top of page
Tìm kiếm

Góc "giải thoại": Số 7 có thực sự là số xui xẻo trong tình yêu?

Số 7 có vẻ không phải là một con số may mắn trong chuyện tình cảm, tiêu biểu là những từ "thất tình"... (số 7 trong âm Hán Việt là "thất"). Không chỉ vậy, theo các nghiên cứu, 7 năm đầu của cuộc hôn nhân cũng là thời điểm dẫn đến nhiều vụ ly dị nhất. "7 năm bứt rứt" (seven year itch) cũng là một từ lóng mà các nhà tâm lý học sử dụng để ám chỉ những người có ý muốn ngoại tình khi đã kết hôn được 7 năm. Trong văn hóa đại chúng, nhiều bạn trẻ cũng đồn đại rằng yêu nhau 7 năm mà không cưới thì... đường ai nấy đi hoặc theo thần số học, số 7 luôn đi cùng với những bài học thử thách và mất mát. Vậy, thực hư của những câu chuyện này là thế nào?



Hơn một nửa vụ ly hôn xảy ra trong 7 năm đầu tiên


Các nghiên cứu của Giáo sư Andrew Cherlin đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ), được chia sẻ trong cuốn sách Marriage, Divorce, Remarriage (tạm dịch "Kết hôn, Ly hôn, Tái hôn"), xoay quanh đề tài hôn nhân gia đình. Theo đó, kết quả cho thấy rằng nguy cơ ly hôn trong những tháng đầu hôn nhân khá thấp, sau đó tăng lên, tới cực đỉnh và sau đó bắt đầu giảm.


Có tới hơn 50% số ca ly hôn diễn ra trong 7 năm đầu hôn nhân (1), (2).

Tiến sĩ Lawrence A. Kurdek - nhà tâm lý học tại Ohio (Hoa Kỳ), trong một nghiên cứu công bố năm 1999 đã cho biết rằng các cuộc hôn nhân có xu hướng ổn định trước khi những dấu hiệu lục đục xảy ra vào cuối năm thứ 7, đầu năm thứ 8 (3). Ông cho biết thêm:


"Những cặp vợ chồng bên nhau bảy năm thường bất đồng nhiều hơn, tình cảm nhạt nhòa hơn, ít chia sẻ hoạt động hơn và thường bày tỏ sự không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình" (4).

Liên quan đến vấn đề này, các học giả đưa ra giả thuyết rằng 7 năm là thời điểm "bùng nổ" của những vấn đề tồn đọng từ trước đến giờ và thường phát sinh gần lúc con cái đến tuổi tới trường. Phổ biến nhất trong đó là một giả thuyết mang tên "7 năm bứt rứt" - chỉ những người có ham muốn quan hệ tình dục với đối tượng không phải bạn đời của mình sau 7 năm chung chăn gối.


Giai thoại về "7 năm bứt rứt" xuất phát từ… một bộ phim


Giai thoại "7 năm bứt rứt" (Seven Year Itch) này xuất hiện từ một bộ phim cùng tên vào năm 1955 có sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng Marilyn Monroe - biểu tượng gợi cảm của Hollywood trong những thập niên 1940 - 1960 (5).


Trong phim, nhân vật của Monroe được xem là người đã khiến cho một đàn ông trung niên đấu tranh kịch liệt trong nội tâm khi bị mắc kẹt giữa hai bên, một bên là người tình trẻ nóng bỏng và bên còn lại là vợ con. Người đàn ông này đã lập được gia đình được 7 năm và những biểu hiện "chán cơm thèm phở" của anh đã đến đỉnh điểm.


Marilyn Monroe trong phim Seven Year Itch (1955) (Nguồn: IMDb)

Bắt nguồn từ một giả thuyết rằng đàn ông thường lừa dối vợ mình vào năm thứ bảy của cuộc hôn nhân, sau sự nổi tiếng của bộ phim, hành vi "bảy năm bứt rứt" này trở thành cụm từ chính thức được nhiều nhà tâm lý học sử dụng. Không chỉ dừng lại ở việc nảy sinh ham muốn ngoại tình, con số "bảy năm" oan trái này còn đề cập đến sự suy giảm hứng thú với mối quan hệ hôn nhân sau chừng ấy thời gian chung sống. Và những nghiên cứu kể trên vô tình đã khiến cho giai thoại này "bám rễ" trong suy nghĩ của nhiều người phương Tây.


Ở Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về khoảng thời gian trung bình mà các cặp đôi ở bên nhau và chia tay, nhưng câu chuyện về việc "yêu lâu không cưới rồi chia tay" cũng không phải hiếm. Mốc thời gian được nhắc đến nhiều nhất cũng là... 7 năm - thời điểm mà nhiều cặp đôi nổi tiếng của showbiz lẫn mạng xã hội đã trải qua và... tan vỡ.

Nếu thử tìm kiếm với từ khóa chia tay sau 7 năm trên các công cụ tìm kiếm, không ít kết quả sẽ nhanh chóng hiện ra, cho thấy đây cũng là vấn đề thực tế mà nhiều người quan tâm.



Những nghiên cứu lật ngược lại vấn đề


Trên thực tế, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy "cơn bứt rứt" này là có thật, nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy không phải vậy. Trước tiên, hãy khám phá điều gì khiến các nhà nghiên cứu bối rối khi xác định điều này:


1. Những sai sót trong các cách đánh giá trước đó: Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Demographic vào năm 2014 cho thấy một số hoài nghi rằng có thể tồn tại những sai sót trong cách tiến hành các nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ ly hôn tăng đột biến vào khoảng năm thứ bảy. Sự "bứt rứt" đột biến này thực chất có thể đã xuất hiện từ "mốc 5 năm", tùy thuộc vào cách lấy mẫu và tiến hành phân tích (6).


2. Bảy năm không phải là thời khoảng thời gian trung bình ở nhiều nước: Con số này ở Ý là 18 năm (7), còn ở Qatar là 5 năm (8). Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê rõ ràng về mốc thời gian "già néo đứt dây" này, nhưng nhìn chung, tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25% - có nghĩa là cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa ly hôn (9).


3. Ly hôn cũng chưa hẳn là tiêu cực: Nhiều người xem ly hôn không hẳn là điều tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, khi đã hết yêu thì đường ai nấy đi mới là lựa chọn tốt nhất. Như vậy, 7 năm "bứt rứt" cuối cùng cũng đã được "phóng thích tự do" - một điều được xem là tích cực nhiều hơn (10).



Nhìn vào mặt tích cực của số 7


Mặc dù không có một con số cụ thể cho thời gian trung bình của việc "giữa đường đứt gánh" nhưng đúng là việc bên nhau một khoảng thời gian dài sẽ khiến cho những cảm xúc "ban đầu lưu luyến ấy" không còn nồng cháy nữa. Đặc biệt là khi không có những ràng buộc về gia đình và con cái, việc chia tay lại diễn ra dễ dàng hơn (11).


Có thể đây là lý do giải thích cho việc các cặp đôi yêu lâu mà không cưới thì dễ... đường ai nấy đi.

Có một lý thuyết được phát triển từ bác sĩ tâm thần Elisabeth Kübler-Ross về 7 giai đoạn sau đau buồn để giúp vượt qua tổn thương tinh thần (12). Ban đầu, lý thuyết này chỉ có 5 giai đoạn, nhưng về sau này, cách tiếp cận của Kübler-Ross đã được điều chỉnh và mở rộng thành 7 giai đoạn, gồm choáng váng vì sốc, chối bỏ, giận dữ, thỏa hiệp, trầm uất, chấp nhận và hy vọng, đến cuối cùng là vượt qua đau buồn (13).


Do đó, đối với những ai đang chịu đựng giày vò từ nỗi đau, dù đến từ tình cảm hay bất kỳ nỗi đau nào, thì trải qua 7 giai đoạn, người đó vẫn có thể tận hưởng cuộc sống với một tâm hồn mạnh mẽ hơn.


Chưa hết, một điều tích cực khác liên quan tới số 7 trong tình yêu là 7 dấu hiệu cho thấy cặp đôi có thể chung sống bên nhau đến đầu bạc răng long. Những dấu hiệu này nếu có, có thể dự đoán được mức độ trọn đời bên nhau lên đến 90% đấy nhé. Độc giả có thể tìm 7 dấu hiệu này ở đây, để thấy rằng số 7 - trong tình yêu, lẫn trong đời sống - không tiêu cực như mọi người vẫn dị nghị.

Comments


bottom of page