top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảIen Dao

Bí quyết của TED Talks: 8 điều làm nên bài hùng biện cuốn hút

Thuyết trình vốn là một kỹ năng cần thiết, giúp chúng ta thêm thành công trong thời đại phát triển nhanh chóng ngày nay. Khi phát biểu trên sân khấu hoặc hội trường lớn, chúng ta còn đang trình bày cả một câu chuyện lớn về bản sắc, thương hiệu cá nhân, cũng như thể hiện sự quan tâm về những vấn đề xung quanh. Đây cũng chính là một lý do khiến những bài TED Talks, sau vài thập kỷ, vẫn truyền được cảm hứng cho khán thính giả. Vậy làm sao để chúng ta có thể hùng biện "cuốn" như những diễn giả của TED Talks?



Hội thảo TED: Nơi những diễn giả "thôi miên" người nghe


TED được thành lập bởi Richard Saul Wurman vào năm 1984 tại California, Hoa Kỳ, với mục tiêu ban đầu là sự kiện thường niên, quy tụ diễn giả hùng biện tập trung vào 3 lĩnh vực là công nghệ (Technology - T), giáo dục (Education - E) và thiết kế (Design - D) (1). Dần dần, sự kiện được công chúng thế giới đón nhận với sự ra đời của hội thảo phụ mang tên TED Global (TED toàn cầu). Bài hùng biện đầu tiên thuộc chuỗi TED Talks được đăng tải lên mạng vào năm 2006, để rồi 3 năm sau đó, các bên thứ ba được cấp phép để độc lập tổ chức sự kiện TEDx trong các cộng đồng của mình (1).


Tới tận bây giờ, chúng ta vẫn có thể xem những bài TED Talks đầu tiên được đăng tải (2).



Tài khoản chính thức của TED trên Youtube cũng góp phần lan tỏa sức hấp dẫn của các bài hùng biện này. Trung bình, cứ mỗi giây đồng hồ, TED Talks có tới 17 lượt xem mới. Vào mùa thu năm 2012, chuỗi video này đã chạm mốc 1 tỷ lượt xem (1).

Diễn giả của TED Talks thường là những cá nhân có hồ sơ thành tích vô cùng xuất chúng như tỷ phú công nghệ, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, giáo sư đại học, chính khách, tác giả các đầu sách bán chạy nhất... cho đến những nhân vật với câu chuyện cá nhân truyền cảm hứng như bệnh nhân ung thư, mẹ đơn thân hay những người trẻ đang theo đuổi những giấc mơ của riêng mình. Họ đều đến với TED đơn giản vì họ có một câu chuyện để chia sẻ.



Để có một bài hùng biện thành công: 8 bài học từ các diễn giả TED Talks


Thành công vang dội toàn cầu của TED Talks nằm ở nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn, điều kiện tiên quyết nằm ở sức hấp dẫn từ ngôn từ thuyết trình của những "phù thủy" diễn giả.


Đầy thuyết phục và truyền cảm hứng. Hẳn phải có "ma lực" thì những bài hùng biện mới thành công đến vậy. Hoặc "ma lực" đó có thể cũng chỉ là một... công thức mà thôi.

Hãy cùng LeLa Journal thống kê công thức với 8 bí quyết chung mà các chuyên gia truyền thông đã chỉ ra ở những bài thuyết trình của TED nhé.



1. Bài nói truyền đạt một ý tưởng "đánh trúng" nhu cầu và đáng lan tỏa: Nếu bạn có một thông điệp giá trị đến mức nó có thể biến cuộc đời của một khán-thính giả trở nên tốt đẹp hơn thì điều đó xứng đáng trở thành chủ đề để bạn khai thác khi hùng biện.


Quay về với câu tiêu đề của TED là "Ý tưởng đáng để lan tỏa" (ideas worth spreading), dễ nhận thấy rằng những ý tưởng tuyệt vời chính là "nền móng" của một bài hùng biện hấp dẫn.

Ý tưởng phổ biến nhất và dễ được công chúng đón nhận chính là các thông điệp khiến họ muốn thay đổi bản thân. Theo các thống kê danh sách 10 bài diễn thuyết có lượng người xem nhiều nhất trên TED, thường có ít nhất 7 bài đề cập đến nội dung truyền cảm hứng để người nghe thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn.


Tháp Nhu cầu Maslow, theo lý thuyết của Abraham Maslow (1943, 1987)

Qua phân tích, chúng ta có thể thấy xu hướng này đến từ việc các diễn giả đã "đánh vào" những tầng trên cùng của Tháp Nhu cầu Maslow (Maslow’s hierarchy of needs) – tức là tập trung vào nhu cầu về lòng tự tôn (esteem) và tựu thành tiềm năng-hay còn là hiện thể hóa bản thân (self-actualization). Từ đó, các diễn giả không chỉ kể câu chuyện của chính họ, mà còn khơi gợi khao khát đó ở khán giả.


Khi nghe-nhìn các bài TED Talks, phần nào trong chúng ta cũng muốn đứng lên kể câu chuyện của mình vì chúng ta biết rằng sẽ có người thực sự lắng nghe câu chuyện cá nhân ấy. Bằng chứng là... các độc giả đang đọc bài viết này.

Vì vậy, khi cân nhắc một ý tưởng, bạn có thể lựa chọn tập trung vào một trong các nhu cầu của con người như là cảm giác được yêu thương và sở thuộc (thuộc về một nơi nào đó hoặc một ai đó...), mong muốn và khao khát làm lợi cho bản thân, phát triển cá nhân, cũng như những hi vọng và thay đổi tích cực (3).


2. Quy tắc 18 phút – "công thức vàng" để kiểm soát thời lượng thuyết trình: Theo các chuyên gia truyền thông, độ dài lý tưởng để thực hiện một bài thuyết trình là 18 phút. Nếu phải kéo dài hơn, bạn nên ngắt quãng bằng các câu chuyện, đoạn video ngắn, màn trình diễn... sau mỗi 10 phút. Khoa học đã chứng minh rằng việc nghe liên tục sẽ gây ra hiện tượng "tích tụ" thông tin khiến chúng ta rơi vào trạng thái "ùn ứ nhận thức" (cognitive backlog).


Bài thuyết trình càng dài, người nghe càng phải sắp xếp, tiếp thu và ghi nhớ càng nhiều. Lúc này, não bộ chúng ta sẽ phải hoạt động và tiêu thụ rất nhiều năng lượng và điều này cũng có thể gây ra hiện tượng suy giảm đường huyết ở một số người.


18 phút là khoảng thời gian vừa đủ để tiếp nhận thông tin và kích thích tư duy, đủ dài để đảm bảo truyền tải nội dung nghiêm túc, nhưng cũng đủ ngắn để giữ người nghe chú ý đến bài nói của diễn giả (4), (5).


Thi thoảng, thay vì dành 180 phút/ngày để... coi TikTok thì chúng ta có thể "đổi gió" bằng cách nghe 9 bài TED Talks dài tổng cộng khoảng 162 phút, kèm theo 18 phút là những khoảng nghỉ giữa các bài. Vậy là vẫn đúng 180 phút. Nghe cũng có vẻ hợp lý phải không?


3. Lồng ghép nghệ thuật kể chuyện về cá nhân một cách khéo léo: Những cuộc đời bình thường cũng có thể mang nét phá cách với những khoảnh khắc phi thường.


Hãy kể lại câu chuyện xảy đến với bản thân mình mà bạn tin rằng nó sẽ truyền cảm hứng cho người khác. Khi dõi theo cảm xúc của cá nhân trong từng khoảnh khắc, bạn sẽ nhận thấy có hàng trăm câu chuyện để mình có thể chọn lọc và chia sẻ với người khác. Khi chúng ta đề cập đến những trải nghiệm cá nhân, khán giả sẽ cảm nhận được hình bóng của họ trong những mẩu chuyện vụn vặt giống như diễn giả, bởi vậy, họ sẽ dễ dàng đồng điệu và đón nhận thông điệp được truyền tải hơn (6).


Hãy thử bắt đầu luyện tập cách này ngay trong hôm nay. Chẳng hạn, bạn có thể nói những điều vô cùng đơn giản và gần gũi như: "Chào các bạn. Tôi biết rằng từng có một cô bé/cậu bé dành hàng giờ trước gương để luyện nói, nói về đủ thứ chuyện, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất; vừa nói vừa tưởng tượng rằng bản thân đang hùng biện trên bục của TED Talks. Ồ, mà khoan, đấy chính là tôi mà!"


4. Tạo ra những khoảnh khắc làm cả hội trường phải ngạc nhiên: Những khoảnh khắc khiến khán giả kinh ngạc (wow moment) luôn thu hút được sự quan tâm của họ đối với thông điệp mà diễn giả đang chia sẻ.


Các nhà thần kinh học nhận thấy rằng trong những màn hùng biện, khoảnh khắc này đóng vai trò như "những sự kiện đong đầy xúc cảm"- một trạng thái khi cảm xúc dâng cao khiến người nghe có xu hướng ghi nhớ thông điệp một cách hiệu quả hơn và đặc biệt là thúc đẩy chúng ta hành động theo lời nhắn nhủ đó (7).


Trong bài diễn thuyết tại TED vào đầu năm 2009 mang tên "Muỗi, sốt rét và giáo dục" (Mosquitos, malaria and education), tỷ phú Bill Gates đã đề cập tới sự nguy hiểm của bệnh sốt rét, để minh họa về việc không có lý do gì mà chỉ người nghèo mới mắc căn bệnh này, Gates đã… thả muỗi bay vo ve trong khán phòng.


Điều này khiến khán giả kinh ngạc nhưng cũng rất hào hứng. Họ đã cười rộ lên trước ý tưởng của Bill Gates (8).


5. Thêm chút gia vị hài hước vào bài hùng biện của bạn: Khi nghe những lời hài hước, người nghe cũng giảm bớt sự đề phòng và dễ dàng tiếp thu và ủng hộ thông điệp của diễn giả (9). Đa phần các diễn giả TED Talks lấy được tiếng cười của khán giả là do họ thường đề cập các thông tin thú vị về cá nhân hoặc về những người, những chuyện mà họ biết.


Trong bài nói "Trực ngộ hậu đột quỵ" (My stroke of insight), Tiến sĩ Thần kinh học Jill Bolte Taylor đã hóm hỉnh kể lại khoảnh khắc trải qua cơn đột quỵ của chính mình, khiến cả hội trường cười một tràng không ngớt.


"Tôi nhận ra mình đang bị đột quỵ" - Tiến sĩ Taylor chia sẻ - "điều não bộ nói với tôi tiếp đó là Ôi điều này thật tuyệt! Có bao nhiêu nhà khoa học về não bộ có cơ hội nghiên cứu bộ não của mình từ bên trong cơ chứ? Sau đó thì ý nghĩ này nảy ra trong đầu tôi: Nhưng mình là người phụ nữ bận rộn! Mình không có thời gian cho một cơn đột quỵ!(10). Sự hài hước đã kết nối Taylor với khán giả của bà, để rồi sau đó, không ai là không nhớ đến việc phòng tránh cơn đột quỵ.


6. Slide thuyết trình – tối ưu hóa ý tưởng của bạn: Trên thực tế, các diễn giả TED luôn tạo ra sự phá cách khi hùng biện với slide show - phần hình ảnh trình chiếu cùng bài thuyết trình. Thậm chí, nhiều người còn lựa chọn... không dùng slide thuyết trình.


Nếu cảm thấy slide có thể hỗ trợ bạn truyền tải ý tưởng hiệu quả hơn thông qua việc chia sẻ dữ liệu hoặc dẫn tư liệu chứng minh kinh nghiệm, bạn nên trình bày một cách đơn giản, sử dụng nhiều hình ảnh nhưng ít từ ngữ.

Trong cuốn "Hùng biện kiểu TED 2" (How to deliver a TED Talk), tác giả Jeremey Donovan đã đề cập tới ba phương pháp thông dụng nhất mà các diễn giả TED thường áp dụng khi chuẩn bị slide, gồm có phương pháp Godin, phương pháp Takahashi và phương pháp Lessig.

Trong đó, phương pháp Godin được đề xuất bởi Seth Godin – một chủ doanh nghiệp kiêm chuyên gia marketing có tầm nhìn vĩ mô đã quảng bá mô hình sử dụng hình ảnh với độ phân giải cao. Phương pháp Takahashi lại tập trung vào việc thiết kế các slide đơn giản chỉ gồm vài từ trên phông chữ lớn theo motif thiết kế đầy tính khai sáng theo nguyên tắc 7x7: mỗi slide không có quá 7 chấm đầu hàng, mỗi dòng không có quá 7 từ. Cuối cùng, phương pháp Lessig là sự kết hợp của hai phương pháp trên với một lượng lớn các slide đơn giản và trình bày theo lối chiếu cấp tốc, bao gồm một bức ảnh toàn trang với những cụm từ đơn giản.


7. Chuẩn bị một diện mạo tự tin – hợp cảnh trên sân khấu: Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các diễn giả TED, tác giả Chris Anderson của cuốn "Hùng biện kiểu TED 1" (TED Talks: The Official TED Guide to Public Speaking) đã chỉ ra rằng điều quan trọng nhất khi lựa chọn trang phục là diễn giả phải cảm thấy thoải mái và tự tin trong diện mạo trên sân khấu.


Trang phục của bạn sẽ giúp bạn kết nối với khán giả, thậm chí từ trước khi bạn lên tiếng. Tuy nhiên, có một số điều "luật" mà các diễn giả TED cần tuân theo để có một bài hùng biện thành công: Mặc những trang phục kín đáo, với màu sắc tươi sáng giúp bạn nổi bật trên nền sân khấu có tông màu tối và ngược lại. Mục đích là để những người ngồi cuối khán phòng cũng có thể trông thấy bạn và lên hình phim hoặc ảnh được rõ nét hơn. Bên cạnh đó, diễn giả cũng cần chọn những bộ trang phục vừa vặn với vóc dáng cơ thể, ưu tiên chất liệu bóng đẹp thay vì những bộ đồ rộng thùng thình, cũng như đảm bảo trang phục được là phẳng phiu trước khi mặc...


8. Di chuyển trên sân khấu – chú ý tới mỗi bước chân của mình: Bạn có thể luyện tập để trở thành một diễn giả chuyên nghiệp thông qua việc nắm bắt phương thức di chuyển hiệu quả trên sân khấu nhằm khiến chuyển động của cơ thể diễn ra thật nhuần nhuyễn và tự nhiên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.


Tác giả Donovan gợi ý rằng vị trí hoặc bước di chuyển của diễn giả nên được sắp đặt một cách nhất quán với các phần riêng biệt của bài hùng biện.

Nếu đang kể chuyện, mỗi nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của bạn nên được đứng tại một vị trí định sẵn và bạn không nên lẫn lộn những vị trí này. Nếu đang giải thích một tiến trình, hãy bắt đầu từ phía bên trái khán giả và di chuyển dần về phía bên phải của họ khi nói. Việc bước về phía khán giả là một kỹ thuật hình thể tạo ra hiệu quả tương tác cao, do nó nhấn mạnh những ý chính và tạo sự liên kết cá nhân sâu sắc hơn. Nếu muốn truyền đạt một thông điệp ảm đạm, bạn nên giảm hẳn nhịp độ di chuyển và kiểm soát biểu cảm khuôn mặt (11), (12).



Trên đây chỉ là những bí quyết nhỏ để có một bài thuyết trình hấp dẫn và thành công, vẫn còn rất nhiều phương thức và lưu ý khác để chúng ta khám phá. Nhưng nếu có định hướng rằng bản thân sẽ đứng lên thuyết trình trước đám đông, bạn hãy "tranh thủ" thực hành ngay nhé.

コメント


bottom of page