top of page
Tìm kiếm

Trẻ học song ngữ: Bắt đầu khi nào và luyện sao mau giỏi?

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành một công dân toàn cầu bằng cách cho trẻ học ngôn ngữ từ sớm. Việc học nhiều ngôn ngữ từ sớm có thể giúp trẻ phát triển não bộ, tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn đang băn khoăn về thời điểm và phương thức để có thể giúp trẻ tiếp cận với ngôn ngữ.



Đâu là "thời điểm vàng" cho việc học song ngữ?


Hiện nay, 3,3 tỷ người có thể sử dụng hai ngôn ngữ trong đời sống (bilingual), tương đương với 43% dân số thế giới (1).


Việc cho trẻ học ngoại ngữ dần trở nên quan trọng hơn. Từ đó, nhiều người bắt đầu tranh cãi về độ tuổi, hay "thời điểm vàng" để trẻ bắt đầu tiếp thu hai ngôn ngữ. Một số người cho rằng nên cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, trong khi một số cho rằng trẻ chỉ nên học ngoại ngữ khi bước vào độ tuổi nhất định, khi trẻ bắt đầu nhận thức được về ngôn ngữ. Thậm chí, nhiều người đã quen với định nghĩa "độ tuổi quan trọng" và có suy nghĩ rằng khi bước qua độ tuổi này, chúng ta không thể học thêm ngoại ngữ được nữa.


Khoa học đã chứng minh rằng không có một thời điểm vàng cho việc học song ngữ.


Điểm quan trọng nhất chính là việc học ngôn ngữ nên bắt đầu càng sớm càng tốt bởi vì khả năng tiếp thu ngôn ngữ sẽ giảm dần theo tuổi tác (2), nhưng cần lưu ý rằng điều này không có nghĩa là khi lớn tuổi, chúng ta không còn khả năng tiếp thu ngôn ngữ nữa. Như LeLa Journal đã nhắc tới ở bài trước, chúng ta luôn có thể tiếp tục học thêm ngôn ngữ và có khả năng trở thành một polyglot - người nói được nhiều ngôn ngữ.


Trong một năm đầu đời, trẻ sẽ có thể tiếp thu rất nhiều kiến thức về ngôn ngữ thông qua môi trường sống, nhưng khi bước sang năm thứ hai, việc này sẽ diễn ra khó khăn hơn. Ngoài ra, trong giai đoạn 8-10 tháng tuổi, trẻ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong khả năng nhận biết và học hỏi về âm thanh (3). Điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ có thể phát triển khả năng học hỏi song ngữ ngay từ khi mới ra đời mà không gặp bất cứ trở ngại nào trong việc tiếp thu.


Trẻ dưới một tuổi có đã khả năng phân biệt khá rõ âm điệu của ngôn ngữ. Ví dụ, trẻ sơ sinh có thể phân biệt được các ngôn ngữ có nhịp điệu khác nhau như tiếng Anh và tiếng Pháp ngay từ khi mới sinh (4), và khi đến 4 tháng tuổi, chúng có thể phân biệt được các ngôn ngữ có nhịp điệu tương tự nhau như tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha (5).


Nhiều cha mẹ cho rằng việc trẻ nói hai ngôn ngữ trong cùng một câu là một trong những rủi ro trong việc dạy trẻ song ngữ quá sớm. Cách làm này là code-mixing (tạm dịch là "trộn ngôn ngữ") - khi chúng ta sử dụng các từ hoặc cụm từ, thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau trong cùng một câu hoặc đoạn văn). Ví dụ như câu nói "Tôi đi shopping với mẹ vào weekend này". Tuy nhiên, trên thực tế, việc này hoàn toàn bình thường với những đứa trẻ học song ngữ (6) và ngược lại, trẻ học song ngữ cũng có lý do cho việc chúng phải kết hợp các cụm từ như vậy (7).


Thứ nhất, trẻ chỉ đang bắt chước cách mà người lớn xung quanh đang trò chuyện (8). Có lẽ cha mẹ hoặc người thân đã trộn ngôn ngữ trong giao tiếp mà không chú ý, dẫn đến việc bắt chước ở trẻ. Đặc biệt, trong tiếng Việt của chúng ta cũng có khá nhiều từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp, Anh... dẫn tới việc chúng ta dễ có xu hướng hòa trộn trong giao tiếp. Ví dụ, nếu chúng ta sử dụng các cụm từ như "băng cát-xét", "cát-xê", "i-on", "căng-tin", "hoóc-môn", "ô tô"... thì những trẻ đã có khả năng phân biệt âm điệu của ngôn ngữ cũng sẽ thấy phần nào bối rối.


Thứ hai có thể đến từ việc trẻ bị giới hạn về từ vựng ở một trong hai ngôn ngữ. Tương tự như cách một trẻ sơ sinh đơn ngữ một tuổi ban đầu có thể sử dụng từ "chó" để chỉ bất kỳ loài động vật có bốn chân, trẻ song ngữ cũng có cách sử dụng nguồn từ vựng hạn chế của mình một cách thông minh.


Nếu một trẻ song ngữ không biết hoặc không thể nhanh chóng nghĩ ra một từ vựng thích hợp, con có thể mượn từ vựng ấy ở một ngôn ngữ khác (9). Sử dụng cùng lúc hai ngôn ngữ trong một câu không tạo ra sự bối rối trong việc diễn đạt ngôn từ, mà hơn thế, nó còn cho thấy sự lựa chọn linh hoạt từ vựng ở trẻ (10).

Như vậy, việc cho trẻ học song ngữ ngay từ khi mới ra đời là một bước quan trọng để trẻ có thể học ngôn ngữ tốt hơn sau này.



Một số phương pháp giúp trẻ học hai ngoại ngữ song song


Ngày càng nhiều những trường dạy song ngữ ra đời để đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của mọi người. Ngoài việc cho trẻ học trên trường, việc cha mẹ thực hành ngôn ngữ với trẻ cũng chiếm một tầm quan trọng nhất định. Dưới đây là một số phương pháp để cha mẹ có thể đồng hành cùng bé trong việc học ngoại ngữ.


1. Ngôn ngữ phụ ở nhà (Minority language at home - MLAH)

Trong phương pháp này, ngôn ngữ phụ chỉ được nói ở nhà, trong khi ngôn ngữ chính sẽ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp bởi tất cả những người xung quanh. Phương pháp này cho phép cha mẹ lựa chọn đâu là ngôn ngữ chính, đâu là ngôn ngữ phụ cho trẻ, từ đó lựa chọn việc phát triển cho phù hợp với môi trường.


Thông thường, những gia đình chọn phương pháp này khi họ mong muốn trẻ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ với những người thân trong gia đình, đồng thời phải dùng một ngôn ngữ khác để giao tiếp ở những môi trường công cộng như trường học, bệnh viện...


Theo một nghiên cứu, 60% cha mẹ mong trẻ học ngôn ngữ phụ để có thể giao tiếp với người thân, chẳng hạn như anh chị em họ và ông bà. 40% còn lại liên quan đến những lợi ích cá nhân cho con cái, hoặc cha mẹ, ví dụ như việc học tiếng Anh sẽ giúp con có tương lai rộng mở hơn (11).

2. Mỗi người một ngôn ngữ (One person, one language - OPOL)

Đây là phương pháp đã tồn tại hơn 100 năm, giúp trẻ có thể cùng lúc thông thạo cả hai ngôn ngữ (12). Nếu phương pháp MLAH kể trên chỉ chú trọng vào một ngôn ngữ thiết yếu thì ở OPOL, trẻ sẽ được đồng thời phát triển cả hai ngôn ngữ, không nghiêng về một bên nào cả.


Với phương pháp này, cha và mẹ, mỗi người sẽ chỉ trò chuyện bằng một ngôn ngữ với trẻ và không được thay đổi trong suốt tiến trình giao tiếp. Ví dụ, việc mẹ chỉ nói tiếng Anh và bố chỉ nói tiếng Việt sẽ giúp bé tăng khả năng phản xạ với cả 2 ngôn ngữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc áp dụng phương pháp OPOL có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, có thể là cả 2 ngôn ngữ và cũng có thể là chỉ một trong hai (13), (14).


Phương pháp OPOL cũng có sự hạn chế nhất định về mặt thời gian. Cha mẹ phải đảm bảo thời gian trẻ trò chuyện với cả hai người là cân bằng, để cha mẹ có thể cung cấp song song hai nguồn kiến thức ngôn ngữ.


Nếu chỉ một người, cha hoặc mẹ, trò chuyện với trẻ bằng một ngôn ngữ nhiều hơn hẳn so với người còn lại, phương pháp OPOL cũng không có hiệu quả (16).

3. Phương pháp thời gian và không gian (Time and Place methods)

Phương pháp này đặt ra một khung giờ cố định và một không gian cụ thể, để ở đó, cha mẹ và bé có thể nói ngôn ngữ thứ hai, trong khi thời gian còn lại dành cho ngôn ngữ thứ nhất.


Một nghiên cứu diễn ra ở Ontario (Canada) giới thiệu tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai và chia trẻ thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những trẻ chưa từng học tiếng Pháp và được học dưới dạng ngôn ngữ thứ hai. Nhóm thứ hai gồm những trẻ được học bằng tiếng Pháp hoàn toàn trong vài năm đầu đi học. Nhóm thứ ba là những học sinh chỉ được học 1-2 môn học bằng tiếng Pháp.


Kết quả cho thấy, trình độ tiếng Pháp của nhóm thứ ba vượt trội so với nhóm thứ hai (chỉ học tiếng Pháp hằng ngày), nhưng lại kém hơn so với nhóm thứ nhất (học chương trình hòa nhập hoàn toàn bằng tiếng Pháp) (17).

4. Chiến lược hòa trộn ngôn ngữ (mixed language strategy)

Không có nhiều nguyên tắc như những phương pháp trên, việc sử dụng cùng lúc hai ngôn ngữ trong cùng một đoạn hội thoại đơn giản có thể giúp trẻ tiếp cận với cả hai vào cùng một thời điểm. Phương pháp này có thể thực hiện ở các cặp vợ chồng nói hai ngôn ngữ khác biệt, hoặc họ đang sinh sống ở nước ngoài.


Việc chuyển đổi ngôn ngữ đã trở thành một phần của việc học ngôn ngữ, cũng rất phổ biến ở nhiều cặp vợ chồng giao tiếp song ngữ. Thậm chí, họ còn vô tình dạy trẻ bằng phương pháp này mà không hề hay biết.


Trong podcast Mixed Language Families, Kaila Díaz - một nhà ngôn ngữ học, giáo viên ngôn ngữ ở Luân Đôn - đã chỉ ra một số mặt tích cực và tiêu cực của việc sử dụng phương pháp này (18).


Một số lợi ích có thể kể đến như việc học hai ngôn ngữ song song một cách tự nhiên, không gây áp lực cho cả cha mẹ và bé. Tuy nhiên, một số khuyết điểm khi thực hiện phương pháp này là trẻ không thể sử dụng chỉ một ngôn ngữ trong giao tiếp và khi dạy trẻ một cách tự nhiên, cha mẹ cũng sẽ thiếu mục đích rõ ràng, từ đó dẫn đến việc học không hiệu quả. Ngoài ra, khi trẻ đã phát triển đến một độ tuổi nhất định, ngôn ngữ chính sẽ được sử dụng nhiều hơn, từ đó dẫn đến việc trẻ mất đi khả năng phát triển song ngữ.


LeLa Journal cho rằng cha mẹ nên cân nhắc thêm ý kiến của chuyên gia để tìm được phương pháp phù hợp nhất cho bé.

Comments


bottom of page