top of page
Tìm kiếm

Trí tuệ cảm xúc (EQ) cao: Chìa khóa duy trì các mối quan hệ lành mạnh và lan tỏa sự tử tế

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là yếu tố cần thiết để mỗi người tự làm chủ bản thân, quản lý cảm xúc của mình, từ đó có sự bình tĩnh, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Vậy những người có chỉ số EQ cao thường có thói quen và hành động ra sao? Bằng cách nào để nhận biết chỉ số EQ?


Từ hàng ngàn năm trước, nhà triết học Aristole đã mô tả ý nghĩa của việc thông minh về mặt cảm xúc trước khi thuật ngữ này trở nên phổ biến. Ông cho rằng: "Ai cũng có thể tức giận - điều đó thật dễ dàng. Nhưng nổi giận với đúng người, đúng mức độ, đúng lúc, đúng mục đích và đúng cách lại không dễ chút nào" (1). Câu nói này đã tóm tắt ý nghĩa cốt lõi của trí tuệ cảm xúc - một khái niệm đang ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý và kinh doanh.


Những người thông minh về mặt cảm xúc có một số thói quen, đặc điểm và hành vi nhất định để củng cố khả năng quản lý cảm xúc của chính mình và hiểu được cảm xúc của người khác. Dưới đây là những nét đặc trưng nổi bật của người có chỉ số EQ cao.


Dừng lại trước khi phản ứng


Ảnh: Nick Fewings

Một sự chú ý, tập trung ổn định và tỉnh táo có thể đem lại cho chúng ta sự bình tĩnh và sáng suốt, đây chính là nền tảng để xây dựng trí thông minh cảm xúc. Khi trải qua một kích thích cảm xúc mạnh, thay vì phản ứng ngay lập tức như thường lệ, bạn tạm dừng trong một khoảnh khắc để quan sát lại bên trong mình, và khoảnh khắc này cho bạn cơ hội để phản ứng đúng mực.


Viktor Frankl, tác giả quyển sách "Đi tìm lẽ sống" đã chỉ ra: "Giữa sự kích thích và phản ứng có một khoảng cách. Thứ nằm trong khoảng cách đó là sức mạnh và sự tự do của chúng ta trong việc lựa chọn phản ứng của mình. Thứ nằm trong phản ứng chính là sự phát triển và hạnh phúc của chúng ta".

Những người có EQ cao hiểu rằng cảm xúc có thể mạnh mẽ, nhưng cũng chỉ tạm thời. Khi một sự kiện xúc động mạnh diễn ra, chẳng hạn như bị ai đó khiêu khích, biểu hiện của người có EQ cao sẽ là lắng mình lại trước khi phản ứng. Điều này làm dịu đi sự khó chịu và tạo điều kiện để chúng ta suy nghĩ một cách lý trí hơn về các yếu tố xung quanh cuộc tranh luận, ngăn chặn kịp thời những lời nói và hành động gây tổn thương không cần thiết.


Theo dõi cảm xúc qua từng thời điểm


Daniel Goleman - Nhà tâm lý học và tác giả cuốn sách "Trí tuệ cảm xúc" - xác định rằng nhận thức về bản thân là một trong những thành phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc (2). Khả năng nhận biết, theo dõi cảm xúc, tâm trạng và cảm giác của bạn là một yêu cầu cơ bản đối với EQ.


Những người thành thạo trong việc tự nhận thức có thể nhìn nhận bản thân một cách khách quan. Ví dụ như, họ có khả năng quan sát ý nghĩ và cảm xúc của mình từ góc nhìn của người thứ ba, không bị cuốn theo cảm xúc, không bị đồng hóa với cảm xúc mà chỉ nhìn nó một cách rõ ràng và khách quan. Điều đó đòi hỏi ở tâm trí sự chú ý ổn định, sáng suốt và không phán xét.


Chúng ta thường cho rằng dừng lại và quan sát tâm trí của mình sẽ khiến bản thân chìm trong sợ hãi hay cảm xúc tiêu cực. Nhưng mỗi người đều có thể thực hành quan sát cảm xúc mà không bị cuốn theo nó, qua việc theo dõi hơi thở, cảm xúc, suy nghĩ và cảm giác xuất hiện trong tâm trí và cơ thể mình ở từng khoảnh khắc, hay còn gọi là sự thực tập chánh niệm.


Ảnh: Le Vu
Trí tuệ cảm xúc đòi hỏi sự giao tiếp hiệu quả giữa phần lý trí, logic của não - vùng vỏ não trước trán, và phần cảm xúc của não - tập trung ở hạch hạnh nhân trong hệ limbic (phần não có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người). Chánh niệm là cầu nối giữa hai khu vực này và việc thực hành thường xuyên sẽ giúp xây dựng những đường dẫn truyền thần kinh (neural pathway) phát triển mạnh hơn theo thời gian, từ đó cải thiện trí thông minh cảm xúc (3).

Chánh niệm giúp chúng ta chịu đựng tốt hơn những cảm xúc tiêu cực, để ta không bị chìm đắm khi hiện diện và quan sát chúng. Thực tập theo thời gian, bạn sẽ có nhận thức rõ hơn về bản thân, tạo khoảng cách với các tình huống kích thích phản ứng mạnh, lùi lại quan sát tâm trí và không để cảm xúc kiểm soát chính mình. Trí thông minh cảm xúc sẽ được nuôi dưỡng dần dần cùng với khả năng tự nhận thức và quản lý cảm xúc này.


Chia sẻ cảm xúc một cách hợp lý


Đôi khi chúng ta đồng cảm và hiểu được cảm xúc của người khác, nhưng lại khó chia sẻ những cảm xúc này. Những người thông minh về mặt cảm xúc thì khác, họ không chỉ nhận thức được cảm xúc của bản thân mà còn biết biểu đạt chúng một cách hợp lý (4).


Giả sử như bạn vừa trải qua một ngày tồi tệ và đang cảm thấy mệt mỏi. Một phản ứng cảm xúc phù hợp của người có EQ cao sẽ là chia sẻ, thảo luận về sự thất vọng với người thân, hoặc giải tỏa căng thẳng bằng việc chạy bộ và suy nghiệm để ngày hôm sau tốt hơn. Nếu chúng ta phản ứng bằng cách trở về nhà và cãi nhau với một ai đó hoặc gửi tin nhắn tỏ thái độ khó chịu với sếp của mình, đó có thể là biểu hiện của một người không có mức độ EQ cao.


Ảnh: Unsplash

Khi thất vọng hay tức giận với điều gì, hãy đánh giá cảm xúc của mình và phân tích điều thực sự làm bạn khó chịu. Liệu bạn có tức giận vì lời nói của người này không hay sự giận dữ xuất phát từ áp lực tiềm ẩn và dồn dập từ công việc hàng ngày? Trí thông minh cảm xúc đòi hỏi chúng ta khả năng nhìn vào tình huống và xác định chính xác nguồn gốc thực sự của cảm xúc (2).


Đây có vẻ là một việc dễ dàng, nhưng thực tế đời sống cảm xúc của chúng ta có thể vừa phức tạp vừa lộn xộn. Việc xác định chính xác nguồn gốc sẽ đặc biệt khó khăn nếu bạn đang đối mặt với những cảm xúc mạnh mẽ mà không biết cách xử lý.

Hòa hợp với cảm xúc của chính mình cũng như của người khác, từ đó biết cách chia sẻ cảm xúc phù hợp, đối xử với mọi người một cách tử tế và hiệu quả là những đặc trưng về mặt kỹ năng xã hội của những người có trí tuệ cảm xúc cao. Dù khó rèn luyện, nhưng điều này sẽ giúp bạn duy trì các mối quan hệ lành mạnh và lan tỏa sự tích cực đến những người xung quanh.


Cách kiểm tra chỉ số cảm xúc EQ


Ảnh: Pexels Yan Krukov

Có nhiều cách đánh giá để kiểm tra các mức độ trí tuệ cảm xúc khác nhau, thường rơi vào một trong hai loại: bài kiểm tra tự đánh giá hoặc bài kiểm tra khả năng.


Bài kiểm tra tự đánh giá (self-report test) phổ biến nhất vì chúng dễ thực hiện. Người tham gia chỉ cần trả lời các câu hỏi bằng cách đánh giá hành vi của chính họ. Ví dụ, đối với tuyên bố “Tôi thường cảm thấy mình hiểu được người khác”, người tham gia có thể mô tả câu trả lời từ không đồng ý, hơi không đồng ý, đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý.


Bài kiểm tra khả năng (ability test) sẽ xem xét cách phản ứng của mỗi người với các tình huống, sau đó đánh giá kỹ năng của họ. Những bài kiểm tra loại này thường yêu cầu người tham gia chứng minh khả năng của mình để một bên thứ ba nhận xét và kết luận.


Nếu quyết định tìm hiểu về EQ và tò mò chỉ số của mình ở mức nào, bạn có thể tự làm bài kiểm tra qua các nguồn trực tuyến miễn phí như Very Well Mind hoặc IHHP để có một cái nhìn tổng thể về trí thông minh cảm xúc của bạn.

Comments


bottom of page