top of page
Tìm kiếm

4 quy tắc lịch sự cần nhớ trước khi đi dự tiệc

Mỗi buổi tiệc ở từng quốc gia, cho từng sự kiện sẽ có những quy định khác nhau về thời gian hoặc trang phục. Hãy tìm hiểu về văn hóa địa phương hoặc mạnh dạn hỏi người tổ chức để hiểu rõ tính chất buổi tiệc, đảm bảo cho khách mời lẫn gia chủ những trải nghiệm trọn vẹn trong dịp gặp gỡ này.


Hầu hết khi nhận được lời mời tham gia một bữa tiệc, ngoài những thông tin như người mời, thời gian, địa điểm thì nhiều người còn đặt ra câu hỏi bản thân nên chuẩn bị gì để có thể gây ấn tượng tốt với mọi người. Mời bạn cùng LeLa Journal tìm hiểu 4 nguyên tắc chuẩn bị căn bản trước mỗi buổi tiệc để trở thành một khách mời tinh tế và đúng theo chuẩn mực.


1. Xác định rõ mục đích



Khi nhận được thiệp mời, hãy dành thời gian để đọc nội dung bên trong để nắm rõ được là đó là tiệc cưới, sinh nhật, khai trương, tất niên hay chỉ là bữa tối cùng gia đình, họp mặt bạn bè.


Morra Aarons Mele, nhà văn thành công với hàng loạt sách về quy tắc ứng xử, cho biết: “Không có gì đáng xấu hổ khi tìm hiểu xem bản thân sắp đến nơi nào và sẽ gặp gỡ những ai. Bạn nên tự đặt ra câu hỏi là lời mời này sẽ đem lại cho bạn điều gì, để thư giãn, thưởng thức một số loại rượu mới, mở rộng cơ hội kết giao bạn bè hay kết nối kinh doanh. Nếu như tham dự một bữa tiệc mà mục đích của nó là công việc nhiều hơn niềm vui thì chúng ta có thể chuẩn bị theo một cách khác. Và khi xác định được mục tiêu của mình thì việc đến chung vui sẽ càng dễ dàng hơn, vì bạn sẽ biết nên làm gì tiếp theo để đạt được điều mình muốn” (1).


Sau khi xác định rõ những yếu tố nêu trên, hãy dành thêm một ít thời gian để đọc các tin tức địa phương có liên quan đến sự kiện hoặc những người góp mặt ở đó, để có sẵn những đề tài bắt chuyện khi cần. Việc tìm hiểu thêm về những nhân vật có mặt tại sự kiện cũng là điều cần thiết để có thể dễ dàng kết nối được với họ.


2. Lựa chọn trang phục phù hợp


Nếu như trong thiệp mời không có quy định về dress code (quy tắc trang phục riêng cho từng sự kiện theo ý đồ của người tổ chức, như tông màu, kiểu dáng...) thì bạn có thể tìm hiểu văn hóa của đất nước, địa phương nơi mà bạn tham dự để quyết định sẽ mặc gì đến buổi tiệc.


Đại đa số khi tham gia vào tiệc cưới ở xứ sở kim chi, khách mời nam sẽ mặc áo vest truyền thống, còn phái đẹp sẽ diện những chiếc váy đơn giản, tối màu. Ảnh: Travelynns

Khi đi ăn cưới tại Hàn Quốc, các khách mời thường sẽ diện những bộ trang phục ít họa tiết, tối màu (đen, be, xám) và tuyệt đối tránh mặc màu trắng nếu như không muốn bị đánh giá là thô lỗ, thiếu tế nhị với cô dâu. Còn ở Tây Ban Nha, họ thường chuộng cách ăn mặc sang trọng và lịch lãm ngay cả trong những buổi tiệc đơn giản thông thường.

Diễn giả Thomas P Farley, chuyên gia về phép xã giao ở New York (Mỹ) đã có những gợi ý về trang phục khi đi tiệc như sau: “Nếu thời gian của lời mời là buổi sáng hoặc vào thời tiết ấm áp thì nên trang điểm nhẹ nhàng, theo tông tươi sáng, kèm theo một ít phụ kiện là đủ. Còn khi được mời dự tiệc vào buổi tối, bạn nên búi tóc, trang điểm đậm hơn để tạo điểm nhấn. Và khi bạn chưa biết tính chất buổi tiệc là trang trọng hay đơn thuần thì một chiếc váy đen kiểu truyền thống (little black dress) sẽ là lựa chọn đáng để cân nhắc” (2), (3).


3. Sắp xếp thời gian hợp lý


"Quy tắc ngầm" về thời gian mỗi nơi mỗi khác, bạn cần tìm hiểu trước để tránh gây ra sự lúng túng cho chủ tiệc

Nếu khách mời ở Đức, Nhật, Hà Lan... luôn đúng giờ trong các buổi tiệc thì người dân ở một số quốc gia khác lại linh hoạt hơn trong cách sử dụng thời gian. Tại Pháp, lịch sự có nghĩa là đến trễ 15 phút để chủ tiệc có thời gian chuẩn bị. Hoặc ở Châu Phi, họ không quá coi trọng giờ giấc, nên bạn có thể đến bất cứ khi nào bạn muốn mà chủ nhà vẫn không cảm thấy bị xúc phạm (4), (5).


Vì vậy, tùy vào tính chất và văn hóa của nơi tổ chức sự kiện mà bạn cần quyết định thời điểm tham dự. Tuy nhiên, cần hiểu rằng đến trễ nên là một quyết định phù hợp với tập quán thay vì tự ý đến trễ vì lý do cá nhân. Một mẹo đơn giản đó là hỏi một người địa phương cùng tham dự sự kiện, hoặc nếu bạn đang ở đất khách quê người, không biết gì về phong tục văn hóa bản địa thì hãy mạnh dạn hỏi chủ tiệc.


4. Chuẩn bị quà


Bạn có thể tặng thiệp, hoa, bánh chocolate thay cho rượu

Nếu ở Pháp, khi được mời đến một buổi tiệc, bạn nên lựa chọn một chai rượu vang của Pháp (trắng, đỏ, hồng) để làm quà tặng gia chủ. Dù người Pháp có thể dành nhiều lời khen cho các loại rượu vang khắp trên thế giới thì họ cũng hiếm khi uống thứ gì khác ngoài rượu từ chính đất nước của họ. Và nếu có nhã ý tặng hoa, chỉ nên mua với số lượng lẻ (nhưng cũng đừng mua 13 cành hoa, vì đây là con số kém may mắn trong văn hóa phương Tây). Bên cạnh đó, hãy nhớ tránh hoa cúc, cẩm chướng đỏ, thược dược (6).


Chuyên gia về phép xã giao, Emily Post giải thích rằng có thể người mời sẽ yêu cầu bạn không cần câu nệ chuyện quà cáp, nhưng cơ bản và lịch sự thì bạn nền xuất hiện với một món đồ gì đó trong tay để thể hiện thành ý.


“Với mức độ thân thiết như đến nhà người bạn thân dùng tối, sang nhà họ hàng ăn tiệc thì có thể không cần quan trọng hóa chuyện quà cáp. Nhưng tôi chắc là bạn sẽ thoải mái hơn nếu đến góp vui với một chai rượu vang hoặc hộp bánh mà chủ nhà yêu thích, như vậy sẽ khiến đôi bên đều hoan hỉ và tràn ngập lòng biết ơn”.


Comments


bottom of page