top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

8 dấu hiệu của người có EQ thấp

Những người sở hữu trí tuệ cảm xúc cao thường biết cách đối nhân xử thế, thấu hiểu câu chuyện của người khác và nhận thức tốt về bản thân mình. Họ thành công hơn trong cuộc sống nhờ những kỹ năng xã hội xuất sắc. Vậy những người có EQ thấp thì sao? Dấu hiệu để nhận diện kiểu người này là gì?


Ảnh: Orkun Azap
Trí tuệ cảm xúc thấp là việc ai đó không có khả năng nhận thức chính xác cảm xúc của mình và mọi người, từ đó không thể suy nghĩ và hành động một cách thấu đáo.

EQ thấp mang lại những tác động tiêu cực đến các mối quan hệ, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người (1). Hiểu tường tận và học cách trau dồi trí thông minh cảm xúc là điều quan trọng để duy trì hạnh phúc và đạt thành công trong cuộc sống hàng ngày.


Dưới đây là 8 dấu hiệu nhận diện những người không có trí tuệ cảm xúc cao để độc giả tham khảo.


1. Luôn phải đúng


Người có EQ thấp thường cố gắng tranh luận để chứng minh quan điểm của mình là đúng. Điều này thể hiện qua việc họ không chịu lắng nghe những gì người khác nói, ngay cả khi bạn cung cấp bằng chứng là họ sai, họ vẫn sẽ lập luận đến khi chứng minh bạn mới là người không đúng.


2. Không nhận biết được cảm xúc người khác


Đây là điểm dễ nhận diện ở người có EQ thấp. Họ dường như không để ý, không hiểu cảm xúc của người khác và tỏ thái độ ngạc nhiên khi đồng nghiệp tức giận hoặc không thích mình. Kiểu người này thường không nhạy cảm về mặt cảm xúc, thậm chí họ sẽ cảm thấy khó chịu nếu bạn trông đợi họ hiểu được cảm giác của bạn.


3. Có khuynh hướng cư xử vô cảm


Phần lớn những người có trí thông minh cảm xúc thấp thường không biết nên nói điều gì và nói vào thời điểm nào là phù hợp. Ví dụ, họ có thể nói đùa hay hành động thiếu suy nghĩ trong một sự kiện buồn, mang tính trang trọng. Nếu bạn phản ứng lại, họ sẽ hành động như thể bạn đang làm lớn chuyện hoặc nhạy cảm quá mức. Điều này xảy ra là vì họ thường gặp khó khăn trong việc hiểu và đồng cảm với cảm xúc của mọi người.


Ảnh: Jem Sahagun

4. Đổ lỗi cho người khác


Chính vì ít hiểu biết về cảm xúc, những người này thường không biết cảm xúc của họ có khả năng dẫn đến các vấn đề gì và không thể tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Khi xảy ra sự cố, phản ứng đầu tiên của họ là tìm ai hoặc thứ gì đó để đổ lỗi. Chẳng hạn như, nếu đọc được tin nhắn trong điện thoại bạn, họ sẽ giải thích rằng đó là vì bạn không chịu cài mật khẩu.


5. Kỹ năng đối phó kém


Không có khả năng đối phó với các tình huống nhiều cảm xúc có thể là một dấu hiệu của EQ thấp. Những cá nhân này hay tránh xa các tình huống phức tạp về mặt cảm xúc để tránh đối mặt với sự suy sụp và thường có xu hướng che giấu cảm xúc thật của họ.


6. Bộc phát cảm xúc đột ngột


Khả năng điều tiết và quản lý cảm xúc là các yếu tố quan trọng trong trí thông minh cảm xúc. Những người có EQ thấp thường phải đấu tranh để kiểm soát cảm xúc của họ. Họ có thể phản ứng dữ dội và đột ngột mà không hiểu mình đang cảm thấy ra sao, điều gì dẫn đến hành động này hay tại sao họ lại khó chịu đến thế.


7. Gặp rắc rối với các mối quan hệ


Kiểu người này thường ít tạo dựng được mối quan hệ thân thiết, vì tình bạn thân đòi hỏi sự chia sẻ cảm xúc, cho và nhận, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và hỗ trợ tinh thần lẫn nhau, những đặc điểm mà người có EQ thấp hay thiếu.


8. Chuyển hướng trò chuyện về phía mình


Người không thông minh về mặt cảm xúc có xu hướng thống trị cuộc trò chuyện. Dù họ có đặt câu hỏi và tỏ ra chăm chú lắng nghe, họ vẫn sẽ tìm cách chuyển hướng câu chuyện về phía mình. Đồng thời, những người này sẽ chứng minh họ đã trải qua những điều tốt hơn hoặc tồi tệ hơn những gì bạn đang trải qua. Có thể là do họ thiếu kỹ năng xã hội và sự đồng cảm để duy trì một cuộc trò chuyện thích hợp.


Ảnh: Kelly Sikkema

Các cá nhân có EQ thấp thường không thực sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Hạnh phúc có liên quan mật thiết đến sức khỏe, như việc tăng tuổi thọ và tăng sự hài lòng trong đời sống gia đình (2). Ngược lại, cảm thấy bất hạnh có thể dẫn đến sự suy giảm về sức khỏe. Ví dụ, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm hoặc cô đơn là các yếu tố tác động làm giảm khả năng miễn dịch, tăng chứng viêm và giảm tuổi thọ của con người (3).


May mắn là trí tuệ cảm xúc có thể học và rèn luyện, đặc biệt là từ độ tuổi còn trẻ. Xây dựng EQ và nuôi dưỡng tinh thần mỗi ngày là việc làm cần thiết để có cuộc sống lành mạnh. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại đây để hiểu hơn về trí tuệ cảm xúc cũng như các phương pháp khoa học để củng cố EQ.

Comments


bottom of page