top of page
Tìm kiếm

Làm sao để bé ngủ đúng giờ? Các phương pháp ru ngủ cho trẻ sơ sinh được khoa học khuyến nghị

Giấc ngủ là một phần quan trọng trong việc phát triển não bộ của trẻ sơ sinh vì phần lớn thời gian của trẻ là dành cho việc ngủ. Theo nghiên cứu của Quỹ Giấc ngủ quốc gia (Nation Sleep Foundation), trẻ em dưới ba tháng nên ngủ từ 13 - 17 giờ/ngày, trẻ từ bốn đến 11 tháng ngủ từ 12-15 giờ ngày, đến khi trẻ lên một - hai tuổi có thể giảm còn 11 - 14 giờ/ngày cho giấc ngủ và trẻ từ ba - năm tuổi cần ngủ 10-13 giờ/ngày. Thế nên, việc cho trẻ ngủ đúng giờ để đảm bảo thời gian ngủ là vô cùng quan trọng.


Nghiên cứu năm 2019 đã cho thấy chất lượng giấc ngủ của trẻ trong hai năm đầu đời có những thay đổi khác nhau. Đáng nói là chất lượng này sẽ giảm rõ rệt vào năm thứ hai (1). Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý xây dựng thói quen cho trẻ ngủ sớm và đúng giờ để củng cố thời gian ngủ đủ giấc.



Những lợi ích của việc ngủ đúng giờ


1. Phát triển trí óc


Có một tương tác hai chiều giữa hormone và giấc ngủ. Một số hormone sẽ tham gia vào nhịp điệu sinh học với giấc ngủ, đồng thời bị ảnh hưởng bởi lượng và chất của giấc ngủ. Những hormone đó bao gồm melatonin, cortisol, leptin, ghrelin, insulin-1, prolactin cùng các hormone kích thích tăng trưởng. Đây là những yếu tố đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy sự phát triển cơ thể. Mức độ hiện diện cao của các hormone này trong huyết tương của trẻ sơ sinh cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ trong những tháng đầu tiên khi bé vừa chào đời.


2. Phát triển thể lực


Một nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em sẽ có nguy cơ bị béo phì nếu ngủ ít hơn 12 giờ đồng hồ mỗi ngày trong hai năm đầu đời (2).

Không chỉ vậy, thiếu ngủ dẫn đến chỉ số cơ thể (BMI) của trẻ cũng cao hơn so với bạn bè đồng trang lứa, độ dày của làn da tăng lên và nguy cơ bé bị thừa cân khi lên ba tuổi. Một nghiên cứu khác ở Singapore cũng cho thấy trẻ em ngủ ít hơn 12 tiếng/ngày trong ba tháng đầu đời cũng có chỉ số BMI cao và chiều cao bị hạn chế.


3. Cải thiện sức khỏe của người mẹ


Một trong những mặt tích cực của việc tập cho trẻ ngủ sớm và đúng giờ chính là cải thiện sức khỏe của người mẹ, giúp "mẹ bỉm" có nhiều thời gian hơn dành cho giấc ngủ của chính mình, từ đó cải thiện một số vấn đề liên quan đến thể trạng và tâm lý. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau hai năm đầu đời của trẻ, những bà mẹ không biết cách dỗ con ngủ sẽ có khả năng trầm cảm cao hơn những bà mẹ biết tập cho con ngủ đủ giấc, đúng giờ (3).



Những phương pháp tập ngủ cho trẻ được khuyến nghị


Phương pháp ru ngủ không nước mắt (No cry no tear)


Đây là một phương pháp được đánh giá là nhẹ nhàng khi bố mẹ luôn ở bên cạnh để vỗ về, trấn an cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Điều lưu ý trong phương pháp này là bố mẹ không nên bế con hay cho con ti sữa khi bé khóc mà chỉ hiện diện bên cạnh dỗ dành. Việc này sẽ lặp lại nhiều lần cho đến khi bé thật sự chìm vào giấc ngủ.


Phương pháp ru ngủ không nước mắt không có nghĩa là trẻ sẽ không khóc trong suốt quá trình đi vào giấc. Cách gọi này chỉ nhằm ám chỉ việc bố mẹ sẽ luôn ở bên đồng hành đến khi nào trẻ cảm thấy yên tâm và ngừng khóc.

Phương pháp này chỉ nên được áp dụng cho trẻ từ bốn tháng tuổi trở lên để đảm bảo bé có thể thích nghi và ngủ xuyên đêm. Thời gian tốt nhất để áp dụng phương pháp này là vào bảy giờ tối để đảm bảo bé có thể ngủ đủ tám tiếng.


Phương pháp "Để cho em khóc" (Cry it out)


Phương pháp này yêu cầu bố mẹ ngoại trừ những vấn đề liên quan đến sức khỏe (như bị ốm, sốt cao, ho khan…) hay các tác động ngoại cảnh (tã ướt, nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc quá nóng…) thì sẽ không can thiệp vào giấc ngủ của trẻ. Thay vào đó, các bậc phụ huynh cứ để mặc bé khóc to cho đến khi mệt lả rồi ngừng khóc và cần lưu ý rằng trẻ có thể khóc lên đến 12 tiếng.


Nhiều người cho rằng đây là một phương pháp cực đoan khi bỏ mặc trẻ khóc một cách khan giọng, thống thiết. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, việc dỗ trẻ ngủ theo phương pháp này mang lại một số hiệu quả nhất định. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy việc để cho trẻ tự khóc không những giảm thời gian quấy khóc của trẻ, mà còn không làm ảnh hưởng đến tình cảm của bố mẹ và bé cho đến khi trẻ 18 tháng tuổi (4).


Phương pháp này được khuyến khích cho bé đã có thể ngủ suốt đêm, điển hình như những bé có độ tuổi từ bốn - tám tháng.


Phương pháp bế lên đặt xuống (Put up put down)


Phương pháp này xuất phát từ cuốn sách "Những bí mật của người thì thầm với trẻ em" (Secrets of babies whisperers) của Tracy Hogg. Theo đó, bố mẹ nên đặt trẻ vào chiếc cũi và nếu bé khóc, bố mẹ sẽ lại ẵm lên, dỗ dành cho đến khi con nín rồi đặt trở lại cũi như cũ. Phương pháp này sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ.


Trái ngược với phương pháp để mặc bé khóc, phương pháp này giúp bé không thấy lạc lõng khi phải tự nín mà luôn có ba mẹ ở bên xoa dịu. Nhiều bà mẹ cũng cảm thấy an tâm hơn khi được ở bên cạnh dỗ con theo kiểu ru ngủ này.


Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm như dễ khiến bố mẹ trở nên mệt mỏi, dẫn đến kiệt sức trong thời gian dài vì liên tục phải dỗ dành con mỗi đêm. Ngoài ra, bé cũng dễ thấy rối loạn khi liên tục bị nhấc lên và đặt xuống, từ đó khó ngủ hơn trước.

Phương pháp "Chiếc ghế biến mất" (The chair method)


Tương tự như việc bế lên đặt xuống, phương pháp ghế cũng là một cách nhẹ nhàng để tập cho bé thói quen đi ngủ. Bố mẹ sẽ đặt con vào cũi và luôn hiện diện gần đó, ngồi trên một chiếc ghế và liên tục trông chừng cho đến khi bé ngủ rồi mới rời khỏi phòng. Nếu bé khóc giữa đêm, bố mẹ lại đến ngồi xuống ghế và vỗ về bé cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ một lần nữa. Hành động này cứ lặp đi lặp lại nhưng bố mẹ sẽ từ từ điều chỉnh khoảng cách giữa ghế và cũi ngày càng xa cho đến khi chiếc ghế hoàn toàn rời khỏi tầm mắt trẻ cũng như phòng ngủ.


Dù là một phương pháp nhẹ nhàng nhưng cách làm này khá "bào mòn sức lực" của bố mẹ khi liên tục phải ngồi trên ghế và trông chừng con, rồi lại trở đi trở lại phòng ngủ của con để di chuyển ghế ra xa theo những khoảng cách cố định. Đây là một công việc có thể gây nhàm chán và dẫn đến ức chế với nhiều bậc phụ huynh đang mệt mỏi sẵn vì những bộn bề lo toan ngoài xã hội.


Một biến thể khác của phương pháp này là "Fading" nghĩa là cha mẹ có thể làm bất cứ hoạt động gì, không nhất thiết là ngồi trên ghế, chỉ cần đảm bảo sự túc trực bên cạnh để bé có cảm giác an tâm. Đây cũng chính là nguyên lý của phương pháp này, đó là luôn có mặt khi bé cần.


Lưu ý khi tập cho trẻ cách đi vào giấc ngủ


Mặc dù còn gây ra nhiều tranh cãi nhưng việc ngủ chung với trẻ vẫn được nhiều bậc phụ huynh đồng ý. Theo nghiên cứu vào năm 2005, việc ngủ chung với trẻ, ít nhất là trong cùng một căn phòng, đối với bé còn bú sữa mẹ, sẽ mang lại nhiều điều tích cực, ví dụ như giảm thiểu sự nguy hiểm đối với tính mạng của trẻ trong những trường hợp khẩn cấp.

Nghiên cứu trong những năm gần đây cũng cho thấy việc hỗ trợ âm nhạc trong giấc ngủ cho trẻ sinh non mang lại nhiều hiệu quả, đặc biệt trong việc ổn định các dấu hiệu quan trọng và phát triển thần kinh.


Massage cũng là một cách để đưa bé ngủ vào sâu giấc hơn. Massage nên được thực hiện trong vòng 30 phút và thực hiện liên tiếp ba ngày bằng cách sử dụng hai giọt tinh dầu oải hương pha với 50 ml dầu nền (ưu tiên dùng loại dầu bôi an toàn cho trẻ sơ sinh).


Việc cho bé ngủ đủ giấc là một việc làm cần thiết để đảm bảo sự phát triển cho trẻ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ nên tập luyện cho con đi vào giấc và ngủ đủ, ngủ sâu càng sớm càng tốt bằng một trong những phương pháp nói trên. Tuy nhiên, không một phương pháp nào là hoàn hảo nhất định cho một đứa trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần quan sát và hiểu rõ con mình để thay đổi phương pháp sao cho phù hợp với từng bé, giúp trẻ bớt quấy khóc trong quá trình làm quen với giờ giấc đi ngủ cũng như có một giấc ngủ ngon hơn.


Σχόλια


bottom of page