top of page
Tìm kiếm

6 lý do khiến ta mãi xem phim truyền hình & show thực tế dù cảm thấy "kỳ ghê"

Nhà triết học Yuval Noah Harari đã mở đầu cuốn sách nổi tiếng Sapiens: Lược sử về loài người với nhận định rằng: "Loài người khởi đầu từ những câu chuyện". Nếu con người nguyên thủy say mê kể chuyện cho nhau nghe bằng những hình vẽ được khắc trên hang đá thời thì con người hiện đại lại hào hứng truyền miệng nhau những câu chuyện đầy kịch tính (drama). Có lẽ vì vậy nên phim truyền hình (TV drama series), tuy không có những pha hành động mãn nhãn hay kỹ xảo choáng ngợp, vẫn lôi cuốn khán giả qua việc tái hiện lại những góc tối trong tâm lý con người, những mơ mộng không thành trong hiện thực và đôi khi là vẽ nên một địa đàng (utopia). Vậy thì tại sao chúng ta.. "cringe" thì cứ "cringe" mà xem thì vẫn xem?


Cringe: cảm giác rờn rợn, rùng mình, khó chịu hay ghê tởm trước một sự vật, sự việc mà ta thấy ít nhiều phản cảm.

Chứng ngấu nghiến phim truyền hình


Ảnh: Identity Magazine

Từ thời đại của TV, con người đã trở thành những củ khoai tây trên ghế bành (couch potato) khi có thể dành tới 168 phút xem TV mỗi ngày (1). Phần lớn thời gian đó là để chúng ta "ngấu nghiến" những tập phim truyện dài kỳ (drama series) và chương trình truyền hình thực tế (reality show) nhiều kỳ.


Vào năm 2015, từ điển Collins English Dictionary bình chọn từ "xem ngấu nghiến" hay "xem vô độ" (binge-watching) là từ của năm (2).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc xem ngấu nghiến và tình trạng ngủ không ngon giấc (3), cũng như ảnh hưởng tới trải nghiệm xem phim, khiến bạn cảm thấy ít hứng thú và ghi nhớ tình tiết kém hơn, so với việc coi mỗi tuần một tập mới (4).


Một số học giả cho rằng sự kịch tính hư cấu trong các chương trình TV giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự thấu cảm. Trong khi nhóm có quan điểm đối lập lại cho rằng tất cả là vì ham muốn nhìn trộm (voyeuristic desire) như trong phim Being John Malkovich – tức là ham muốn "nhập" vào đời sống của người khác và nhìn đời qua con mắt của họ – cũng như ham muốn chỉ trích, phán xét, hoặc trông thấy người khác rơi vào nhục nhã, bế tắc, xấu hổ.


Có thể nói rằng phim truyền hình và chương trình thực tế xuất hiện là để thỏa mãn cả hai nhu cầu đó.

Tại sao chúng ta lại "ghiền" xem phim drama?


Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại "ghiền" xem phim drama truyền hình, dù cảm thấy rùng mình và tiêu cực? Câu trả lời khiến ta phải quay lại cơ sở thần kinh, tâm lý và cơ chế xã hội của ghiền xem phim truyền hình.


1. Neuron gương (mirror neuron) và hệ thống dopamine


Tiến sĩ kiêm nhà tâm lý lâm sàng Renee Carr cho rằng lý do chúng ta thích xem phim truyền hình là vì sự tăng tiết dopamine.

Nguồn: Designneuro

Điều làm chúng ta "ghiền" xem phim truyền hình chính là cảm giác khoái lạc khi xem hết tập này đến tập khác, xuất phát từ việc khao khát dopamine. Cơ thể con người gần như không phân biệt được các loại khoái lạc, tức là miễn cái gì tạo ra dopamine thì cơ thể đều có thể trở nên "nghiện" thứ đó, tương tự như khi lạm dụng chất hoặc... nghiện yêu (5).


Phim truyền hình được cho là làm tăng sự đồng cảm và trí tuệ cảm xúc, khi khán giả đầu tư và chú ý vào câu chuyện, bởi neuron gương (mirror neuron) trong hệ thần kinh của chúng ta không phân biệt giữa câu chuyện giả tưởng và những tương tác thực tế.

Theo nghĩa đó, não bộ chúng ta hiểu về sự kiện/tình huống trong phim tương tự như khi chúng ta trải qua sự kiện/tình huống đó ngoài đời thực. Đó là lý do mà chúng ta dễ đồng cảm và "học" theo nhân vật trong phim.


2. Mục đích để thoát ly, bái vật, nhìn trộm


Nguồn: Washington Post

Ngành công nghiệp giải trí dùng thế giới phim truyện – nơi con người chật vật trong đau khổ để rồi sau này vươn tới hạnh phúc – làm công cụ thoát ly thực tại.


Thông qua việc ngấu nghiến nhiều tập phim truyện liên tiếp, khán giả dần quên đi thực tại có phần khổ đau và chìm vào thế giới màu "có hậu" của phim truyện. Nhà nhân học văn hóa Grant McCracken đã quan sát thấy sự gia tăng của thói quen "cày phim marathon" và khao khát thoát ly thực tại thông qua những trình phát video không hồi kết trên mạng xã hội (6).


Grant McCracken cho hay rằng: "Đắm chìm trong nhiều tập hoặc thậm chí nhiều mùa của một chương trình trong vài tuần là một kiểu thoát ly mới, đang được đặc biệt hoan nghênh ngày nay" (6).

Ngoài ra, lý do khác khiến ta chìm vào thế giới phim ảnh là để hiện thực hóa các thí nghiệm tâm trí (theory of mind), hay nói cách khác là để thử sống những cuộc đời khác, thông qua lăng kính của một người bái vật nhìn trộm (voyeurism fetish).


Theo đó, chúng ta "chui" vào cuộc đời của nhân vật trong màn ảnh kia một cách an toàn và xa cách trên chiếc ghế sofa tại nhà. Thông qua việc quan sát cuộc sống và cách nhân vật tự xử lý vấn đề, chúng ta "học" được cách xử lý (hoặc né tránh) những tình huống gây lo âu hoặc khủng hoảng, cũng như gián tiếp tận hưởng khoái lạc mà nhân vật đang cảm thấy.


Động cơ tâm lý đằng sau điều này là sự e ngại rủi ro khi phải thử cái mới, hoặc phải ứng biến với sự thay đổi, hoặc đơn thuần là tham chiếu tình huống giả định của những gì chúng ta không thể bộc lộ trong cuộc sống thực.

3. Đồng cảm và "đồng nhất" với nhân vật



Theo nhà tâm lý học lâm sàng, Tiến sĩ Jana Scrivani, các chương trình truyền hình thực tế nói riêng khiến chúng ta hình thành cảm thức sai lầm (false sense) rằng chúng ta thực sự biết những người chúng ta thấy trên màn hình. Cảm giác giữa ta và nhân vật có mối quan hệ thân thiết này được khuếch đại hơn thông qua các chương trình thực tế (7).


Hệ quả là, mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và bạn bè đang ở mức thấp nhất trong mọi thời đại. Theo thời gian, chúng ta dần đồng nhất hóa với những nhân vật được khắc họa trên màn ảnh (7).

Theo Tiến sĩ Shira Gabriel, những gì xảy ra trong phim và chương trình truyền hình thường có rủi ro thấp và dễ dự đoán. Những tình tiết đóng khung, dễ bắt bài được cài cắm vào plot-twist (được hiểu là "pha bẻ lái tuyến truyện") nhằm mục đích xoa dịu, tạo mối liên hệ cảm xúc, củng cố cảm giác sở thuộc (belonging), sự tự tin, khả năng đồng cảm cho người xem.


Và quan trọng hơn, những ảo tưởng này củng cố cho ý nghĩ ma thuật (magical thinking – một cột mốc phát triển mà người trưởng thành đã vượt qua từ lâu) của người xem rằng bản thân mình cũng "thông minh" và "quyền năng" khi "tiên tri" được điều gì sắp diễn ra (8).


4. Gắn kết xã hội


Nguồn: digitaltveurope.com

Chia sẻ với CBC, Tiến sĩ tâm lý Pamela B. Rutledge nói rằng các chương trình truyền hình và phim truyện chính kịch, đặc biệt là những bộ nổi tiếng, là cách để chúng ta tìm thấy tiếng nói chung, hay nói cách khác, chúng là công cụ để gắn kết xã hội. Càng cảm thấy ít kết nối với mọi người trong cuộc sống, bạn càng có xu hướng tìm kiếm sự kịch tính (drama) của các chương trình thực tế (9).


Cộng động yêu thích/anti một chương trình hay phim truyện nào đó là tập hợp của những thành viên chia sẻ chung hứng thú, góc nhìn, cảm tình (hoặc ác cảm) và sự quan tâm. Dù xa lạ đến mấy, dù là phê bình tiêu cực hay hâm mộ, miễn hai người lạ có chung suy nghĩ về một bộ phim truyền hình hay chương trình thực tế thì họ dễ dàng hình thành kết nối xã hội và cảm xúc với nhau.


Bạn có nhớ lần cuối cùng bạn và bạn bè cùng "chê" một bộ phim nào đó và rồi... cả nhóm càng khắng khít tụm ba tụm bảy, nói cười huyên thuyên về chủ đề ấy?

5. Con người là sinh vật nghiện kể chuyện


Ảnh: Dewey Saunders

Con người là sinh vật của những câu chuyện kể vì chúng ta thích kể và nghe chuyện của người khác. Kể chuyện và mơ mộng được hóa thân thành nhân vật cũng là một dạng thoát ly thực tại như đã đề cập bên trên. Mở đầu khắc họa mâu thuẫn, nhân vật trải qua nhiều lâm li bi đát, cũng những cái kết đầy kịch tính khiến chúng ta bị cuốn hút đến mức không thể không xem tập tiếp theo.


Và truyền thông các nền tảng streaming đã tận dụng điều này để liên tục bón cho chúng ta những câu chuyện kịch tích giả tưởng để ta tiếp tục huyễn tưởng của mình và quên đi sự khốn khó của một ngày vừa qua và sắp đến.


Như cách Netflix không chèn quảng cáo, đồng thời cho phép bạn tua những đoạn intro, outro, credit không hứng thú để khán giả nhanh chóng kéo dài cơn nghiện của mình. Chưa dùng ở đó, Netflix còn có hẳn những bài blog gợi ý về những chương trình "cày phim marathon" (10).


Nguồn: Tạp chí The Current

Ngoài ra, tính thẩm mỹ của một thời kỳ cũng góp phần khác khuếch đại mối liên hệ cảm xúc. Ngay cả khi người sáng tạo chương trình có theo đuổi chủ nghĩa hiện thực, thì những gì trên phim cũng không bao giờ phức tạp như đời thực. Tiến sĩ Rutledge cho biết bối cảnh và trang phục tạo ra cảm giác hoài niệm (nostalgia) và khung cảnh lãng mạn về một thời đại khác.


Điều gì sẽ xảy ra nếu ta ngừng xem phim drama?



Chính cảm giác trống vắng khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, stress, lo âu (11). Khi buộc phải dừng xem, chúng ta cảm thấy khó chịu, tiếc nuối và bứt rứt cho “tổn thất” này – chứng khó chịu hậu ngấu nghiến TV (post-binge malaise), thuật ngữ do Matthew Schneier đề ra trong một bài viết trên tờ New York Times.


Khi đó, cách duy nhất để tìm lại sự giải tỏa và thỏa mãn là tìm một loạt phim (series) khác để ngấu nghiến, ngay cả khi việc đó ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm vui lành mạnh của bạn — đây cũng là cách truyền thông và các nền tảng streaming đang "bón" cho bạn.


Tiến sĩ Tâm lý Shira Gabriel: "Khi một chương trình kết thúc hoặc một nhân vật yêu thích chết, khán giả xem mất mát đó giống như những mất mát thực sự xảy đến trong cuộc đời mình. Nỗi đau này to lớn và có thể mất một thời gian để vượt qua. […] nhưng đồng thời, bạn cũng sẽ đi tìm một chương trình mới, một nhân vật yêu thích mới để xoa dịu nỗi đau".


Xem phim truyền hình và chương trình thực tế có thể là một biện pháp giải tỏa căng thẳng và giải trí hiệu quả và lành mạnh, nếu như bạn có thể kiểm soát được thôi thúc (và thời lượng) ngấu nghiến trước TV.


Hãy cố gắng không thỏa hiệp và chiều chuộng bản thân và xem phim một cách có trách nhiệm. Đừng dành quá ba giờ đồng hồ ngấu nghiến phim mỗi ngày mà nên luân với những hình thức giải trí khác như chơi thể thao, ra ngoài gặp bạn bè...


Những hoạt động này giúp bạn thư giãn tinh thần và gân cốt, cũng như giúp bạn gắn bó với đời thực nhiều hơn, giúp bạn "xả vai" sau khi ngập chìm trong thế giới hư cấu của những câu chuyện xa rời thực tế.

Comments


bottom of page