top of page
Tìm kiếm

Ảo tưởng về tính vĩ đại: Bẫy nhận thức của sự tự tin thái quá

Nghiên cứu khoa học cho thấy, hóa ra sự tự tin cũng có thể lây lan trong một cộng đồng, hội nhóm, tổ chức... Tự tin vừa đủ là bước đệm để con người trở nên tốt hơn mỗi ngày, nhưng tự tin quá mức (overconfidence) sẽ dẫn chúng ta đến điều gì? Làm sao để tránh bẫy nhận thức này trước khi bạn bị nó điều khiển?



Sự lan truyền của tự tin quá mức


Tự tin thái quá được xem như một khuynh hướng tâm lý, khi đó sự tự tin vào những đánh giá, kiến thức của một người cao hơn độ chính xác thực tế của những quan điểm đó. Hay nói cách khác, đó là việc phóng đại khả năng và kiến thức của bản thân, cực kỳ tin tưởng rằng niềm tin/ý kiến của bạn là chính xác, và bạn là người vượt trội hơn đáng kể so với những người khác (1).


Khi nhắc đến các yếu tố làm nên một người lãnh đạo giỏi, tự tin là đặc điểm không thể thiếu. Nhưng quá nhiều sự tự tin sẽ trở thành thảm họa, đưa chúng ta đến những đánh giá sai lầm, những kỳ vọng không thực tế và những quyết định nguy hiểm.

Một số nghiên cứu phát hiện, các nhà lãnh đạo quá tự tin có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của tổ chức, ví dụ như giới thiệu các sản phẩm khó thành công, mang tính rủi ro cao ra thị trường hoặc đưa các quyết định sai lầm về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (2), (3).


Nhà tâm lý học và kinh tế học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman, một trong những nhà lãnh đạo có tư tưởng hàng đầu trong việc ra quyết định, cho rằng tự tin quá mức là thiên kiến nhận thức (cognitive bias) quan trọng nhất mà nếu sở hữu một "cây đũa thần", ông sẽ tìm cách loại bỏ nó.


"Xã hội vốn đã tưởng thưởng cho sự tự tin thái quá. Chúng ta muốn các nhà lãnh đạo phải thật tự tin. Nếu họ nói lên sự thật về những điều không chắc chắn, chúng ta từ bỏ họ để ủng hộ các nhà lãnh đạo khác - những người với vẻ ngoài tạo ấn tượng rằng họ biết mình đang làm gì" - Daniel Kahneman (4).


Đặc biệt, tự tin thái quá còn có thể lây lan trong tổ chức và tạo nên văn hóa kiêu ngạo (a culture of arrogance), khi các nhân viên cảm thấy họ là một phần của nhóm ưu tú và tin rằng họ thông minh hơn những người khác. Một phân tích của các nhà nghiên cứu Joey T. Cheng, Elizabeth R. Tenney, Don A. Moore, Jennifer M. Logg trên Havard Business Review cho thấy, những nền văn hóa riêng biệt và các giá trị chuẩn mực của công ty không chỉ hình thành nhờ hệ thống khen thưởng (reward systems) và lựa chọn nhân sự (personnel selection) mà còn qua môi trường xã hội (social environment) của công ty đó, tương tự với câu hỏi "Có những ai đang làm việc xung quanh bạn?" (5).


Chính vì con người là sinh vật xã hội, chúng ta thường học hỏi từ những người khác, từ sở thích ăn uống, ngôn ngữ, tôn giáo đến các giá trị đạo đức. "Khi chúng ta bước vào một môi trường nơi sự tự tin thái quá tràn lan, chúng ta cũng có thể mang tư duy như vậy" - các nhà nghiên cứu viết (3).


Điều này được gọi là "sự lan truyền của tự tin quá mức" (the transmission of overconfidence) - một văn hóa có khả năng thấm nhuần từ nhóm người này sang nhóm người khác và lan tỏa qua các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống từng cá nhân (6).

Nguyên nhân của sự tự tin này, theo nhà tâm lý học Maria Konnikova, đó là vì "con người không thích tồn tại trong trạng thái không chắc chắn và mơ hồ" (7). Những người tự tin thường tỏa ra bầu không khí an toàn và chắc chắn, thứ thường được xem như năng lực và có thể tạo ảnh hưởng lên người khác. Bên cạnh đó, sự tự tin cũng đem lại phần thưởng cho não.


Pascal Molenberghs, Phó Giáo sư tại Viện Khoa học Thần kinh Xã hội ở Melbourne nhận định: "Mọi người càng tự tin về hiệu suất của mình, khả năng kích hoạt ở các vùng não liên quan đến quá trình xử lý phần thưởng càng cao. Tuy nhiên, quá tự tin lại dẫn đến năng lực siêu nhận thức thấp hơn (metacognition, khả năng nhận thức và kiểm soát suy nghĩ, niềm tin, quá trình tư duy bên trong của một người) - từ đó làm suy yếu quá trình ra quyết định" (8).

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu trên Havard Business Review, các nhà lãnh đạo và nhân viên quá tự tin thường khiến công ty gặp khó khăn, họ có thể đưa ra những quyết định mang tính rủi ro ngày càng tăng dưới sự ảo tưởng về tính vĩ đại (9).



Càng thành công, chúng ta càng tin rằng mình đúng


Không ai muốn bị gắn mác "tự cao tự đại" và đôi khi vô tình chúng ta sẽ thể hiện sự tự tin quá mức mà không nhận thức được. Việc thận trọng không những giúp chúng ta phân tích, đưa quyết định tốt hơn mà còn tạo nên một văn hóa hòa đồng, khiêm tốn giữa những người cùng làm việc chung.


Theo Nuala Walsh, nhà khoa học hành vi và thành viên Hội đồng Kinh doanh Forbes, chúng ta nên giữ một thái độ cởi mở và khiêm tốn. "Dường như càng thành công, chúng ta càng dễ dàng nghĩ rằng mình đúng, từ đó đánh giá quá cao các mặt hàng, ý tưởng và sáng kiến mà chúng ta sở hữu" - Nuala Walsh nhận định (10). Những nhãn hiệu, tính từ mà chúng ta tự hoặc được gắn cho bản thân hoặc sản phẩm của công ty như "vượt bậc", "độc nhất", "thần tượng", "thiên tài"... cũng có thể củng cố cho sự ảo tưởng này.

Một trong những cách tốt nhất để tránh dành sự thiên vị cho bản thân là xem xét các quan điểm thay thế. Tuy nhiên, nghiên cứu nhận thấy các chuyên gia thường ít tham khảo thông tin thách thức niềm tin hoặc kiến thức chuyên môn của chính họ (11). Trong trường hợp này, chúng ta nên cởi mở để tìm kiếm bằng chứng mâu thuẫn với niềm tin của chính mình, chẳng hạn như khuyến khích người khác chia sẻ quan điểm và sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, kể cả khi chúng khác biệt.


Những người có tinh thần khiêm tốn thường sẵn sàng chấp nhận sai lầm, cân nhắc các quan điểm khác và thay đổi suy nghĩ của họ nếu phù hợp, thay vì cứng nhắc bám vào các ý tưởng cũ.



Sự tự tin thái quá đôi khi được nhắc kèm với hiệu ứng Dunning-Kruger để chỉ việc những người kém năng lực thường tự tin vào bản thân nhất, trong khi những người có kỹ năng thực sự thường bị nghi ngờ về khả năng của họ. Giáo sư tâm lý học David Dunning, người khám phá ra lý thuyết này cho rằng, chậm lại cũng là cách để tránh bị tự tin thái quá.


"Trừ trường hợp bạn là chuyên gia tầm cỡ thế giới (và rất ít trong số chúng ta là như vậy), các quyết định nhanh chóng thường mang tính thiên vị nhiều hơn. Chúng ta nên cảnh giác với những quyết định nhanh và bốc đồng. Những người ít mắc lỗi thường hay cân nhắc về vấn đề, trong khi những người vội vàng kết luận sẽ dễ mắc sai lầm nhất vì quá tự tin" - Dunning cho biết (12).

Chính vì vậy, sự tự tin của một người nên bắt nguồn từ việc nghi ngờ bản thân, học hỏi và cân nhắc. Dunning ví điều này như một "vị tướng trong ngày ra trận": Người đó cần phải thận trọng, lập kế hoạch kỹ lưỡng để có thêm nhiều quân, nhiều vũ khí và các phương án dự phòng tốt nhất cho ngày chiến đấu. Tương tự với các vận động viên thể thao, họ không sử dụng sự tự tin để trở nên tự mãn, mà nỗ lực hơn trong việc lập chiến lược luyện tập, thi đấu để tối đa hóa tiềm năng của mình.




Comentários


bottom of page