top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Bật mí bí mật sống đời hạnh phúc: Biết cách tập trung "ngay tại đây, ngay lúc này"

Điều gì làm nên cảm giác hạnh phúc trong cuộc đời mỗi người? Theo quan điểm của một nhà tâm lý học nổi danh trong những năm 1900, bí mật của hạnh phúc nằm ở “trạng thái dòng chảy” (flow state) - hay việc hoàn toàn tập trung sự chú ý để thực hiện một hoạt động nào đó đến mức quên cả thế giới xung quanh.


“Cái tôi biến mất, thời gian trôi nhanh”


Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hungary, Mihaly Csikszentmihalyi, là người đã đặt tên cho khái niệm dòng chảy (flow) từ nhiều thập kỷ trước và là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu khoa học của hạnh phúc.


Sinh ra trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi quan sát những đau thương xảy đến với gia đình và bạn bè, Csikszentmihalyi nhận ra có rất ít người trưởng thành có thể chịu đựng hàng loạt bi kịch mà chiến tranh giáng xuống. Ông bắt đầu quan tâm đến việc làm sao để giúp họ vượt qua những thảm kịch này bằng cách tìm hiểu điều gì sẽ góp phần tạo ra một cuộc đời đáng sống cũng như nguồn gốc của hạnh phúc bắt đầu từ đâu (1).


Csikszentmihalyi đi đến kết luận rằng trạng thái dòng chảy (flow state) chính là thứ làm nên những khoảnh khắc đáng giá trong cuộc sống một người.


Ông gọi trạng thái dòng chảy là “bí mật của hạnh phúc” - một trạng thái tập trung cao độ, hoàn toàn đắm chìm vào những gì bạn đang thực hiện. “Khi đó cái tôi biến mất, thời gian trôi nhanh. Mọi hành động, suy nghĩ, chuyển động diễn ra nối tiếp nhau, giống như đang chơi nhạc jazz. Toàn bộ con người bạn đều có mặt và bạn sử dụng tất cả các kỹ năng mình có một cách tối đa” - Csikszentmihalyi cho biết (2).


Khi quan sát và phỏng vấn những người làm sáng tạo như nhà thơ, nhà soạn nhạc, nhà khoa học, Csikszentmihalyi phát hiện ra họ đều có những giờ phút làm việc trong trạng thái dòng chảy. Một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của Mỹ vào những năm 1970 đã mô tả nó giống như một khoảnh khắc xuất thần trong khi sáng tác (1).


Theo lời kể của Csikszentmihalyi, nhà soạn nhạc ấy đã đặt toàn bộ tâm trí vào quá trình viết nhạc để tạo ra một điều gì đó mới, thế nên ông ta không còn đủ sự chú ý dành cho những thứ khác như cảm giác mệt mỏi hay các vấn đề rắc rối khác ở nhà. Cơ thể của anh ta dường như biến mất và không còn chỗ cho danh tính tồn tại - tương tự như việc không quan tâm đến người khác nghĩ gì, tạm dừng các tiếng nói gây nhiễu từ bên ngoài và cả bên trong nội tâm để hoàn thành công việc.


Một người ở trong trạng thái dòng chảy có thể sẽ không nhận thức được thời gian trôi qua, không nghĩ về lý do tại sao họ cần làm nhiệm vụ này hoặc tìm cách đánh giá xem họ có đang làm tốt. Thay vào đó, họ chỉ tập trung xuyên suốt vào công việc đang làm.

Bộ não thay đổi ra sao khi ở trong dòng chảy?



Giới khoa học đã phân tích về trạng thái dòng chảy (flow state) trong gần 50 năm, nhưng chỉ gần đây họ mới giải mã phần nào những gì diễn ra trong não khi ở trạng thái này. Các giả thuyết đề xuất rằng, trải nghiệm dòng chảy có liên quan đến vùng não phụ trách cảm giác khen thưởng và theo đuổi mục tiêu (3), (4), (5). Đồng thời, nó cũng làm giảm các hoạt động trong cấu trúc não liên quan đến việc tập trung vào bản thân (self-focus), nhờ vậy giúp chúng ta tránh khỏi những phân tâm lo lắng (6).


Các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ giữa trải nghiệm dòng chảy và cảm giác hạnh phúc có thể đến từ ba yếu tố sau: ức chế kích hoạt các vùng não liên quan đến suy nghĩ về bản thân, giảm hoạt động trong những vùng liên quan đến suy nghĩ tiêu cực và tăng cường kích hoạt hệ thống khen thưởng của não (7).

Trong lĩnh vực tâm lý học tích cực (positive psychology), một số chuyên gia tin rằng dòng chảy rất quan trọng đối với hạnh phúc và sức khỏe tâm lý. Cụ thể, trải nghiệm này liên quan đến những lợi ích như (8):

  • Tăng hiệu suất làm việc tốt hơn.

  • Ít bị mất tập trung.

  • Ít tự phán xét bản thân.

  • Được tiếp thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ.

  • Dành nhiều thời gian hơn để thực hành, từ đó nâng cao năng lực.



Lần cuối cùng bạn tập trung là khi nào?


Lần cuối cùng bạn tập trung hoàn toàn cho một việc gì đó là khi nào? Bạn đã bao giờ phát hiện tâm trí mình thường hay bị phân tâm, không thể chú ý xuyên suốt một thứ duy nhất trong hiện tại?


Điều này không dễ thực hiện ở một thế giới thường xuyên khuyến khích cho những yếu tố gây mất tập trung, chẳng hạn như các ứng dụng mạng xã hội được đặc biệt thiết kế để đọc và xem video với thời lượng cực kỳ ngắn, khiến chúng ta có nhiều lựa chọn và nhiều thông tin để lướt qua thoáng vội. Những việc như suy tư về một vấn đề, đọc sâu một quyển sách hay chìm đắm vào một đam mê nhất định giúp mang lại cảm giác hạnh phúc và hài lòng thì lại quá khó khăn để duy trì.


Trong khi sự chú ý của não bộ con người là một tài nguyên có hạn, chúng ta chỉ có thể chọn lọc một số thứ để theo đuổi và những thứ này cần đem lại giá trị lẫn ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Có điều, vấn đề đặt ra là nên quan tâm đến những thứ gì?


Khái niệm dòng chảy khuyến khích con người rèn luyện sự tập trung sâu sắc trong một thế giới nhiễu loạn. Theo nhà báo và doanh nhân Steven Kotler, người đã nghiên cứu về trạng thái này trong ba thập kỷ, cho biết: “Dòng chảy xuất hiện khi tất cả sự chú ý của chúng ta tập trung vào ngay tại đây, ngay lúc này (right here, right now)”. Nó cũng thường xảy ra khi bạn có đủ động lực để thực hiện nhiệm vụ trước mắt, mà thứ thúc đẩy động lực này chính là sự tò mò, niềm yêu thích và đam mê, có mục đích đằng sau cùng khả năng tự làm chủ bản thân (9).


“Sự tò mò có thể khiến bạn đam mê một thứ gì đó và tìm được mục đích hành động cho mình. Khi chúng ta tò mò về điều gì, chúng ta không cần phải đấu tranh, không cần bỏ nhiều công sức để cố gắng chú ý đến nó” - Kotler cho biết.


Ngoài yếu tố trên, độc giả cũng nên lưu ý một số điều kiện khác để trở nên tập trung, dễ đi vào trạng thái suy nghĩ dòng chảy hơn, chẳng hạn như:

  • Cần có đủ thời gian: Giống với khái niệm deep work (làm việc sâu), bạn cần đặt ra một khoảng thời gian đủ dài (ví dụ: 2 - 3 tiếng) để giúp não bộ làm quen và tập trung vào nhiệm vụ.

  • Giảm thiểu sự gián đoạn: Tắt thông báo tin nhắn, bật chế độ không làm phiền hoặc để điện thoại ngoài tầm tay sẽ giúp chúng ta lưu tâm hơn cho hiện tại. Nghiên cứu đã cho thấy, nếu chỉ tắt điện thoại mà vẫn đặt nó trên bàn vẫn làm ảnh hưởng nhất định đến trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề của bạn (10).

  • Không quá khó, cũng không quá dễ: Độ khó của nhiệm vụ cần làm và trình độ kỹ năng hiện tại của bạn nên tương xứng, cân bằng với nhau. Nếu chọn thử thách quá khó, chúng ta thường dễ lo lắng về kết quả, tương tự chọn công việc quá dễ sẽ khiến chúng ta nhàm chán.


Nhìn chung, trải nghiệm dòng chảy cũng giống như niềm vui gặt hái khi được sống trong khoảnh khắc hiện tại và làm điều gì đó mình đam mê. Khi chọn sống một cuộc sống tập trung, có thể bạn sẽ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc thường xuyên hơn nhờ được kết nối sâu sắc với hiện tại. Có lẽ vì vậy mà Csikszentmihalyi gọi dòng chảy là “bí mật của hạnh phúc” - công cụ giúp con người tạo ra một cuộc đời đáng sống trên Trái đất.



Comments


bottom of page