top of page
Tìm kiếm
Tâm Bùi

8 thói quen nhỏ mang đến thay đổi lớn

Số phận của mỗi người được quyết định từ những thói quen. Thế nên, một trong những điều cần thiết để hoàn thiện và phát triển bản thân chính là nhìn nhận một cách nghiêm túc những thói quen nào giúp ta vượt lên chính mình, còn thói xấu nào đẩy ta vào đường cùng. Từ đó, mỗi người có thể bắt đầu loại bỏ những thói quen không cần thiết và hình thành những tập tính mới lành mạnh hơn.



Sau đây là 8 thói quen tuy nhỏ nhưng sẽ giúp cuộc đời bạn bước sang một chương mới tích cực hơn:


1. Không nói gì hoặc không quyết định khi đang có nhiều cảm xúc


Đây là câu mà thiền sư Thích Nhất Hạnh thường nói trong các buổi pháp thoại chia sẻ với đại chúng. Khi có tâm trạng nóng giận, chúng ta thường nói những lời rất thô lỗ, dẫu biết là không nên nhưng cơn giận cứ thúc ép mình không dừng lại được. Lúc giận mà nói hoặc làm gì cũng đều chỉ mang lại kết quả đổ bể, tan nát. Mà không chỉ lúc giận đâu, vui quá cũng không nên nói gì có tính chất hứa hẹn, quyết định. Khi cao hứng, ta hay hứa hẹn trời biển, tới lúc bình tĩnh lại thì mới phát hiện ra là mình đã quá trớn lỡ lời.


Im lặng cũng là một loại sức mạnh của ngôn từ. Nếu biết sử dụng nó, im lặng chính là vàng.

Lúc đang có nhiều cảm xúc mạnh mẽ, tốt hơn hết là không làm gì cả. Đợi khi mọi thứ lắng xuống, ta mới thấy được chân tướng sự việc và đưa ra quyết định khách quan nhất.


2. Tập dừng lại


Hãy tải về điện thoại ứng dụng Plum Village. Sau đó, vào mục Bell of Mindfulness, chọn tiếng chuông mà bạn thích, cài đặt chế độ rung chuông 30 phút hoặc 60 phút một lần tùy theo mỗi người.


Cách thực hành "Bài tập Dừng lại" như sau: Mỗi lần điện thoại rung chuông, dù ta có đang làm bất kỳ việc gì thì cũng sẽ dừng hành động đó lại. Ví dụ như đang đọc sách thì tạm dừng lại, trong đầu có suy nghĩ gì cũng ngừng suy nghĩ đó lại. Nhắm mắt, nghe trọn một tiếng chuông rồi sau đó mới tiếp tục công việc/suy nghĩ dang dở.


Việc này cực kỳ có ích cho những ai thường xuyên ngồi làm việc nhiều hoặc nhìn màn hình máy tính nhiều. Tiếng chuông nhắc nhở chúng ta rời màn hình để cho mắt được nghỉ ngơi, hoặc đứng dậy khỏi ghế để đi lại thư giãn cơ thể.


Không chỉ có lợi cho sức khoẻ, khi thực tập lâu, ta sẽ có khả năng dừng lại trước bất cứ sự kiện hay cảm xúc nào ập đến để không phải nói ra những lời "giận quá mất khôn" hoặc quyết định xốc nổi. Khi "bão tố" qua đi, trời quang mây tạnh, đầu óc sáng suốt nhất, lúc đó ta quyết định thì mọi thứ sẽ chính xác hơn. Lúc này, ta ở trong trạng thái không còn bị cảm xúc dẫn dắt nữa.



3. Luôn tìm ra mặt tích cực của mọi vấn đề


Bất cứ sự vật, hiện tượng, con người nào cũng có rất nhiều mặt. Nếu thấy chưa ổn, hãy tìm cách thay đổi góc nhìn. Ví dụ như mùa giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19 trước đây, thay vì cảm thấy bí bách vì phải ở suốt trong nhà, nhiều bạn đã tận dụng khoảng thời gian này để làm rất nhiều việc mà ngày thường không làm được như học nấu ăn, học chơi đàn, dọn dẹp nhà cửa, duy trì liên tục chế độ dinh dưỡng thải độc (detox) tại gia…


4. Học cách khen ngợi


Lời khen đúng lúc, đúng chỗ luôn làm người khác cảm thấy vui vẻ, yêu đời, mang tính động viên rất lớn. Nhưng đừng khen một cái gì không có thật vì nó sẽ làm mình trở thành kẻ đãi bôi, nịnh hót. Khi gặp một người, chắc chắn bạn sẽ tìm được nhiều điểm hay ho hoặc đặc biệt của họ.


Luôn hạn chế những câu chào hỏi xã giao như "Ủa, sao dạo này mập quá?" khi biết người ấy luôn sợ lên cân, hoặc “Ủa, da mặt trông có vẻ bị mụn/đen/sần đi, đúng không?" khi biết người ấy luôn mặc cảm về làn da của họ. Đừng nghĩ đó là sự quan tâm, mà đó là sự vô ý làm tổn thương kẻ khác.



5. Chụp hình lại mỗi bữa ăn


Sức khỏe con người phụ thuộc rất lớn từ nguồn thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Ta có khoẻ, sáng suốt, nhẹ nhàng, thông thái hay ủ rũ, nặng nề, tối tăm là do cách ta chọn thức ăn và cách ta ăn. Chọn thoả mãn vị giác để gánh chịu hậu quả hay chọn sống khoẻ mạnh, tất cả đều nằm ở sự tỉnh táo và ý chí của bạn.


Thói quen chụp hình lại bữa ăn mỗi ngày có thể trở thành một cách quản lý bữa ăn rất hay. Khi xem lại hình cũ, chúng ta có thể phát hiện ra một vài sự mất cân bằng trong khẩu phần ăn và điều chỉnh lại ngay (nếu như không có hình ảnh thì chúng ta dễ quên mất mình đã ăn uống sa đà trong các buổi tiệc tùng, lễ hội như thế nào). Việc chụp hình bữa ăn chỉ mất khoảng 3 giây, cực kỳ nhanh gọn thay vì ghi chép vào nhật ký mỗi ngày. Cách này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và phù hợp cho những ai bận rộn hoặc đơn giản là... lười.


6. Có một tấm bảng tầm nhìn (vision/attraction board)


Bảng tầm nhìn là một tấm bảng đính ghim hoặc dán giấy, trang trí tùy thích, kích thước lớn nhỏ tùy ý và tùy vào không gian sống của mỗi người. Hãy đặt nó ở bàn làm việc hoặc nơi nào đó trong nhà mà bạn dễ nhìn thấy nhất. Sau đó, in ra nhiều bức ảnh đại diện cho những mục tiêu, kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn và ghim/dán hết lên tấm bảng này.


Ví dụ: Chúng ta có mục tiêu ngắn hạn là sẽ đi du lịch đến một nơi nào đó, hoặc mua xe, xây nhà theo phong cách thiết kế mình yêu thích… Hãy cụ thể hóa tất cả mục tiêu ấy bằng các hình ảnh tương ứng, in chúng ra và dán lên bảng. Mỗi ngày khi mở mắt dậy, chúng ta nhìn thấy các hình ảnh trực quan sinh động này tác động lên thị giác, từ đó có thêm động lực, cảm xúc tích cực để sống và cố gắng làm việc, chạm đến ước mơ. LeLa Journal đã có loạt bài viết về cách thiết kế bảng tầm nhìn về tài chính, sự nghiệp, các mối quan hệ... bạn có thể đọc thêm tại đây.


(Ảnh: CottonBro Studio)

7. Có sổ ghi chép


Thật ra, mỗi người nên có hai cuốn sổ ghi ghép. Một cuốn dùng để ghi chép những dự định, kế hoạch mỗi ngày. Trước khi ngủ, chúng ta có thể ghi ra các việc cần làm cho ngày hôm sau. Cuốn sổ này cũng ghi lại những ý tưởng bất chợt lóe lên trong đầu. Vì nếu không ghi lại, chúng dễ bị trôi vào quên lãng, đến khi cần thì không chắc có nhớ lại được không.


Cuốn sổ thứ hai chỉ dùng để ghi chép lịch trình thiền/yoga/tập luyện thể thao và nhật ký theo dõi sức khoẻ. Chúng ta có thể ghi lại hết những trải nghiệm của mình như khi vừa bắt đầu thực hành thiền ra sao, những bài tập gym/boxing/cardio rèn luyện sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, kể cả những bài pháp thoại đã nghe và cảm nhận về nó... Một thời gian sau khi đọc lại, chúng ta càng nhìn thấy rõ được những bước trưởng thành trong sự thực tập, rèn luyện, hàm dưỡng tinh thần và sức khỏe mỗi ngày của bản thân mà không bỏ sót phần nào.


Nhật ký theo dõi sức khoẻ cũng giúp chúng ta ghi lại chỉ số cân nặng, các thói quen xấu trong mỗi giai đoạn bệnh vặt (như đau cổ, vai, gáy hoặc cảm cúm) để theo dõi. Sau khi khỏi bệnh, mỗi người có thể nhìn ra được chu kỳ lặp lại của các căn bệnh, nguyên nhân gây bệnh, cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt để không bị tái phát.


8. Thói quen chia sẻ


Càng cho đi thì sẽ càng nhận được nhiều, đó chính là nền tảng căn bản của "Luật hấp dẫn" và của sự kết nối trong thế giới phẳng ngày nay. Nếu hiểu được rằng thế giới này là một, chúng ta đều là một ("Oneness" hay còn gọi là "vũ trụ đồng nhất thể") thì ta sẽ không còn tư duy phân biệt, khư khư giữ riêng cho mình nữa. Càng chia sẻ, ta càng nhận được nhiều hơn trên cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Comments


bottom of page