top of page
Tìm kiếm

Vì sao màu mắt có khả năng thay đổi?

Có thể bạn nghĩ màu mắt là một thứ không thay đổi được, tương tự như các đặc điểm thể chất và di truyền khác như tai, mũi hoặc vân tay. Nhưng đáng ngạc nhiên là có khá nhiều yếu tố bên ngoài có khả năng thay đổi màu mắt khiến nó không còn giữ nguyên màu sắc trong suốt cuộc đời. Hãy cùng LeLa Journal khám phá những lý do thú vị tại sao mắt chúng ta đổi màu.



Sự thay đổi màu mắt của trẻ sơ sinh


Cassie Ludwig, một bác sĩ nhãn khoa tại Viện mắt Byers của Đại học Stanford đã theo dõi 148 đứa trẻ sinh ra ở một bệnh viện nhi tại California (Mỹ) và ghi lại màu mắt của các bé khi mới sinh. Trong đó, hai phần ba số trẻ có màu mắt nâu và một phần ba là màu xanh lam (1). Thế nhưng chỉ hai năm sau, Ludwig và các đồng nghiệp phát hiện rằng trong số các đứa trẻ có mắt xanh lúc đầu, có một số bé đã chuyển sang màu mắt nâu, màu hạt dẻ và màu xanh lục. Đối với những bé sở hữu mắt nâu ban đầu, khi đến hai tuổi, gần như tất cả vẫn giữ nguyên màu mắt nâu (2).


Vì sao lại có hiện tượng này?


Khi mắt trẻ sơ sinh thay đổi màu sắc, nó có xu hướng trở nên tối hơn chứ không phải nhạt hơn. Xu hướng sẫm màu này có thể là do sự tích tụ của các sắc tố bảo vệ trong mống mắt (mống mắt là vòng màu của các mô xung quanh đồng tử) và thường giới hạn xảy ra ở thời thơ ấu. Màu mắt sẽ ngừng thay đổi khi trẻ lên 6 tuổi và chỉ ít trường hợp tiếp tục đổi màu mắt trong thời kỳ thiếu niên đến tuổi trưởng thành (3). Những thay đổi về màu mắt này thường xảy ra phổ biến nhất ở những người thuộc các nước Bắc Âu, Thái Bình Dương và các cá nhân đa chủng tộc (4).


“Melanin” trong mắt càng nhiều, màu mắt càng đậm


Trong những năm tháng đầu đời, cơ thể chúng ta tạo ra một sắc tố sẫm màu hơn gọi là melanin (sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt con người). Melanin cao hơn là một lợi thế hữu ích khi tiếp xúc với nắng gắt vì sắc tố này có khả năng bảo vệ chúng ta khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời (5).


Màu mắt mỗi người khác nhau là do kết quả của số lượng và sự phân bổ melanin. Những người da sẫm màu thường có nhiều melanin trên da hơn những người da sáng. Tương tự, mắt có màu nâu sẽ sở hữu nhiều melanin hơn mắt màu xanh lam. Sự kết hợp giữa các gen của cha mẹ có thể quyết định màu sắc của mắt. Tuy nhiên, đôi khi còn nhiều yếu tố khác tác động khiến mắt của một đứa trẻ không khớp với màu mắt của cha và mẹ.



Thông thường, đôi mắt có thể có những thay đổi nhỏ do sự mở rộng hoặc co lại của mống mắt (hoặc đồng tử). Điều đó xảy ra khi chúng ta (6):

  • Tập trung nhìn vào mắt.

  • Ở lâu trong những khu vực rất tối hoặc có ánh sáng rực rỡ.

  • Trải qua những cảm xúc mạnh mẽ.

  • Đôi khi màu mắt có thể sáng dần theo tuổi tác, nhưng điều này là hoàn toàn tự nhiên.


Ngoài yếu tố di truyền và sắc tố melanin trong mắt là những nguyên nhân chính, sự thay đổi màu mắt cũng có thể đến từ chấn thương hoặc nhiễm trùng. Hai vấn đề này có khả năng làm đồng tử mở rộng hơn hoặc phá hủy một số sắc tố sẵn có trong mắt, dẫn đến màu mắt bị biến đổi (7), (8).


Tuần lộc có thể “thay màu mắt” như con người



Con người không phải loài duy nhất có “mắt đổi màu”. Điều tương tự đã xảy ra với tuần lộc và điểm thú vị là nó thay đổi màu mắt nhiều nhất theo mùa, từ màu ngọc lam vàng vào mùa Hè sang màu xanh lam đậm vào mùa Đông. Khác với con người có melanin, động vật sở hữu một cấu trúc giống như gương phía sau võng mạc - hay còn gọi là tapetum lucidum - giúp phản xạ ánh sáng để võng mạc thu nhận lại lần thứ hai, đóng vai trò như một bộ máy khuếch đại ánh sáng.


Con người không có tapetum lucidum, nó chỉ được tìm thấy ở những động vật hoạt động vào ban đêm và cần nhìn rõ trong bóng tối.

Khi mùa Đông đến ở Bắc cực, mống mắt của tuần lộc giãn ra vào ban đêm làm tăng áp suất trong mắt. Áp lực này khiến các sợi collagen trong tapetum lucidum dịch lại gần nhau, khiến mắt phản xạ nhiều ánh sáng màu xanh hơn. Điều này cực kỳ thích hợp cho động vật sống vào mùa Đông, bởi nó giúp tuần lộc nhìn xuyên qua "những ngày tháng tăm tối" được bao phủ bởi nhiều ánh sáng xanh ở Bắc cực.

Comentários


bottom of page