top of page
Tìm kiếm

Bác sĩ thú y Như Ý: Quan sát và "lắng nghe" động vật để chăm lo chữa trị đúng cách

Bác sĩ thú y chưa phải là nghề quá phổ biến ở Việt Nam, nhưng nhu cầu tuyển dụng cho vị trí này đang tăng lên. Bởi trong xã hội ngày một hiện đại, chúng ta thêm hiểu rằng chăm sóc y tế cho thú cưng là việc không thể thiếu để chúng có một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Một bác sĩ thú y giỏi, bên cạnh tình thương yêu sẵn có cho động vật, còn cần đến sự tận tâm, kiên nhẫn khi chăm một bé chó hay bé mèo, hồi hộp chờ ngày chúng khỏe lại, và đôi khi đánh đổi cả cuộc sống riêng để chuyên tâm điều trị bệnh.


LeLa Journal đã trò chuyện với chị Lê Thị Như Ý - bác sĩ của phòng khám Thú y Như Ý để tìm hiểu thêm về công việc hằng ngày của một bác sĩ thú y, cách chị chăm sóc sức khỏe cho thú cưng, đối mặt với những tình huống khó khăn khi các bé bị bệnh, cũng như một số lưu ý khác dành cho chủ nuôi để giúp các bạn chó mèo có cuộc sống tốt hơn.



Chăm sóc thú cưng: Không thể ngưng, dù chỉ một ngày


Bác sĩ Như Ý mở phòng khám khi vừa tốt nghiệp Đại học Cần Thơ khoảng 2 năm. Cho đến nay, phòng khám Thú y Như Ý đã hoạt động 11 năm với hai chi nhánh, với lượt khám mỗi ngày vào khoảng 50 - 60 bé thú cưng.


Một ngày điển hình của bác sĩ thú y bắt đầu với việc kiểm tra, sát trùng toàn bộ dụng cụ, đây là nhiệm vụ cần làm hằng ngày để tránh lây nhiễm chéo. Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám bệnh nhân cũ - những bé chó, mèo bị bệnh được chủ nhân gửi lại phòng khám vài ngày, để kiểm tra xem nhiệt độ cơ thể của các bé thế nào, ăn uống, đi vệ sinh ra sao và sau đó tiến hành truyền thuốc.


Thông thường, chủ nuôi đưa thú cưng đến khám và cùng ngồi chờ để chở con về. Tuy nhiên, đối với những bé bị bệnh nặng cần sự chăm sóc đặc biệt (mèo triệt sản hoặc nhiễm bệnh do virus), chủ nuôi sẽ gửi con lại để bác sĩ theo dõi trong vài ngày. Bên cạnh đó, bác sĩ thú y còn là người chịu trách nhiệm phẫu thuật cho các bạn, hầu như ngày nào phòng khám ở đây cũng có ca mổ.



"Chúng tôi tất bật từ sáng đến tối. Khoảng 90% thời gian trong ngày của mình là dành để điều trị cho tụi nhỏ. Lúc nào làm xong thì nghỉ một chút, ví dụ như giờ ăn trưa. Chúng tôi làm đến tối vì buổi tối khách hàng mới tan ca, có thời gian chở con đi khám ("con" là cách gọi thân mật mà chị dùng để gọi chó mèo)" - bác sĩ Như Ý cho biết.

Các bác sĩ tại đây thường thay ca với nhau để có ngày nghỉ trong tuần, riêng chị Như Ý là bác sĩ chính nên ngày nào cũng túc trực ở phòng khám. Suốt khoảng thời gian 11 năm, chị hiếm có ngày nghỉ nào cho riêng mình, một phần vì đặc điểm công việc là phải thường xuyên theo dõi sức khỏe các bé, không thể dừng lại giữa chừng.


"Đôi lúc tôi cũng nghĩ đến chuyện sắp xếp một kỳ nghỉ, nhưng chỉ nghĩ chứ chưa làm được. Vì đối với việc điều trị, mình cần thực hiện liên tục, sợ ngưng một ngày là bé mất hoặc bé không có khỏe lên, cho nên mình phải đi theo đến cùng" - bác sĩ Như Ý chia sẻ.


Đối mặt với ca khó cần sự tận tâm và kiên nhẫn


Làm bác sĩ thú y, tuy không quá phức tạp như điều trị cho con người, cũng có những tình huống căng thẳng không thể tránh khỏi vì công việc này dù sao vẫn liên quan đến tính mạng con vật. Có những ngày bận rộn vì đông khách, bác sĩ gặp nhiều căng thẳng khi phải tập trung chữa bệnh giữa môi trường ồn ào tiếng vật nuôi.


Gặp những ca khó như chữa trị cho mèo hoang (mèo chưa tiếp xúc với con người nên khá nhát và hung dữ), bác sĩ cần điều động 4, 5 người để cùng khám. Bạn phải khám mà không được chạm vào mèo, không thể hỏi mèo có ăn uống gì được không vì người ta mới cứu ngoài đường về.


Phòng khám Như Ý gặp nhiều ca như vậy, các bé bị bỏ ở ngoài thường bệnh khá nặng, có chỉ số sinh tồn thấp, hơi thở yếu và người ốm như sắp chết - đó là lúc bác sĩ thú y cần chăm làm sao để bé trở lại bình thường và được người nhận nuôi.


Áp lực đôi khi còn đến từ chủ nuôi, những người vì quá thương con nên đặc biệt cẩn thận với bất cứ thứ gì chạm vào người chúng, gây cản trở trong tiến trình điều trị. Ngoài ra, một số người không thích trả nhiều chi phí cho chó mèo. Bác sĩ Như Ý nhận thấy, từ trước đến nay người Việt Nam vẫn quen nuôi thú cưng theo kiểu tự nhiên, không cần thuốc hay vaccine. Bác sĩ phải thuyết phục làm sao để chủ nuôi, đặc biệt là những cô chú lớn tuổi, đưa chó mèo đi điều trị chứ không thể tự nhiên mà hết bệnh.



"Chó mèo giống hệt con người. Chúng cũng là cơ thể sống, cơ thể sinh học, cũng gặp nhiều bệnh nguy hiểm. Chăm sóc chó mèo là cả một quá trình đầu tư từ nhỏ đến lớn, giống như chăm sóc con người, từ khi còn là em bé đến lúc trưởng thành và già đi. Nếu không có sự chăm sóc về mặt y tế, ví dụ không tiêm vaccine, khả năng bé sống được trong một năm đầu là rất khó" - bác sĩ Như Ý nhận xét.

Có những ca bệnh nặng, bác sĩ cần tận tâm và kiên nhẫn với vật nuôi hết mức có thể, vì theo chị Như Ý, "làm việc với tụi nhỏ cực lắm!". Chị còn nhớ trường hợp bé chó Golden sống ở Tây Ninh bị nhiễm Parvo virus (bệnh viêm ruột truyền nhiễm do virus ở chó có tỷ lệ tử vong cao), nhưng ở đó không điều trị được nên chuyển vào Sài Gòn. Khi ấy, người bé đã bị sốt, có nhiều vết loét, lủng lỗ trên da thịt, cảm thấy như không còn sống được bao lâu. Bác sĩ Như Ý cùng đồng nghiệp đã chăm sóc và cận kề trong hơn nửa tháng, bé mới khỏe lại và được về với mẹ.


Dù chó mèo đến và đi một cách chóng vánh, nhưng bác sĩ Như Ý vẫn nhớ hoài đặc điểm của một số bạn. Chị kể, có một bé mèo lúc mẹ đưa đến thì rất gầy, là mèo trưởng thành nhưng chỉ được hơn một kg vì mắc bệnh FIP (viêm phúc mạc ở mèo). Mèo ở lại phòng khám để điều trị cũng cả tháng trời.





Từ một bé mèo gầy yếu bị FIP, tưởng đâu không qua khỏi, nhờ sự chăm sóc, điều trị tận tâm của bác sĩ, bé ăn khỏe lại và tăng cân (từ 1,7 kg lên 5 kg). Về sau, chủ nuôi và chị Như Ý vẫn hay nhắc với nhau vì ngạc nhiên trước sự chuyển biến thần kỳ này.







Thú nuôi không biết nói, không bảo rằng "tôi đau chỗ này". Bác sĩ cần quan sát, để ý các bạn đủ nhiều để hiểu chúng đang cảm thấy gì. Bé mèo đen này nhìn bên ngoài không thấy có vấn đề nhưng bị viêm hô hấp nên thường xuyên ho và sổ mũi rất nhiều.





Hạnh phúc là được đồng hành và chứng kiến hành trình các con khỏe lại


Điều hạnh phúc nhất đối với một bác sĩ thú y là được ở bên và chứng kiến các bé khỏi bệnh. "Tôi chăm cũng có lúc căng thẳng nhưng được tiếp xúc với chúng mỗi ngày nên cảm thấy rất vui" - bác sĩ Như Ý chia sẻ - "Làm việc với động vật giúp mình đỡ stress, vì mình thương tụi nhỏ và được làm công việc yêu thích nên không thấy mệt, không thấy tụi nó làm phiền mình, chỉ thấy đây là một sự may mắn".


Chính nhờ tình yêu to lớn dành cho động vật mà bác sĩ Như Ý đã có thể gắn bó và có mối liên kết sâu sắc với từng con vật mình chăm, từ đó hiểu chúng muốn gì và đang có cảm nhận gì. Vì động vật không thể lên tiếng, bác sĩ phải là "quan sát viên giỏi" để chăm lo đúng cách. Ví dụ, mèo thường không thích người khác vuốt bụng, một số bạn đồng ý nhưng những bạn hung dữ sẽ quay lại cào ngay. Mèo thích ăn hạt hơn cơm và thịt, trong khi chó thích ăn cơm với thịt, ít ăn hạt nhưng chủ nuôi không biết nên hay cho ăn hạt nhiều hơn.


"Chó cần chủ nuôi quan tâm nhiều, chỉ cần rời 5 phút là chúng đã buồn. Nhưng mèo lại rất độc lập, mình có thể đi làm cả ngày và về nhà chơi với nó sau. Mèo cho chúng ta không gian riêng, không cần ở cạnh 24/24. Chó lại quấn người, nếu bận quá chúng ta không nên nuôi. Ngoài ra, mèo thường sợ ra đường và không thích đi chơi, nhưng chó thì rất thích, mỗi ngày chủ nuôi nên dẫn chó ra ngoài chơi trong một giờ" - bác sĩ Như Ý cho biết.


"Khi mình thích, mình sẽ để ý. Khi để ý, bạn sẽ biết tụi nhỏ thích và không thích điều gì. Phải thực sự có lòng thương yêu thì mới tiếp xúc với tụi nó được" - bác sĩ Lê Thị Như Ý.



Đã trải qua nhiều năm làm nghề, chứng kiến những lần sức khỏe động vật suy yếu vì bệnh, chị càng cảm thấy may mắn và hạnh phúc hơn mỗi lần giúp được cho một trường hợp khỏe lại. Bác sĩ Như Ý chia sẻ: "Trong một thời gian dài chó mèo bị bệnh không ăn được gì, thường xuyên nôn ói, nên khi chúng khỏi bệnh và ăn lại được, tôi cảm thấy đó là một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Ăn lại là một trong những dấu hiệu động vật đang khỏe lên. Nhìn thấy một em khỏi bệnh giảm thiểu khá nhiều lo lắng cho chúng tôi, vì mỗi ngày chúng tôi chỉ toàn tiếp xúc với những bạn bệnh tật, yếu ớt và có vấn đề, nên khi thấy một bé khỏe mạnh tôi cảm thấy rất hài lòng".


Theo bác sĩ Như Ý, để duy trì nhiệt huyết với nghề bác sĩ thú y, chúng ta cần có sự yêu thương và tận tâm, đồng thời kiên nhẫn tới cùng với tình yêu đó. Đôi lúc, vẫn có những trường hợp không thể cứu được, điều đó sẽ làm cho bạn buồn và thất vọng trong cuộc sống. Để đối mặt, chúng ta sẽ phải trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề hơn nữa và tập trung tình yêu nhiều hơn cho những ca khác.

Phòng khám Thú y Như Ý Cơ sở 1: 306/7B Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, TP.HCM. Cơ sở 2: 32 Hoàng Diệu, Phường 13, Quận 4, TP.HCM. Hotline: 0972 972 312.


Comments


bottom of page