top of page
Tìm kiếm
Summer Nguyen

3 điều Gen Z học được từ Oppenheimer - một bộ phim quan trọng của thế kỷ XXI

Oppenheimer - bộ phim màn ảnh lớn đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Christopher Nolan từ sau Tenet. Đúng như cái tên, bộ phim kể về "cha đẻ" của bom nguyên tử, tức là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ Julius Robert Oppenheimer và những giai đoạn cuộc đời ông trong các bối cảnh lịch sử từ Thế chiến, Thời đại nguyên tử tới vụ thả bom xuống Hiroshima và Nagasaki.


Poster chính thức của bộ phim Oppenheimer (Ảnh: Universal Pictures)

*(Bài viết KHÔNG chứa spoiler)


Sau nhiều lần dời lịch công chiếu, bộ phim Oppenheimer cũng đã được ra rạp và đang nhận được tín hiệu tích cực từ khán giả Việt Nam. Mỗi bộ phim, bất kể thể loại, ít nhiều đều để lại trong chúng ta những bài học giá trị nào đó về cuộc sống. Dưới đây là ba bài học mà Gen Z học được trong Oppenheimer - bộ phim đã được nhà làm phim kiêm biên kịch kỳ cựu Paul Schrader đánh giá là "bộ phim hay và quan trọng nhất của thế kỷ này" (1).


Trong Oppenheimer, nhân vật chính cùng tên được thủ vai bởi nam diễn viên Cillian Murphy - người được nhận xét là có đôi mắt vô cùng giống J. Robert Oppenheimer. (Ảnh: Universal Pictures và Philippe Halsman | Magnum Photos)


1. Khi những bộ não thiên tài gặp nhau, chắc chắn sẽ "nổ banh não"


Bom nguyên tử đã được Oppenheimer và các cộng sự chế tạo thành công, thuộc phạm vi "Dự án Manhattan".

Theo lịch sử, dự án Manhattan là dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II, chủ yếu do Hoa Kỳ thực hiện với sự giúp đỡ của Anh Quốc và Canada. Từ năm 1942 đến năm 1946, một lực lượng thuộc Công binh Lục quân Hoa Kỳ dưới quyền Thiếu tướng Leslie Groves tham gia vào dự án (2).


Trong bộ phim, "lực lượng" ở đây chính là Oppenheimer và rất nhiều những nhà khoa học đầy tài năng khác. Tướng Leslie Groves (do Matt Damon thủ vai) được giao trọng trách là người dẫn đầu dự án.



Một số cảnh phim về lực lượng này là những buổi gặp mặt, thảo luận, rồi tranh cãi và thậm chí là bỏ cuộc giữa Oppenheimer và những nhà khoa học khác. Khi kể câu chuyện này bằng hình ảnh, đạo diễn Christopher Nolan và đạo diễn hình ảnh Hoyte van Hoytema đã đặt vào khung hình chiếc bể cá và chiếc ly mà sau đó sẽ được lấp đầy, báo hiệu thời điểm bom nổ - cho thấy rằng lực lượng các nhà khoa học đã "teamwork" thành công.


Ảnh trái: Hình ảnh tư liệu về hai nhà khoa học Albert Einstein và Oppenheimer (ảnh: Corbis/Getty Images). Ảnh phải: Hình ảnh trong bộ phim Oppenheimer về cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật, với Tom Conti thủ vai Einstein (ảnh: Melinda Sue Gordon/Universal)


Đặc biệt, trong lịch sử, nhà khoa học thiên tài Albert Einstein từng có thời gian làm việc cùng Oppenheimer và ít nhiều có lẽ đã "đóng góp", dù chỉ là ý tưởng, vào việc tạo ra bom nguyên tử (3). Sự kiện gặp gỡ giữa Albert Einstein và Oppenheimer cũng đã được khắc họa trong phim.

Phải xem rồi mới thấy, bất kể mục đích ứng dụng của bom nguyên tử là gì, nhưng thành quả lớn lao đó không thể là của mình Oppenheimer, bởi đó là công sức và thời gian của "hơn 4000 người trong gần 3 năm" (trích lời thoại trong phim của nhân vật Leslie Groves).



2. Lấy sự tò mò làm tôn chỉ theo đuổi đam mê, bạn có thể làm cả thế giới "bùng nổ"


Cái hay trong cách khắc họa nhân vật Oppenheimer của tài tử Cillian Murphy nằm ở chỗ, hình ảnh Oppenheimer suốt chặng phim không chỉ là một khoa học chủ chốt tạo ra bom nguyên tử, mà còn là một cậu sinh viên đam mê vật lý và những ngôi sao, đồng thời là một giảng viên đại học truyền cảm hứng - hình mẫu của nhiều nhà vật lý trẻ tuổi ở thời điểm bấy giờ.



Bên cạnh những "hậu quả" mà bộ phim nhắc tới (trích lời của đạo diễn Christopher Nolan trả lời tờ Vulture) (4), Nolan đã thành công diễn tả một Oppenheimer đầy nhiệt huyết, luôn tò mò với vật lý lượng tử - chính là động lực khiến Oppenheimer khám phá và tìm ra những phát hiện gây chấn động cả giới khoa học lúc ấy.


Có lẽ, cho tới cả bây giờ, chúng ta vẫn còn cảm nhận được những "rung chấn" đó. Nhiều người vẫn bị ấn tượng bởi khoảnh khắc sau khi quả bom nguyên tử nổ, Oppenheimer đã trích câu 11.32 trong Kinh Bhagavad Gita của Đạo Hindu: "I am become death, the destroyer of the world" ("Ta trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt thế giới") (5), (6).


Bạn có thể cảm nhận rõ hơn những "rung chấn" từ Oppenheimer khi theo dõi bộ phim này tại rạp với định dạng IMAX.


3. "Hoàn hảo" là điều không tồn tại


Một lần nữa khẳng định được khả năng làm phim tài ba của mình, Christopher Nolan - thay vì "tránh né" những vấn đề chính trị nhạy cảm - đã chọn cách nhìn trực diện và vô cùng thực tế.


Một poster đậm màu u tối của bộ phim Oppenheimer (Ảnh: Universal Pictures)

Chúng ta ngưỡng mộ sự đam mê, lòng nhiệt huyết của Oppenheimer dành cho vật lý lượng tử và cho những cống hiến với Hoa Kỳ, quê hương của ông. Nhưng chúng ta cũng sẽ "vừa giận vừa thương" khi thấy ông đem khả năng và kiến thức của mình để (dù là vô tình hay cố ý) đóng góp vào công cuộc giết hại hàng bao nhiêu người, mở ra một thế giới mới - luôn tiềm ẩn nguy cơ vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt nhân loại.


Thậm chí, đạo diễn Nolan cũng không "đứng ra" làm người phát ngôn để nói thay lời bảo vệ Oppenheimer, mà vị đạo diễn chỉ cho khán giả bước vào "thế giới quan" của nhà khoa học, trước, trong và sau khi gây ra hiện thực tồi tệ đó.



Vậy nên, cả trước và sau khi thưởng thức bộ phim quan trọng này, bạn hãy nhớ rằng chẳng có gì là hoàn hảo và việc theo đuổi nó sẽ chỉ khiến cuộc sống của bạn... kém hoàn hảo đi.

Chuyện bên lề:


- Oppenheimer được quay bằng máy quay IMAX nhằm gợi tả chính xác phong cách màn ảnh từ những thập niên 30-40 của thế kỷ trước. Các góc quay và khung hình khác nhau sẽ khiến chúng ta như bị hút vào mạch phim và sự chuyển đổi liên tục giữa các điểm nhìn của nhân vật.


- Để ghi hình một số phân đoạn đặc biệt cho bộ phim Oppenheimer, đạo diễn hình ảnh Hoyte van Hoytema đã "yêu cầu" thiết kế riêng một ống kính mới. Người nhận được đề bài này là Dan Sasaki, thành viên liên kết của ASC và Phó Chủ tịch mảng Kỹ thuật Quang học và Chiến lược Ống kính của Panavision. Đúng như kỳ vọng, Sasaki đã thiết kế thành công một thành phần quang học - ống kính dài 76,20 cm với khả năng chống nước - cho phép máy quay IMAX thực sự ghi hình được thế giới vi mô của các phản ứng dây chuyền và nguyên tử va chạm (7), (8).


コメント


bottom of page