Câu hỏi "Anh có thể làm gì được cho em, em cần một cái ôm, sự lắng nghe hay có cần anh giúp đỡ?" tuy ngắn gọn nhưng có thể sưởi ấm trái tim đang rối bời của nửa kia.
Thông qua một nghiên cứu, Giáo sư Cramer và cộng sự cho nhận rằng sự đồng cảm có liên quan mật thiết đến chất lượng của mối quan hệ vì nó giúp các cặp đôi xây dựng sự tôn trọng và đặt nền tảng cho sự thấu hiểu lẫn nhau (1). Nếu chúng ta không nghĩ về cảm xúc của đối phương, trong khi giao tiếp đôi bên sẽ dễ xảy ra sự bất đồng - một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những mối quan hệ tan vỡ (2).
Đặc biệt, trong những thời điểm nửa kia có chuyện không vui, sự thấu hiểu này càng phải được thể hiện rõ hơn, trong cả lời nói và hành động.
"Phương thuốc" khiến người yêu mở lòng
Biên tập viên Jancee Dunn của tờ The New York Times đã chia sẻ về một cuộc trò chuyện với Heather, người chị gái làm giáo viên tiểu học, rằng khi gặp phải trường hợp với những đứa trẻ đang buồn, cô sẽ hỏi: "Em muốn được cô giúp đỡ, lắng nghe, hay em cần một cái ôm?" (3).
Giải thích về vấn đề này, Heather cho biết việc đem lại cảm giác được tự kiểm soát đối với trẻ em rất quan trọng vì với mỗi đứa trẻ chúng sẽ có nhu cầu khác nhau. Khi đặt câu hỏi như trên, chúng ta sẽ biết được liệu đứa trẻ đó thực sự đang cần điều gì và làm sao để xoa dịu chúng. Người trưởng thành cũng cần được quan tâm theo cách tương tự.
Theo chuyên gia tâm lý Jada Jackson, cô thường khuyên các cặp đôi bằng câu nói: "Đừng cho rằng vì bạn muốn được ôm hoặc sửa chữa mọi thứ nên đối phương cũng sẽ muốn như vậy" (4). Đôi khi cách thức an ủi của chúng ta không thật sự phù hợp với nhu cầu của người yêu và càng làm mối quan hệ trở nên xa cách.
Vì sao lại là 3H? (Hug - Hear - Help)
Việc thể hiện sự quan tâm phù hợp vào thời điểm người yêu cần là một yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ lâu dài và đầy ý nghĩa bởi họ biết rằng mình hoàn toàn có thể trông cậy bạn như một chỗ dựa tinh thần vững chãi. Ôm, lắng nghe và giúp đỡ chính là ba trụ cột quan trọng cho việc xây dựng nền tảng đó.
Ôm (Hug)
Năm 2015, các nhà khoa học đến từ đại học Carnegie Mellon đã thực hiện nghiên cứu về tác động của những cái ôm (5). Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Tâm lý học Sheldon Cohen, cho biết: “Ôm là một dấu hiệu của sự thân mật và giúp tạo ra cảm giác rằng những người bên cạnh mình đang sẵn sàng có mặt ở đấy để giúp chúng ta đối mặt với nghịch cảnh" (6).
"Khi bạn ôm hoặc âu yếm ai đó, các thụ thể áp lực dưới da của bạn sẽ được kích thích, dẫn đến sự gia tăng hoạt động của dây thần kinh phế vị, giúp bạn ở trong trạng thái thoải mái" - nhà tâm lý học Tiffany Field phân tích thêm (7).
Một số chuyên gia giải thích rằng ôm có khả năng giảm căng thẳng, giải phóng oxytocin - một loại hormone tiết ra khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc và được yêu thương. Ngoài ra cái ôm còn có thể giúp ta giảm nhịp tim và huyết áp (8).
Lắng nghe (Hear)
Trong một nghiên cứu năm 2018, 365 cặp đôi được yêu cầu phải trò chuyện thẳng thắn trong vòng 8 phút và một trong hai người phải nói về các trải nghiệm căng thẳng của họ để kiểm tra xem đối phương có thật sự lắng nghe không.
Sau khi so sánh, các nhà khoa học nhận thấy rằng những cặp đôi có người chịu lắng nghe kỹ thì họ cũng có mức độ hài lòng cao trong mối quan hệ của mình cũng như có khả năng đối diện căng thẳng tốt hơn (9).
Đây là một lưu ý cho những cặp đôi để cải thiện hơn kỹ năng lắng nghe của mình. Nửa kia của bạn có thể buồn bã hay thất vọng về một vấn đề nào đó nhưng không phải lúc nào mong muốn của họ cũng là lập tức xử lý vấn đề. Sự im lặng lắng nghe lúc này có thể giúp người yêu của bạn được nói ra nỗi lòng, làm dịu đi cơn giận để suy nghĩ thông suốt rồi mới từ từ giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Giúp đỡ (Help)
Làm cách nào để đối phương của mình không chỉ vượt qua được khó khăn mà còn có thêm chí cầu tiến để tiếp tục phát triển? Để trả lời cho thắc mắc này, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 163 cặp vợ chồng lựa chọn một trong hai hình thức thi thố: Cạnh tranh trong việc giải câu đố hoặc bằng các bài phát biểu, diễn thuyết trước đám đông để giành chiến thắng.
Kết quả cho thấy những cá nhân được bạn đời hết mực hỗ trợ sẽ có xu hướng tự tin và chọn hình thức diễn thuyết. Trong khi những cặp đôi có ít sự tin tưởng vào đối phương lại lựa chọn giải câu đố - một hình thức cạnh tranh mang tính cá nhân (10).
Đời sống của mỗi cá nhân cũng như những cuộc thi, luôn có những gian nan cần phải vượt qua. Nếu như trong lúc đó chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ đúng lúc, kịp thời thì chắc chắn những lo toan đó sẽ không còn quá nặng nề trong tâm trí của mỗi người.
Dựa trên những công dụng trên, câu hỏi được gợi ý ban đầu "Anh/em muốn được giúp đỡ, được lắng nghe, hay được ôm?" không chỉ trao cho đối phương sự chủ động mà còn giúp họ xoa dịu những cảm xúc tồi tệ. Vượt qua nghịch cảnh, biết đâu tình yêu của cả hai càng thăng hoa và bền chặt hơn.
Comments