top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Vẽ thư giãn: Phương pháp "art therapy" cho cả trẻ em và người lớn

Việc chữa lành những tổn thương tinh thần trong cuộc sống không chỉ dừng lại ở những hình thức như trò chuyện, tham vấn mà còn có thể ứng dụng các hoạt động ngoài lề như: vẽ, nhảy múa, điêu khắc, diễn xuất… Quá trình sử dụng các công cụ sáng tạo trong trị liệu tâm lý này được gọi chung là "trị liệu nghệ thuật" (art therapy). Đây là một liệu pháp có phần phức tạp, hiện nay tại Việt Nam có rất ít các chuyên gia được cấp chứng chỉ trong hoạt động trị liệu này.


Trong bài viết này, LeLa Journal giới thiệu đến độc giả một ứng dụng nhỏ trong liệu pháp trị liệu nghệ thuật mà mọi người có thể hoàn toàn tự mình thực hiện tại nhà cùng con trẻ. Đó là phương pháp vẽ thư giãn. Phụ huynh có thể xem đây là một hoạt động giúp cải thiện tâm trạng, tăng khả năng tập trung, đặc biệt là cầu nối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.



Không yêu cầu năng khiếu mà còn có thể đánh thức “người nghệ sĩ” bên trong


Khi nhắc đến vẽ, sẽ có vài phụ huynh cảm thấy không thực sự tự tin vì khá nghi ngờ về "hoa tay" của mình. Xin chớ lo lắng, việc này không đòi hỏi người tham gia phải có khả năng chuyên biệt về hội họa, mà chỉ cần một chút yêu thích và vài giờ rảnh rỗi. Hơn nữa, mục đích của hoạt động vẽ thư giãn không phải để tạo ra những bức tranh đẹp như "tranh triển lãm". Ngược lại, chúng ta sẽ để những dòng cảm xúc, suy nghĩ và ước mơ mặc sức tuôn chảy qua nét bút, nét cọ của mình, từ đó đánh thức sự sáng tạo đã ngủ quên từ lâu bên trong mỗi người.


Dưới đây là một chuỗi các bài tập vẽ thư giãn được thực hiện liên tục và nối tiếp nhau. Có khoảng năm bài thực hành và mỗi bài chỉ kéo dài tầm 10 - 15 phút.



Các bài tập vẽ thư giãn phù hợp với mọi độ tuổi


Bài 1: Vẽ theo nhạc

  • Chuẩn bị: Màu nước, giấy và một danh sách khoảng 3 - 5 bài hát.

  • Cách tiến hành: Bắt đầu bật nhạc và yêu cầu mọi người trong phòng vẽ bất cứ thứ gì họ muốn. Thông thường, mọi người sẽ cảm thấy khó chọn một chủ đề để bắt đầu, nên bạn có thể gợi ý cho họ dựa vào âm nhạc hoặc những hình ảnh hiện lên trong đầu khi nhạc nổi lên để vẽ. Không nên suy nghĩ quá nhiều mà cứ để âm nhạc đưa lối cho các nét vẽ được ngẫu hứng tuôn ra. Cứ vẽ cho đến khi các bài hát đã phát hết, có thể dành thêm một chút thời gian cho những ai muốn hoàn thành trọn vẹn tác phẩm của mình.

  • Lý giải: Sử dụng âm nhạc là một công cụ hữu hiệu để mở đầu chuỗi hoạt động đầy tính nghệ thuật này. Âm nhạc ở đây đóng vai trò như một công cụ kích thích, giúp cho người lớn lẫn trẻ con vô thức buông bỏ được những rào cản khi truyền tải những cảm xúc của bản thân. Có thể chọn những bài hát thân thuộc xen kẽ những bài lạ lẫm, để khơi gợi sự mới mẻ và cảm giác an toàn cùng lúc, từ đó góp phần động viên tinh thần cũng như kích thích khả năng sáng tạo.

Bài 2: Vẽ bằng tay không thuận

  • Dụng cụ: Bút chì, bút màu, ba bức tranh mẫu với độ khó từ đơn giản, dễ và trung bình.

  • Cách tiến hành: Chọn màu sắc và loại bút mình yêu thích, sau đó hãy sử dụng tay không thuận để vẽ những hình đơn giản theo mẫu, rồi tăng dần theo mức độ khó. Ban đầu, chúng ta sẽ thấy việc này hơi khó và "tác phẩm" tạo ra trông sẽ khá "khác thường" nhưng đó là dấu hiệu tốt, hãy cố gắng tiếp tục đến khi hoàn thành.

  • Lý giải: Sau khi cơ thể và trí não của chúng ta được khởi động với âm nhạc, điều tiếp theo cần làm để kích thích khả năng sáng tạo chính là thử cảm giác mới mẻ nơi cánh tay không thuận của chính mình. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng: Khi sử dụng tay nghịch, cả hai bán cầu não đều được kích hoạt, điều này dẫn đến suy nghĩ và hành động không còn lặp lại theo lối mòn, do đó chúng ta dễ trở nên sáng tạo hơn (1).

Bài 3: Vẽ nhắm mắt

  • Cách tiến hành: Tất cả mọi người trong phòng cùng nhau vẽ lại một vật mẫu hoặc một bức tranh được chuẩn bị trước. Mọi người sẽ có khoảng 30 giây để quan sát kỹ càng bản mẫu trước khi nhắm mắt và dùng màu để vẽ lên giấy. Hãy tập trung nhắm mắt trong vòng khoảng 5 - 7 phút để hoàn thành bức tranh này. Sau đó, thử vẽ lại thêm một lần nữa cũng bằng cách nhắm mắt. Đa số chúng ta sẽ bất ngờ và không hài lòng với bức vẽ ban đầu.

  • Lý giải: Mục đích của bài tập này là tiếp tục làm mới và thay thế các thói quen vẽ thông thường. Vài người có thể khéo tay khi vẽ lại các bức tranh mẫu nhưng khi nhắm mắt thì khả năng của tất cả chúng ta hầu như sẽ "mù mờ" như nhau. Điều này rất phù hợp với những người không tự tin về khả năng hội họa của mình và giúp cho buổi vẽ nhóm trở nên "bình đẳng" hơn. Một điều đặc biệt nữa là việc hạn chế sự tham gia của thị giác trong quá trình vẽ cũng giúp não bộ của chúng ta được thư giãn.

Bài 4: Vẽ người đối diện

  • Cách tiến hành: Chúng ta sẽ vẽ lại gương mặt của người đang ngồi cạnh mình bất kể là ai trong khoảng 5 phút.

  • Lý giải: Chính sự nỗ lực vượt qua sự ngại ngùng khi nhìn thẳng vào mắt người đối diện để vẽ là một phần quan trọng trong bài tập này. Nó sẽ giúp chúng ta bỏ qua những rào cản của xã hội và khơi dậy sự gắn kết và lòng yêu thương giữa con người. Sau khi kết thúc bài tập, hãy nói cho đối tượng vẽ của mình biết những nét đẹp trên gương mặt của họ, cũng như những điều làm bạn thích và ấn tượng ở họ. Những lời nói đẹp đẽ này sẽ là món quà tử tế mà chúng ta có thể trao gửi cho nhau, để làm tăng thêm sự tự tin và lòng tự tôn của mỗi người.

Bài 5: Vẽ tự do

  • Cách tiến hành: Đây là bài vẽ cuối cùng trong loạt bài thực hành "vẽ thực hành" nên hãy sử dụng tất cả các dụng cụ đã dùng trong các bài vẽ trước giờ. Bật nhạc lên và vẽ bất cứ thứ gì chúng ta muốn với tất cả các dụng cụ ở trên bàn mà chúng ta thích.

  • Lý giải: Âm nhạc có thể giống hoặc khác so với ban đầu nhưng điều quan trọng là lúc này là trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta đã khác so với khi bắt đầu. Mọi người sẽ bất ngờ với những tác phẩm được tạo ra trong bài tập kết thúc này. Sau tất cả trải nghiệm từ đầu đến giờ, đây là lúc chúng ta thực sự cảm thấy mình có thể giải phóng mọi nguồn năng lượng tiêu cực còn bế tắc và hoàn toàn thoải mái với những nét vẽ của bản thân.


Một số lưu ý để buổi vẽ thư giãn diễn ra suôn sẻ

  1. Cố gắng hoàn thành hết buổi vẽ: Việc cam kết tham gia hết các bài tập trong hoạt động “vẽ thư giãn” sẽ giúp quãng thời gian dành cho việc "trị liệu nghệ thuật" đạt được hiệu quả tối đa. Phụ huynh nên thông báo trước với trẻ về quy tắc của hoạt động này như thời gian quy định và lợi ích mang lại. Do khả năng tập trung của trẻ em chưa tốt như người lớn nên hãy cân nhắc thời gian hợp lý để giúp chúng hoàn thành được trọn vẹn buổi vẽ thư giãn.

  2. Giúp mọi người cùng hòa mình và tận hưởng thời gian vẽ vời thỏa thích: Hạn chế quan tâm đến vẻ đẹp hay ý nghĩa của những tác phẩm vừa được tạo ra. Phim ảnh và truyền thông đã gây hiểu lầm cho rất nhiều người về việc chúng ta có thể hiểu một ai đó thông qua những nét vẽ vô tư, nguệch ngoạc của họ. Tuy nhiên, thực tế thì lại rất khác. Chỉ có những người được đào tạo bài bản và có chứng nhận chuyên biệt về hội họa, tâm lý, thần kinh... mới có khả năng khai thác những thông tin thuộc về nhân cách thông qua nét vẽ như thế mà thôi. Và điều này không hề cần thiết trong lớp vẽ thư giãn. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ thư giãn mà thôi.

  3. Hoạt động trò chuyện sau khi vẽ: Đây là một điều rất cần thiết để gắn kết mọi người, cũng như giúp những ai có tâm sự được dịp trải lòng. Tuy nhiên, người hướng dẫn phải biết cách dẫn dắt để cuộc nói chuyện diễn ra một cách tự nhiên nhất và không mang tính xét nét, đánh giá hoặc kết luận bất kỳ điều gì. Suy cho cùng, "vẽ thư giãn" không phải là nơi để chúng ta giải quyết những vấn đề to tát, mà chỉ nhằm thả lỏng bản thân và đưa cơ thể trở về trạng thái dễ chịu, thoải mái nhất.


Comments


bottom of page