top of page
Tìm kiếm

4 điều "bí ẩn" cần khám phá về ngày Thất tịch

Tại sao con số 7 lại được chọn cho ngày Thất tịch trùng phùng của đôi tình nhân Ngưu Lang và Chức Nữ? Cầu Ô thước có "đen" đúng như tên gọi? Công việc thực sự của Ngưu Lang chăn bò hay chăn trâu? Ăn chè đậu đỏ có giúp cho đường tình duyên khởi sắc?... Nhân ngày lễ Thất tịch, thử nhìn lại câu chuyện cũ dưới góc nhìn mới lạ cùng LeLa Journal nhé.


Tác phẩm tranh dài "Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau trên Cầu Ô Thước" trong hành lang ở Di Hòa viên, Bắc Kinh


Tại sao lại chọn số 7?


Ở phương Tây, 7 thường mang ý nghĩa thần bí và thiêng liêng như Chúa tạo ra thế giới trong 7 ngày, cầu vồng có 7 sắc hay 7 nốt trong âm nhạc… Tuy nhiên, số 7 (phát âm là "qī") ở Trung Quốc thì lại gây khá nhiều tranh cãi, vì đôi lúc bị "chê" là đồng âm với từ "thất" (pǐ, shī...) mang nghĩa tiêu cực như trong những từ "thất bại", "thất học", "thất nghiệp", "thất bát"…; nhưng cũng có lúc lại được coi là số may mắn vì đồng âm với những từ "khởi" (qǐ) và "khí" (qì).


Ở góc độ thiên văn học, có thể thấy rằng vào buổi tối Thất tịch, chúng ta dễ dàng quan sát một ngôi sao nằm giữa sao Ngưu Lang (Altair) và sao Chức Nữ (Vega) là sao Deneb, cùng nhau chúng tạo thành tam giác mùa hè (summer triangle) (1). Sao Deneb được coi là "vị trí" mà chim Ô Thước bắc cầu cho Ngưu - Chức gặp nhau.

Tam giác mùa hè (summer triangle). Nguồn: newscientist.com

Cầu Ô Thước có... đen như tên gọi?


Ô Thước có lẽ là "cây cầu dài nhất" từng được biết vì nối liền hai bờ sông Ngân (dải Ngân Hà). Cây cầu này mới nghe thì dễ hình dung ra nó có màu đen do được kết từ đàn quạ đen. Thế nhưng, có lẽ cây cầu này có màu phong phú hơn.


Từ "thước" (鵲) trong "ô thước" (cầu quạ - 烏鵲) còn để chỉ loại chim "ác là", cùng họ với quạ nhưng khác bởi hai màu đen và trắng (2). Vậy nên, có thể cầu Ô Thước không chỉ có màu đen mà sẽ lốm đốm đen-trắng.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chưa tìm hiểu được nguyên nhân tại sao quạ/ác là lại được chọn làm sứ giả tình cảm trong câu chuyện yêu xa lãng mạn này. Loài chim này vốn hung hăng và không "được lòng" nhiều người, một số nơi còn thường xuyên xua đuổi. Nếu độc giả có giả thuyết nào hợp lý thì hãy để lại bình luận dưới bài nhé.


Chim ác là có thể "bị" xem là cơn ác mộng giữa ban ngày khi ngang nhiên tấn công người đi đường ở Úc. Nguồn: Amber Wheatland


Rốt cuộc thì Ngưu Lang chăn trâu hay chăn bò?


Nhắc đến từ ngưu thì ta dễ nghĩ ngay đến loài trâu qua những trường hợp như: Ngưu Ma Vương trong Tây Du Ký, câu thành ngữ "ngưu tầm ngưu mã tầm mã" và Ngưu Lang - chàng chăn trâu nổi tiếng, nhưng trong một số phiên bản, công việc của Ngưu Lang là chăn bò (3). Vậy, nghề nghiệp thực sự của Ngưu Lang là gì?


Tranh cãi này có thể bắt nguồn từ việc hiểu nghĩa từ ngưu (牛) với nhiều ý kiến trái chiều. Người thì cho rằng ngưu (牛 - niú) là "bò", người thì lại gọi đó là "trâu" (4).


Rất khó để đi đến kết luận cho vấn đề này. Tuy nhiên, có một sự thật khá lý thú là từ "ngưu" này đồng âm với từ "ngâu" (cũng là "niú") khi nói về cơn mưa ngâu ngày Thất tịch.

Vào thời nhà Nguyễn, bộ "Lục Vân Tiên Cổ Tích Truyện" (1897) của Giám thủ thư lại Lê Đức Trạch cũng khắc họa con vật đi cùng Ngưu Lang là trâu


Ăn món nào thì gặp may mắn trong đường tình duyên?


Chè đậu đỏ - ngoài ngon miệng và giàu dinh dưỡng thì còn được nhiều người dùng trong ngày Thất tịch với "tác dụng phụ" là... "chống ế".


Trong văn hóa Trung Quốc, ngày Thất Tịch còn được gọi là... "lễ xin khéo" (Qiqiao Festival/Ingenuity-Begging Festival) (5). Bởi lẽ, phong tục độc đáo này thể hiện mong muốn theo đuổi sự khéo léo, tình yêu ngọt ngào và hôn nhân tốt đẹp.


Thực tế, trên trang Bí kíp Du lịch Trung Hoa, người ta đã đưa ra danh sách 10 món ăn nổi tiếng vào dịp này, tuy nhiên trong đó không hề có món chè đậu đỏ (6). Vậy nên khả năng cao là quan niệm này mới xuất hiện thời gian gần đây.


Thất tịch, chúng ta có thể ăn gà, mỳ, giá, sủi cảo... nhưng không cần ăn đậu đỏ đâu nha (6), nếu bạn ăn thì chỉ là bởi... bạn thích thôi.

Loại đậu có màu đỏ và liên quan đến tình duyên trong văn hóa Trung Quốc gọi là đậu "tương tư tử" (相思子), được xem là tượng trưng cho lòng thủy chung trong tình yêu, được sử dụng để làm vòng tay nối kết tình yêu và chắc chắn là không ăn được vì rất cứng (7), (8).


Nếu bạn vẫn muốn dùng chè ăn đậu đỏ với quan điểm "có thờ có thiêng" để mong được như ý, bạn có thể cân nhắc ăn đậu đỏ vào trước ngày thi. Đây là một quan điểm rất thuần Việt và được nhiều gia đình áp dụng, trong chè đậu đỏ vừa có đậu (đỗ), vừa có đỏ (may mắn), quá hợp cho sĩ tử đúng không nào?


Đậu tương tư không ăn được nhưng... đẹp

Comments


bottom of page