị nước tràn vào mũi, sặc nước, từ đó gây ra viêm mũi và viêm họng. Hãy nhắc bé thở ra bằng mũi và ngậm kín miệng khi đầu đang ở dưới nước, chỉ hít vào bằng miệng khi đầu ở trên mặt nước.


Ngoài ra, khi uống nước hồ bơi, trẻ em sẽ gặp rủi ro bị đau bụng và tệ hơn là tiêu chảy do nước hồ bơi không được tiệt trùng đúng quy định, hoặc số lượng người tập trung trong hồ quá cao dẫn đến dư lượng vi khuẩn cao tại thời điểm con bạn đang bơi. Bạn có thể kiểm tra mức chlorine hoặc bromine trong hồ bơi với que thử nghiệm nước có bán tại Fado, hoặc tìm những bể bơi vắng người.


Sau khi bé bơi, nên nhỏ mắt và rửa mũi cho bé với nước muối sinh lý hoặc nước muối biển để vệ sinh. Chúng ta cũng cần giúp bé vệ sinh tai và giữ tai khô ráo sau khi bơi. Trong lúc bơi, bé có thể mang nón bơi che kín tai, hoặc sử dụng nút bịt tai chống nước.


Bé không nên mặc quần áo bơi sau khi lên bờ. Bạn nên thay quần áo khô cho bé để giữ ấm và để hạn chế các mầm bệnh da liễu. Sử dụng kem chống nắng hoặc kem dưỡng ẩm sẽ giúp phòng chống các loại bệnh da liễu thường thấy sau khi bơi, ví dụ như rôm sảy, nổi mẩn đỏ và cháy nắng.

Comments


bottom of page