Bạn có biết, ngủ trưa - một thói quen được xem là tự nhiên ở châu Á, thực chất lại là vấn đề gây tranh cãi ở các nước phương Tây (1). Chỉ có khoảng ⅓ người Mỹ và Canada ngủ trưa (2), (3). Càng hoà nhập vào lối sống công sở bận rộn của các quốc gia phương Tây, thế hệ trẻ Việt Nam càng dễ bỏ qua giấc ngủ "truyền thống" này và vô tình làm giảm sút hiệu quả công việc.
Nhịp sống hối hả và bận rộn đã vô tình biến việc ngủ trưa trở thành biểu hiện cho sự lười biếng và kém năng suất. Đây là một niềm tin sai lầm, bởi chính giấc ngủ trưa ngắn ngủi lại chính là "pin sạc" hữu hiệu cho khả năng nhận thức và chất lượng công việc, thậm chí có sức mạnh ngang bằng với một giấc ngủ đêm (4).
Một thói quen "nhỏ mà có võ"
Chắc chắn ai cũng đã từng một lần ngáp ngắn ngáp dài khi ngồi vào bàn mỗi đầu giờ chiều, sau một buổi sáng miệt mài với công việc. Hiển nhiên, không ai có thể làm việc hay học tập hiệu quả trong trạng thái buồn ngủ và mệt mỏi, vì vậy chúng ta vội tìm đến cốc cà phê hay thanh ngũ cốc. Thế nhưng đó chỉ là giải pháp tức thời, còn thứ bạn thật sự cần là một giấc ngủ trưa.
Giấc ngủ trưa có tác động tích cực với tất cả các nhóm tuổi. Một nghiên cứu trên hơn 300 thanh thiếu niên ở Trung Quốc năm 2019 cho biết những người thường xuyên ngủ trưa thường có phản ứng nhạy bén, duy trì sự chú ý và đạt mức độ chính xác cao trong bài kiểm tra (5). Trong khi đó, những người cao tuổi ngủ trưa lại sở hữu khả năng định hướng, ngôn ngữ và trí nhớ tốt hơn đáng kể so với những người không có thói quen này (6).
Nhìn chung, giấc ngủ trưa mang lại những lợi ích cho các khả năng nhận thức, giúp cải thiện trí nhớ, sự tỉnh táo và cả óc sáng tạo (7).
Củng cố trí nhớ
Trong một nghiên cứu kéo dài 7 năm ở các đối tượng trung niên, những người ngủ trưa có tỷ lệ suy giảm trí nhớ thấp hơn (8). Thật thần kỳ khi bạn chỉ cần chợp mắt và giấc ngủ trưa sẽ giúp bạn thúc đẩy phần còn lại trong quá trình ghi nhớ dài hạn.
Những người học nhồi nhét có xu hướng nhanh chóng quên bài, trong khi những người lựa chọn gấp vở ngủ trưa lại nhớ rất tốt những điều mình đã đọc qua (9). Ảnh hưởng này cũng được chứng minh về sinh học, khi kết quả MRI não bộ cho thấy trí nhớ của những người ngủ trưa tốt hơn nhiều so với những người cố gắng tỉnh táo cả ngày (10).
Tăng sức chú ý và sự tỉnh táo
Trong một bài kiểm tra ở các vận động viên karate cấp quốc gia, kết quả cho thấy những người ngủ trưa 30 phút có mức độ tỉnh táo, khả năng nhận thức và kết quả vận động khả quan hơn. Giấc ngủ trưa cũng giúp họ phục hồi sự tỉnh táo và giảm cảm giác mệt mỏi sau một đêm thiếu ngủ (11). Đồng thời, những người ngủ trưa thường có khả năng chú ý tốt hơn (12).
Những người lựa chọn "từ bỏ" giấc ngủ trưa lại không có hiệu suất làm việc cao bằng "hội chợp mắt" (13). Một nghiên cứu của NASA trên những phi công bay đường dài cho thấy rằng, một giấc ngủ ngắn khoảng 40 phút giúp cải thiện rõ rệt hiệu suất công việc và mức độ tỉnh táo (14).
Ngủ trưa đúng cách
Giấc ngủ trưa thường chỉ có hiệu quả từ mốc 10 phút trở lên. Khoảng thời gian chợp mắt này sẽ ngay lập tức giảm cơn buồn ngủ, cảm giác mệt mỏi của bạn và duy trì trạng thái này đến hơn 2 tiếng sau (15). Trong khi đó, những giấc ngủ trưa trên 20 phút tuy có thể khiến chúng ta hơi "lờ đờ" khi thức giấc, song lại mang đến những lợi ích dài hạn cho trí nhớ. Giấc ngủ càng dài thì sự tỉnh táo càng được duy trì lâu hơn (16).
Để ngủ trưa ngon hơn, bạn cũng có thể:
Nằm trên nệm hoặc chiếu
Sử dụng nút tai chống ồn hoặc bịt mắt ngủ
Đặt báo thức để thiết lập thói quen hàng ngày và tránh ngủ nhiều để bị quán tính giấc ngủ (17).
Thời gian thích hợp nhất để ngủ trong ngày là vào đầu giờ chiều (khoảng trước 1 giờ) (18). Những người ngủ trưa càng thường xuyên thì hiệu quả từ giấc ngủ càng rõ rệt và bền bỉ hơn.
Comments