top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Tự hỏi 3 câu này, biết ngay mình đã sẵn sàng làm sếp hay chưa?

Việc thăng chức lên vị trí quản lý là một dấu mốc mà hầu như mọi người đều hướng đến trong sự nghiệp của mình. Theo các chuyên gia, khi nhận thông báo thăng chức, việc đầu tiên mà ta cần là tự đánh giá xem liệu vị trí mới đang đưa ra những thách thức nào. Đây chính là điều mà nhiều nhà lãnh đạo mong đợi ở một người quản lý tiềm năng.


Trong bài viết dưới đây, Lela Journal gửi đến các bạn 3 câu hỏi được tổng hợp từ nhiều chuyên gia về quản trị sự nghiệp để giúp chúng ta tự đánh giá xem: "Liệu bản thân đã phù hợp cho việc thăng tiến hay chưa?".



Bạn có sẵn sàng buông bỏ các công việc quen thuộc?


Thăng chức làm quản lý, đồng nghĩa rằng có nhiều công việc thường ngày không còn là nhiệm vụ ưu tiên của bạn nữa. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, người mới nhận chức quản lý cảm thấy "ngứa ngáy tay chân" mà ôm đồm luôn những đầu việc cũ. Họ xem đó là điều tốt khi vừa giúp công việc vận hành trôi chảy, nhanh gọn hơn, vừa có thể giúp đỡ cấp dưới - những người trước đây từng là đồng nghiệp đồng cấp của mình. Thế nhưng suy nghĩ này rất tai hại và nó có thể là biểu hiện của việc không nắm rõ bản chất quản lý - điều mà Tiến sĩ Anna Ranieri đã chia sẻ trên tờ Harvard Business Review.


Chuyển sang vai trò quản lý đòi hỏi bản thân phải từ bỏ một số công việc cá nhân và đảm nhận những nhiệm vụ mới với tư cách là trưởng nhóm (1).

Cũng theo Tiến sĩ Anna Ranieri, nếu người quản lý không biết thích nghi với vai trò mới, họ có thể giải quyết vấn đề bằng những cách sau, khiến cho mọi việc càng thêm rối rắm:

  • Tự mình thực hiện các nhiệm vụ nên được ủy quyền cho người khác.

  • Nhận lại các nhiệm vụ đã giao vì nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn.

  • Giám sát quá sâu vào chi tiết công việc của những người trong nhóm, hay còn được gọi là quản lý vi mô - một hình thức quản lý kém hiệu quả nhất (2).


Trong một câu chuyện thu hút nhiều sự chú ý trên cộng đồng reddit, một người dùng có nickname là nerdfury83 đã chia sẻ về việc cấp trên của cô bị sa thải vì cố gắng quản lý vi mô khi mới được thăng chức. Việc quản lý như vậy đã làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của mọi người trong công ty (3).

Câu chuyện về người sếp quản lý vi mô bị sa thải trở thành một chủ đề hấp dẫn trên các trang báo nước ngoài

Buông bỏ các công việc quen thuộc nghĩa là tập cho bản thân những thói quen mới - một điều có thể sẽ không dễ dàng vào giai đoạn đầu. Từ việc tập trung hoàn thành mục tiêu cá nhân, giờ đây chúng ta phải quan tâm đến hiệu suất công việc chung của cả nhóm. Vậy nên môi trường làm việc ở cấp độ quản lý sẽ dẫn đến câu hỏi tiếp theo mà người sắp thăng chức cần suy nghĩ kỹ, đó là:


Bạn có thoải mái khi làm việc trong môi trường VUCA hay không?


VUCA là từ viết tắt của:

  • Volatility: Biến động

  • Uncertainty: Không chắc chắn

  • Complexity: Phức tạp

  • Ambiguity: Mơ hồ

VUCA là một cụm từ xuất phát từ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh (3), sau này, được dùng nhiều hơn để chỉ về một tình huống khó phân tích hoặc khó lên kế hoạch. Các đặc điểm này càng dễ nhận ra hơn trong giai đoạn mỗi cá nhân vừa được thăng chức làm quản lý - đặc biệt là trong bối cảnh "giữa tâm bão suy thoái kinh tế" hiện nay.


Thăng chức quản lý, nghĩa là bây giờ chúng ta bị "kẹp" giữa hai bên: một bên là những đồng đội cũ, người kề vai sát cánh với mình từ trước đến giờ, một bên là quản lý cấp cao - những người lần đầu tiên mình làm việc trực tiếp. Thay vì chỉ cần báo cáo lên cấp trên như trước đây, giờ đây chúng ta phải biết cách để phản hồi lại những ý kiến đóng góp từ cấp dưới. Việc này nghe qua thì có vẻ đơn giản vì nó thuộc về nhóm kỹ năng giao tiếp và phối hợp - điều đã được dạy trong những lớp quản lý vỡ lòng (4). Thế nhưng khi áp dụng trong một môi trường không chắc chắn, đầy biến động và mơ hồ thì nó đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và khả năng xử lý tinh tế hơn.


Tuy nhiên theo ý kiến của Inga Bielińska - một chuyên gia tư vấn trên tạp chí Forbes thì những kỹ năng để làm việc trong môi trường này hoàn toàn có thể trau dồi và học hỏi, với điều kiện là chúng ta cảm thấy sẵn sàng cũng như thoải mái với nó (5).

Hình ảnh trong phim "Giải cứu binh nhì Ryan"

Trong bộ phim Giải cứu binh nhì Ryan có một phân cảnh rất hay, diễn ra khi một tiểu đội được Tổng tư lệnh trực tiếp giao một nhiệm vụ rất mơ hồ, phức tạp và không chắc chắn đó là: "Tìm một binh sĩ có tên là Ryan hạ cánh sâu trong lãnh thổ quân địch và mang anh trở về". Đứng trước hoàn cảnh rất "VUCA" như vậy thì Tom Hanks - thủ vai người đội trưởng - đã tìm được cách dẫn dắt tinh thần đồng đội để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.


Bạn quan tâm đến thành công của người khác hay tín nhiệm cá nhân?


Vì nhiều lý do, vai trò quản lý và lãnh đạo trong bối cảnh hiện nay thường bị hiểu nhầm là nhắm đến vị trí cao hơn để mưu cầu về địa vị, quyền lực, tiền bạc... Thậm chí, trong một khảo sát trực tuyến vào năm 2020 tại Mỹ với 519 nhân sự Gen Z và 519 nhân sự Gen Y, có hơn 60% nhà quản lý Gen Y được hỏi cho biết rằng họ không bị thúc đẩy bởi việc nâng cao năng suất làm việc nhóm hay cải thiện quy trình, mà chỉ muốn thăng chức vì lương bổng hoặc địa vị (5).


Tuy nhiên, những điều trên không liên quan gì đến vai trò của người quản lý. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc hỗ trợ tích cực cho sự thành công của người khác chứ không phải vì lợi ích của bản thân mới là phẩm chất cần có của một nhà lãnh đạo (6).

Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng: "Vị trí của tôi chỉ là quản lý, tức quản lý người khác chứ không liên quan gì đến lãnh đạo - công việc của cấp bậc cao hơn". Đây có thể được xem là một hiểu nhầm thường thấy. Quản lý và lãnh đạo ở đây nên được hiểu là các nhóm kỹ năng, vì trên thực tế rất nhiều tổ chức mong đợi kỹ năng lãnh đạo từ những người quản lý của mình. Điển hình như trong khóa học LinkedIn Learning Bài học cần thiết cho những người lần đầu làm quản lý, chuyên gia về huấn luyện lãnh đạo Dave Labowitz giải thích mối liên hệ cơ bản giữa quản lý và lãnh đạo như sau: "Hãy nghĩ về quản lý và lãnh đạo như hai phần trắng đen trong vòng tròn âm dương - hai thành phần hài hòa tạo nên một tổng thể. Quản lý là công việc thiên về kết quả kinh doanh và con số có thể đo lường được, trong khi lãnh đạo là cách làm việc với những người tạo ra những kết quả đó. Ví dụ, bạn muốn nhân viên lập bản kế hoạch kinh doanh, bạn phải dùng kỹ năng quản lý để giải thích rõ ràng về dự án cũng như đưa ra các yêu cầu về số liệu để nhân viên đáp ứng... Song song đó, bạn cũng phải có kỹ năng lãnh đạo để thúc đẩy nhân viên làm việc tốt và cống hiến hết mình vào quá trình lập kế hoạch sao cho hiệu quả, khả thi và phù hợp định hướng công ty" (7).


Trong nhóm kỹ năng lãnh đạo, việc tạo động lực và thúc đẩy nhân viên được nhiều người xem là quan trọng hàng đầu. Đó cũng là lý do nhiều người làm công tác lãnh đạo thường đặt câu hỏi cho nhân viên là: "What can I do for you" (Tôi có thể làm gì cho bạn?) (8).


Theo các cố vấn trên tờ Forbes, việc quan tâm đến thành công của người khác còn được thể hiện qua một số biểu hiện sau:

  • Thích hướng dẫn người khác: Aric Wood, CEO của XPLANE, cho rằng các nhà quản lý giỏi chính là những giáo viên tuyệt vời - đặc biệt là với những nhân viên mới - vì mọi sự hướng dẫn cũng như cố vấn cho họ đều mang đến hiệu suất tốt hơn trong công việc. Một chân lý dễ hiểu trong kinh doanh là nếu giúp nhóm của mình thành công, mình cũng sẽ thành công (9).

  • Giúp đỡ để cùng phát triển: Trở thành một nhà quản lý đòi hỏi chúng ta phải thay đổi suy nghĩ của mình từ "việc đó có lợi cho tôi" sang "việc đó có lợi cho mọi người". Công việc bây giờ là phát triển khả năng của những người xung quanh để họ thành công trong vai trò riêng của mỗi người - Tiến sĩ Mirella De Civita chia sẻ (10).


Với cương vị của một người quản lý, chúng ta muốn công việc hiệu quả, chúng ta muốn mọi thứ phải diễn ra theo đúng ý đồ và chiến lược đã định sẵn để có số liệu đẹp đẽ báo cáo với cấp trên. Điều này không sai, tuy nhiên, nếu phóng tầm mắt đến một viễn cảnh lớn lao hơn thì nuôi dưỡng tư duy lãnh đạo là phẩm chất mà nhiều tổ chức mong chờ ở những người quản lý của mình.

Comments


bottom of page