top of page
Tìm kiếm

90% cặp đôi hạnh phúc đến "răng long đầu bạc" đều có chung 7 đặc điểm này

Nếu như bài viết "Tứ kỵ sĩ Khải Huyền trong tình cảm" đã chỉ ra bốn nguyên nhân chính khiến mối quan hệ đổ vỡ theo học thuyết của Giáo sư John Gottman thì hôm nay, LeLa Journal xin được giới thiệu đến bạn đọc bảy dấu hiệu được ông cho là nền móng vững chắc của một tình yêu viên mãn, góp phần xây nên "ngôi nhà hạnh phúc" (the sound relationship house).


Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm chuyên gia trị liệu hôn nhân cho hàng ngàn cặp đôi, Giáo sư Tiến sỹ John Gottman có khả năng dự đoán chính xác đến 90% tình trạng các cặp vợ chồng chỉ nhờ quan sát cách họ nói chuyện. Ông cho rằng khi các cặp đôi đã có ý định "đường ai nấy đi" thì khả năng hàn gắn của họ gần như bằng không (trừ khi họ có những ràng buộc về tôn giáo hay ưu tiên cho con cái, gia đình hơn hạnh phúc hôn nhân). Vì vậy hãy học cách nhận diện các dấu hiệu tốt đẹp trong tình yêu và vun đắp chúng ngay khi còn cơ hội.


Đâu là dấu hiệu của một cuộc hôn nhân hạnh phúc?


Theo Giáo sư Gottman, có bảy yếu tố thường thấy ở những cặp đôi gắn bó lâu dài với nhau. Bằng việc nhận diện và học cách xây dựng những dấu hiệu này, chúng ta sẽ tạo nên một nền móng vững chắc cho việc phát triển mối quan hệ của mình và người bạn đời.


1. Thấu hiểu lẫn nhau: Họ luôn biết người kia thích chương trình truyền hình hoặc thể loại phim ảnh nào, có khẩu vị ăn uống ra sao, điều gì khiến "nửa kia" quan tâm, hào hứng… Những sở thích này có khả năng sẽ thay đổi theo thời gian chứ không còn như lúc mới yêu hay trong giai đoạn tìm hiểu hẹn hò. Chính vì vậy có nhiều cặp đôi khá bất ngờ khi sau nhiều năm yêu đương, họ mới nhận ra là mình không còn hiểu gì về người bạn đời của mình nữa. Bài tập thực hành mà Gottman giao cho các cặp đôi đó là phải biết "cập nhật" những thông tin quan trọng này bằng cách xây dựng "Bản đồ Tình yêu" (1). Nói nôm na, chúng ta cần thấu tỏ về thế giới quan, nhân sinh quan của vợ/chồng thông qua một "bản đồ tâm lý" rành mạch, rõ ràng về những điều mà họ yêu-ghét. Từ đó, hãy điền vào trong "bản đồ" này cách thức "dò đường", tìm đến đúng những "địa điểm tinh thần" mà đối phương yêu thích và cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn khi được người bạn đời khám phá ra.


Lý thuyết về xây dựng "Ngôi nhà hạnh phúc" theo Giáo sư John Gottman

2. Dành sự yêu mến và ngưỡng mộ cho nhau: Đây là dấu hiệu có thể coi là quan trọng nhất, vì nó chứng tỏ các cặp vợ chồng có cái nhìn tích cực về nhau và là chìa khóa giúp họ vượt qua được nhiều khó khăn trong cuộc sống. Gottman ví cái nhìn tích cực đối với bạn đời giống như là "ánh sáng trong đêm tối mịt mùng". Điều này sẽ được củng cố thông qua việc tập trung nhìn vào những ưu điểm của người gắn bó với mình (2).


Chúng ta hãy thực hành điều này bằng cách viết ra ba điểm tích cực của bạn đời kèm theo ví dụ, chẳng hạn như:

  • Sự quan tâm: Vợ mình đã để ý và mua cho mình một ly cà phê khi mình quá bận rộn vào hôm trước.

  • Lòng nhân ái: Chồng mình thường giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

  • Luôn biết ơn: Cô ấy đã rối rít cảm ơn khi mình phụ rửa chén sau bữa ăn tối hôm qua.


3. Hướng về bạn đời của mình: Các mối quan hệ tốt đẹp luôn được vun đắp từ mọi khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống lúc hai người hiện diện bên cạnh nhau. Ngay cả khi cãi vã hay bất đồng, các cặp vợ chồng hạnh phúc cũng hướng về nhau để cùng tìm kiếm giải pháp, chứ ít chia sẻ với người ngoài. Điều này thể hiện rằng họ quan tâm và dành sự tôn trọng cho người bạn đời. Một số hành động chứng tỏ cho việc này bao gồm:

  • Dành thời gian bên nhau để xem các chương trình truyền hình hoặc bộ phim yêu thích, chung tay hoàn thành một bức tranh xếp hình hay cùng chơi board game…

  • Cùng nhau tập thể dục, đi bộ hít thở không khí trong lành hoặc đến trường đón con.

  • Không cần chờ đến dịp đặc biệt mới thể hiện tình cảm, mà luôn có các hành động nhỏ như nhắn tin hỏi thăm trong một ngày làm việc giữa tuần, thể hiện nỗi nhớ dành cho nhau thông qua các món quà nhỏ bất ngờ hoặc một bữa ăn tối lãng mạn.

Vì khác biệt văn hóa, một số cách thức nêu trên có lẽ sẽ khó khăn khi áp dụng ở các nước châu Á (mà cụ thể là Việt Nam), vì phần lớn chúng ta ngại nói những lời ngọt ngào yêu thương vì nghĩ rằng "sến quá". Tuy nhiên, Giáo sư Gottman nhấn mạnh rằng:


Những hành động nhỏ này là nền tảng cho sự kết nối và niềm đam mê. Trong suốt mối quan hệ yêu đương, mọi kết nối nhỏ mà bạn tạo ra đều được gửi vào "Tài khoản ngân hàng tình cảm". Khi xung đột xảy ra, chúng ta sẽ "rút dần" từ khoản "tiết kiệm tình yêu" này để duy trì sự tin tưởng và kết nối (3).

Văn hóa và triết lý của người phương Đông cũng đề cao sự có mặt cùng nhau trong tình yêu.

4. Có sự ảnh hưởng qua lại: Các cặp đôi hạnh phúc coi tình yêu là nỗ lực của cả hai người, cũng như luôn cân nhắc về cảm xúc và quan điểm của nhau. Cũng theo Gottman, trong một mối quan hệ, đàn ông có xu hướng phớt lờ quan điểm của nữ giới khi cùng nhau giải quyết một vấn đề nào đó (4). Để hạn chế điều này, chúng ta cần cởi mở và thảo luận theo hướng chấp nhận cách nghĩ từ người mình yêu.


Một ví dụ điển hình trong chuyện giường chiếu theo đúng nghĩa đen, nếu người chồng thích nệm lò xo còn người vợ lại thích nệm cao su non thì sao? Những lúc này hai người cần phải thảo luận với nhau để tránh cảm giác thỏa hiệp về lâu dài, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cả vấn đề tài chính khi mua sắm nội thất. Nếu phớt lờ, sự ức chế của một trong hai người sẽ dần hình thành và sẽ "tức nước vỡ bờ" vào một ngày không xa. Còn nếu như thảo luận vẫn không giải quyết được thì hãy dùng những kiến thức khoa học làm cơ sở cho lập luận của mình. Lela Journal từng có nhiều bài viết chỉ ra tác hại của việc mất ngủ và khuyến nghị những cách để có một giấc ngủ đủ, ngủ sâu nhờ lựa chọn loại đệm giường thích hợp.


5. Giải quyết những vấn đề có thể giải quyết: Mọi mối quan hệ đều có hai loại vấn đề là vấn đề có thể giải quyết được và vấn đề vĩnh viễn. Các vấn đề có thể giải quyết được thường là những tình huống cố định, nhưng các vấn đề vĩnh viễn lại bao gồm nhiều lý do tiềm ẩn (5).


Đối với vấn đề tình huống:

  • Nói chuyện khéo léo: Khi bắt đầu giải quyết một vấn đề, điều quan trọng là phải bình tĩnh và tử tế, không được chỉ trích đối phương.

  • Đưa ra những giải pháp tạm thời: Gottman cho rằng những giải pháp này có thể ngớ ngẩn hoặc không thực tế, nhưng nó giúp ngăn chặn sự "leo thang căng thẳng" giữa đôi bên.

  • Xoa dịu bản thân và người bạn đời của mình.

  • Thỏa hiệp: Xem xét quan điểm của nhau và đưa ra giải pháp phù hợp khả thi nhất cho đôi bên.

  • Đừng "đâm chọt nhau" (put the button): Nếu bạn biết điều gì làm đối phương khó chịu thì lúc này tuyệt đối đừng nên động chạm vào đó để khích bác.

Đối với những vấn đề vĩnh viễn: Thực tế là có đến 69% các loại xung đột thuộc loại vĩnh viễn. Nhà tâm lý học Dan Wile đã có một câu nói rất hay trong cuốn “After the honeymoon” của ông là: "Khi chọn một đối tác lâu dài, chắc chắn chúng ta sẽ chọn phải một loạt các vấn đề mãi không giải quyết được".


Chẳng hạn như khi người vợ muốn dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và thỉnh thoảng cần không gian riêng, nhưng người chồng lại không đồng ý vì điều đó làm anh cô đơn và bất an. Đây là một vấn đề mang tính vĩnh viễn vì có một sự khác biệt cốt lõi trong tính cách của mỗi người. Giải pháp là họ phải chấp nhận và thích ứng với vấn đề này nếu vẫn muốn duy trì mối quan hệ.


6. Vượt qua những vấn đề không giải quyết được: Nếu một cặp vợ chồng không thể quản lý một vấn đề muôn thuở, thì xung đột sẽ trở nên bế tắc và cuối cùng sẽ dẫn đến sự xa cách về mặt cảm xúc. Theo Tiến sĩ John Gottman, mục tiêu của điều này là chuyển từ bế tắc sang đối thoại, đặc biệt là trong các trường hợp như:

  • Chồng muốn có con nhưng vợ thì không.

  • Vợ muốn cả nhà cùng đi nhà thờ nhưng người chồng lại theo chủ nghĩa vô thần

  • Chồng thích giáo dục con tại nhà nhưng vợ muốn con được học hành bài bản tại trường lớp.


Nghiên cứu của Tiến sĩ Gottman đã chỉ ra rằng những loại khác biệt cơ bản này khó có thể được giải quyết triệt để. Ngược lại, có thêm nhiều vấn đề sẽ phát sinh khi hai vợ chồng cố gắng tìm giải pháp và kết cục luôn là sự bế tắc. Ở các cặp đôi hạnh phúc, khi đối mặt với những xung đột này, họ học cách đối thoại cũng như thích nghi theo kiểu hài hước, tình cảm và tự nhiên. Nói cách khác, họ đã khéo léo sử dụng các vấn đề vĩnh viễn của bản thân để phát triển mối quan hệ (6).


7. Tạo ra những giá trị kết nối đầy ý nghĩa (shared meaning): Đây là điều cuối cùng mà Tiến sĩ Gottman cho rằng các cặp đôi cần phải thực hiện để xây nên "Ngôi nhà hạnh phúc", thông qua hai cách (7):

  • Có một "nghi thức" cho mối quan hệ: Đó là chia sẻ thói quen buổi sáng bằng cách uống cà phê cùng nhau, hẹn hò vào mỗi tối cuối tuần hoặc ăn mừng những ngày kỷ niệm bằng cách cùng làm việc nhà, trồng cây, đi du lịch…

  • Làm việc hướng tới một mục tiêu chung: Giúp đỡ cộng đồng thông qua các công việc tình nguyện hoặc bất kỳ một mục tiêu nào mà cả hai khao khát thực hiện và có chung tầm nhìn.

Tiến sĩ Gottman cũng đưa ra một vài cách thức cụ thể khác để ứng dụng vào đời sống hôn nhân như sau:

  • Đặt câu hỏi "Em/Anh có ổn không?" một cách thành thật và thể hiện sự thành khẩn muốn biết câu trả lời.

  • Lắng nghe những câu chuyện cười, ngay cả khi đã từng nghe chúng trước đây.

  • Nhờ tư vấn lời khuyên.

  • Biết điểm dừng cho mọi yêu cầu dù lớn nhỏ.

  • Đưa ra lời khen.

  • Chấp nhận lời xin lỗi.

  • Hãy để họ buồn khi cần thiết.

  • Nhờ họ giúp đỡ.

  • Hãy để họ giúp mình.

  • Hợp tác trong các dự án.

  • Ăn mừng thành công của nhau.

  • Thể hiện cảm xúc.


Khi các cặp đôi hướng tới một mục đích chung, họ đang xây dựng một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đồng hành lâu bền và thấu hiểu. Ý thức về mục đích chung giúp các cặp vợ chồng vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống, đồng thời mang lại cảm giác an tâm khi biết rằng cuộc hôn nhân này có định hướng rõ ràng và mục tiêu ý nghĩa.

​Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh có hai trung tâm về trị liệu hôn nhân ứng dụng mô hình và liệu pháp của Giáo sư John Gottman mà bạn có thể cân nhắc nếu muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn.

  1. Trung tâm Tâm lý Việt An của Tiến sỹ Trị liệu Hôn nhân và Gia đình Hoàng Minh Tố Nga. Cô đã được đào tạo bài bản về phương pháp này tại đại học Minnesota (Mỹ) cùng với Giáo sư Gottman và hiện đang là Trưởng khoa Tâm lý học của Đại học Fulbright Việt Nam.

  2. Trung tâm Search Inside Yourself Viet Nam của chuyên gia Trần Thị Mỹ Yến - người đã có nhiều năm trong việc tư vấn hôn nhân cho các cặp đôi và cũng đang ứng dụng phương pháp của Giáo sư Gottman.





1 Comment


Guest
May 11, 2023

Có những người không đủ nhận thức và có tính bảo thủ thì thua

Like
bottom of page