top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảKhiết Lam

Bi quan phòng vệ: Khi nỗi lo giúp ta tỉnh táo đón nhận thực tế

Khi nhìn vào ly nước được rót nửa ly, bạn xem đó là "vơi một nửa" hay "đầy một nửa"? Đã từ lâu, chúng ta thường được khuyên rằng phải nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây lại chứng minh điều ngược lại, rằng trong một số trường hợp, sự bi quan phòng vệ (defensive pessimism) mới giúp ta đón nhận vấn đề tốt hơn.


Lý do đằng sau việc một điều tiêu cực hoặc khuyết điểm có thể làm lu mờ nhiều điểm tích cực hoặc ưu điểm là bởi não bộ vốn được "tích hợp" sẵn thiên kiến bi quan (negative bias) và thiên kiến lạc quan (optimism bias) (1), (2).


Trong khi bi quan thái quá khiến chúng ta bị chìm đắm trong những hoàn cảnh tiêu cực, sự lạc quan thái quá khiến chúng ta nảy sinh những ảo tưởng về thực tế hoặc về năng lực bản thân (3), (4). Nhà thần kinh học nhận thức Tali Sharot từng chia sẻ rằng thiên kiến lạc quan là một hiện tượng rộng khắp và phổ biến trong rất nhiều nền văn hóa (4), (5).


Cũng theo Sharot, xu hướng này đôi khi đưa chúng ta rơi vào những tình huống mang tính tiêu cực, chẳng hạn như tự tin thái quá khi "lao" vào những hành vi rủi ro cao, hoặc đưa ra các quyết định thiếu cẩn trọng liên quan tới sức khỏe (4).

Nguồn: getlighthouse
Nguồn: getlighthouse

Vậy làm sao để cân bằng được hai trạng thái, hay là tâm thế này?


Bi quan phòng vệ và những lợi ích ít ai biết


Trước đây, sự bi quan được cho là làm chúng ta lo âu, giảm động lực và hạ thấp tầm quan trọng của mục tiêu (6). Tuy nhiên, thái độ "nửa ly nước vơi" cũng có thể dẫn tới lối ra cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này, chính là sự bi quan phòng vệ (defensive pessimism) (7).


Bi quan phòng vệ là chiến lược nhận thức nhằm quản lý lo âu khi dự đoán về tình huống gây căng thẳng (7), (8).

Chiến lược này cho phép mỗi cá nhân chống lại tác động tiêu cực của những thất bại tới giá trị của bản thân, bằng cách hạ thấp mong đợi đầu ra (8). Cơ chế này khác với sự bi quan ở điểm là chúng ta phản tư và suy xét để phòng bị, giúp chúng ta đánh giá tình hình có phần chính xác hơn và hạn chế được sự thất vọng, cũng như không cảm thấy giá trị bản thân bị ảnh hưởng vì ngay từ đầu, mong đợi của chúng ta về kết quả vốn không cao.


Theo Tiến sĩ Tâm lý học Julie Norem, những người bi quan phòng vệ duy trì sự mong đợi ở mức thấp nhằm để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Họ có xu hướng diễn tập các kịch bản xấu có thể xảy ra trong đầu và từ đó lường trước cách thức đối phó hoặc khắc phục (7).


Việc suy nghĩ trong bi quan phòng vệ có thể "giúp" tăng tầm quan trọng của mục tiêu, củng cố sự nỗ lực, làm giảm mong đợi và củng cố sự dự đoán trước tình huống xấu (6).

Ngoài ra, những người hay muộn phiền thường có xu hướng chú ý nhiều tới chi tiết hơn, chẳng hạn như để ý đến biểu cảm và thái độ của người khác. Bằng sự "nhạy cảm" đó, họ có thể đoán được cảm xúc của đối phương tốt hơn và từ đó đề ra được chiến lược giao tiếp tốt hơn (9).


Nguồn: all-about-psychology

3 lý do hy vọng lại là "kẻ thù" của người lo âu phòng vệ


Dẫu biết rằng có sự khác biệt giữa hy vọng và ảo tưởng, nhưng với cơ chế lo âu "sương sương" vốn có của mình, những người bi quan phòng vệ vẫn lựa chọn hạ thấp kỳ vọng và tập trung suy nghĩ về những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra, bởi đó là những gì họ có thể lường trước, theo cách hoàn toàn có căn cứ.


Với những cơ chế tâm lý như vậy, thì việc trao cho người bi quan phòng vệ hy vọng lạc quan là đang "giết chết hy vọng" của họ.

Trong nhiều trường hợp, hy vọng có thể trở thành kryptonite – loại vật chất có thể đánh bại Superman – của người lo âu phòng vệ. Sau đây là 3 lý do khiến người bi quan phòng vệ e dè trước hy vọng và sự lạc quan.


1. "Trèo cao thì té đau" – sự thất vọng về cảm xúc rất đáng sợ


Bi quan phòng vệ không cổ xúy cho sự bất lực hay tuyệt vọng (hopelessness). Người bi quan phòng vệ vẫn có hy vọng, nhưng về mặt chiến lược tư duy thì họ tập trung vào kịch bản xấu nhất để đo lường rủi ro hoặc tìm cách phòng bị.


Vậy nên, đối với họ, cảm giác rớt tuột cảm xúc khi "trèo cao té đau" rất đáng sợ. Với họ, nếu tính huống có xảy ra thì họ cũng đã lường trước, hoặc giả là không thể tệ hơn kịch bản họ đã nghĩ trong đầu được.


Những người lo âu phòng vệ đôi khi lo sợ rằng hy vọng và sự lạc quan sẽ khiến họ gặp phải những rủi ro về mặt cảm xúc, như rời bỏ hoặc bắt đầu một mối quan hệ, thay đổi công việc hoặc nghề nghiệp, chuyển đến nơi mới, mua nhà mới, thực hiện chuyến du lịch lớn, thay đổi lối sống mới...


Họ sợ rằng hy vọng có thể khiến họ có thể gặp phải rủi ro quá mức và thiếu khôn ngoan, đồng thời có thể dẫn đến cảm giác hối tiếc hoặc xấu hổ về sau – hệ quả của tư duy lạc quan tích cực.

Những người bi quan phòng vệ gần như không bao giờ chờ tới lúc mất bò thì mới lo làm chuồng.



2. Hy vọng khiến việc đón nhận tin dữ khó khăn hơn


Trong nhiều trường hợp, việc mong đợi tin xấu, tin dữ giúp việc đón nhận thực tế phũ phàng đó dễ dàng hơn. Chẳng hạn, tham gia một cuộc thi và không mong đợi mình chiến thắng, thì khi không đạt giải vẫn dễ chấp nhận hơn.


Song, thực tế đôi khi lại khác. Có nhiều trường hợp bản thân chúng ta cũng có một chút kỳ vọng dù rất thấp, vậy nên khi gặp tin xấu, chúng ta cũng cảm thấy một chút phiền muộn.


Giải pháp cho người lo âu phòng vệ trong những trường hợp này là hãy tin vào năng lực dự đoán tình huống của mình và chấp nhận rằng mình không phải là đấng toàn năng có thể dự đoán mọi thứ.


Cứ tập trung vào những điều quan trọng đối với bạn và lường trước các kịch bản xấu có thể xảy ra, còn với chuyện may rủi nhỏ nhoi phát sinh trong tiến trình, hãy "mạnh dạn" cho qua.


3. "Phiền muộn trả trước" là điều kiện cần để hình thành nên sự phản tư


Để sự suy ngẫm phòng vệ có thể diễn ra, người bi quan phòng vệ có thể cần một khoảng thời gian để "khóc thương vật vã" về mặt tinh thần trước khi quyết định làm gì đó. Khoảng thời gian vật vã này được gọi là "phiền muộn trả trước" (pre-grieve) và thật sự cần thiết với họ.


Vậy nên, việc cho họ sự lạc quan ngay từ đầu chỉ làm họ trở nên lo âu hơn bởi sự suy ngẫm phòng vệ không thể diễn ra, vì họ không có thời gian và không gian trong tinh thần để "trả trước" sự phiền muộn cần thiết.


Song sự lo âu ban đầu này cũng có thể gây ra phiền muồn kéo dài nếu không được xử lý đúng. Lời khuyên dành cho người lo âu phòng vệ là đặt ra những câu hỏi quan trọng và thiết yếu nhất liên quan tới tình huống, những kịch bản xấu khả dĩ nhất và tự cho mình một thời hạn để "tiếc thương" trong một chừng mực nhất định.



"Đừng lạc quan nữa, hãy bi quan đi!"


Thật ra, tư duy tích cực và thái độ lạc quan không có gì sai, nhưng sự cổ vũ của truyền thông và việc có ít nghiên cứu về tác động tích cực của sự bi quan khiến chúng ta dễ nhìn nhận rằng bi quan là xấu và bằng mọi giá, phải luôn suy nghĩ tích cực.



Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng con người có xu hướng tập trung vào điều tiêu cực để cắt nghĩa về thế giới, nghĩa là đây vốn là một trạng thái tự nhiên của con người. Thiên kiến này khiến chúng ta:

  • Tập trung và suy nghĩ thực tế về tình hình hơn người lạc quan,

  • Học hỏi, rút được bài học nhiều hơn từ những kết quả hoặc trải nghiệm tiêu cực hơn kết quả hoặc trải nghiệm tích cực,

  • Ra quyết định dựa trên thông tin tiêu cực chính xác hơn thông tin tích cực (10),

  • Chú ý, ghi nhớ chuyện tệ hại lâu hơn và "khắc cốt ghi tâm" bài học cho các quyết định về sau.


Vậy nên, thay vì nói "Hãy nhìn vào mặt tích cực!", cũng có lúc mà ta nên thử nói "Hãy bi quan đi!"

Comments


bottom of page