top of page
Tìm kiếm

YOLO Economy: Nền kinh tế "nghề chọn người đi làm, chứ người chỉ chọn đi... chơi"

Cụm từ YOLO – "You only live once", tạm dịch là "Bạn chỉ sống có một lần trong đời" – đã trở thành châm ngôn yêu thích của Gen Y và Gen Z hiện nay. Lối sống YOLO dựa vào quan điểm rằng tuổi trẻ ngắn ngủi, cuộc sống nhiều thăng trầm, vất vả và đầy vô thường "biết nay không biết mai". Từ đó, không ít thanh niên YOLO lựa chọn tận hưởng những khiến họ "thỏa chí tang bồng". Cũng từ đó, một khái niệm mới ra đời: Nền kinh tế YOLO (YOLO Economy).


Nền kinh tế YOLO (YOLO Economy)

YOLO Economy: Rời bỏ sự ổn định, kiếm tìm trải nghiệm mới?


Khái niệm "YOLO Economy" được Tạp chí The New York Times gợi mở trong một bài báo vào năm 2021 – thời điểm dịch COVID-19 đạt đỉnh tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Hoa Kỳ.


YOLO Economy được hiểu đơn giản là hiện tượng thế hệ Millennials đang bị "burnout" vì làm việc đến mức kiệt quệ. Thế nên, họ quyết định rời bỏ công việc ổn định và mức thu nhập đều đặn để chuyển sang làm công việc có tính rủi ro cao hoặc nghỉ ngơi vô thời hạn (1).

Một số người chuyển sang làm ngành nghề mà họ yêu thích nhưng chưa dám làm, một số khác khởi nghiệp với số vốn ít ỏi trong tay thay vì tiếp tục làm thuê, cũng có nhiều người bỏ việc để dồn tâm huyết cho một đam mê bị bỏ lỡ, đi "phượt" khắp thế giới, "bỏ phố về vườn" để sống gần gũi với thiên nhiên... Tựu trung lại, những người lựa chọn sống YOLO đều muốn cắt đứt sợi dây đã "níu giữ" họ trong một sự nghiệp được coi là ổn định, để rồi được sống cho điều mà họ khao khát. YOLO Economy chính là để phục vụ những đối tượng như vậy.



YOLO Economy không chỉ đơn thuần là những hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa phục vụ tư tưởng, lối sống YOLO, mà nó còn mở rộng ảnh hưởng tới những yếu tố có liên quan. Chẳng hạn, phải kể tới số lượng những ngày phép mà các công ty phải trả cho nhân viên theo đuổi tư tưởng này và thiệt hại khi nhân viên nghỉ việc (1), (2). Việc một lượng lớn nhân sự nghỉ việc vì YOLO cũng đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khó khăn.


Thậm chí, YOLO Economy còn lan ra cả những công việc đầu tư rủi ro cao và dễ thu lợi lớn, như là... đào coin (1).

Đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế tiếp nối đã đẩy lực lượng lao động trẻ vào những khó khăn cả về vật chất và tinh thần, khiến họ mất niềm tin vào việc xây dựng sự nghiệp (2).


Theo thống kê của Bloomberg, chỉ riêng trong sáu tháng tính từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2021, có khoảng 24 triệu người lao động tại Hoa Kỳ nộp đơn xin thôi việc sau chuỗi ngày dài căng thẳng đấu tranh giữa ưu tiên cho công việc – cuộc sống, đặc biệt là khi được chủ sử dụng lao động yêu cầu quay trở lại văn phòng để làm việc (3).


Tình trạng "bật chế độ pause" trong công việc cũng xuất hiện ở các quốc gia châu Á. Tại Trung Quốc, nhiều người đặt tên cho một lối sống tương tự là "nằm thẳng" (躺平 - "tang ping" hay "flying flat" trong tiếng Anh). Khái niệm này được dùng để chỉ những người buông xuôi trên con đường tìm việc khi phải cạnh tranh với hàng nghìn ứng viên khác, hoặc là họ chuyển sang làm việc "rảnh" nhất có thể để tận hưởng những thú vui khác trong cuộc sống (4).


Đối với Hàn Quốc, người trẻ tại quốc gia này cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn không kém khi tỷ lệ thất nghiệp ngày một gia tăng, trong khi thói quen tiêu dùng bằng thẻ tín dụng để có những khoảnh khắc YOLO trong đời lại khiến họ nhanh rơi vào cảnh nợ nần (5).


Một số hành vi cụ thể có thể kể tới là mua sắm hàng hiệu, thưởng thức đồ ăn thượng hạng tại nhà hàng sang trọng (fine dining), du lịch nước ngoài... (5).

Nền kinh tế YOLO (YOLO Economy)

Thách thức cho cả "kẻ ở" và "người đi"


Khi người lao động rời bỏ doanh nghiệp và chấp nhận trở thành "người đi" với sự hào hứng đón đợi hành trình mới trước mắt, nhà tuyển dụng lại đành ngậm ngùi đóng vai "kẻ ở" trong một tâm thế không lấy gì làm thoải mái.


Nhìn nhận ở góc độ tích cực, những người trẻ lựa chọn sống trong YOLO Economy vẫn đang đóng góp cho nền kinh tế ở nhiều khía cạnh và ngành nghề khác nhau. Họ sẽ học cách đương đầu rủi ro trong những trải nghiệm của mình và nhận được những bài học giá trị, cũng như lưu lại những ký ức, cảm giác mãn nguyện vì đã làm điều mình thích.


Phần đông các YOLOer sẽ nhanh chóng quay trở lại công việc ổn định sau khi đã tận hưởng trọn vẹn điều họ khao khát, cũng như vì gánh nặng "cơm áo gạo tiền" mà tiếp tục làm việc (1).

Vậy nhưng, thực tế cũng đã cho thấy những bức tranh không mấy khả quan. Khi lựa chọn bước vào YOLO Economy, người trẻ sẽ phải đối mặt với thách thức về kinh tế, bởi không phải ai cũng có ngân sách dồi dào để "dám" sống mà không nhận lương từ công việc. Ngoài ra, nếu đã lỡ chi tiêu "quá đà", họ rất dễ rơi vào bẫy tín dụng khi trở thành "con nợ" của các ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng YOLO Economy có thể đẩy mức nợ thẻ tín dụng tại Hoa Kỳ lên con số trên 1.000 tỷ USD – mức cao kỷ lục trong lịch sử (6).



Còn về phía doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nhân sự mới do các YOLOer gây nên khi họ nộp đơn xin nghỉ việc để bắt đầu cuộc sống "tự do – tự lo". Các vị trí khuyết thiếu không thể tìm được người thay thế trong ngày-một-ngày-hai.


Nhân viên mới vào (fresher) cần thời gian để được đào tạo bài bản và học cách xử lý công việc thay cho nhân sự YOLOer đã "dứt áo ra đi".

Trên thực tế, khi càng có nhiều người trẻ lựa chọn trở thành YOLOer, doanh nghiệp càng rơi vào nguy cơ mất ổn định về mặt tổ chức và sự tồn vong là bài toán khó có câu trả lời (1).


Nền kinh tế YOLO (YOLO Economy)

Đời chỉ sống một lần, nhưng vẫn cần… làm việc


Muốn sống YOLO một cách ý nghĩa, bạn có thể tham khảo 3 điều mà LeLa Journal gợi ý dưới đây trước khi quyết định "cống hiến" cho YOLO Economy nhé!


1. Đặt ra giới hạn thời gian YOLO cho bản thân một cách thận trọng: Bạn cần xác định xem mình có thể gắn bó với cuộc sống nhiều biến động trong bao lâu để kịp dừng lại trước khi quá muộn. Nếu đã burnout và muốn tạm dừng làm việc để "xả hơi", hãy tự đặt ra cột mốc thời gian nghỉ ngơi, như là nửa năm nghỉ việc để đi chơi, về quê với bố mẹ trong một tháng, đi du lịch nước ngoài với bạn bè trong hai tuần...


Sau khi lên kế hoạch, bạn hãy cố gắng cam kết thực hiện, vì mục tiêu đạt được khoảng thời gian YOLO "chất lượng" và nhất là để bạn không phải hối hận vì đã không YOLO triệt để.

2. Sử dụng sơ đồ tư duy (mindmap) để vẽ ra những kịch bản chi tiêu của mình trong ngắn hạn và dài hạn: Trước tiên, bạn cần cân nhắc các rủi ro tài chính trong YOLO Economy. Bạn có thể sẽ phải đối mặt với sự bấp bênh trong thu nhập, thậm chí là không kiếm được tiền nếu chỉ tập trung cho các hoạt động trải nghiệm.


Hãy hít một hơi thật dài, lấy giấy bút ra và tính toán xem bạn đang có ngân sách bao nhiêu, có thể chi bao nhiêu và cho những hoạt động gì, duy trì ngân sách hiện tại trong bao lâu thì sẽ hết...

Đặc biệt, bạn cần phân định xem trong thời gian tận hưởng YOLO (ngắn hạn) và sau khi giai đoạn YOLO kết thúc (dài hạn), nguồn tài chính của mình có thể phát sinh những vấn đề xui rủi ngoài dự kiến, như là chuyện phải vào viện, bị tai nạn, bị mất trộm... Từ đó, bạn mới tính được phương án phòng trừ rủi ro tương ứng, như là mua bảo hiểm...


3. Xác định tính "bền vững" của trải nghiệm YOLO: Sự thật là không phải mọi khoảnh khắc đều đáng giá như chúng ta vẫn nghĩ. Chẳng hạn, đi trekking thì vui, nhưng vừa đi trekking vừa lo chuyện "tối nay lấy tiền đâu để mua đồ ăn" thì cũng không hẳn là một trải nghiệm đậm chất YOLO.


Trước khi bước vào YOLO Economy, hãy tự hỏi xem điều mình sắp trải nghiệm có đem lại giá trị gì lâu dài cho tương lai của mình không?

Nếu bạn từ bỏ công việc để khởi nghiệp, học một kỹ năng mới, khám phá một miền đất mới, hoặc chỉ đơn giản là quay về với vòng tay ấm cúng của gia đình, đó đều là những điều đáng trân quý. Nhưng nếu trải nghiệm YOLO của bạn vượt qua ranh giới về sức khỏe, an toàn và đạo đức dẫn đến lối sống buông thả, như là nghiện rượu, sử dụng chất kích thích, gây rối...


Những thói quen này không phải là mục tiêu của YOLO và nếu sa đà vào đó sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Nền kinh tế YOLO (YOLO Economy)

Suy cho cùng, YOLO Economy cũng là một hiện tượng mang tính tất yếu, đại diện cho lối sống "gấp" và sự phát triển kinh tế cao độ khiến con người bị "lệch nhịp". Những lúc thấy mình đang đi quá nhanh, bạn hãy dừng lại một vài nhịp để bản thân có được sự cân bằng trước khi quyết định bước tiếp nhé!



Comments


bottom of page