top of page
Tìm kiếm

Trở thành "polyglot" nói được nhiều thứ tiếng: Là thiên phú hay khổ luyện?

Kết quả nghiên cứu từ Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Ngôn ngữ (SIL International) cho biết hiện có 6.909 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới (1). Quá trình di cư và giao lưu văn hóa đã giúp con người học được ngôn ngữ của những cộng đồng mới để giao tiếp hiệu quả hơn, từ đó khái niệm về "polyglot" (người biết nhiều ngôn ngữ) đã được hình thành. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu và tham khảo cách để trở thành một polyglot nhé.



Khi nào một người được công nhận là polyglot?


Khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ của con người được chia làm các mức độ như sau: "monolingual" để chỉ người sử dụng một ngôn ngữ trong đời sống, "bilingual" là người sử dụng hai ngôn ngữ trong đời sống, "trilingual" là người sử dụng ba ngôn ngữ trong đời sống và hơn nữa là "multilingual" (đa ngữ). Tiếp đó, các nhà nghiên cứu gọi những người lĩnh hội thành thạo ba ngôn ngữ trở lên, mà không cần phải thường xuyên sử dụng trong cuộc sống, là "polyglot" (2).


Danh từ "polyglot" có nguồn gốc từ từ "polyglottos" với tiền tố "poly-" mang ý nghĩa là "nhiều" (multi-) và "glotta" là "ngôn ngữ" (-language). Từ đó, polyglot được hiểu là người biết nhiều ngôn ngữ.

Không chỉ như vậy, nhà ngôn ngữ học Richard Hudson tại Đại học Cao đẳng London (UCL - hệ trực thuộc) cũng đề xuất rằng những người trưởng thành có khả năng sử dụng thành thạo sáu ngoại ngữ trở lên (bên cạnh tiếng mẹ đẻ) được gọi là những "hyperpolyglot" (3), (4).



Năng lực của một polyglot là thiên phú hay khổ luyện?


Trong quá khứ, chúng ta thường cho rằng năng khiếu ngoại ngữ là yếu tố tiên quyết để giúp một người học tập đa ngôn ngữ. Tiêu biểu nhất trong đó là lý thuyết của Giáo sư Howard E. Gardner về đa trí thông minh, trong đó trí thông minh ngôn ngữ (linguistic intelligence) sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ (5). Một số nghề nghiệp phù hợp dành cho người có sự thông minh về mặt ngôn ngữ là người viết, phóng viên, diễn giả...


Tuy nhiên trong một nghiên cứu gần đây, Kenneth Hyltenstam – Giáo sư Ngôn ngữ học tại Đại học Stockholms - đã chỉ ra rằng một người không có tài năng thiên phú về ngôn ngữ hoàn toàn có thể trở thành polyglot thông qua tiến trình trau dồi các kỹ năng liên quan đến tư duy ngôn ngữ.

Cụ thể, ông tiến hành một cuộc khảo sát mang tính so sánh giữa 94 polyglot và nhận thấy họ có bảy đặc điểm chung, bao gồm: sử dụng ngôn ngữ thành thạo, nhận biết ngôn ngữ tốt, có động lực cụ thể, có thể tự học và tự điều chỉnh, khả năng nhận thức tốt, năng lực hệ thống sự vật-sự việc tốt và góc nhìn chuyên sâu về các chi tiết liên quan tới sử dụng giác quan. Các kỹ năng này là kết quả của một quá trình luyện tập và trải nghiệm, chứ không hẳn là từ trí thông minh sẵn có (4), (6).


Ví dụ, một người đặt ra các mục tiêu và động lực trong việc học một ngoại ngữ (động lực cụ thể); người đó có thể tìm hiểu về phương pháp phù hợp để tiếp thu hiệu quả ngôn ngữ đó (tự học và tự điều chỉnh), bằng cách liên tục nghe radio, đọc sách để dần dần hiểu được về quy tắc ngữ dụng của ngôn ngữ đó (năng lực hệ thống, kết hợp sử dụng giác quan)...


Sau khi học được nhiều ngoại ngữ, polyglot sẽ có được một số điểm thuận lợi trong cuộc sống, bao gồm:

  • Những mối quan hệ xã hội đa dạng: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người biết nhiều ngôn ngữ có khả năng kết nối quan hệ xã hội (social networking) chủ động và bền chặt hơn so với những người không biết hoặc chỉ biết một ngoại ngữ. Nhìn chung, càng thông thạo nhiều ngôn ngữ thì các polyglot càng có xu hướng chấp nhận sự khác biệt về tư duy, lối sống... của đối phương. Trên cơ sở đó, họ dễ dàng kết bạn bốn phương và nhanh chóng thích nghi với các môi trường văn hóa khác nhau (7).

  • Cơ hội nghề nghiệp rộng mở: Một nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu chỉ ra rằng việc biết thêm nhiều ngôn ngữ mới sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh về năng lực cho những ứng viên là polyglot. Các polyglot dễ dàng thích ứng với môi trường làm việc liên văn hóa (intercultural environment) do đã vượt qua được rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Đồng thời, họ cho thấy khả năng học việc nhanh hơn, sở hữu các kỹ năng vượt trội hơn trong việc giải quyết vấn đề, làm việc sáng tạo và đồng cảm với người khác. Việc thành thạo nhiều ngoại ngữ cũng đem đến cho các polyglot mức lương cao hơn từ 11% đến 35% (8).

  • Sức khỏe tinh thần được cải thiện: Việc thành thạo đa ngôn ngữ được chứng minh là thay đổi tâm trí và não bộ theo hướng tích cực, điều này giúp phục hồi tinh thần về trạng thái ổn định nhanh hơn bình thường, trong điều kiện mà con người chịu đựng căng thẳng cao độ. Đồng thời, các nghiên cứu cũng cho thấy các polyglot ít có nguy cơ mắc các bệnh cao tuổi liên quan đến trí não như hội chứng suy giảm trí nhớ (Alzheimer) (9).


Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp và truyền đạt ý tưởng, đóng vai trò như chiếc cầu để nối các nền tri thức chứ không hẳn là một chuyên môn tạo ra thặng dư cho xã hội, do đó việc biết nhiều ngôn ngữ giúp polyglot bắc thêm nhiều "chiếc cầu thông tin" hơn với các quốc gia, khiến các bạn tự tin hơn trong học tập và làm việc, thấu hiểu sự khác biệt văn hóa, từ đó có khả năng ra quyết định chính xác hơn trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay (10).


Người Việt Nam trở thành polyglot – tại sao không?

Về mặt ngôn ngữ học, người Việt Nam có lợi thế trong việc học ngôn ngữ thuộc cả hai hệ chữ. Một bên là hệ chữ tượng thanh do chữ quốc ngữ hiện đại được phát triển từ hệ chữ Latin để ghi chép và giao tiếp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được tiếp xúc nhiều với hệ chữ tượng hình, chính là cổ ngữ Hán-Nôm với nhiều tài liệu quý giá, bia khắc văn tự cổ...


Do đó, người viết và Lela Journal gợi ý một lộ trình bốn bước bắt đầu với chữ "T" gồm Tự xác định - Tìm hiểu – Tầm sư học đạo – Tự học để người đọc có thể tham khảo và hoạch định cho mình con đường chinh phục việc học tập đa ngôn ngữ như dưới đây:


Bước 1: Tự xác định ba ngoại ngữ mình muốn học theo các tiêu chí phù hợp với bản thân như sở thích, định hướng nghề nghiệp, nhu cầu thị trường lao động. Đối với thị hiếu học đa ngôn ngữ ở Việt Nam, người trẻ có xu hướng lựa chọn học tiếng Anh do đây là ngôn ngữ toàn cầu, có tính ứng dụng cao, sau đó lựa chọn học thêm tiếng Hàn (đam mê văn hóa Hallyu/Kpop), tiếng Trung (cơ hội làm việc/du lịch rộng mở), tiếng Nhật (yêu thích văn hóa Nhật Bản/doanh nghiệp Nhật tuyển dụng thường xuyên), tiếng Tây Ban Nha (cơ hội du học/du lịch)...


Bước 2: Tìm hiểu về văn hóa của các quốc gia sử dụng những ngoại ngữ đó qua các kênh thông tin mình có trước khi bắt tay vào học vì "ngôn ngữ phản ánh đời sống". Nếu muốn giỏi đồng thời nhiều ngoại ngữ, một polyglot nên trang bị cho mình kiến thức về những miền đất nơi ngôn ngữ ấy được sinh ra hoặc được sử dụng (11). Một số kênh thông tin phù hợp để giới trẻ tham khảo gồm có:


Bước 3: Tầm sư học đạo thông qua việc trải nghiệm nhiều phương pháp học tập khác nhau trước khi chọn lọc được phương pháp của riêng mình. Nếu thấy mình chưa bắt nhập tốt với ngôn ngữ mới, trong giai đoạn đầu, bạn nên học các khóa sơ cấp từ những người đã am hiểu ngoại ngữ đó. Bên cạnh những trung tâm ngoại ngữ và lớp gia sư 1-1, các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs) luôn sẵn sàng chào đón học viên 24/7 mà không thu phí. Hình thức học tập này phù hợp với các bạn trẻ xác định tự học hoàn toàn do không thu xếp được thời gian đến lớp/không có điều kiện tài chính/muốn trải nghiệm mô hình học mới. Ngoài ra, chương trình giảng dạy trên MOOCs hoàn toàn bằng tiếng Anh nên những bạn đã có năng lực tiếng Anh tốt sẽ dễ dàng theo học hơn.


Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tạo ra những nền tảng học tập trực tuyến như Coursera, edX, FutureLearn... cho phép người dùng đăng ký tài khoản trực tuyến và đăng nhập để lựa chọn các khóa học ngoại ngữ do các trường đại học danh tiếng biên soạn và giảng dạy, sau đó, học viên bắt đầu học tùy theo tốc độ của bản thân cho đến khi kết thúc khóa mà không cần đóng học phí. Đặc biệt, học viên phải làm bài kiểm tra định kỳ và thi như đang tham gia lớp học thực tế. Nếu muốn sở hữu giấy chứng nhận hoàn thành khóa học, học viên được yêu cầu thanh toán một khoản phí nho nhỏ để được cấp chứng nhận dạng điện tử (e-certificate) (12).


Sau đây là một số khóa học trực tuyến miễn phí/có trả phí phù hợp với những bạn mới học đa ngôn ngữ: Tiếng Anh: Coursera, edX; Tiếng Pháp: Udemy, FutureLearn; Tiếng Tây Ban Nha: Coursera, Udemy; Tiếng Ý: FutureLearn, edX; Tiếng Đức: Udemy; Tiếng Trung: Coursera 1 2; Tiếng Nhật: edX, Udemy; Tiếng Hàn: Coursera 12...


Bước 4: Tự học sau khi đạt một trình độ nhất định và tìm được phương pháp phù hợp. Bước này thường dành cho các bạn đạt trình độ ngoại ngữ từ trung cấp trở lên.


Để việc tự học đạt hiệu quả, người học cần có sự tự kỷ luật cao độ, kỹ năng quản lý thời gian tốt, nền tảng ngôn ngữ vững vàng ở trình độ sơ-trung cấp, học liệu uy tín và phương pháp tiếp thu kiến thức hiệu quả cho riêng mình (13).

Khoa học đã chứng minh rằng một người dù giỏi ngoại ngữ đến mấy cũng sẽ quên dần kiến thức đã học nếu lâu ngày không sử dụng đồng đều 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, vậy nên đối với việc học tập đa ngôn ngữ, người học cần kiên trì và cố gắng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với học một ngôn ngữ duy nhất (14).


Một người xác định tự học có thể áp dụng các nguyên tắc sau để tiến trình tiếp thu kiến thức trở nên dễ tiếp thu hơn:

1. Đặt mục tiêu: Như đã phân tích ở trên về các đặc điểm của polyglot, người học cần xác định bản thân sẽ hoàn thành một trình độ nào đó sau bao lâu và cam kết thực hiện mục tiêu ấy. Bạn hãy cố gắng chọn mục tiêu ngắn hạn, vừa khả năng, như là học hai mẫu câu mới/tuần/ngôn ngữ hoặc làm một đề thi/tháng/ngôn ngữ... Đối với các mục tiêu dài hạn, bạn có thể đăng ký thi lấy chứng chỉ năng lực ngôn ngữ ở các cấp độ từ sơ – trung – cao cấp để làm động lực học tập như một cách ghi nhận khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ của bản thân.


Một số chứng chỉ thông dụng có thể thi tại Việt Nam gồm có: Tiếng Anh: IELTS (International English Language Testing System), TOEFL (Test Of English as a Foreign Language), TOEIC (Test of English for International Communication); Tiếng Pháp: DELF (Diplôme d'études En Langue Française); Tiếng Tây Ban Nha: DELE (Diploma de Español como Lengua Extranjera); Tiếng Ý: PLIDA (Progetto Lingua Italiana Dante Alighieri); Tiếng Đức: DSH (Deutsche Sprachprüfung für den Hochschulzugang), TestDaF (Test Deutsch als Fremdsprache); Tiếng Trung: HSK (Hanyu Shuiping Kaoshi), HSKK (Hanyu Shuiping Kouyu Kaoshi); Tiếng Nhật: JLPT (Japanese-Language Proficiency Test); Tiếng Hàn: TOPIK (Test of Proficiency in Korean)...

2. Lập thời gian biểu thực hiện: Cân đối với lịch học/lịch làm việc để thiết lập một khung thời gian học tập liên tục theo các tháng/quý/năm. Chẳng hạn, bạn dành ra 30 phút – 1 tiếng mỗi buổi tối để học một ngôn ngữ, thứ 2-4-6 học ngôn ngữ Ý, thứ 3-5-7 học ngôn ngữ Nga...

3. Đặt lịch tự nhắc nhở bản thân: Để tránh những cám dỗ từ việc lướt mạng xã hội, mua sắm, xem phim... bạn có thể thử cài đặt các ứng dụng nhắc việc trên smartphone, đính kèm với một phần thưởng nho nhỏ cho bản thân để tự tạo động lực cho mình ngồi vào bàn học. Ví dụ, nếu đang học tiếng Hàn, hãy để ghi chú khi được nhắc việc là "Hoàn thành 30 phút học trước khi luyện bộ phim "…" thôi nào!").

4. Tận hưởng niềm vui hoàn thành mục tiêu: Dùng bút để đánh dấu vào những ngày mình hoàn thành mục tiêu để ghi nhận nỗ lực của bản thân, và tự thưởng cho mình điều mà ứng dụng nhắc việc đã nêu ra.


Chúng ta không thể trở thành polyglot trong vài ngày, vì việc học đa ngôn ngữ thực sự là một hành trình khổ luyện. Lộ trình 4T được người viết và Lela Journal giới thiệu trên đây có thể tùy biến để phù hợp với lộ trình và nhu cầu học tập của mỗi cá nhân. Do đó, dù bạn chưa thấy tự tin rằng mình sở hữu năng khiếu học ngoại ngữ, bạn cũng có thể vững tin là mình vẫn có thể trở thành một polyglot người Việt chính hiệu.

1 Comment


Dao Yen
Dao Yen
Jul 05, 2023

Cảm ơn Lela Journal đã gửi gắm đến độc giả những tips mà mình đã đúc kết được trong những năm tự học ngoại ngữ. Qua quá trình tiếp xúc và trau dồi năng lực ngoại ngữ với 7 thứ tiếng khác nhau (Nhật, Anh, Trung, Tây Ban Nha, Ý, Quốc tế ngữ), mình nhận ra là không thể thành thạo ngoại ngữ trong vài tuần hay đôi ba tháng được. Những ngôn ngữ khó cần nhiều hơn 2-3 năm để một cá nhân lĩnh hội (đọc thông, viết thạo, nghe rõ, hiểu ý).

Like
bottom of page